Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (30)

21 Tháng Chín 201417:45(Xem: 9482)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (30)


Không vì lợi nhỏ khiến cha con người khác thành xung khắc
Giảng rộng
Đạo cha con vốn nặng hơn cả tình anh em. Anh em trong gia đình bất hòa xích mích là việc xấu trái với đạo đức, nhưng cha con mà đối nghịch chia lìa nhau là dứt mất cả đạo trời. Thử hình dung ví như có người ngoài vì mưu lợi ích riêng mà xúi giục cho cha con ta chia lìa, cốt nhục xung khắc thì sao? Thương thay cha mẹ, ngoái nhìn con cháu mà cảm thương; nheo nhóc cháu con, ngưỡng vọng cha ông cùng đau khổ; liệu có nhẫn tâm làm thế được chăng? Lại dựa theo lý lẽ nào mà làm thế được?
Cho nên, các bậc hiền thánh xưa nay đều dạy rằng, quý trọng cha ông của mình nên phải biết quý trọng các bậc cha ông người khác; thương yêu con em của mình nên phải biết thương yêu con em người khác. Bởi vậy, phải làm sao cho nhà nhà đều hiếu kính mẹ cha, nơi nơi các bậc phụ lão đều được sống lâu hưởng phước, thì tấm lòng hiếu dưỡng cha mẹ của riêng ta mới được trọn vẹn, mà tâm nguyện dạy dỗ con cái của riêng ta mới được an ổn. Nếu không được vậy, xét kỹ lại bản thân ta không khỏi trở thành kẻ bất hiếu với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với con cháu. 
Nói đến sự bất hòa cũng có rất nhiều nguyên nhân. Nếu không do lời qua tiếng lại, ắt cũng vì liên quan đến tiền bạc của cải; nếu không do cha mẹ trước sau có sự thiên vị không công bằng với con cái, ắt cũng vì anh em hai dòng đích thứ, sinh ra thiên lệch bên khinh bên trọng... Tuy nhiên, xét đến căn nguyên tận cùng ắt cũng không ra ngoài một chữ “lợi” trong lời dạy của Đế quân. 
Sở dĩ nói là “lợi nhỏ”, không nhất thiết là chỉ những điều vụn vặt nhỏ nhen, mà ý muốn nói ngay cả đem so những thứ như nhà cửa ruộng vườn với sự bất hòa giữa cha con, ắt phải thấy rằng hết thảy những giá trị vật chất ấy đều là nhỏ nhặt. Nếu bám chấp nơi từ ngữ mà không hiểu được ý nghĩa sâu xa của lời văn như thế, e rằng không khỏi làm trái với lời răn dạy của Đế quân.
Trưng dẫn sự tích
Dụ dỗ con người khác, quả báo tan nhà nát cửa 
Có một người giàu có tên là Từ Trì, ở kế bên nhà Từ Bát. Nhìn thấy nhà Từ Bát phòng ốc rộng lớn đẹp đẽ, Từ Trì liền khởi dã tâm muốn tìm phương kế để chiếm đoạt làm của mình. Nhưng Từ Bát hoàn toàn không có ý định bán nhà. Từ Trì liền lập mưu dụ dỗ đứa con của Từ Bát vào đường cờ bạc, dần dần đam mê hư hỏng, phá nát gia sản, cuối cùng khiến Từ Bát đành phải bán nhà cho Từ Trì. 
Từ Bát trong lòng căm hận lắm, do đó mà cha con bất hòa. Từ Bát buồn giận mà chết. Không bao lâu sau, Từ Trì có 3 đứa con, 5 đứa cháu đều bị bệnh nặng. Từ Trì nằm mộng thấy ông nội hiện về nói: “Tai họa sắp đến rồi. Con còn nhớ không, sau khi con mua được nhà ít lâu thì Từ Bát chết. Ông ấy đã kiện con ở âm ty.” 
Từ Trì tỉnh dậy sợ lắm, liền đến cúng tế cầu đảo ở miếu Thành hoàng. Lúc mới vào miếu, bỗng thấy một người ăn mày lộ vẻ kinh ngạc lắm, liền gạn hỏi nguyên do. Người kia đáp rằng: “Hôm qua tôi tình cờ nằm ngủ trước điện thờ, thấy có một người tay cầm đơn kiện, nói là kiện Từ Trì dụ dỗ con ông ta hư hỏng phá hết gia sản. Thật không ngờ là chính ông là Từ Trì lại đến đây cúng tế cầu đảo, vì thế nên lấy làm kinh ngạc.” 
Từ Trì nghe vậy lại càng thêm sợ, chưa qua hết năm ấy thì bệnh liệt giường rồi chết. 
Lời bàn
Vì thèm muốn nhà cửa người khác mà bày mưu lập kế, phá hoại tình cảm cha con, khiến cho cốt nhục chia lìa, làm cho họ phải tan nhà nát cửa mới thôi, quả thật là tâm niệm hiểm độc. 
Trước đây có quan Thượng thư họ Triệu người Giang Hữu, nhà ở gần với một vị Tỉnh nguyên họ Thường. Họ Thường có khu vườn phong cảnh tuyệt đẹp, Triệu Thượng thư có ý muốn dùng quyền thế chiếm lấy. Họ Thường ngầm biết, bèn làm một bài thơ rồi gửi đến cho Triệu Thượng thư, kèm theo cả giấy tờ bằng khoán của khu vườn. Nội dung bài thơ như sau:
Mênh mông trời đất vốn có phần,
Cơ mưu xảo trá chẳng dễ phân. 
Biển dâu thay đổi nào ai biết?
Gió mát trăng thanh đã bao lần.
Vườn lan ngày cũ nay quên Tấn,
Cửa động đào hoa đón khách Tần.
Vườn kia là chủ, thân là khách,
Hỏi ngài còn được mấy lăm xuân? 
Triệu Thượng thư xem thư rồi liền gửi trả lại giấy tờ bằng khoán, không dám nhận. Nếu so với Từ Trì có thể nói là ông này đã sớm thức tỉnh, hiểu được vấn đề, chuyển họa thành phúc. 
Không dựa quyền thế làm nhục kẻ hiền lương
Giảng rộng
Khi đang có quyền thế, tất nhiên rất dễ trở nên hiển hách, nhưng rồi lại cũng rất dễ mất đi. Đang lúc thanh thế lẫy lừng, ắt kẻ hầu người hạ chen nhau trong nhà, những kẻ xu phụ nịnh hót không thiếu, dù có tùy tiện nói ra điều gì mọi người cũng răm rắp nghe theo. Đến khi thất thế sa cơ, những kẻ gần gũi xu phụ đều quay mặt đi, những người từng chịu ơn giờ như kẻ thù, bấy giờ dẫu có đem hết tâm can mà nói, người ta cũng phớt lờ như chẳng nghe. Cùng là một con người ấy, nhưng lúc thì vồn vã nhiệt tình, khi lại lơ là lạnh nhạt, lẽ đời xưa nay vẫn thường như thế. 
Cho nên phải biết rằng, khi trong tay mình đang có quyền thế còn không nên ỷ vào, huống chi lại dựa nơi quyền thế của người khác? Huống chi lại dựa vào đó để làm nhục kẻ hiền lương? 
Làm nhục người hiền lương là có tội, lại cậy quyền thế để làm nhục người hiền lương, ấy là tội chồng thêm tội. Người sang cả có quyền thế, kẻ giàu có cũng có quyền thế; người làm quan có quyền thế, những thư lại giúp việc quan cũng có quyền thế. Những quyền thế ấy tuy khác nhau, nhưng cái tâm niệm của người muốn dựa vào ắt là giống nhau. Khi đã nghĩ rằng mình có thể dựa vào quyền thế, tự nhiên liền có ý muốn làm nhục người khác. 
Nói đến “hiền lương” thì hiền là hiền lành nhân hậu, vốn là phẩm tính ngược lại của xấu ác; còn lương là lương thiện trong sạch, để phân biệt với sự gian giảo xảo trá đáng khinh. Cả hiền và lương đều là những phẩm tính không nên làm nhục, thậm chí khi gặp người hiền lương thật không nên khởi lên ý niệm làm nhục. Cho nên, nếu dựa vào quyền thế để làm nhục người hiền lương thì tội lỗi ấy đem so với việc làm nhục những kẻ khác là nặng hơn rất nhiều.
Trưng dẫn sự tích
Muốn được thăng chức mà ám hại người 
Vào thời Nam Bắc triều, đời nhà Lương, có người họ Hoành ở Khúc A, cực kỳ giàu có, thường đi Tương Châu buôn gỗ. Trải qua mấy năm buôn bán, có mua được mấy súc gỗ lớn, dài đến hơn 50 trượng, quả thật rất hiếm có. Bấy giờ, Lương Võ đế muốn xây dựng chùa Hoàng Cơ phía trên lăng của Văn Hoàng đế nên tìm mua gỗ quý. Ngay lúc ấy thì gỗ của họ Hoành lại đang được chở đến Nam Tân. Quan hiệu úy Nam Tân là Mạnh Thiếu Khanh, vì muốn triều đình ban chiếu đề bạt trọng dụng mình, nên nghĩ ra kế lập công bằng cách khám xét lục soát quần áo, đồ vật mang theo của họ Hoành, rồi vu cáo đó là đồ ăn cắp, lại nói rằng gỗ của họ Hoành lớn dài vượt quá quy chế xưa nay, không phải loại gỗ buôn bán nên tịch thu tất cả nhập vào kho, nộp lên Võ đế để dùng xây chùa, còn xử họ Hoành tội chết.
Đến ngày bị hành hình, họ Hoành dặn vợ con đặt vào quan tài mình đầy đủ các thứ giấy vàng, bút mực. Họ Hoành lại bảo viết tên họ đầy đủ của Mạnh Thiếu Khanh lên hàng chục mảnh giấy rồi nuốt cả vào bụng.
Họ Hoành bị xử chết chưa quá một tháng thì Thiếu Khanh bỗng nhiên nhìn thấy ông ta hiện đến đòi mạng. Ban đầu còn chống cự trốn tránh, sau chỉ thấy luôn miệng cầu xin tha mạng, cuối cùng thổ huyết mà chết. Tất cả những người có liên quan chính yếu đến vụ án như quan cai ngục, quan văn thảo án, người tâm phúc của Thiếu Khanh... chỉ trong mấy tháng đều theo nhau bỏ mạng. Chùa Hoàng Cơ xây dựng vừa xong bỗng tự nhiên phát hỏa cháy rụi, ngay cả những phần gỗ chôn dưới đất cũng hóa thành tro, không còn lại gì cả.
Lời bàn
Thật đáng buồn thay! Phước đức của chúng sinh thời suy mạt dần dần giảm thiểu, sản vật trong tự nhiên cũng ngày càng kém cỏi hơn. Từ đời nhà Lương đến nay, bất quá cũng chỉ hơn ngàn năm, thế mà nay thử vào tận núi sâu rừng già cố tìm một cây gỗ chừng hơn 20 trượng đã không thể được, huống chi những cây đại thọ cao đến hơn 50 trượng? Nói chung, con người càng nghèo khổ thì cây rừng càng nhanh chóng bị chặt phá nghiêm trọng, huống chi lại thêm yếu tố đất đai ngày càng bạc màu, kém độ màu mỡ hơn. Trong khoảng đời Tùy Đường trở về trước, bông lúa phần nhiều đều dài được hơn một thước, rau quả đều có vị ngon ngọt, hoa cỏ đều tỏa ngát hương thơm, nhưng đến nay thì mọi thứ đều dần dần kém đi không được như xưa. Than ôi! Những lý lẽ sự kiện rõ ràng như thế, chỉ tiếc là vẫn còn rất nhiều người không nhận biết, xin nói ra đây để nhắc nhở, họa may có người tin nhận được chăng?
Bắt chó làm chứng 
Liễu Thăng, tự Bình Chi, người làng Mão Kim, bất tài nhưng chẳng biết do đâu lạm nhận được một chức quan nhỏ, ỷ thế hiếp người bất chấp đạo lý, bản tính lại tham lam ác độc, chỉ tìm mọi cách để kiếm cho được nhiều tiền, dù đối với người thân cũng không chút lưu tình. Huyện lệnh vùng ấy là Ân Thuật Khánh cũng tham lam ác độc, cả hai cùng cấu kết với nhau làm đủ việc xấu ác, kiếm được tiền thì chia chác cùng nhau. Những người bị bọn chúng làm hại, ai ai cũng đau đớn than khóc, khấn vái tố cáo lên thần linh. 
Chưa được nửa năm thì Liễu Thăng bỗng bất ngờ ngã lăn ra chết thảm. Vào lúc chết, mắt tai mũi miệng đều chảy máu tươi. Chỉ mấy hôm sau, Ân Thuật Khánh cũng bệnh nặng rồi chết. Trong khi chờ nhập liệm, thân thể bỗng hóa đầy giòi bọ. Cùng ngày, người nô bộc già của Liễu Thăng với con chó trong nhà cũng lăn ra chết. Qua một đêm, người nô bộc già bất chợt ngồi dậy, nói với vợ: “Tôi đi đến âm phủ rồi, nhìn thấy Diêm vương ngồi trên điện, có quan binh đứng chầu, hiệu lệnh rất nghiêm, dưới thềm thấy áp giải hai người đến, chính là ông chủ với Ân Thuật Khánh, đều bị đánh khảo bằng roi vọt dữ dội lắm, đến nỗi tôi không nỡ nhìn. Diêm vương lại sai mang đến đưa cho tôi một mảnh giấy, trong đó ghi số tiền trước đây tôi đã thay ông chủ đi nhận của người ta, còn con chó đen vốn thường theo tôi mỗi lần đi nhận tiền, nên cho bắt cả tôi và con chó đến để làm chứng. Chốc lát sau, trên điện có tiếng hô: ‘Liễu Thăng, Ân Thuật Khánh, đày cả vào địa ngục, tội này mãi mãi không được ân xá.’ Diêm vương lại đặc biệt tha tôi trở về dương gian, là có ý muốn tôi kể lại mọi việc cho người đời được biết.” 
Lời bàn
Họ Ân cầm quyền huyện lệnh, gieo rắc tội ác khắp nơi, tàn hại muôn người, huống chi lại thêm họ Liễu dưới tay, giúp kẻ tàn độc làm chuyện bạo ngược? Quả báo vào địa ngục tất nhiên không thể nào tránh được. 
Chịu nhục mà chết 
Khâu Mạnh Hoa là người trấn Giác Trực ở Côn Sơn, có đứa cháu gọi bằng cậu tên là Trâu Thọ, thường gây chuyện bất hòa trong nhà với ông. Khâu Mạnh Hoa nói: “Thằng này phải dùng phép quan mà trị, hoặc bắt nó phải chịu nhục thì mới biết hối lỗi.” 
Nghĩ vậy rồi liền sai con trai là Thánh Thời cầm danh thiếp của ông đến đưa cho quan phủ, cậy can thiệp vào. Quan phủ sai người cùng đi với Thánh Thời, bắt Triệu Thọ đến trước công đường, phạt dùng trượng đánh.
Trâu Thọ với Thánh Thời là anh em cô cậu, nay thấy Thánh Thời dựa quyền thế cửa quan làm nhục mình nên căm hận lắm, đến nỗi sau đó phát bệnh cuồng điên, rồi cuối cùng tự treo cổ chết. 
Trải qua ba năm, Thánh Thời ngã bệnh, dùng đủ trăm thứ thuốc thang cũng chẳng thấy công hiệu gì. Một hôm bỗng nhiên bị Trâu Thọ nhập vào xác, kể rõ lại chuyện cũ, lại nói là muốn dùng dao đâm Thánh Thời. Cha mẹ vội đến xem, liền thấy phía dưới cạnh sườn quả thật có vết thương như dao đâm. Khâu Mạnh Hoa liền dùng lời an ủi Trâu Thọ rằng: “Cháu đã chết rồi, không thể sống lại nữa, hay để cậu mợ lập đàn sám hối cầu siêu cho cháu.” Hồn Trâu Thọ nói: “Chuyện đã đưa đến Đông Nhạc, cháu cũng không làm gì được nữa. Ngay hôm nay sẽ tra hỏi, tất nhiên anh ta phải cùng đi với cháu đến đó thôi.” Quả nhiên, chưa qua hết ngày hôm đó thì Thánh Thời đã chết. 
Lời bàn
Thánh Thời chết vào ngày 23 tháng 8 năm Bính Tý thuộc niên hiệu Khang Hy triều Thanh. Về sau tôi có tìm gặp những bạn bè thân hữu của anh ta để gạn hỏi chi tiết, họ đều kể lại không khác với lời kể của Đàm công trên đây. 
Không ỷ giàu sang khinh rẻ người cùng khốn
Giảng rộng
Giàu sang phú quý hay nghèo khổ khốn cùng đều có nhân duyên, tuy có sự khác biệt chẳng giống nhau, nhưng thảy đều là do những gì tự thân mỗi người đã làm trong đời trước. Nhưng xét theo cảnh ngộ trong hiện tại thì sự khổ vui của kẻ nghèo người giàu rõ ràng là cách biệt nhau một trời một vực. 
Người được sống cảnh giàu sang phú quý nên thường giữ tâm trung hậu, thường lo nghĩ đề phòng những lúc nguy cấp, luôn kính cẩn giữ mình thận trọng theo đạo lý, làm việc gì cũng phải biết thương tưởng nghĩ đến những người nghèo khổ cùng khốn, như vậy mới có thể tăng thêm phúc đức của chính mình. 
Ngược lại, nếu thấy người lâm vào hoàn cảnh khốn cùng không có khả năng tự bảo vệ, dễ dàng khinh bạc, liền nhân đó mà đè nén áp bức, xua đuổi, làm nhục hay ngược đãi, hoặc dùng mưu mô gian xảo để bắt phải làm theo ý mình, hoặc dùng cách cho vay nặng lãi để bóc lột, ắt phải chịu quả báo về sau như thế nào có thể dễ dàng biết được, không cần phải nói. 
Nên biết, tiền tài sản nghiệp đều là những thứ đến đi không nhất định, ngày nay vườn hoang vắng vẻ, năm sau đã thành chốn lầu ca nhộn nhịp, nên có ai dám chắc rằng kẻ giàu sang không có lúc trở thành trắng tay cùng khốn? Chi bằng sớm biết giữ theo điều nhân hậu, chẳng phải tốt hơn nhiều sao? Người giàu sang phú quý vốn luôn muốn được giữ mãi cảnh giàu sang phú quý, chỉ tiếc là thường ngược lại cứ gieo nhân cùng khốn. Tai họa ấy vốn xuất phát từ chỗ không biết đến nhân quả, quên đi tự tánh xưa nay của chính mình. 
Kinh Thí dụ dạy rằng: “Người có trí nghĩ đến tiền tài vật chất, biết là không thể giữ lâu. Ví như một ngôi nhà bị cháy, người sáng suốt rõ biết sức tàn phá của lửa, nên từ khi lửa chưa bốc lên đã kịp gấp rút mang hết tài sản ra khỏi nhà. Vì thế, tuy nhà bị cháy rụi nhưng tài sản được bảo toàn trọn vẹn, sau đó xây dựng lại nhà cửa, mở mang cơ nghiệp. Người có trí gieo trồng phúc đức, siêng tu bố thí cũng giống như vậy... Người ngu si khi thấy nhà cháy chỉ biết tham tiếc ngôi nhà, loay hoay tìm cách cứu lửa, không lường biết được sức tàn phá của lửa, nên chẳng những nhà đã không cứu được, mà tài sản cũng không còn gì. Người tham lam keo lận không biết tu hạnh bố thí cũng giống như vậy...” 
Cho nên biết rằng, không khinh rẻ người cùng khốn cũng chính là khéo biết giữ gìn sự giàu có của chính mình.
Trưng dẫn sự việc
Không chèn ép người nghèo 
Huyện Ma Thành thuộc tỉnh Hồ Bắc có một vị quan nọ, tích lũy tài sản được cả ngàn lượng bạc, chuẩn bị để chuộc lại ruộng đất đã bán trước đó 20 năm. 
Đứa con trai trong nhà vừa được 12 tuổi, biết chuyện ấy liền thưa hỏi cha: “Những người mua ruộng của nhà mình trước đây, tổng cộng có bao nhiêu gia đình?” Người cha nói: “Khoảng hơn hai mươi nhà.” Đứa con lại hỏi: “Các nhà ấy mua ruộng của mình rồi, sửa sang gầy dựng tốn kém hết bao nhiêu?” Người cha liền tính hết các loại phí tổn rồi cho con biết. 
Khi ấy, đứa con mới khoan thai nói: “Như vậy, nếu mình chuộc lại theo giá bán trước kia thì các gia đình ấy đều phải chịu thiệt thòi nhiều lắm. Ví như nhà mình có chuộc lại được ruộng, ắt cũng bị thương tổn âm đức. Huống chi nhà mình có tiền thì lo gì không có ruộng, đâu cần phải tranh lấy số ruộng đang nuôi sống hơn hai mươi gia đình ấy? Hơn nữa, các nhà nghèo ấy mua được ruộng rất khó khăn, còn nhà mình muốn mua ruộng lại dễ dàng. Ví như họ nhận lại tiền của mình theo giá trước đây, nay đi mua ruộng thì chỉ còn được phân nửa diện tích, chưa nói đến việc nhà nghèo khổ cầm được tiền vào tay thì đâu dễ không bị hao hụt ít nhiều?” 
Người cha suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Những gì con nói rất hợp lý, nhưng có 18 mẫu ruộng gần phần mộ ông bà thì nhất định phải chuộc lại để dùng vào việc cúng tế và tảo mộ, ngoài ra thôi không chuộc nữa.” 
Đứa con lại nói: “Nếu nhất định phải thế thì nên theo giá hiện nay mà mua, không nhất thiết phải nói là chuộc lại.” 
Người cha làm theo lời con. Do đó, những người có ruộng hết sức cảm kích ân huệ ấy, thường đến miếu thờ Mãnh Tướng trong làng để cầu thần gia hộ cho ân nhân.
Khi người con ấy được 18 tuổi, thi cử liên tiếp đỗ đạt nên được đề bạt làm đến chức Thái thú Nghiêm Châu. Một hôm, anh đang cưỡi ngựa qua cầu thì con ngựa bỗng trở chứng lồng lên nhảy vọt xuống sông. Ngay lúc nguy cấp ấy, bỗng thấy vị Mãnh Tướng hiện ra trên không trung, đưa tay đỡ lấy anh, đặt ngồi xuống ngay ngắn bên thành cầu. Khi ấy mới biết việc người dân lâu nay cầu khấn cho anh quả thật có cảm ứng. Về sau, người con ấy sống thọ đến hơn 80 tuổi. 
Lời bàn 
Theo khế ước mà chuộc lại ruộng là hoàn toàn đúng lý chính đáng, lại có vẻ như không gây tổn hại cho người khác. Nhưng một đứa trẻ mới chừng ấy tuổi mà có thể suy xét thấy được những điều tiềm ẩn bên trong sự việc, thật đáng được cả thần và người kính trọng, được dồi dào phước đức và tuổi thọ. 
Khơi dậy lòng trắc ẩn 
Mai công là người ở Tương Châu, thuộc tỉnh Hồ Nam, trước đây từng làm huyện lệnh Cố An. Một hôm, có viên quan nội giám mang đến biếu Mai công cái giò lợn, nhờ đòi giúp một món nợ. Mai công cho nấu chín giò lợn, mời quan nội giám đến cùng uống rượu rồi cho gọi người thiếu nợ kia đến trách mắng. Người kia biện bạch rằng bởi nhà nghèo khổ quá. Mai công quát: “Thiếu nợ người quyền quý lại dám đem cảnh nghèo ra để khất sao? Phải trả ngay hôm nay, nếu chậm trễ ta phạt trượng đến chết.” 
Người thiếu nợ khóc mà lui ra, quan nội giám có vẻ hơi động lòng trắc ẩn, Mai công liền gọi người kia lại, buồn bã nói: “Thật lòng ta cũng biết anh nghèo lắm, nhưng cũng đành vậy chứ không còn cách nào khác. Thôi anh về gấp rút bán vợ bán con đi, rồi đem tiền đến đây trả cho quan. Chỉ có điều, ta thân làm quan phụ mẫu, như cha mẹ của dân, thật không nỡ khiến gia đình anh phải cốt nhục ly tán, thôi ta chậm cho anh một ngày, anh về vĩnh biệt vợ con đi, xem như trong kiếp này không còn được gặp nhau nữa.” 
Mai công nói đến đây thì người thiếu nợ đau lòng quá khóc rống lên. Mai công cũng khóc, quan nội giám cũng bật khóc, liền thôi không đòi nợ nữa, sau lại hủy luôn giấy nợ. 
Về sau Mai công làm quan đến chức Thị lang, đường công danh càng thêm vinh hiển. 
Lời bàn
Mai công không uốn mình làm theo như ý muốn nhờ vả của quan nội giám, nhưng cũng không làm tổn thương tình cảm với ông ta, lại có thể khiến cho một tấm lòng tham lam âm thầm đổi thay chuyển hóa, chìa khóa cốt yếu để làm được tất cả những điều đó chính là ở chỗ khơi dậy lòng trắc ẩn trong lương tri con người.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3273)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9914)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4196)