Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (31)

21 Tháng Chín 201417:49(Xem: 9075)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (31)


Thân cận người hiền thiện, xa lánh kẻ xấu ác
Giảng rộng
Đế quân dạy rằng: “Gặp người người hiền thiện phải thân cận, gần gũi, vì có thể giúp ta tăng thêm đức tốt của tâm, hạnh lành của thân. Gặp người xấu ác phải xa lánh ngay, vì chỉ trong chớp mắt có thể mang đến cho ta tai họa khôn lường.” Người hiền thiện với kẻ xấu ác, hai đường tốt xấu phân chia rõ ràng; bàn về khí vị thì khác nào như cỏ huân thơm ngát với cỏ du hôi hám; bàn về phẩm loại thì giống như chim phụng cao quý với chim cú đáng ghét. Cho nên mới nói rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Đó là lý lẽ rất tự nhiên.
Thân cận, gần gũi người hiền thiện thì đức hạnh cao quý trong sáng của họ sẽ có tác dụng hun đúc, vun bồi cho bản thân ta. Xa lánh, tránh né kẻ xấu ác thì những tai ương do kẻ ấy gây ra sẽ không dựa vào đâu để có sự dây dưa liên hệ mà gây họa cho ta. Từ hàng thiên tử cho đến dân thường, từ xưa nay ai cũng xem việc gần người hiền, xa kẻ ác là quan trọng thiết yếu bậc nhất. Ấy là vì qua suy xét luôn thấy rằng những tác động, ảnh hưởng của hoàn cảnh chung quanh thường âm thầm làm thay đổi tính nết, tình cảm con người. Người hiền thiện không phải lúc nào cũng làm việc thiện, nhưng trong mọi lúc suy nghĩ, nói năng, hành động, nếu nhận ra điều xấu ác thì lập tức xa lìa. Người xấu ác không phải lúc nào cũng làm việc ác, nhưng trong mọi lúc nói suy nghĩ, nói năng, hành động, nếu nhận ra điều thiện liền tự nhiên tránh đi. Lấy ví dụ như tôi muốn làm một việc thiện, giúp một người nghèo, cứu một sinh mạng, người hiền thiện nếu thấy biết như vậy ắt tìm mọi cách tán thành, hỗ trợ, vì cho rằng việc làm ấy chắc chắn sẽ có phước lành, nhưng người xấu ác thấy vậy lại sẽ tìm đủ cách ngăn trở, vì cho đó là chuyện viển vông vô ích.
Người khuyên răn đã tận tâm hết lời răn nhắc, có lẽ nào người được nghe lại không hết sức nỗ lực làm theo? Theo chỗ tôi biết, có rất nhiều người nhờ hoàn cảnh chung quanh tốt đẹp mà được thay đổi tốt hơn. Bà mẹ của Mạnh tử vì dạy con mà dời nhà đến 3 lần, vì sợ con học quen theo chuyện xấu ác. Bậc thánh hiền còn như thế, huống chi những kẻ tầm thường? 
Mà cũng không chỉ riêng trong loài người, cho đến muôn loài cũng đều như vậy. Thuở xưa, ở nước Hoa Thị có một con voi trắng, sức mạnh có thể tiêu diệt kẻ thù địch. Khi người trong nước phạm tội chết, vua liền ra lệnh bỏ vào chuồng cho voi đạp chết. Về sau, chuồng voi bị cháy nên người ta chuyển nó về nơi ở mới, gần một ngôi chùa. Voi được nghe vị tỳ-kheo trong chùa tụng kinh Pháp cú, đến câu “Làm thiện được sinh cõi trời, làm ác phải xuống địa ngục” thì lộ vẻ kinh sợ, dường như có chỗ nhận hiểu. Từ đó khi người ta mang tội nhân đến thì voi không đạp chết nữa, chỉ đưa vòi ngửi, thè lưỡi liếm mà thôi. Vua biết chuyện ấy, liền đưa voi đến ở gần lò mổ. Voi thường ngày nhìn thấy cảnh giết hại, tâm xấu ác lại hừng hực bốc lên như xưa. 
Cho nên, ảnh hưởng của những điều thấy nghe chẳng phải là quan trọng lắm sao? Gặp được người hiền thiện, chẳng những là tự thân mình nên thân cận gần gũi, mà còn phải khuyên dạy con em mình cũng nên thân cận gần gũi. Lại không chỉ dạy con em mình thân cận gần gũi, mà đối với tất cả những người thân thiết hoặc quen biết, mỗi khi có dịp trò chuyện đều nên khuyên họ thân cận gần gũi người hiền thiện ấy. Ngược lại, nếu thấy kẻ xấu ác, chẳng những tự mình phải tránh né, xa lánh, mà còn phải khuyên con em mình xa lánh. Lại không chỉ dạy con em mình xa lánh, mà đối với tất cả những người thân thiết hoặc quen biết, nếu có dịp nói ra một lời trung thực thì đều nên khuyên họ phải tránh xa kẻ ấy.
Vì sao vậy? Vì hai đường thiện ác không theo cùng hướng, không thể cùng đi. Nếu không được thân cận gần gũi người quân tử, ắt sẽ phải gần gũi kẻ tiểu nhân. Người hiền thiện rất dễ bị lôi cuốn vào đường xấu ác, nhưng người xấu ác lại rất khó chuyển hóa đi theo đường thiện. Tôi thường thấy những người dân quê xóm nhỏ suốt ngày tụ tập, nói năng bừa bãi; có kẻ thì rượu chè say sưa hung hãn, dẫn đến chỗ tan nhà nát cửa, thân mạng cũng không còn; có kẻ thì ưa dùng sức mạnh, gây gổ đấu đá, lại cũng dẫn đến tan nhà mất mạng; lại có kẻ đắm chìm trong cờ bạc, mê say gái làng chơi, lại cũng tan nhà nát cửa, thân mạng không còn. Xét kỹ những việc tự rước tai ương, gây bao họa hại như thế, nguyên nhân ban đầu cũng chỉ khởi sinh bất quá là từ vài ba tên đồng lòng hợp ý, trong một lúc cao hứng làm ra những việc xấu ác, rồi những người khác dần dần bắt chước làm theo, hoàn toàn không ngờ được là tai họa về sau lại có thể nặng nề ghê gớm đến như thế. Ví như có thể đem tấm lòng nhiệt thành thân cận gần gũi những kẻ vô loại ấy mà đổi thành thân cận gần gũi người hiền thiện; có thể sử dụng những tiền bạc tổn phí để kết giao với đám đầu trâu mặt ngựa ấy để kết giao với những bậc quân tử đức hạnh cao thượng, thì hẳn là đã có thể tu tập được thiện nghiệp, vun bồi thêm đức hạnh, chuyển họa thành phúc, mà sự lợi lạc dài lâu cũng không chỉ dừng lại ở đó. 
Vì đâu nên nỗi rơi vào những tình trạng không lối thoát như trên? Ấy là bởi cha mẹ, vợ con đều là những người thân thích thương yêu nhất của họ, nhưng đã không thận trọng trong việc giữ gìn bảo vệ, để cho họ gần gũi tiếp xúc với đám vô loại hư hỏng, thật đau xót đáng thương thay! Để việc đã xảy ra rồi mới hối tiếc, sao bằng hết sức thận trọng xa lánh ngay từ đầu?
Trưng dẫn sự tích
Mười lần mang lễ cầu học 
Đời Bắc Tống có người tên Mã Thân, tự là Thời Trung, tuổi còn trẻ đã đỗ tiến sĩ. Trong khoảng niên hiệu Sùng Ninh đời Tống Huy Tông, quan Thượng thư Tả thừa là Phạm Trí Hư cấm hẳn việc truyền bá học thuật Nguyên Hữu. Những người thuộc Tân đảng của Phạm Trí Hư được bổ nhiệm làm quan học sứ các nơi, luôn tra xét gắt gao chuyện này. Những nhà Nho uyên bác theo học với họ Trình đều sợ mà giải tán cả. 
Bấy giờ, Mã Thân được bộ Lại bổ nhiệm về làm quan Pháp tào ở Tây kinh, lập tức đến xin theo học, nhưng Trình tiên sinh sợ làm liên lụy đến Mã Thân nên dứt khoát từ chối. Mã Thân kiên trì mười lần mang lễ vật đến, lễ lạy ngày càng cung kính hơn, lại nói: “Nếu Thân này được nghe đạo thì chết cũng không hối tiếc, huống hồ chưa hẳn đã phải chết.” 
Từ đó kiên trì lui tới tham học với Trình tiên sinh đến ba năm, bất kể khi nào vừa rảnh được việc công, dù gặp mưa gió cũng không ngần ngại, đều tìm đến chỗ Tiên sinh để học. Bạn đồng liêu có nhiều lời chê bai công kích, Mã Thân đều gác ngoài tai không quan tâm đến. Nhờ đó học hỏi được ở Trình tiên sinh rất nhiều.
Lời bàn
Thời bấy giờ có nhiều học thuyết khác nhau, tranh luận không thôi khiến người ta thường sinh tâm nghi hoặc. Bạn đồng liêu đều lo sợ ông gây họa liên lụy đến họ, Mã Thân liền có ý muốn bỏ quan chức để theo học với Trình tiên sinh. Người biết chuyện đều thán phục ngợi khen ông là người có chí khí mạnh mẽ trong việc cầu học, tương lai chắc chắn đức hạnh cũng như sự nghiệp đều sẽ nhờ đó mà phát triển. 
Gặp việc ác không thèm so đo 
Huyện Thái Thương, tỉnh Giang Tô, có quan Hàn lâm Học sĩ là Vương Hiến Doãn, tên húy là Cát Vũ. Vào mùa thu năm Nhâm Tý thuộc niên hiệu Khang Hy, Hiến Doãn vừa thi đỗ Cử nhân, vượt đường xa trở về nhà, đi trong đêm gần đến cổng làng thì bỗng gặp một gã say rượu giữ lại, quát hỏi: “Mày là thằng nào?” Lại cầm dao muốn chém xuống. Hiến Doãn nghiêm mặt nói: “Ta họ Vương, vừa thi đỗ Cử nhân khoa này.” Gã say rượu liền nói: “Ta chính là đang muốn giết tên họ Vương vừa đỗ Cử nhân.” Nói rồi lập tức ra sức tấn công, may nhờ khi ấy có nhiều người trong làng kịp đến ngăn cản.
Hiến Doãn về nhà cũng không kể lại chuyện này với ai cả. Sáng hôm sau, gã say tỉnh rượu, nghe người khác kể lại chuyện đêm qua thì kinh hồn hoảng vía, tin chắc việc này thế nào cũng đến tai quan phủ, sẽ bị trừng phạt nặng nề theo pháp luật. Gã ta liền nhờ một số người làng cùng đưa đến trước cửa nhà Hiến Doãn xin nhận tội. Tiên sinh đóng cửa không tiếp, nói rằng đêm qua mình cũng không bị thương tổn gì. Gã kia chẳng biết nói sao, hoang mang thất vọng ra về. 
Lời bàn
Người có đức hạnh ắt có thể khoan dung tha thứ, vì sự tu tập hàm dưỡng đã đạt đến mức tinh thuần tốt đẹp. Người có phúc lớn mới có thể nhẫn nhịn, vì có tấm lòng rộng mở bao dung. Thử hình dung Vương Hiến Doãn khi ấy là một người tuổi trẻ vừa đắc chí, bỗng gặp phải một tên bạo ngược tấn công vào lúc đêm tối trên đường về nhà, thế mà chẳng những không thèm tính toán so đo với hắn, cho đến cũng không cần kể lại việc này với người trong gia đình, như thế thì đâu chỉ là thấy kẻ xấu ác liền tránh xa, mà là thậm chí trong lòng không khởi lên cái ý niệm tránh xa đó nữa. 
Chết vì bạn ác 
Trấn Phủ Lý ở Côn Sơn có người tên Mã Kế, tự thị mình giỏi võ nghệ, lắm công phu, liền kết nghĩa huynh đệ với mấy tên nữa, cùng tụ tập suốt ngày nhậu nhẹt gây sự. Gần đó có một nhà buôn rất giàu, có hai đứa con cũng sai lầm gia nhập vào bọn Mã Kế.
Một hôm, Mã Kế thấy có người khách buôn tên Chung Thông đến trấn này thu tiền, nhiều đến mấy trăm lượng bạc, có ý muốn cướp lấy, liền rủ hết bọn đồng đảng cùng đi, trong số đó thì hai đứa con nhà buôn kia cũng đi theo nhưng không biết chuyện gì cả. Bọn chúng đợi thuyền vừa qua gò Liên Hoa liền đuổi theo, giữ thuyền lại rồi cướp sạch hết tiền của. 
Khi người khách buôn Chung Thông vừa lên được trên bờ liền to tiếng hô hoán, gọi mọi người bắt cướp. Dân làng sống gần bờ sông nghe tiếng gọi cùng kéo đến, bốn phía cùng vây đuổi, lại vừa lúc gặp thuyền tuần tra bắt cướp trên sông vừa đi ngang, cùng hợp sức đuổi bắt không sót tên nào cả.
Bọn Mã Kế sau đó đều lần lượt chết trong lao ngục, còn lại mấy tên Trần Quý, Cố Tổ, Chu Nhị thì bị mang ra chém bêu đầu răn chúng vào tháng 7 niên hiệu Khang Hy thứ 11. Hai đứa con của nhà buôn kia rơi vào cảnh tình ngay lý gian, không biện bạch gì được, cuối cùng bị xử tội tử hình.
Lời bàn
Lại có một người được người khác tặng cho chiếc áo, không ngờ đó là đồ ăn trộm. Sau bị người mất áo bắt đưa lên quan, cuối cùng phải chết trong ngục. Cho nên, nhìn thấy những kẻ xấu ác phải biết kinh sợ mà tránh xa đi. 
Không truyền rộng điều ác, thường tán dương điều thiện
Giảng rộng
Kẻ gian hiểm luôn đem hết sức lực của mình ra mà ngày đêm cố làm việc ác, đó là thực chất của cái ác. Làm việc ác rồi thì phải tìm mọi cách giấu giếm che đậy, chỉ sợ người khác biết được, đó là tiếng tăm của cái ác. Những việc xấu ác nếu như không ẩn giấu đi thì thế gian này ắt sẽ nối nhau truyền rộng, nhiều đến mức không còn chỗ để dung chứa.
Các bậc hiền triết ngày xưa dạy rằng: “Nghe nói đến lỗi lầm của người khác như nghe tên họ cha mẹ mình, chỉ có thể nghe nhưng miệng không được lặp lại.” Thật vĩ đại thay! Quả đúng là luận thuyết của bậc quân tử nhân hậu. Những kẻ tầm thường nhỏ nhen thường rất thích nghe nói lỗi của người khác, lại quen thói rêu rao truyền rộng đến nhiều người khác nữa, luôn nói rằng đó là những điều hết sức chắc chắn, xác thực, thậm chí còn tô điểm vẽ vời thêm, khiến cho người khác phải tán hoại thanh danh. Những kẻ ấy nếu như không gặp tai họa ngay trước mắt do người trừng phạt hoặc bị luật trời tru diệt trong chốn âm ty thì quả là hiếm thấy! 
Những điều xấu ác tinh tế nhỏ nhặt tất nhiên không được truyền rộng, mà điều xấu ác trong việc lớn lao lại càng không được truyền rộng. Những điều xấu ác ở nam giới cũng không được truyền rộng, mà những xấu ác nơi người phụ nữ lại càng không được truyền rộng. Những điều xấu ác của tự thân mình thì tất nhiên không thể truyền rộng, mà những xấu ác của tổ tiên dòng họ lại càng không thể truyền rộng. Nói chung, tiếng tăm lan truyền của những điều xấu ác càng lớn lao, thì công đức của việc không truyền rộng lại càng lớn lao. Những kẻ không lưu tâm đến việc gìn giữ không truyền rộng việc xấu ác, thảy đều không có được cái phúc của sự không truyền rộng việc ác.
Khổng tử khi luận về những lợi ích của niềm vui có dạy: “Vui nói đến việc thiện của người khác.” “Nói đến” có nghĩa là truyền rộng cho người khác biết, tức là tán dương việc thiện ấy. Con người thật khó nói ra được điều thiện, khó làm được việc thiện. Nếu thấy được một điều hiền thiện đức hạnh, ta nên ngợi khen truyền rộng ra, ắt là người làm được việc thiện ấy sẽ càng tinh tấn hơn trong việc làm thiện, như vậy tức là ta đã cùng làm việc thiện với người. 
Cho nên, việc thiện ở bậc thánh hiền ắt có thể thúc đẩy, phát triển phong tục tốt đẹp; việc thiện ở trong xóm làng ắt có thể cảnh tỉnh cải hóa kẻ ương ngạnh ngu si. Chỗ cốt yếu để có thể đạt được kết quả như vậy chính là nhờ có sự ngợi khen xưng tán, không để tâm thiện của người khác bị che lấp quên lãng không ai biết đến. 
“Điều thiện” trong lời dạy của Đế quân có ý nghĩa rất rộng, bao gồm từ lời nói đến việc làm, dù nhỏ nhặt hay lớn lao, cho đến hết thảy những điều mắt thấy tai nghe khắp chốn xa gần, từ xưa đến nay.
Việc “tán dương” cũng mang ý nghĩa rất rộng, bao gồm cả việc dùng lời nói hay giấy bút để ngợi khen tán thán điều thiện; hoặc khuyến khích người khác ngợi khen tán thán điều thiện; hoặc tự mình làm, hoặc dạy bảo người khác làm việc ngợi khen tán thán điều thiện.
Trưng dẫn sự tích
Khẩu nghiệp đời trước 
Khi đức Phật đang thuyết pháp tại tinh xá Kỳ Hoàn, có 60 vị Bồ Tát vừa mới phát tâm Bồ-đề, cùng tìm đến chỗ Phật, đảnh lễ năm vóc cùng sát đất, rồi nước mắt tuôn như mưa, mỗi người đều muốn thưa hỏi về nghiệp duyên đời trước của mình. 
Đức Phật dạy: “Vào thời đức Phật Câu-lưu-tôn ra đời, tất cả các ông đều xuất gia học đạo, nhưng không bao lâu thì tâm đạo dần dần thối thất. Thời bấy giờ có một vị thí chủ đức tin sâu vững, hết sức cung kính cúng dường hai vị pháp sư. Khi ấy, các ông lại sinh tâm ganh tỵ, liền đến chỗ vị thí chủ kia mà nói lỗi của hai pháp sư, khiến người thí chủ kia dần dần khởi tâm khinh dễ, xem thường hai vị pháp sư, tự dứt mất căn lành. Do nhân duyên xấu ác đó mà các ông đều đã bị đọa vào đủ bốn loại địa ngục, trải qua hàng vạn năm, sau đó mới được sinh làm người, nhưng trong 500 kiếp thường phải chịu cảnh mù lòa, ngu si không trí tuệ, bị người khác khinh miệt. Trong tương lai, các ông sau khi chết rồi, vào khoảng 500 năm mà Chánh pháp suy diệt, lại sẽ phải sinh ra ở những cõi nước xấu ác đầy dẫy những người xấu ác, làm người hèn kém hạ tiện ở đó, thường bị người khác phỉ báng, tự mình quên mất bản tâm. Trải qua hết 500 năm ấy rồi mới dứt trừ được hết thảy nghiệp chướng, được sinh về cõi nước của đức Phật A-di-đà ở thế giới Cực Lạc, được đức Phật A-di-đà thọ ký cho việc về sau chứng quả Bồ-đề.”
Lời bàn
Các tội lỗi như hủy báng Tam bảo, bác bỏ nhân quả, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, đều thuộc về tội nặng nhất, đó là vì những tội này làm dứt mất căn lành, che lấp trí tuệ của người khác. 
Người thế tục khi thấy kẻ khác thiết trai cúng dường chư Tăng Ni, nói ra những lời ngăn cản, thường là có hai nguyên do: Một là bẩm tính cay nghiệt, chỉ biết lấy việc chê trách chế nhạo người khác mà cho là giỏi giang, tài cán; hai là mê muội không biết có chuyện kiếp trước đời sau, nên không biết rằng ngôi Tam bảo là ruộng phước lớn của thế gian. 
Dư báo của khẩu nghiệp 
Ở nước Kế Tân có vị A-la-hán tên là Ly Việt, vào trong núi sâu tu tập thiền định. Một hôm, có kẻ mất trâu đi tìm, theo dấu vết mà đến chỗ đó. Gặp lúc ngài Ly Việt đang nấu cỏ để nhuộm y, bỗng tấm y biến thành da trâu, nước nhuộm biến thành máu trâu, cỏ nấu biến thành thịt trâu, bình bát đang ôm biến thành đầu trâu. Người chủ mất trâu thấy vậy liền bắt ngài đưa lên quan địa phương, tống giam vào ngục, ở trong ngục 12 năm phải lo việc nuôi ngựa và dọn phân ngựa. 
Khi nghiệp duyên sắp hết, đệ tử của ngài Ly Việt từ xa dùng thần nhãn nhìn thấy thầy mình bị giam trong ngục ở nước Kế Tân, liền đến nói với vua nước ấy. Vua nghe xong nói rằng, trong ngục nếu có vị tăng nào xin ra khỏi ngục. Ngài Ly Việt vừa nghe thì râu tóc tự rụng, toàn thân bay vọt lên giữa hư không, hiện đủ 18 phép biến hóa. Đức vua nhìn thấy lấy làm xấu hổ, quỳ xin sám hối tội đã giam cầm A-la-hán. 
Ngài Ly Việt liền dạy rằng: “Vua không có tội, đó là do nghiệp duyên đời trước của ta. Trong đời quá khứ, ta có lần bị mất trâu, nhân đó mà nghi ngờ vu oan cho một vị A-la-hán, mắng chửi vị ấy suốt một ngày đêm. Do tội ấy mà đã phải đọa vào ba đường ác, gánh chịu vô số khổ não. Đến nay tai ương vẫn còn chưa dứt, nên tuy đã chứng quả A-la-hán mà vẫn bị vu oan, báng bổ.” 
Lời bàn
A-la-hán là bậc tu hành đã dứt được sự tái sinh, thoát khỏi luân hồi, vậy mà vẫn không thoát được dư báo của nghiệp, đó là vì kẻ oan gia đối nghịch của họ vẫn còn đó. Tuy nhiên, cần phải biết rằng nghiệp quả mà vị A-la-hán lãnh chịu hoàn toàn không giống với nghiệp quả mà người đời lãnh chịu. Cũng như đồ đựng thức ăn của chư thiên tuy giống nhau, nhưng thức ăn có sự tinh khiết hay thô xấu khác nhau, lại cũng giống như voi, ngựa với thỏ, ba con thú cùng bơi qua một dòng sông, nhưng cảm nhận của mỗi con về độ sâu của dòng sông đều khác nhau. Vì thế nên không thể luận giải sự việc theo cùng một cách như nhau được. 
Quả báo của lời nói thêu dệt 
Huyện Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Phan Thư Thăng, tên húy là Tông Lạc, vào mùa thu năm Giáp Tý trong khoảng niên hiệu Khang Hy, một hôm nằm mộng thấy mình đi đến điện Quan đế, gặp lúc đang chuẩn bị phát quyển thi. Khi xướng tên vị thủ khoa, người bên cạnh liền đá nhẹ vào chân ông, đến tên người đỗ thứ hai thì chính là tên ông, rồi đến người đỗ thứ ba, thứ năm... đều không thấy ai đến. Lại thấy trên tường treo một tấm bảng vàng, ghi tên người đỗ thủ khoa có hai chữ “Vi Tiếp” nhưng không thấy ghi họ gì. Trong chốc lát bỗng thấy có một người mặt đỏ cầm mũ khôi nguyên đến đội lên đầu mình. 
Phan Thư Thăng tỉnh dậy lấy làm ngờ vực lắm. Đến lúc niêm yết bảng, quả nhiên Phan Thư Thăng đỗ thủ khoa đúng như trong mộng. Nhân đó Thư Thăng liền thử dò hỏi xem có ai là người mang tên “Vi Tiếp”. Không bao lâu sau liền tìm ra được người ấy chính tên là Phó Lộc Dã, người huyện Lâu ở Giang Tô, liền tìm đến thăm viếng. Nhân đó mới biết họ Phó là người vốn nổi tiếng giỏi văn chương từ lâu, quan chủ khảo đã định chấm đỗ đầu. Qua hai trường thi, họ Phó đều đứng đầu, kết quả chấm bài hết sức tốt đẹp, nhưng không biết sao đến trường thi thứ ba thì quyển thi của họ Phó bị thất lạc không tìm thấy, vì thế mà bị đánh rớt.
Họ Phó vốn có tài ăn nói, bình sinh vẫn thường nhiều lời thêu dệt hoa mỹ, lại thích nói những chuyện khiếm khuyết của người khác, nên phải chịu quả báo như thế. Sau khi yết bảng rồi, quan chủ khảo vì yêu thích văn chương của họ Phó nên có đặc biệt cho mời đến gặp mặt. 
Từ đó về sau, họ Phó ôm hận trong lòng ấm ức không nguôi, chẳng bao lâu thành bệnh cổ trướng mà chết. 
Lời bàn 
Khẩu nghiệp của những người viết văn chỉ riêng có việc nói thêu dệt là thường gặp nhất. Những tâm sự đau lòng của người khác, họ lại có thể bóp méo thành chuyện thị phi đàm tiếu, khiến người truyền nói càng thích thú bao nhiêu thì nạn nhân càng đớn đau ôm hận sâu xa bấy nhiêu. Thường thấy những nhà văn có tài trí nhưng lại nghèo cùng khốn khổ, vất vả khó nhọc, thậm chí cuộc sống không bằng được hạng bình dân buôn gánh bán bưng, không kiếm nổi miếng cơm manh áo cho đầy đủ. Thực trạng ấy há có thể lại không do nhân duyên từ đời trước? Nếu có thể nuôi dưỡng tâm nhân hậu, thường ôm lòng lo nghĩ đến việc tán dương điều thiện, không truyền rộng điều ác, thì bốn nghiệp xấu của miệng dù không muốn giảm bớt cũng tự nhiên được giảm bớt.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3259)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9894)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4180)