Nhị Tổ: Tôn Giả A-Nan-Đà

23 Tháng Bảy 201416:11(Xem: 4908)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH 
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập 
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

Nhị Tổ: Tôn Giả A-Nan-Đà

 

Nhị TổPhiên âm Hán Việt:   

Tôn giả, Vương Xá thành nhân, Hộc-Phạn vương tử, Phật chi tòng đệ giả, đa văn đệ nhất. Nhất nhật vấn Ca-Diếp viết : ‘Sư huynh ! Thế Tôn truyền kim lan cà sa ngoại, biệt truyền cá thập ma ?’ Ca-Diếp triệu : ‘A-Nan !’ Tôn giả ứng nặc. Ca-Diếp viết :‘Đảo khước môn tiền sát can trước’. Hậu Ca-Diếp nãi cáo tôn giả viết : ‘Ngã kim niên bất cửu lưu, kim tương chánh pháp phó chúc ư nhữ, nhữ thiện thủ hộ.’ Hậu tôn giả chuyển phó pháp ư Thương-Na-Hòa-Tu, ư Hằng hà trung lưu nhập diệt, dũng thân hư không, hiện thập bát biến, nhập phong phấn tấn tam muội, phân thân tứ phần, nhất phụng Đao-Lợi thiên, nhất phụng Sa-Kiệt-La long cung, nhất phụng Tỳ-Xá-Ly vương, nhất phụng A-Xà-Thế vương. Các các tạo bảo tháp cung dưỡng.

 

Dịch :

  Tổ thứ hai: Tôn Giả A-Nan-Đà

Tôn giả, người thành Vương Xá, con ông hoàng Hộc-Phạn, tức là em con chú của đức Phật, đa văn bậc nhất.

Một hôm tôn giả hỏi Tổ Ca-Diếp :

- Khi Thế tôn truyền lại áo cà-sa vàng cho sư huynh, có còn truyền cái gì khác nữa chăng?

Tổ Ca-Diếp bèn gọi :

- A-Nan !

Tôn giả đáp lại :

- Dạ!

Tổ Ca-Diếp bảo :

- Đổ cột phướn trước cổng !

Về sau Tổ Ca-Diếp bảo tôn giả :

Năm nay ta không ở lại lâu nên bây giờ ta giao phó chánh pháp cho ông, ông hãy khéo gìn giữ.

Sau này tôn giả truyền pháp cho Thương-Na-Hòa-Tu, rồi ra giữa dòng sông Hằng mà nhập niết-bàn. Thân Ngài nhảy vọt lên không trung, hiện ra mười tám cách biến hóa, rồi vào trong định ‘ phong phấn tấn’. Thân Ngài chia làm bốn phần, một phần cung dưỡng trời Đao Lợi, một phần cung dưỡng long cung Sa-Kiệt-La, một phần dành cho vua Tỳ-Xá-Ly, một phần cho vua A-Xà-Thế. Các nơi đều dựng bảo tháp để thờ Ngài. 

 

Tán

Đa văn tổng trì

Tuệ tánh viên ngộ  

Đảo khước sát can  

Lưỡng thủ phân phó

Nan huynh nan đệ

Thị tử thị phụ  

Tuy nhiên như thử  

Hội sự hậu tố.  

 

Dịch : 

Đa văn tổng trì

Trí huệ viên ngộ

Đổ cột cờ phướn

Hai tay giao phó

Ai anh ai em? 

Cha đó con đó! 

Tuy là như vậy

Vẽ xong giấy trắng. 

Hoặc thuyết kệ viết :  

A-Nan đa văn vị dụng công

Ma-Đăng-Già nữ sính tà phong

Thủy tri đạo lực thiểu kiên cố

Chung bị dâm thất khốn quyết cung

Phật đảnh Lăng Nghiêm nhiếp hoàn bổn

Văn Thù Sư Lợi trì cúu ứng

Kết tập kinh tạng truyền vạn cổ

Pháp môn mệnh mạch lưu tây đông.

Tuyên Hóa Thượng Nhân tác

 

Dịch :

A-Nan đa văn chửa dụng công

Ma-Đăng-Già giở thói tà phong

Mới hay đạo lực chưa kiên cố

Xui nên bị hãm trong nhà dâm

Văn Thù Sư Lợi đi cứu ứng

Dùng chú Lăng Nghiêm giải thóat về

Kết tập kinh tạng truyền vạn cổ

Phật pháp khơi dòng khắp tây đông. 

Thượng Nhân Tuyên Hóa soạn

 

Giảng Thoại

 

Bài truyện :  

Tôn giả, Vương Xá thành nhân, Hộc-Phạn vương tử, Phật chi tòng đệ giả, đa văn đệ nhất. : Ma-ha Ca-Diếp là tổ sư đời thứ nhất, tôn giả A-Nan là tổ sư đời thứ nhì. Ngài A-Nan là dân thành Vương-Xá, con ông hoàng Hộc-Phạn, tức em con chú của đức Phật, là người đa văn bậc nhất. Tất cả những kinh điển Phật nói đều do tôn giả thuộc lòng mà đọc ra khi kết tập tại núi Kỳ-Xà Quật, trước sự ấn chứng của đại chúng. Phật nói pháp nào tôn giả cũng ghi nhớ rành mạch rõ ràng không quên, chứng tỏ trí nhớ của Ngài quả là phi thường.  

Nhất nhật vấn Ca-Diếp viết : ‘Sư huynh ! Thế Tôn truyền kim lan cà sa ngoại, biệt truyền cá thập ma ?’ : Một hôm tôn giả hỏi Ngài Đại Ca-Diếp : ‘Khi Thế Tôn truyền áo cà-sa cho sư huynh, còn có truyền pháp gì riêng nữa chăng ?’  

Ca-Diếp triệu : ‘A-Nan !’ Tôn giả ứng nặc : Ngài Đại Ca-Diếp liền dùng phương cách gọi : ‘A-Nan !’ Tôn giả liền ứng thanh đáp lại.  

Ca-Diếp viết :‘Đảo khước môn tiền sát can trước’ : Tổ Ca-Diếp nói : ‘Xô đổ cột phướn trước cổng cho ta !’  

Hậu Ca-Diếp nãi cáo tôn giả viết : ‘Ngã kim niên bất cửu lưu, kim tương chánh pháp phó chúc ư nhữ, nhữ thiện thủ hộ.’ : Sau đó Ngài Ca-Diếp bảo tôn giả : ‘Nay ta già rồi không muốn ở đây lâu nên ta truyền thọ chánh pháp nhãn tạng cho ông, ông hãy gìn giữ cho khéo’. Chữ phó chúc có nghĩa là truyển thọ.  

Hậu tôn giả chuyển phó pháp ư Thương-Na-Hòa-Tu : Về sau tôn giả A-Nan lại giao chánh pháp nhãn tạng cho tôn giả Thương-Na-Hòa-Tu (Chú 1).  

Ư Hằng hà trung lưu nhập diệt, dũng thân hư không, hiện thập bát biến, nhập phong phấn tấn tam muội : Ngài A-Nan nhập diệt tại nơi sông Hằng, tức là Ngài viên tịch ở chỗ này. Khi nhập diệt, thân Ngài không nằm chết ở đó, mà bay vút lên không trung và biến hóa mười tám cách. Những ai đã chứng quả có thể biến hóa như vậy, hoặc giả hiện ra lửa phun trên thân, lửa phun dưới thân, hoặc giả trên phun nước, hay hiện thân lơ lửng trên không, trong tư thế nằm, có lúc thì ngồi, tóm lại thân hình biến hóa trên không trung một cách tự tại. Lúc bấy giờ, gió còn nổi lớn, trời làm sấm sét nữa, đó là do tôn giả đi vào định, loại định gọi là ‘phong phấn tấn’.  

Phân thân tứ phần, nhất phụng Đao-Lợi thiên, nhất phụng Sa-Kiệt-La long cung, nhất phụng Tỳ-Xá-Ly vương, nhất phụng A-Xà-Thế vương. Các các tạo bảo tháp cung dưỡng : Sau khi trà-tỳ, xá lợi của tôn giả chia ra làm 4 phần : một phần cung dưỡng trời Đao Lợi, một phần cung dưỡng long cung Sa-Kiệt-La, một phần chia cho vua Tỳ-Xá-Ly, một phần chia cho vua A-Xà-Thế. Các nơi nhận xá lợi đều cho xây tháp để thờ phượng.

 

Bài Tán 

Đa văn tổng trì

Tuệ tánh viên ngộ  

Đảo khước sát can  

Lưỡng thủ phân phó

Nan huynh nan đệ

Thị tử thị phụ  

Tuy nhiên như thử  

Hội sự hậu tố.  

Đa văn tổng trì, tuệ tánh viên ngộ : Đây là nói về tính cách đa văn của tôn giả. Số là kể từ lúc đức Phật bắt đầu chuyển pháp luân cho tới khi vào niết-bàn, Phật nói ra câu nào tôn giả cũng ghi nhớ hết và có như vậy trong kỳ kết tập, các kinh điển mới được gom lại do công của tôn giả cùng với sự góp sức của các vị đại A-La-Hán. Tôn giả là người đa văn, cường ký, tức có ý nói tôn giả đã từng xem nhiều sách, đọc nhiều, lại có trí nhớ bền lâu. Tổng trì có nghĩa là thâu tóm hết mọi pháp và giữ hết các ý nghĩa của chúng không bỏ sót. Đây là đặc tính của định tổng trì, khiến cho trí huệ dược tròn đầy, chứng tỏ tôn giả đã ngộ đạo.  

Đảo khước sát can, lưỡng thủ phân phó : Tổ Ca-Diếp bảo tôn giả xô đổ cột phướn trước cổng, sau đó đưa y bát cho tôn giả.  

Nan huynh nan đệ, thị tử thị phụ : Anh em bạn đạo như hai vị kể trên thật khó kiếm ra và cũng khó mà biết được vị nào đáng là cha, còn vị nào là con !  

Tuy nhiên như thử, hội sự hậu tố : Tuy nói là như vậy, kỳ thực chẳng có gì, hết thảy mọi pháp đều là không. Câu ‘hội sự hậu tố’ có nghĩa là vẽ xong một bức họa trên giấy rồi mầu giấy hoàn trở lại trắng bạch, chẳng thấy vết tích gì. Trong các vị có ai học được lối vẽ đó chăng ? Quét sạch mọi pháp, ly hết mọi tướng, chẳng còn gì hết !  

 

Bài kệ :

A-Nan đa văn vị dụng công

Ma-Đăng-Già nữ sính tà phong

Thủy tri đạo lực thiểu kiên cố

Chung bị dâm thất khốn quyết cung

Phật đảnh Lăng Nghiêm nhiếp hoàn bổn

Văn Thù Sư Lợi trì cúu ứng

Kết tập kinh tạng truyền vạn cổ

Pháp môn mệnh mạch lưu tây đông.

A-Nan đa văn vị dụng công : Câu này nói tôn giả A-Nan học nhiều, trí nhớ tốt, nên được gọi là đa văn bậc nhất, nhưng vì tôn giả không dụng công tu hành khiến cho sự hiểu biết chỉ là một lọai ‘thiền cửa miệng’, không phảỉ là sự chứng đắc.  

Ma-Đăng-Già nữ sính tà phong : Bởi thiếu sự dụng công nên tôn giả gặp nạn Ma-Đăng-Già, một cô gái ngọai đạo phái ‘Hoàng phát’. Cô này nhờ mẹ niệm một câu tà chú, bắt được tôn giả, rồi làm cho tôn giả bị mê hoặc.  

Thủy tri đạo lực thiểu kiên cố : Lúc bấy giờ tôn giả mới hay rằng mình thiếu sự dụng công nên đạo lực không đủ kiên cố để chống lại.  

Chung bị dâm thất khốn quyết cung : Vì thiếu đạo lực nên đã bị mê hoặc và khốn đốn vì câu chú Tiên Phạm Thiên của ngoại đạo.  

Phật đảnh Lăng Nghiêm nhiếp hoàn bổn : May sao khi ấy đức Phật biết được, cho nên :

‘Đỉnh phóng hào quang, đủ trăm thứ báu, trong hào quang có hoa sen ngàn cánh, có hóa thân Phật, ngồi thế kiết già, đọc bài thần chú. . .’

Đức Phật nói thần chú Thủ Lăng Nghiêm để giải thóat tôn giả mang về nơi Phật. Lúc đó vị nào là người đi cứu tôn giả A- Nan ?  

Văn Thù Sư Lợi trì cứu ứng : Bồ tát Văn Thù Sư Lợi dùng thần chú này đi cứu tôn giả.  

Kết tập kinh tạng truyền vạn cổ : Bởi có cứu được tôn giả nên đến hồi kết tập, pháp bảo của Phật mới được gom hết lại. Phật nói ra bất luận trong thời gian nào Ngài A-Nan cũng tụng ra được. Có như vậy từng bộ kinh điển mói được truyền lại đến ngày nay và mãi mãi không bi dứt đọan.  

Pháp môn mệnh mạch lưu tây đông : Giòng Phật pháp truyền qua Trung quốc, rồi truyền khắp phương tây, phương đông, Xem như vậy thì công lao của tổ A-Nan thật là vĩ đại, chúng ta phải ghi nhớ điều đó !

 

 Thượng nhân Tuyên Hóa giảng ngày mồng 1 tháng 11 năm 1983

 

Ghi chú 1: Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 1 ghi như sau :

. . . Tôn giả A-Nan lại nghĩ rằng : ‘Nếu ta tới riêng một nước nào để vào niết-bàn, ắt sẽ có chuyện tranh giành giữa các nước với nhau ; vậy ta phải hóa độ tất cả một cách bình đẳng.’ Tổ bèn đi ra giữa dòng sông Hằng để viên tịch. Lúc ấy sông núi đất đai nổi lên chấn động sáu cách. Năm trăm tiên nhân trên núi Tuyết trông thấy điềm lành này liền bay thẳng tới, đảnh lễ dưới chân tôn giả, quỳ xuống bạch rằng :’Chúng con phải chứng pháp Phật tại nơi trưởng lão, nguyện trưởng lão từ bi độ thoát cho chúng con.’ Ngài A-Nan lặng lẽ ưng thuận, hóa phép biến sông Hằng thành đất vàng rồi nói các pháp lớn cho các tiên nghe.

Tôn giả lại nghĩ : ‘Các đệ tử đã được độ nên tới đây tập họp,’ Trong chốc lát năm trăm vị la-hán ở trên không trung bay xuống để cho các vị tiên xuất gia thọ giới. Trong số tiên nhân có hai vị la-hán, một là Thương Na Hòa Tu, còn vị thứ hai là Mạt Điền Để Ca. Tôn giả biết đây là pháp khí, bèn nói Thương Na Hòa Tu rằng : ‘Lúc xưa Thế Tôn giao phó chánh pháp nhãn tạng cho Ngài Đại Ca-Diếp, khi Tổ Ca-Diếp vào định thì giao phó cho ta. Nay ta sắp vào niết bàn, nên lại giao phó cho ngươi, ngươi thọ giáo nơi ta, hãy nghe bài kệ này :  

Bổn lai phó hữu pháp

Phó liễu ngôn vô pháp

Các các tu tự ngộ

Ngộ liễu vô vô pháp

Dịch :

Xưa nay truyền có pháp

Truyền rồi nói không pháp

Mỗi người cần tự ngộ

Ngộ rồi không không pháp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn