Tổ thứ chín: TÔN GIẢ PHỤC-ĐÀ-MẬT-ĐA

23 Tháng Bảy 201416:42(Xem: 4143)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật



Tổ thứ chín: TÔN GIẢ PHỤC-ĐÀ-MẬT-ĐA

 

 

Tổ thứ chínTôn giả, Đề Già quốc nhân. Niên dĩ ngũ thập, khẩu vị thường ngôn, túc vị tằng lý. Nhất nhật, kiến Bát Tổ sở thuyết: “Chân ngô đệ tử!” Tôn giả tức khởi lễ bái vấn viết: “Phụ mẫu phi ngã thân, thùy thị tối thân giả? Chư Phật phi ngã đạo, thùy thị tối đạo giả?” Tổ viết: “Nhữ ngôn dữ tâm thân, phụ mẫu phi khả tỷ; nhữ hành dữ đạo hiệp, chư Phật tâm tức thị.” Tôn giả văn kệ dĩ, tiện hành thất bộ. Tổ viết: “Thử tử tích tằng trị Phật phát nguyện, lự phụ mẫu nan xả, cố bất ngôn bất lý nhĩ!” Trưởng giảtoại xả xuất gia. Tổ nãi thế lạc thọ cụ, phó dĩ Đại Pháp. Tôn giả đắc pháp dĩ, chí trung Ấn Độ hành hóa, chuyển phó pháp ư Nan Sinh. Tức nhập diệt tận tam muội, nhibát Niết-bàn. 

Dịch :

 

Tôn giả Phục-đà-mật-đa người xứ Đề-già, đã năm mươi tuổi mà miệng chưa từng nói một lời, chân chưa từng đi một bước. Một hôm, gặp Tổ thứ tám (Phật-đà-nan-đề), nghe Tổ nói, Phục-đà-mật-đa đúng là đệ tử của Tổ, Tôn giả liền đứng dậy, đỉnh lễ Tổ và nói kệ rằng:

Cha mẹ chẳng phải thân

Thì ai là thân nhất?

Phật chẳng là đạo ta

Thì đạo ai hay nhất?

Tổ đáp:

Lời cùng tâm ngươi thân

Cha mẹ không thân bằng

Hành của ngươi hơp đạo

Đó là tâm chư Phật

Nghe kệ xong, Tôn giả liền đi bảy bước.

Tổ bảo:

Đứa bé này xưa đã từng gặp Đức Phật và phát nguyện xuất gia nhưng sợ cha mẹ không cho phép nên chẳng nói, chẳng đi vậy!

Nghe Tổ nói, cha mẹ Ngài liền cho con xuất gia. Tổ cho Ngài xuống tóc, thụ giới Cụ túc và truyền trao Đại Pháp. Sau khi đắc pháp, Tôn giả đến miền Trung Ấn Độ hành hóa và truyền pháp cho Nan Sinh, rồi nhập diệt tận định mà vào Niết-bàn.

 

 

Tán viết :

Ngữ vị xuất khẩu 

Ngôn mãn thiên hạ 

Túc vị xích hộ 

Hư không biến khóa 

Tôn quý bất cư 

Phật Tổ tịnh giá

Chu hành thất bộ

Dĩ thành thoại bá

 

Dịch :

Miệng chưa từng mở

Nói khắp mọi người

Chân chưa từng bước

Đi khắp hư không

Chẳng màng tôn quý

Phật Tổ đồng hành

Chân đi bảy bước

Thành một giai thoại.

 

Hoặc thuyết kệ viết :

 

Bất ngôn bất lý thừa nguyện lai 

Xuân huyên nan xả thể thân hoài

Hiếu thân hiếu tâm hiếu bản tính

Kính sư kính Tổ kính Phật đài 

Độc cụ dị bẩm trạch pháp nhãn 

Xảo ngộ lương phạm thức anh tài

Nhất ngôn hoán tỉnh chân đệ tử

Thủ vũ túc đạo thán kỳ tai![1] 

 Tuyên Hóa Thượng Nhân tác, nhất cửu thất bát niên tam nguyệt ngũ nhật.

 

Dịch :

Chẳng nói chẳng đi bởi nguyện sinh

Song thân chẳng nỡ dứt thâm tình

Thân tâm bản tánh đều tròn hiếu

Thầy Tổ, Phật-đà thảy kính tin

Bẩm tánh phú cho tài chọn pháp

Khéo thay anh tuấn gặp thầy tinh

Một lời thức tỉnh ngay trò giỏi

Mừng rỡ ngợi khen thật đáng kinh!

 

(Ngày 5, tháng 3, năm 1978 Tuyên Công Thượng Nhân)

 

 

Giảng:

(Phần này bản cảo bị thất lạc, nên đệ tử bổ sung phần giảng bạch thoại).

 

Tôn giả, Đề Già quốc nhân. Niên dĩ ngũ thập, khẩu vị thường ngôn, túc vị tằng lý: Tổ thứ chín-Tôn giả Phục-đà-mật-đa, họ Tỳ-xá-la, người nước ĐềGià. Đề Già là tên gọi một nước của Ấn Độ thời xưa. Đến năm mươi tuổi mà Ngài chưa nói được, cũng không đi được. Ngài có thật là không biết nói, không biết đichăng? Đó là vì sự tu hành đời trước của Ngài, không thích hợp với pháp dơ uế của thế gian, nên chân Ngài không bước ra khỏi cửa, miệng không nói một lời đúng hay sai.

Nhất nhật, kiến Bát Tổ sở thuyết: “Chân ngô đệ tử!”: Bấy giờ, Tổ thứ tám-Phật-đà-nan-đề lãnh đạo đồ chúng, hành hóa đến nước Đề Già. Lúc gần đến gia đình họ Tỳ-xá-la, thấy trên mái nhà của họ có ánh sáng trắng bay vút lên, Ngài liền nói với đồ chúng: “Gia đình này nhất định có thánh nhân, người ấy không nói được, thật đúng là căn khí Đại thừa. Người ấy không bước được, vì biết mỗi bước đi sẽ va chạm đến những thứ dơ uế”. Sau khi Tổ thứ tám nói xong, trưởng giả họ Tỳ-xá-la liền bước ra, đỉnh lễ Tổ và mời vào nhà. Ông ta hỏi Tổ cần giúp đỡ gì không, Tổ nói: “Tôi cần một người làm thị giả”. Trưởng giả họ Tỳ-xá-la chỉ Phục-đà-mật-đa nói: “Dạ thưa Ngài! Con tôi, tên là Phục-đà-mật-đa, năm nay đã năm mươi tuổi rồi, nhưng từ trước đến nay, miệng không nói một lời, chân chưa hề chạm đất, nó có thích hợp làm thị giả của Ngài không?” Tổ nói: “Nếu đứa bé giống như lời ông nói thì nó đích thật là đồ đệ của tôi rồi!”

Tôn giả tức khởi lễ bái vấn viết: Vừa nghe Tổ nói, Tôn giả Phục-đà-mật-đa lập tức đứng dậy, đỉnh lễ Tổ và thưa. Quý vị thấy chăng? Không những Ngài đứng dậy mà còn cất tiếng nói nữa. Quả thật Ngài là người cầu pháp hết sức cung kính!

 “Phụ mẫu phi ngã thân, thùy thị tối thân giả?: “Nếu cha mẹ không phải là người thân thiết, thì ai là người thân nhất? Chư Phật phi ngã đạo, thùy thị tối đạo giả?”: Nếu chư Phật không phải là thầy hướng dẫn ta, thì ai mới là người truyền đạo cho ta tốt nhất?”

Tổ viết: Tổ thứ tám nói: “Nhữ ngôn dữ tâm thân, phụ mẫu phi khả tỷ;: Nếu như lời nói của ông mà theo sát tâm ông, hay nói khác, lời nói và tâm như một thì cha mẹ cũng không thân thiết hơn điều này; nhữ hành dữ đạo hiệp, chư Phật tâm tức thị”: Nếu hành vi của ông và đạo hợp nhất thì đạo tâm của ông cũng chính là tâm của chư Phật rồi.”

Tôn giả văn kệ dĩ, tiện hành thất bộ: Sau khi nghe Tổ thứ tám nói một bài kệ, Tôn giả Phục-đà-mật-đa liền đi một bước đến bảy bước. Đi bảy bước này là tướng “xuất thai” trong “tám tướng thành đạo”. Từ xưa đến nay chư Phật giáng thần đều đi bảy bước. Tuy Ngài không phải mới ra đời, nhưng trước đây Ngài chưa từng đi, vì vậy bây giờ Ngài vừa đặt chân xuống đất, liền đi bảy bước (Chú 1).

Tổ viết: “Thử tử tích tằng trị Phật phát nguyện, lự phụ mẫu nan xả, cố bất ngôn bất lý nhĩ!”. Tổ thứ tám nói: “Đứa bé này từ xưa đã từng gặp Đức Phật và phát nguyện xuất gia tu hành, nên không thọ dụng các thứ ô nhiễm. Nhưng sợ cha mẹ không cho xuất gia, nên Ngài không nói cũng không đi.”

Trưởng giả toại xả xuất gia: Nghe Tổ thứ tám nói như vậy, cha mẹ Ngài dù thương con cũng đành chấp nhận cho Ngài xuất gia tu hành.

Tổ nãi thế lạc thọ cụ, phó dĩ Đại Pháp: Tổ thứ tám liền cạo tóc, trao giới Cụ túc và truyền pháp môn tâm ấn tâm cho Ngài (Chú 2).

Tôn giả đắc pháp dĩ, chí trung Ấn Độ hành hóa, chuyển phó pháp ư Nan Sinh: Sau khi đắc pháp, Tôn giả đi khắp nơi hoằng dương Phật pháp. Đến Trung Ấn Độ, Ngài truyền pháp cho Nan Sinh. Nan Sinh chính là Tổ thứ mười, vốn có tên là Hiếp Tôn giả. Vì mẹ Ngài sinh Ngài rất khó, Ngài ở trong thai mẹ sáu mươi năm mới sinh ra.

Tức nhập diệt tận tam muội, nhi bát Niết-bàn: Sau đó, Tổ thứ chín nhập định diệt tận vô dư rồi vào Niết-bàn.

 

Bài tán:

Ngữ vị xuất khẩuNgôn mãn thiên hạ: Tuy Ngài chưa từng nói nhưng lời của Ngài đã truyền khắp thiên hạ. Ở đây nói Ngài thuyết pháp tương ưng với đạo, đúng với đạo.

Túc vị xích hộHư không biến khóa: Tuy Ngài chưa từng đi nhưng bước chân của Ngài đã đi khắp hư không.

Tôn quý bất cư Phật Tổ tịnh giá: Ngài là bậc rất tôn quý, nhưng Ngài không chấp vào điều đó, không một chút kiêu ngạo tự mãn. Công đức của Ngài có thể sánh ngang với chư Phật chư Tổ.

Chu hành thất bộ, Dĩ thành thoại : Ngài đi bảy bước như thế, câu chuyện này đã trở thành một công án của Phật giáo, một giai thoại!

 

Bài k:

Bất ngôn bất lý thừa nguyện lai: Tuy Ngài không nói, cũng không đi nhưng lại theo nguyện tái sinh và muốn xuất gia tu hành.

Xuân huyên nan xả thể thân hoài: Sở dĩ Ngài giả ngu giả dại như vậy, chính vì Ngài biết được lòng cha mẹ mình không nỡ cho Ngài xuất gia.

Hiếu thân hiếu tâm hiếu bản tính: Ngài thân cũng tận hiếu, tâm cũng tận hiếu, thậm chí bản tính cũng tận hiếu.

Kính sư kính Tổ kính Phật đài: Ngài kính Thầy, kính Tổ, Kính Phật.

Độc cụ dị bẩm trạch pháp nhãn: Đặc biệt là Ngài sẵn có con mắt chọn pháp, chớ không phải tìm thầy học đạo một cách tùy tiện.

Xảo ngộ lương phạm thức anh tài: Điều may là gặp được bậc Thầy tài giỏi nên mới biết Ngài là người anh tài, một trong hàng long tượng của Phật pháp.

Nhất ngôn hoán tỉnh chân đệ tử: Một câu “đệ tử giỏi” của Tổ làm Ngài tỉnh ngộ.

Thủ vũ túc đạo thán kỳ tai!: Lúc ấy, Ngài vô cùng phấn chấn vừa nói vừa đi. Vì vậy mọi người vừa nghe công án này đều tán thán và kinh ngạc.

 

------------------------

Chú 1: Tám tướng thành đạo là: Từ trời Đâu-suất giáng thần, trụ thai, xuất thai, xuất gia, điều phục ma, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn.

Chú 2: Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ tám phó chúc cho Tổ thứ chín trong Cảnh Đức Truyền Lục và Chỉ Nguyệt Lục:

 

Hư không vô nội ngoại 

Tâm pháp diệc như thử

Nhược liễu hư không cố

Thị đạt chân như lý[2]

Dịch:

Hư không không trong ngoài

Tâm pháp cũng như vậy

Nếu rõ được hư không

Đạt đến lý Chân Như.


[1]不言不履乘願來 椿萱難捨體親懷
孝身孝心孝本性 敬師敬祖敬佛臺
獨具異稟擇法眼 巧遇良範識英才
一言喚醒真弟子 手舞足蹈嘆奇哉

[2]虛空無內外 

 心法亦如此
若了虛空故 

 是達真如理

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn