Tổ thứ 15: TÔN GIẢ CA-NA-ĐỀ-BÀ (Kanadeva)

24 Tháng Bảy 201414:41(Xem: 3995)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

Tổ thứ 15: TÔN GIẢ CA-NA-ĐỀ-BÀ (Kanadeva)

Tổ thứ 15Tôn giả, Nam Thiên Trúc quốc nhân. Sơ cầu phúc nghiệp, kiêm nhạo biện luận. Hậu yết Long Thọ tổ, tổ tri thị trí nhân, tiên khiển thị giả, dĩ mãn bát thủy, trí vu tọa tiền. Tôn giả kiến chi, tức dĩ nhất châm đầu chi nhi tiến, hân nhiên khế hội. Tổ tức vị thuyết pháp, bất khởi ư tọa, hiện Nguyệt Luân tướng, duy văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình. Tôn giả ngữ chúng viết: “Kim thử thụy giả, Sư hiện Phật Tính, biểu thuyết pháp phi thanh sắc dã.” Tổ tức vi thế độ, phó dĩ đại pháp. Tôn giả đắc pháp hậu, hành hóa chí Ca-tỳ-la (Kapila) quốc, chuyển phó La-hầu-la-đa (Rahulata), tức nhập Phấn tấn tam-muội, phóng bát quang nhi quy tịch yên.

Dịch:

Tôn giả người xứ Nam Ấn, ban đầu Ngài chuyên về cầu phước và thích biện luận. Về sau, Ngài đến yết kiến tổ Long Thọ, Tổ biết Ngài là người trí nên sai thị giả lấy một bát nước đầy, đặt trước pháp tòa. Tôn giả thấy bát nước liền lấy cây kim bỏ vào, rồi bước tới, hai bên hân hoan khế hội. Tổ thuyết pháp cho Ngài nghe và hiện tướng mặt trăng ngay tại chỗ ngồi, khiến Ngài chỉ nghe tiếng Tổ nói mà không thấy hình. Tôn giả bảo đại chúng:

- Hôm nay Thầy hiện điềm lành là hiển bày Phật tánh và thuyết pháp nhưng không nghe tiếng và không thấy hình.

Tổ cho Tôn giả xuất gia và truyền đại pháp. Sau khi đắc pháp, Tôn giả du hóa đến nước Ca-tỳ-la, truyền pháp cho La-hầu-la-đa, rồi nhập tam-muội Phấn tấn, phóng tám luồng ánh sáng và nhập diệt ngay trong đó.

Tán:

Phật Tổ ba tỵ

Trí giả nan am

Bát thủy đầu châm

Lạc nhị lạc tam

Nguyệt Luân tam-muội

Đại địa tinh thiên

Tất cánh như hà?

Thí trước nhãn khán! [1]

Dịch:

Yếu chỉ Phật Tổ

Người trí khó lường

Bát nước ném kim

Ba rơi, hai rụng

Nguyệt Luân tam-muội

Đại địa tanh hôi

Chung cuộc ra sao?

Thử dõi mắt nhìn!

Hoặc thuyết kệ viết (Tuyên Công thượng nhân tác):

Mãn bát thanh thủy tịnh vô trần

Nhất trâm đầu nhập lãng vi hôn

Tính giác linh minh nguyên phi vật

Trí quang biến chiếu bản lai chân

Như thị như thị quán tự tại

Thiện tai thiện tai ngộ thùy nhân?

Tổ sư truyền tâm chiêu đại đạo

Ngôn ngôn ngữ ngữ thuộc phù văn [2]

Dịch:

Nước trong đầy bát chẳng bụi trần

Ném chiếc kim vào sóng gợn dâng

Linh minh tánh giác không là vật

Trí quang soi khắp bản lai chân

Như thế, như thế, quán tự tại

Lành thay, lành thay, ai ngộ chân?

Tổ Tổ truyền tâm soi sáng đạo

Ngữ ngôn, ngôn ngữ thuộc phù vân.

Giảng:

Tôn giả, Nam Thiên Trúc quốc nhân: Tổ thứ mười lăm là Tôn giả Ca-na-đề-bà (Kanadeva), người nước Nam Thiên Trúc.

Sơ cầu phúc nghiệp, kiêm nhạo biện luận: Về mấy chữ “cầu phúc nghiệp” thì hôm chủ nhật tuần trước, thầy Hằng Hoa đã viết lầm thành “cầu tổ nghiệp”. Tôi nghĩ, “cầu tổ nghiệp” là tổ nghiệp nào? Giảng cách nào cho xuôi đây? Có phải là tổ của ngài có cơ nghiệp lớn, lắm tiền nhiều của, rồi cầu làm sao để giữ cái di sản đó chăng? Chà! Giảng như vậy chẳng xuôi tý nào! Hay là cầu cái địa vị tổ sư? Giảng như vậy cũng chẳng thông nữa. Sau đó, xem lại đoạn văn, tôi mới hay đó là chữ “phúc” thay vì chữ “tổ”. Vốn là Ngài ưa cầu phúc báo nhân thiên và thích sự tranh biện.

Hậu yết Long Thọ tổ, tổ tri thị trí nhân, tiên khiển thị giả, dĩ mãn bát thủy, trí vu tọa tiền: Về sau, Ngài đến yết kiến Tổ thứ mười bốn là Bồ-tát Long Thọ. Bồ-tát Long Thọ biết Ngài là người trí, liền bảo thị giả lấy một bát nước đầy đặt trước pháp tòa.

Tôn giả kiến chi, tức dĩ nhất châm đầu chi nhi tiến, hân nhiên khế hội: Thấy bát nước, Tôn giả liền đến trước pháp tòa của Bồ-tát Long Thọ, lấy một cây kim bỏ vào. “Hân nhiên khế hội”, khế hội là khế hợp, tức Bồ-tát Long Thọ biết được ý Tôn giả và Tôn giả cũng biết được ý nghĩ của Bồ-tát Long Thọ. Nói là hân nhiên vì cả hai phía đều vui mừng, lấy tâm ấn tâm, tâm này hợp tâm kia, tâm này hiểu tâm kia.

Tổ tức vi thuyết pháp, bất khởi ư tọa, hiện Nguyệt Luân tướng, duy văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình: Tổ Long Thọ thuyết pháp cho Tôn giả nghe, dạy cách tu ra sao, dụng công như thế nào. Lúc ấy, Bồ-tát Long Thọ không rời khỏi tòa, mà hiện tướng mặt trăng giữa hư không, chỉ nghe âm thanh trong hư không mà không thấy hình dáng của Bồ-tát.

Tôn giả ngữ chúng viết: “Kim thử thụy giả, Sư hiện Phật Tính, biểu thuyết pháp phi thanh sắc dã.”: Tổ thứ mười lăm nói cho đại chúng biết điềm lành mà mọi người trông thấy là do “Thầy hiện Phật tánh”. Phật tánh là nói bổn tánh của Phật, biểu hiện bằng sự thuyết pháp không qua âm thanh và hình sắc, nghĩa là chẳng cứ phải có âm thanh hay hình tướng mới gọi là thuyết pháp.

Tổ tức vi thế độ, phó dĩ đại pháp: Thế là Bồ-tát Long Thọ cho Tôn giả xuất gia và truyền diệu pháp tâm ấn (chú 1). Tôn giả đắc pháp hậu, hành hóa chí Ca-tỳ-la quốc, chuyển phó La-hầu-la-đa: Sau khi đắc pháp, Tôn giả du hóa đến nước Ca-tỳ-la (Kapila) thuộc nước Ấn Độ và tại đây Ngài truyền pháp tâm ấn cho Tôn giả La-hầu-la-đa (Rahulata). Tức nhập Phấn tấn tam-muội, phóng bát quang nhi quy tịch yên: Tôn giả nhập tam-muội Sư tử phấn tấn, phóng tám thứ ánh sáng, sau đó viên tịch.

Tán

Phật Tổ ba tỵ, Trí giả nan am: Ý chỉ của Phật Tổ, dù người có trí tuệ cũng không thể hiểu được.

Bát thủy đầu châm, Lạc nhị lạc tam: Ném một cây kim vào trong bát nước, đó là rơi vào hai và ba [3], không phải là Đệ nhất nghĩa đế.

Nguyệt Luân tam-muội, Đại địa tinh thiên: Tôn giả lại nhập định Nguyệt Luân, vì đại địa này rất dơ bẩn.

Tất cánh như hà, Thí trước nhãn khán: Cuối cùng điều này nói lên điều gì? Quý vị nên nhìn lại một chút, không nên dùng tai để xem.

Kệ

Mãn bát thanh thủy tịnh vô trần: Một bát nước đầy và trong sạch không có gì, không một chút bụi.

Nhất trâm đầu nhập lãng vi hôn: Ném một cây kim vào trong bát nước thì bát nước liền gợn sóng và vẩn đục.

Tính giác linh minh nguyên phi vật: Tánh giác linh minh, tức là không có vật gì. Nếu có vật gì thì không phải là tánh giác linh minh rồi!

Trí quang biến chiếu bản lai chân: Ánh sáng trí tuệ này cũng chính là cái “chân” bản lai kia, và “Phật tánh” kia cũng là chính quý vị.

Như thị như thị quán tự tại: Nó là như vầy! Nó là như vầy! Nếu như quý vị được như vầy (như thị) thì quán tự tại được, nếu chẳng được như vầy thì chẳngquán tự tại được và sẽ không có sự tự tại.

Thiện tai thiện tai ngộ thùy nhân?: Nghĩa là “Hay lắm! Hay lắm!” Ngộ là ai đây? Tức nói ai là người được khai ngộ?

Tổ sư truyền tâm chiêu đại đạo: Bồ-tát Long Thọ, Tổ thứ mười bốn và Tôn giả Ca-na-đề-bà Tổ thứ mười lăm, các vị Tổ Sư đều dùng tâm ấn tâm, dùng tâm truyền tâm và sự việc diễn ra như vậy. Chiêu đại đạo là hiển bầy đại đạo một cách rõ ràng.

Ngôn ngôn ngữ ngữ thuộc phù văn: Cái gì nói ra được thì cái đó chẳng phải là chân lý, cho nên nói đó là chỗ tắt đường ngôn ngữ, là chỗ tuyệt mọi hoạt động của tâm ý (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt).

Tôi lại nói với quý vị, tôi làm “kệ tụng” này chứ không phải làm thơ. Nếu làm thơ thì câu một và câu hai cũng không cần đối nhau. Quý vị xem “Mãn bát thanh thủy” (một thau nước trong đầy) và “Nhất trâm đầu nhập” (Ném vào một cây kim) đều không phải là đối; “tịnh vô trần” (Sạch không chút bụi) và “lãng vi hôn”(sóng gợn dâng), cũng không phải đối. Chỉ có câu ba và câu bốn là đối, “Tính giác linh minh nguyên phi vật, Trí quang biến chiếu bản lai chân” (tánh giác linh minh không một vật, trí quang soi khắp bản lai chân), có thể xem là một câu đối. Quý vị xem! “Tính giác linh minh, Trí quang biến chiếu”; “nguyên phi vật ”,“bản lai chân”, có thể gọi là đối. “Như thị như thị quán tự tại” (Như thế, như thế quán tự tại), “Như thị như thị” đối với “Thiện tai, thiện tai”; “quán tự tại”đối với “ngộ thùy nhân”. Quán là quan sát; ngộ là khai ngộ. “thùy nhân” người nào đó? “Tự tại”“thùy nhân” những từ đó đều có thể đối được. “Tổ sư truyền tâm chiêu đại đạo” (Tổ Tổ truyền tâm soi sáng đạo), câu tiếp theo không cần đối! “Ngôn ngôn, ngữ ngữ thuộc phù vân”, những lời quý vị nói ra đều là giả, vì vậy hiện tại tôi đang giảng cho quý vị cũng là giả, nhưng không nên lười biếng mới là thật. Vì thế, hôm nay tôi không lười biếng, giảng kinh xong, lại dạy cho quý vị học.

(Tuyên Công Thượng Nhân giảng vào ngày 22 tháng 4 năm 1979)

------------------------------------

Chú 1: Kệ truyền pháp của Tổ thứ mười bốn phó chúc cho Tổ thứ mười lăm, thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục như sau:

Vị minh ẩn hiển pháp

Phương thuyết giải thoát lý

Ư pháp tâm bất chứng

Vô sân diệc vô hỷ [4]

Dịch:

Vì rõ pháp ẩn hiện

Mới nói lý giải thoát

Không chứng được tâm pháp

Không giận cũng không vui


[1] Nguyên văn:

佛祖巴鼻 智者難諳 缽水投針 落二落三
月輪三昧 大地腥羶 畢竟如何 試著眼看

[2] Nguyên văn:

滿缽清水淨無塵 一針投入浪微昏
性覺靈明原非物 智光遍照本來真
如是如是觀自在 善哉善哉悟誰人
祖師傳心昭大道 言言語語屬浮文

[3] Lạc Nhị Lạc Tam: rơi vào hai vào ba.

Để hiểu rõ hàm nghĩa của “rơi vào hai vào ba” cũng như để biết cụ thể phương pháp thế nào để không “rơi vào hai, vào ba”, xin (trích) dẫn bài khai thị: “Số Không (Zero) Là Bí Quyết Để Phản Bổn Hoàn Nguyên” dưới đây của Hòa Thượng, giảng trong dịp Thiền Thất Mùa Đông 1982:

Số Không (Zero) Là Bí Quyết Để Phản Tĩnh Hoàn Nguyên

Ở thiền đường, những người đủ tư cách tham thiền, biết được chút ít mùi vị thiền thì không cần nói gì với họ nữa.

'Phàm hữu ngôn thuyết đô vô thật nghĩa'

nghĩa rằng:

'Nếu còn ngôn ngữ đều là không thật nghĩa'

Tuy nhiên, đói với những người sơ cơ không thể hoàn toàn không nói, nếu không nói mình sẽ đi vào chỗ cực đoan. Cho nên nói để làm chỗ cho quý vị dựa vào rồi tham thiền, đặng mở khai tâm địa. Tham thiền bí quyết là phải khiến tâm chuyên nhất. Vì vậy nói rằng:

'Thiên đắc nhất dĩ thanh,

Địa đắc nhất dĩ ninh.

Nhân đắc nhất dĩ thánh.

Vạn vật đắc nhất các chính tính mạng'

nghĩa là:

'Trời được Một nên thanh.

Đất được Một nên yên.

Người được Một thành Thánh.

Mọi sự được Một mới chính là nó'

Nhất, số một, là nguyên thủy của vạn vật, tuy nhiên nó chưa phải là pháp cứu cánh. Tuy nói rằng:

'Đắc nhất vạn sự tất.'

Nghĩa là:

'Khi được con số một, vạn sự đều xong.'

Nhưng nếu chấp trước vào cái này thì mình sẽ tự nhiên sinh ra hai, ba, bốn (lạc nhị, lạc tam),... đó không phải là cảnh giới chân không. Thế nào là chân không? Có nghĩa là số không. Cái số không này giống như vòng tròn vậy, không lớn không nhỏ, không có trong, không có ngoài, không có trước cũng chẳng có sau; không rơi vào mà cũng chẳng rớt ra. Tuy nhiên, tất cả số mục không ly khai số không này.

Người tu hành chính là tự nơi số một mà quay về số không, ở nơi số không mình có thể phát sinh vô lượng vô biên tác dụng. Tuy nói rằng 'Đắc nhất vạn sự nhất', nhưng khi tới được số không này rồi thì số một cũng không còn nữa. Đó chính là:

'Nhất Pháp bất lập, vạn lự giai không.'

nghĩa là:

'Chẵng lập Pháp gì, mọi tư tưởng đều không'

Đó là cứu cánh giải thoát vậy.

Nếu muốn tới số không, thì trước hết phải chuyên nhất cái tâm của mình, đừng khởi vọng niệm, tâm thể chuyên nhất thì mới có cảm ứng. Cho nên chúng ta thường nghe nói: 'Cảm ứng đạo giao nan tư nghị' là vậy.

Chuyên nhất thì mới đến được chỗ không. Muốn chuyên nhất là chuyện không phải dễ. Muốn trở về số không lại càng khó khăn hơn nữa. Tuy gặp khó khăn chẳng lẽ mình không tham thiền sao? Nếu không tham thiền thì vĩnh viễn mình không thành đạo. Cái số không là mẹ của vạn Phật, nó là bổn nguyên của chư Phật vậy. Cho nên các vị học tọa thiền, đầu tiên phải học thế ngồi kiết già. Nếu như chân đau tê cứng, không chịu được, thì mình có thể phương tiện ngồi bỏ hai chân xuống, sau đó một thời gian thì phải tập ngồi bán già, ngồi bán già nếu chân không còn đau như trước thì phải tập ngồi kiết già. Khi ngồi kiết già vững rồi, chân không đau thì lúc đó mình mới bắt đầu tham thiền để phá bỏ vô minh. Người tu đạo, ăn mo mặc ấm đã đầy đủ, hết chuyện làm, nên tham thiền, đó gọi là du hí nhân gian. Tham thiền thì phải tham thoại đầu. Tham thiền tức là tham cứu niệm trước khi nó sinh ra, không phải là thoại vĩ. Thoại vĩ tức là niệm đã sinh ra rồi. Cho nên cái niệm chưa sinh thì gọi là thoại đàu. Thoại đàu phổ biến nhất là câu 'Niệm Phật là ai?' Chữ 'ai' này chính là cái mà mình phải tham. Tưởng tượng như mình có cái khoan, bây giờ mình lấy nó ra mà khoan, mà đục, dùi mài nó cho tới lúc đâm thủng được núi đá. Tìm coi 'ai' là người niệm Phật cũng vậy. Tham lui tham tới mãi cho đến khi đâm thủng được núi vô minh. Thì lúc đó mình sẽ khai ngộ. Nhưng không phải dụng tâm ý thức mà tham thiền, không phải dụng tư tưởng mà suy nghĩ, phải dụng cái tâm chưa hề dùng tới, chưa hề biết qua bao giờ. Khi phá thủng được cái bổn tham của mình, thì sẽ khai ngộ, hư không sẽ nát vụn, ngũ ấm đều là không. Nhưng trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có nói rằng:

'Quán tự tại Bồ Tát,

hành thâm Bát Nhã,

Ba La Mật Đa thời

Chiếu kiến ngũ uẩn

Giai không độ nhất,

Thiết khổ ách, Xá Lợi Tử!

Sắc bất dị không,

Không bất dị sắc,

Sắc tức thị không,

Không tức thị sắc,

Thọ tưởng hành thức diệc

Phục như thị...'

Khi tham thiền đến chỗ như vậy thì ngũ ấm đều thành không, lục trần không còn nhiễm được nơi mình. Đó chính là bước đầu tiên để thành Phật; nhưng mình phải khổ công mới được. Phải biết rằng tham thiền không như niệm Phật. Miệng niệm 'Ai là người niệm Phật? Ai là người niệm Phật? Ai là người niệm Phật?....' thể như là cầu cứu vậy, là sai lầm. Tham thoại đầu thì cần phải từ từ dùi mài nó hết sức tế tâm, miên mật, ở nơi tự tánh mình mà dụng công. Cho nên gọi là Tham Ngộ. Tham ngộ nghĩa là tham tức là ngộ; muốn ngộ cần phải tham. Thực ra 'Niệm Phật là ai?' chỉ là một vọng tưởng. Tuy nhiên mình muốn dụng phương pháp dĩ độc công độc. Dùng một vọng tưởng chế phục tất cả vọng tưởng khác. Dùng một niệm mà dẹp trừ tất cả vọng niệm khác.

Vừa rồi tôi nói đến số không, số không này là con đường để thành Phật. Đối với phàm phu thì đó là không. Sau khi thành Phật rồi thì nó trở thành:

'Đại quang minh tạng, đại viên kính trí.'

Số không này có thể sinh ra các Pháp, nhưng cũng có thể quét trừ các Pháp. Nó là gốc để mình phản bổn hoàn nguyên. Cho nên cần ở số không này mà dụng công phu. Có nghĩa rằng dụng công ở chỗ cái gì cũng không có. Tất cả các pháp đều do số không mà sinh, tất cả các pháp đều trở về số không. Cho nên:

'Nhất bổn tán vạn thù,

vạn thù nãi qui nhất bổn.'

nghĩa là:

'Một gốc mà phân ra trăm vạn hình thù,

trăm vạn hình thù rốt cuộc qui về một gốc.'

Ngày hôm nay tôi nói điều này cho quí vị nghe không phải là một nhân duyên nhỏ, mà đây là tiết lộ thiên cơ, tiết lộ cái bí mật của trời đất. Nói đến cái bổn nguyên của chư Phật. Đó là điều kinh thiên động địa, khiếp vía quỷ thần. Con người làm sao thành Phật? Là khi hiểu số không này. Con người tại sao đọa địa ngục, bởi vì không hiểu số không này. Do đó tất cả thiên ma ngoại đạo, sơn yêu thủy quái, hồ ly tinh, hoàng thù lang, đủ thứ yêu quái, vỉ không hiểu số không này mới đi ngược lại với Đạo, rồi đọa lạc.

Số không này tự nó mà sinh ra các thứ khác, tự nó mới sản sinh ra đủ thứ biến hóa dị đoan. Tuy rằng hình tướng bất đồng nhưng gốc lại là một. Phàm phu bởi vì không hiểu nó nên bỏ gốc theo ngọn, xa rời cái số không này. Dẫu sao tất cả chúng sanh có Phật Tánh, đều có thể thành Phật. Tạm thời mình không hiểu, nếu hiểu thì có thể lập tức thành Phật.

Giảng ngày 11 tháng 11 năm 1982

nhân ngày Đả Thiền Thất

********

○字:返本還原的奧秘

一切法由○而生,一切法皆歸於○。

◎一九八二年十一月十一日晚
講於萬佛聖城十週禪七期間

在這個禪堂裏,有些人已經是老資格,參得有點味兒,所以沒有什麼話可說的,所謂「凡有言說,都無實義」,可是對初機者,不能完全不說,否則,更摸不著邊際,所以說幾句話,作為參禪的一個鑰匙,幫助你開啟心地裏的那把鎖。

參禪,祕訣在專一其心,所謂:

天得一以清,地得一以寧,
人得一以聖,萬物得一,各正性命。

所以「一」為萬物之始,可是還不是究竟法,雖然說「得一萬事畢」,但若在這個一生出執著,便落二、落三,猶不是真空。什麼是真空?就是○(零)。這個○,像個圓圈,是無大無小,非內非外,無始無終,不落於數,但所有數目都未曾離開它。修行,要從「一」修回到「○」。從這個○,能發生無量無邊的作用,雖然說:「得一萬事畢」;但到了這個○,連一事也無。這時候,「一法不立,萬慮皆空」,是究竟解脫!

想得到○,先要專一其心,不打任何的妄想,心念專一時,便發生「感應」,所謂「感應道交難思議」。專一就能得到○,要專一,很不容易。想回到這個○,更不容易。那麼,既然很不容易,就不參了嗎?要是不參,永遠不能成道。這個○,就是萬佛的母體,諸佛之本源。

所以大家學坐禪,首先應該學跏趺坐。起初,若是腳很硬,痛得太厲害,可以方便坐;方便坐之後,繼而學單跏趺;單跏趺之後,腳不覺那麼痛了,可學習雙跏趺;雙跏趺可以坐得住,腳不痛了,才是正式開始參禪。本來,參禪是沒有事情故意找點事情來做。譬如修道人吃飽了,睡夠了、穿暖了,沒有旁的事,便參禪,遊戲人間。

參禪要參話頭。話頭,就是話語剛開頭,不是話尾。也就是一念未生之前的一個預兆。最普遍的話頭,是「念佛是誰?」這個「誰」字,要把它拉長來參,細玩其味,就像一把金剛鑽,要往心裏頭鑽出一個窟窿來。找到是誰?便開悟,可是這不能靠想像、猜測,或在心意識上參,而是要細細探索到你從未到過,從未知道的領域上。一旦破本參,豁然開悟,虛空粉碎,五蘊皆空。這就是《般若波羅蜜多心經》上所說的:「觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識。亦復如是。」

參到了這個境界,五蘊皆空,六塵不染,才是成佛的第一步,但必須要下一番苦功。又要知道,參禪不同於拼命念佛,不是拼命口念:「念佛是誰、念佛是誰、念佛是誰……」,好像叫救命似的。參話頭,要慢條斯理,細心在自性上摸索。所謂「參悟,參即是悟,悟必要參。」其實,「念佛是誰?」也是一個妄想,但這是以毒攻毒,以一妄制諸妄,以一念息萬念的法門。

剛才所說的○:○是成佛之道。在凡夫份上,是○。成佛後,便成為大光明藏、大圓鏡智。○能生一切法,能掃一切法。返本還原,必要在○字上用功夫,即是「什麼也沒有處」著手。一切法由○而生,一切法皆歸於○,所謂:「一本散為萬殊,萬殊仍歸一本。」

今天我跟諸位講的話,你不要以為這是個小因緣。這種法是「洩天地未洩之祕密,發諸佛未發之本源」,是驚天地、泣鬼神。人為什麼成佛?就因為懂這個○。人為什麼墮地獄,就因為不懂這個○。所以,一切天魔外道、山妖水怪、狐狸精、黃鼠狼等等,都因為不懂這個○,所以背道而馳而墮落。從○生出諸數,才產生這麼多種種變化異端。可是形相雖然不同,基本是一樣的。凡夫因為不明白,才捨本逐末,離○甚遠。可是「一切眾生,皆有佛性,皆堪作佛。」暫時雖不明白,一旦明白過來立刻可以成佛。

[4] Nguyên văn:

為明隱顯法 方說解脫理
於法心不證 無瞋亦無喜
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn