Tổ thứ mười chín: Tôn giả Cưu-Ma-La-Đa

24 Tháng Bảy 201414:54(Xem: 4114)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

THẬP CỬU TỔ CƯU-MA-LA-ĐA TÔN GIẢ

Tổ thứ 19Tôn giả Đại Nhục Chi quốc nhân. Nhân thập bát Tổ chí, tôn giả vấn viết: “Thị hà đồ chúng?” Tổ viết: “Thị Phật đệ tử.” Bỉ văn Phật hiệu, tâm thần tủng nhiên, tức thời bế hộ. Tổ lương cửu khấu kỳ môn, tôn giả viết: “Thử xá vô nhân.” Tổ viết: “Đáp vô giả thùy?” Tôn giả văn ngữ, tri kỳ dị nhân, toại khai quan diên tiếp. Tổ viết: “Tích Thế Tôn ký viết: ‘Diệt hậu nhất thiên niên, hữu Đại sĩ xuất hiện ư Nhục Chi quốc, thiệu long huyền hóa.’ Kim nhữ trị ngã, ưng tư gia vận.” Ư thị xuất gia thọ cụ, phó dĩ đại pháp. Tôn giả đắc pháp dĩ, hậu đắc Xà-dạ-đa, tức ư tọa thượng, dĩ chỉ trảo ly diện, như hồng liên khai, phóng đại quang minh, chiếu diệu tứ chúng, nhi nhập tịch diệt.

Tôn giả người nước Đại Nhục Chi, khi Tổ thứ mười tám đến, Tôn giả hỏi:

- Thưa Ngài! Ngài là đệ tử của ai?

Tổ đáp:

- Là đệ tử của Đức Phật.

Nghe danh hiệu Đức Phật, Tôn giả sợ hãi lập tức đóng cửa lại. Tổ gõ cửa hồi lâu, Tôn giả bảo:

- Trong nhà không có người !

Tổ hỏi:

- Vậy người trả lời “không” trong nhà là ai?.

Nghe nói, Tôn giả biết đây là bậc xuất phàm liền mở cửa đón tiếp. Tổ bảo:

- Xưa, Đức Thế Tôn thụ ký: “Một nghìn năm sau khi ta diệt độ, có bậc đại sĩ sẽ xuất hiện ở nước Nhục Chi nối truyền chính pháp”. Nay ông gặp ta thật ứng nghiệm với vận tốt này.

Thế là Tôn giả xuất gia, được Tổ truyền giới cụ túc và đại pháp. Sau khi đắc pháp và độ Xà-dạ-đa, Tôn giả ngồi trên toà dùng móng tay rạch mặt thành hình hoa sen nở, phóng ánh sáng chiếu khắp bốn chúng rồi nhập diệt.

Tán :

Văn Phật bế môn

Thả tín nhất bán

Thử xá vô nhân

Bão tàng tặc hán

Thuyết pháp Phạm thiên

Môi lý tẩy thán

Ký biệt tương lai

Tuệ mạng nhất tuyến[1]

Dịch :

Nghe Phật đóng cửa

Chỉ tin một nửa

Nhà này không người

Tên trộm lẫn trốn

Thuyết pháp Phạm thiên

Than đá sạch đen

Thụ ký tương lai

Huệ mạng sợi tơ

Kệ :

Thử xá vô nhân hữu tặc hán

Tâm hành xứ diệt ngôn ngữ đoạn

Đáp giả thị thùy ngô nan giải

Ứng chi phi ngã nhữ nghi tri

Thiên niên Đại sĩ xuất Nhục Chi

Vạn kiếp Pháp Vương ký nhật tiên

Hồng liên khai phóng chiếu tứ chúng

Thập cửu đại Tổ hóa nữ nam[2]

Dịch:

Trong nhà có chủ lại bảo không

Ngôn ngữ tâm hành bặt dứt đồng

Kẻ đáp là ai ta chẳng rõ

Đáp đó chẳng tôi, ông phải hiểu

Nghìn năm đại sĩ Nhục Chi hiện

Vạn kiếp Như Lai thụ ký ông

Nở đoá sen hồng soi bốn chúng

Tổ đời mười chín độ rất đông.

Tuyên Công Thượng Nhân

Giảng:

Tôn giả, Đại Nhục Chi quốc nhân: Tổ thứ mười chín là tôn giả Cưu-ma-la-đa. Vị Tôn giả này vừa nghe đến một tiếng “Phật” thì vô cùng sợ hãi. Ngài thuộc dòng bà-la-môn ở nước Đại Nhục Chi, thuộc Ấn Độ.

Nhân thập bát Tổ chí: Đúng lúc Tổ thứ mười tám đến nước Đại Nhục Chi, thấy trong nhà bà-la-môn có thần khí khác thường, nên nhắm nhà tìm đến.

Tôn giả vấn viết: “Thị hà đồ chúng?” Tôn giả Cưu-ma-la hỏi Tổ thứ mười tám: “Ông thuộc tôn giáo nào? Từ đâu đến đây?”

Tổ viết: “Thị Phật đệ tử.”: Tổ thứ mười tám trả lời: “Ta là đệ tử của Đức Phật!”.

Bỉ văn Phật hiệu, tâm thần tủng nhiên, tức thời bế hộ: Vừa nghe đến danh từ Phật, Tôn giả Cưu-ma-la trong lòng sợ hãi vội đóng cửa lại.

Tổ lương cửu khấu kỳ môn: Tổ thứ mười tám đợi ngoài cửa rất lâu mới gõ cửa nhà Tôn giả.

Tôn giả viết: “Thử xá vô nhân.”: Tôn giả ở trong nhà nói: “Trong nhà này không có người!”

Tổ viết: “Đáp vô giả thùy?” :Tổ mới hỏi kẻ nào vừa trả lời câu “không có người”? Kẻ đó là ai? Kẻ đó là cái gì, là quỷ, là yêu quái chăng? Tôn giả không biết phúc đáp ra sao câu hỏi của Tổ.

Đã nói là không có ai cả mà sao lại có kẻ trả lời câu “không có người?” Vậy là nghĩa lý gì đây !

Tôn giả văn ngữ, tri kỳ dị nhân, toại khai quan diên tiếp: Nghe xong câu hỏi của người đứng bên ngoài cửa, tôn giả biết rằng người đó chẳng phải là kẻ tầm thường, nên mở cửa ra và lúc đó mời Tổ thứ mười tám vào nhà.

Tổ viết: “Tích Thế Tôn ký viết: ‘Diệt hậu nhất thiên niên, hữu Đại sĩ xuất hiện ư Nhục Chi quốc, thiệu long huyền hóa : Tổ thứ mười tám nói: “Năm xưa, khi còn tại thế, Đức Thế Tôn đã từng thọ ký rằng một nghìn năm sau khi Phật diệt độ, sẽ có một vị đại bồ-tát xuất hiện ở nước Nhục Chi, tiếp tục làm hưng thịnh giáo pháp huyền diệu này”. “Kim nhữ trị ngã, ưng tư gia vận.”: Nay ông gặp ta đây, nên hiểu là đúng với lời thụ kí đó.” Chữ “ưng” là nên, nên như vậy. “Gia vận” nghĩa là vận lành, ngụ ý nói lời thụ ký trên là một vận hội tốt lành. Ư thị xuất gia thọ cụ, phó dĩ đại pháp: Thế là tôn giả Cưu-ma-la-đa xuất gia, được Tổ cho thụ giới cụ túc và truyền diệu pháp tâm ấn này.(chú1)

Tôn giả đắc pháp dĩ, hậu đắc Xà-dạ-đa: Về sau, khi đã đắc pháp, Tổ gặp và độ tôn giả Xà-dạ-đa trở thành Tổ thứ hai mươi. Tức ư tọa thượng, dĩ chỉ trảo ly diện, như hồng liên khai, phóng đại quang minh, chiếu diệu tứ chúng, nhi nhập tịch diệt: Sau khi truyền pháp, Tôn giả ngồi trên tòa dùng móng tay vẽ lên mặt mình thành hình hoa sen nở, lại phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp bốn chúng đệ tử, tức là các tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, sau đó nhập diệt.

Bài tán:

Văn Phật bế môn, thả tín nhất bán: Vừa nghe một tiếng Phật, Tôn giả sợ hãi vội đóng cửa lại. Nói không tin cũng không đúng mà chỉ tin một nữa.

Thử xá vô nhân, bão tàng tặc hán: Trong nhà này không có người, nhưng có một tên trộm lẫn trốn.

Thuyết pháp Phạm thiên, môi lý tẩy thán: Trong một kiếp xưa Tổ thứ mười chín đã từng thuyết pháp trên trời Phạm thiên (chú 2).

Gọi là pháp nhưng kỳ thực không có pháp nào có thể nói ra được, nói đi nói lại, nói mà chưa nói, ví như “môi lý tẩy thán ”, nghĩa là rửa sạch than củi trên lớp than đá. Quý vị thấy mầu than mỏ là mầu đen, than củi cũng màu đen, tẩy đi tẩy lại cuối cùng vẫn là màu đen mà thôi.

Ký biệt tương lai, tuệ mạng nhất tuyến: Xưa Đức Phật thụ kí rằng một nghìn năm sau, Tôn giả sẽ là người tiếp nối huệ mạng Phật pháp. “Tuệ mạng nhất tuyến” là ý nói pháp môn truyền tâm ấn có thể ví như sợi chỉ treo, nó rất là vi tế.

Kệ rằng

Thử xá vô nhân hữu tặc hán: Nói trong nhà này không có người, vì không có người nên kẻ trộm đến, vậy đúng là có một tên trộm. Ông không phải kẻ trộm thì là gì chứ? Rõ ràng Ngài ở trong nhà mà nói dối là không có người, như thế đó thì không phải muốn làm kẻ trộm thì làm cái gì?

Tâm hành xứ diệt ngôn ngữ đoạn: Nhưng lúc này, Ngài muốn trốn cũng không có chỗ để trốn, muốn lánh cũng không có chỗ để lánh; tâm không chỗ đi, tâm bị tắt lối, còn nói năng (ngôn ngữ) cũng không biết nói như thế nào là phải! Chỉ vì lý do tôn giả không biết trả lời ra sao câu hỏi của Tổ, tức là câu“người đáp là ai”.

Đáp giả thị thùy ngô nan giải: Câu kệ này nói thay cho Tổ. Tổ thứ mười tám hỏi tôn giả: “ Kẻ trả lời “không” đó là ai vậy? Điều này ta không hiểu.”

Ứng chi phi ngã nhữ nghi tri: Ông ở đâu mà nói “đó không phải là lời nói của tôi”, ở trong phòng lại nói “ở đây không có ai”, vậy đó không phải là tôi sao? ‘Nhữ nghi tri’, tự ông phải biết ông là ai chứ? Câu hỏi này lại tiến thêm một bước nữa, giúp cho tôn giả thức tỉnh đó! Cho nên câu sau đây có nói ---

Thiên niên Đại sĩ xuất Nhục Chi: Xưa kia Đức Phật đã nói trước về vụ này. Theo lời thụ kí thì sau khi Đức Phật diệt độ một nghìn năm, có vị đại bồ-tát xuất hiện ở nước Nhục Chi, hẳn là ứng vào ông đó!

Vạn kiếp Pháp Vương ký nhật tiên: Vạn kiếp về sau, ông sẽ là người nối pháp, làm Pháp Vương, một vị chúa thuyết pháp, và truyền pháp tâm ấn. Lời thụ kí này do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sớm đã nói một nghìn năm trước, nên mới nói là “ký nhật tiên”.

Nở đoá sen hồng soi bốn chúng: Hoa sen hồng nở trên mặt của Ngài, soi sáng bốn chúng đệ tử tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.

Hồng liên khai phóng chiếu tứ chúng: Tổ thứ mưới chín giáo hóa chúng đông vô số.

(Tuyên công thượng nhân giảng ngày 22, tháng 8, năm 1981)


Chú 1: Kệ truyền pháp của Tổ thứ mười tám phó chúc cho Tổ thứ mười chín, trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi:

Hữu chủng hữu tâm địa

Nhân duyên năng phát manh

Ư duyên bất tương ngại

Đương sinh sinh bất sinh[3]

Dịch :

Có giống và đất tâm

Đủ duyên sẽ nãy mầm

Duyên không ngăn ngại nhau

Nên có sinh không sinh

Chú 2: Quyển hai Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ghi: Tổ thứ mười chín Cưu-ma-la-đa là con của một bà-la-môn ở nước Đại Nhục Chi. Kiếp xưa ở trên tầng trời Tự Tại (tầng trời thứ sáu của Dục giới),nhưng vì đã khởi tâm ái khi nhác thấy chuỗi anh lạc của bồ-tát, nên đọa xuống trời Đao-lợi (tầng trời thứ hai của Dục giới). Nghe Kiều- thi-ca[4] nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhờ pháp thù thắng, Ngài được sinh lên Phạm thiên (Sắc giới). Nhờ căn tính linh lợi và giỏi thuyết pháp nên, chư thiên tôn Ngài làm thầy. Đến thời kế thừa chư Tổ, Ngài giáng sinh vào nước Nhục Chi.


[1]聞佛閉門 且信一半 此舍無人 抱臧賊漢
說法梵天 煤裏洗炭 記莂將來 慧命一線

[2]此舍無人有賊漢 心行處滅言語斷
答者是誰吾難解 應之非我汝宜知
千年大士出月氏 萬劫法王記日先
紅蓮開放照四眾 十九代祖化女男

[3] Nguyen van : 有種有心地 因緣能發萌
於緣不相礙 當生生不生

[4]Kiều- thi-ca 憍尸迦: họ của Thích-đề-hoàn nhân khi còn làm người.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn