Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (38)

21 Tháng Chín 201418:14(Xem: 9110)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (38)


Trăm điều phúc lành cùng đến, ngàn việc tốt đẹp tụ về, đều nhờ nơi âm đức
Giảng rộng
Đế quân dạy rằng: “Trăm điều phúc lành đồng thời đến, ngàn việc tốt đẹp hội tụ về, chẳng phải nhờ việc tích tạo âm đức mà được như thế đó sao?” Một câu kết này là nêu lên hiệu quả của tất cả những việc bỏ ác làm lành đã nói ở trên, dùng để thâu tóm lại bố cục của toàn bài văn. Từ câu văn đầu nêu ra hết thảy các việc hiền thiện được thực hiện đến mức “thấu tận trời xanh”, liền tương ứng với trong câu cuối này được kết quả “trăm điều phúc lành, ngàn việc tốt đẹp”. 
Tuy nói chung phước báo tốt đẹp là như thế, nhưng trong đó cũng không phải là không có sự phân tích chi ly từng việc. Chẳng hạn như, “thường không ngừng việc giúp người” ắt sẽ có phước báo tốt đẹp của việc giúp người, “âm thầm làm đủ mọi công đức” ắt sẽ có phước báo tốt đẹp của việc làm công đức... Việc thiện lớn lao ắt phước báo cũng lớn lao, việc thiện nhỏ nhặt ắt phước báo cũng nhỏ nhặt. Chuyện báo ứng có thể tin chắc như thủy triều sáng tối lên xuống không hề sai lệch, lại nhanh chóng như vung tay đánh trống, tức khắc có tiếng vang.
Chữ “âm đức” được dùng hai lần trong bài văn này. Lần đầu tiên nói: “rộng làm những việc âm đức, thấu tận trời xanh”, đó là Đế quân lấy việc của chính tự thân mình ra để dạy dỗ, tự nói việc mình rộng làm âm đức đã cảm động thấu đến lòng trời. Lần thứ hai trong câu kết này nói rằng “trăm phúc lành, ngàn điều tốt đẹp” đều nhờ nơi âm đức, đó là Đế quân khuyến khích, cổ vũ mọi người, mong muốn tất cả chúng ta đều kính ngưỡng làm theo giống như Đế quân, ắt cũng sẽ được sự cảm ứng “thấu tận trời xanh” như vậy.
Trưng dẫn sự tích
Sống cõi người hưởng phước cõi trời 
Vua Tần-bà-sa-la ở Ấn Độ có một quan đại thần tên Thọ-đề-già, giàu có vô cùng, mọi thứ muốn dùng đều tự nhiên có đủ. Một hôm, quốc vương đang lâm triều bỗng có một cơn gió lớn nổi lên, thổi đến trước cung điện một chiếc khăn tay bằng loại vải trắng cực kỳ mịn màng xinh đẹp, không giống bất kỳ loại vải nào ở thế gian. Vua lập tức mang đưa cho tất cả các quan trong triều xem qua, ai cũng cho rằng đất nước sắp được hưng thịnh nên trời ban điềm lành. Chỉ có Thọ-đề-già lặng im không nói gì. Vua hỏi vì sao không nói, ông thưa: “Thật không dám nói dối bệ hạ, cái khăn đó là của nhà tôi dùng để lau mình, giặt phơi bên bờ hồ, tình cờ bị gió thổi đến đây.” 
Mấy hôm sau lại có một bông hoa chín màu tuyệt đẹp, lớn như bánh xe, từ đâu bay đến rơi xuống ngay trước điện của vua. Vua lại gọi đến hỏi, Thọ-đề-già thưa: “Thật không dám nói dối bệ hạ, đó là bông hoa héo ở vườn sau nhà tôi, tình cờ bị gió thổi đến đây.” 
Vua hết sức kinh ngạc, liền nói với Thọ-đề-già: “Ta muốn đến nhà ông thăm viếng xem chơi, định dẫn theo chừng 200.000 người, nhà ông có đủ chỗ không?” Thọ-đề-già thưa: “Xin tùy ý bệ hạ.” Vua lại nói: “Ta nên đến vào ngày nào, ông có thể chuẩn bị kịp không?” Thọ-đề-già thưa: “Xin tùy bệ hạ chọn ngày, tôi không cần phải chuẩn bị. Nhà tôi có giường ghế tự nhiên xuất hiện theo ý muốn, không cần người mang ra; thức ăn tự nhiên mà có, không cần người nấu nướng; khi muốn ăn thì thức ăn tự nhiên hiện đến, khi ăn xong thì tự nhiên mất đi, không cần dọn dẹp.” 
Vua liền dẫn theo 200.000 người đến nhà Thọ-đề-già theo cửa phía nam đi vào. Vừa bước vào liền gặp một đứa trẻ dung mạo hết sức xinh đẹp dễ thương, vua hỏi: “Đây là con cháu của ông phải không?” Thọ-đề-già đáp: “Thưa không, đó là đứa đầy tớ giữ cửa nhà tôi.” Vua lại đi tiếp vào đến cửa trong, nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, liền hỏi: “Đây là vợ ông phải không?” Thọ-đề-già đáp: “Thưa không, đây là đứa nữ tì lo việc giữ cửa trong.” Vua lại đi tiếp, vào đến trước sân nhà, thấy vách nhà bằng bạc trắng, nền đất bằng thủy tinh trong suốt, vua nhìn tưởng là nước nên không dám bước chân lên. Thọ-đề-già liền nói: “Nền thủy tinh này cứng chắc lắm, không gì có thể phá vỡ được.” Liền đi trước dẫn đường cho vua bước vào, bên trong đã có giường vàng, ghế ngọc sẵn sàng. 
Phu nhân của Thọ-đề-già từ bên trong rẽ qua một tấm trướng che có 120 lớp toàn bằng bảy món báu, thong thả bước ra, đến thi lễ trước mặt vua, vừa ngẩng đầu lên thì tự nhiên chảy nước mắt. Vua liền hỏi Thọ-đề-già: “Phu nhân của ông vì sao nhìn thấy ta lộ vẻ không vui?” Thọ-đề-già thưa: “Không phải, chỉ vì trên thân bệ hạ có mùi khói, vợ tôi không quen nên bị chảy nước mắt đó thôi.” Vua nói: “Dân thường dùng mỡ làm dầu thắp đèn, chư hầu dùng đèn bằng sáp, thiên tử như ta dùng nhựa sơn để thắp, không hề nhìn thấy khói, vậy mà trên thân ta lại có hơi khói khiến vợ ông chảy nước mắt sao?” Thọ-đề-già: “Ấy là vì nhà tôi không quen thắp đèn bằng những thứ như bệ hạ vừa nói, chỉ dùng một viên thần châu minh nguyệt treo ở giữa nhà, tự nhiên tỏa sáng, đêm cũng như ngày.” 
Thọ-đề-già lại đưa vua đi xem các nơi. Trước nhà có một lầu cao đến 12 tầng, rộng lớn mênh mông, dọc ngang hoành tráng, nhìn từ bên này thấu suốt bên kia. Lần lượt thăm thú các nơi trong nhà, thấm thoát đã qua một tháng mà vẫn chưa đi khắp. Các quan đại thần cùng tâu xin vua hồi cung, vua không thèm để ý, tiếp tục đi thăm những chỗ vườn, hồ quanh nhà, lại trải qua đến một tháng nữa. Đến khi vua hồi cung, Thọ-đề-già liền mang ra các thứ lụa là quý báu làm quà tặng cho hết thảy 200.000 người cùng đi.
Vua về cung rồi, nói với các vị đại thần rằng: “Thọ-đề-già là bầy tôi của ta, vì sao nhà cửa, vợ con, tài sản các thứ đều vượt trội hơn ta? Nay ta muốn mang 400.000 quân đến đánh lấy những tài sản ấy có được chăng?” Các đại thần đều cho là được. Vua liền cất quân đến vây kín nhiều vòng quanh nhà Thọ-đề-già. Bỗng thấy từ trong nhà có một lực sĩ mở cửa bước ra, tay cầm cây gậy bằng vàng, vung lên múa quanh một vòng, tất cả 400.000 người ngựa đều đồng loạt ngã lăn xuống đất không sao đứng dậy được.
Khi ấy, Thọ-đề-già từ trong nhà ngồi trên xe bằng gỗ quý có khảm xa cừ đi ra, hỏi mọi người rằng: “Các vị có muốn đứng dậy chăng?” Mọi người đều nói muốn. Thọ-đề-già liền vẫy tay một cái, tự nhiên tất cả người ngựa đều đứng dậy được. Vua biết không thể dùng sức mạnh để cướp đoạt, liền tự lui binh về.
Lời bàn 
Sau đó, vua Tần-bà-sa-la cùng với Thọ-đề-già đi đến chỗ đức Thế Tôn, thưa hỏi về nhân duyên đời trước của Thọ-đề-già. Đức Phật dạy: “Cách đây vô số kiếp về trước, có một người khách buôn, khi đi qua một con đường núi, nhìn thấy một vị tăng đang bị bệnh, ông liền phát tâm cung kính cúng dường, lo lắng cho vị tăng ấy có chỗ ở, đồ ăn thức uống và đầy đủ tất cả mọi thứ cần dùng, không để thiếu thốn bất cứ món gì. Sau đó lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện trong đời sau tôi sẽ có được sự cung ứng mọi thứ tự nhiên như trên cõi trời, lại nguyện tôi được sớm thành quả Phật, cứu vớt tất cả chúng sinh trong ba đường dữ.’ Nhờ phước lành của sự bố thí cúng dường đó mà đến đời này, tuy sống trên mặt đất nhưng được hưởng phước như ở cõi trời. Khách buôn ngày đó nay chính là ông Thọ-đề-già, vị tăng có bệnh ngày đó nay chính là ta.” 
Phước báo của cả nhà 
Vào thời đức Phật còn tại thế, trong thành Bạt-đề có một vị đại cư sĩ tên là Mân-đồ, giàu có vô cùng, mọi người trong thành nếu có bất kỳ nhu cầu gì cũng đều được ông tùy ý chu cấp cho đầy đủ.
Trong kho lúa nhà ông Mân-đồ có một cái lỗ lớn như bánh xe, lúa thóc từ trong đó tự nhiên tuôn ra. Vợ ông lấy 8 thăng gạo nấu thành cơm cho bốn bộ binh với khách đến từ bốn phương cùng ăn mà vẫn không hết. Con ông lấy một ngàn lượng vàng mang ra tùy ý phân phát cho bốn bộ binh cùng tất cả những người hành khất từ bốn phương kéo đến nhưng vẫn không hết. Vợ ông lấy một gói hương bột thơm xoa lên thân cho bốn bộ binh và người từ bốn phương đến xin nhưng vẫn không hết. Nô bộc của ông chỉ dùng một mảnh ruộng cày mà được rất nhiều lúa thóc. Con hầu của ông lấy 8 thăng lúa mang cho ngựa của bốn bộ binh cùng ăn mà vẫn không hết. 
Tất cả những người trong nhà cư sĩ Mân-đồ đều tranh nhau, ai cũng cho rằng phước lực của mình là hơn. Mân-đồ liền tìm đến thưa hỏi đức Phật. Đức Phật dạy: “Nếu nói về phước lực thì tất cả người trong nhà ông đều có cả.” Rồi đức Phật kể về nhân duyên đời trước rằng: 
“Xưa kia, trong thành Vương Xá có một người thợ dệt. Một hôm ông cùng vợ và con cái, nô bộc, con hầu đều sắp sửa dùng cơm thì có một vị Bích-chi Phật đến khất thực. Cả nhà ai cũng muốn lấy phần ăn của mình để cúng dường, vị Bích-chi Phật liền dạy: ‘Chỉ cần mỗi người bớt một chút thức ăn thôi, như thế các người không phải chịu đói mà ta cũng được no.’ Mọi người liền vâng lời làm theo. Vị Bích-chi Phật thọ thực vừa xong liền bay lên hư không, hiện đủ các phép thần biến. Cả nhà người thợ dệt được nhìn thấy đều hết sức hoan hỷ. Sau khi qua đời, họ đều được sinh lên cõi trời. Đến nay sinh trong cõi người nhưng phước báo vẫn còn chưa hết nên được như thế.”
Lời bàn
Tục ngữ có câu: “Một người có phước, cả nhà cùng hưởng.” Tuy nói thế nhưng cần phải biết rằng, những người sống cùng trong một nhà dù có được ảnh hưởng phước báo của người kia, nhưng tự thân họ cũng đều có phước báo riêng, chỉ có điều là phước lớn hay nhỏ đều tùy thuộc vào nhân duyên đời trước của mỗi người. Cho nên con cái của những nhà sang quý ắt không có tướng mạo của kẻ ăn mày, mà con cái của những nhà hèn kém cũng không thể có được vận mệnh của hàng công khanh quan tướng. Vì sao như thế? Ấy là vì nghiệp báo tương đồng chiêu cảm lẫn nhau, nên nghiệp lực giống nhau tất nhiên sẽ cùng tụ hội về chung một nhà.
Nhiều đời khoa bảng 
Huyện Thái Thương thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Vương Tích Tước, tên tự là Nguyên Ngự, hiệu là Kinh Thạch, vua ban tên thụy là Văn Túc. Ông bản tính khiêm tốn, nhân từ hòa ái, thường ngày luôn âm thầm làm rất nhiều việc công đức. Triều Minh, vào đời Minh Thần Tông được phong đến chức Thủ phụ. Tuy được sang quý hiển vinh, ông vẫn sống chung thủy trọn đời với vợ, không nạp tiểu thiếp. Chùa chiền các nơi bất kể lớn hay nhỏ ông đều ủng hộ, viết hoành phi cúng dường. Những năm về già, ông cho rước thợ về nấu vàng, bạc chế thành mực vẽ để vẽ tranh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, rồi tự tay viết bản Tâm kinh Bát-nhã lên mỗi bức, cúng dường phân phát cho rất nhiều người, bất kể số lượng.
Con trai của Vương Tích Tước là Vương Hoành, tức tiên sinh Câu Sơn, từng thi đỗ Bảng nhãn. 
Cháu nội của Vương Tích Tước là Vương Thời Mẫn, tức tiên sinh Yên Khách, là người thường tu sửa đức hạnh, hết sức tin sâu Tam bảo, mỗi buổi sáng đều dậy thật sớm súc miệng rửa mặt rồi lễ lạy tụng kinh. Ông thường nói với người khác rằng: “Ta từ năm 17 tuổi đã trì kinh Kim cang mỗi ngày, cho đến nay gần 80 tuổi vẫn chưa từng bỏ sót ngày nào.” Năm mất mùa đói kém, tiên sinh là người đầu tiên đề xuất việc bán gạo trong kho địa phương ra với giá thấp để bình ổn, cũng như nấu cháo cứu tế dân nghèo. Người cùng làng có ông Lục Doãn Thăng, hiệu là Hiếu Liêm, tên tự là Tử Tựu, một hôm nằm mộng thấy mình đi đến một ngôi chùa lớn, có 6 người cùng gánh đậu tới. Nhìn vào chỗ đậu ấy thì thấy có đậu nành lẫn lộn với những hạt đậu ngựa rất to. Hiếu Liêm lấy làm ngạc nhiên liền lên tiếng hỏi, có vị tăng già đứng bên cạnh đáp: “Đó là những việc thiện mà ông Yên Khách trước đây đã từng làm. Cứ mỗi việc thiện lớn thì tính bằng một hạt đậu ngựa, mỗi việc thiện nhỏ là một hạt đậu nành. Tất cả đã được 600 cân.” Hiếu Liêm tỉnh dậy đem việc này kể với mọi người nên ai ai cũng biết.
Tiên sinh Yên Khách sinh được 9 người con, hơn 20 người cháu, tất cả đều đỗ đạt cao, quan chức lớn. Người con thứ 8 là Vương Thiểm cũng được giữ cương vị quan trọng trong triều đình nhà Thanh, tiên sinh cũng được triều đình truy tặng tước quan như con. Con cháu về sau nối đời vinh hiển không dứt.
Lời bàn
Những người có danh thơm tiếng tốt qua nhiều đời ở đất Thái Thương đều được ghi chép trong quốc sử, hoặc trong các bản gia phả tộc họ, nhiều không kể hết. Nay chỉ xin đặc biệt trích ra đôi điều từ sách Hiện quả tùy lục do Vân Sư ghi chép, đưa vào thiên cuối này để góp phần vào việc khuyến thiện.
Tạo phúc cho cả vùng Giang Nam 
Vùng Côn Sơn có người tên Từ Tại Xuyên, tên húy là Nhữ Long, là con trai của Từ Thân, vốn trước là quan chủ sự ở Hình bộ. Từ Tại Xuyên rất giỏi văn chương, Nghiêm Nột ở Ngu Sơn mời ông về làm thầy dạy học trong nhà. Trong thời gian trước đó, bọn giặc cướp Nhật Bản hung hăng bạo ngược lộng hành, khắp vùng duyên hải của hai tỉnh Giang Tô, Triết Giang đều vì chiến tranh mà bị tàn phá, dân chúng khổ sở chẳng biết dựa vào đâu mà sống. Đến năm Ất Mão thuộc niên hiệu Gia Tĩnh thứ 34, hai vùng Tô Châu và Tùng Giang có đến 4 quận mất mùa đói thiếu, dân nghèo lưu lạc đầy đường. Khi ấy, các đại thần lo việc dẹp loạn chỉ nặng về chiến cuộc, không dám trình tấu lên triều đình những sự khổ sở đói kém của dân chúng. Bấy giờ, quan Cung đạm của phủ Thái tử hiện đang ở nhà Nghiêm Nột. Từ Tại Xuyên khuyên họ Nghiêm nên vì dân thỉnh mệnh triều đình, Nghiêm Nột do dự chưa quyết. Tại Xuyên liền thay ông ta soạn thảo một sớ văn lưu loát đến mấy ngàn câu, văn từ hết sức chí thành khẩn thiết, để sẵn trong ống tay áo rộng, rồi đến chỗ họ Nghiêm khẩn khoản thuyết phục. Họ Nghiêm vẫn chưa đồng ý, muốn mời một thầy bói mù nổi tiếng linh nghiệm đến để quyết định việc này. Tại Xuyên liền thắp hương khấn cáo trời đất, cầu nguyện trời cao chứng giám giúp cho việc cứu dân được thành tựu, đồng thời kín đáo cho người mang tiền đến biếu thầy bói, nhờ gieo quẻ theo ý mình. Kết quả gieo được quẻ thăng, nội dung quẻ là “trời cao cùng trợ giúp, mọi sự đều tốt lành”. Từ Tại Xuyên dựa theo đó liền bàn với họ Nghiêm rằng quẻ này ứng với mọi sự tốt đẹp, nếu dâng sớ lên triều đình sẽ được chuẩn thuận, chẳng những muôn dân được hưởng phúc mà bản thân người dâng sớ cũng sẽ được quyền cao lộc hậu. Họ Nghiêm vui mừng lắm, liền mạnh dạn dâng sớ lên. Quả nhiên được triều đình chuẩn thuận, đồng loạt miễn thuế cho dân chúng trong toàn tỉnh Giang Nam, ngay cả số thóc đã vận chuyển về nhập kho rồi cũng cho dân được nhận đủ lại y số đã nộp. Người dân mừng vui khôn xiết, tiếng ngợi ca vang khắp xóm thôn. Không bao lâu sau, Nghiêm Nột được triệu về triều, thăng đến chức Thượng thư nắm giữ quyền chính. Từ Tại Xuyên sau đó được bổ làm huyện lệnh Giao Hà, lập được rất nhiều công trạng. 
Con trưởng của Từ Tại Xuyên là Từ Ưng Sính, làm quan thăng đến chức Thái bộc Thiếu khanh. 
Cháu cố của Từ Ưng Sính có ba anh em là Từ Càn Học, Từ Bỉnh Nghĩa, Từ Nguyên Văn cùng nhau thi đỗ ba vị trí đầu bảng là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.
Từ Càn Học làm quan Tư khấu, sinh được 5 người con là Từ Thọ Cốc, Từ Quýnh, Từ Thọ Mẫn, Từ Thọ Bình và Từ Tuấn, cả 5 người đều thi đỗ tiến sĩ, người đương thời gọi là “Ngũ tử đăng khoa”. Người nhỏ tuổi nhất là Từ Tuấn được phong đến chức Hàn lâm Học sĩ. Con cháu về sau đỗ đạt làm quan rất nhiều, thành một dòng họ khoa bảng hưng thịnh bậc nhất. 
Lời bàn
Trong khoảng năm Kỷ Tỵ hoặc Canh Ngọ thuộc niên hiệu Khang Hy, tiên sinh Lập Trai vào lúc sắp nhận chức Tướng quốc, ở tại nhà khởi thảo một bản sớ chương, đề nghị xét lại việc thuế má ở Tô Châu và Tùng Giang quá cao, xin được miễn giảm.
Khi ấy có một người họ Trần ra sức ngăn cản, nói rằng những khoản thu dùng cho việc quốc gia không thể nhất thời giảm đi quá nhiều, lại nói rằng những quan chức có ruộng đất ở Tô Châu sẽ ganh ghét gây ra chuyện không hay. Cuối cùng ông ta lại tự mình thay Lập Trai thảo ra một bản sớ chương, thúc giục tiên sinh trình lên triều đình, đại ý trong đó nói là nên gác lại việc miễn giảm thuế. Về sau, việc miễn thuế do đó mà không được thực hiện.
Ngay trong năm đó, người họ Trần kia bỗng nhiên chết tại nhà. Lập Trai cũng bị bãi chức Tướng quốc, về làm dân thường.
Đem việc này so với việc Từ Tại Xuyên thay Nghiêm Nột thảo sớ chương, quả là khác nhau một trời một vực. Người đời khi nhắc đến chuyện này thường quy lỗi hoàn toàn cho quan Tướng quốc, cũng thật oan uổng. Người họ Trần kia vốn quê ở Gia Định, chỉ là giấu tên không nói ra thôi. 

Giảng rộng bài văn Âm chất của Văn Xương Đế quân
Hết quyển hạ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2166)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8177)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3008)