- Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
- Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
- Lời Giới Thiệu của Người Dịch
- Giới Thiệu Tổng Quát
- I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
- II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
- III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
- IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
- VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- VIII. TU TẬP TÂM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY
TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
3. MỘT THẾ GIỚI BIẾN ĐỘNG
( 1) Nguồn Gốc Của Xung Đột
Người Bà-la-môn Ārāmadaṇda đi đến Tôn giả Mahākacchāna (Đại Ca-Chiên-Diên)(12), chào hỏi thân thiện với tôn giả rồi hỏi rằng:” Thưa Tôn giả, tại sao các người Sát-đế lợi tranh chấp với Sát-đế-lợi, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ ?”
“ - Thưa Bà-la-môn, chính vì chấp thủ dục lạc, dính mắc với dục lạc, trói buộc với dục lạc, tham đắm dục lạc, bị xâm chiếm bởi dục lạc, giữ chặc các dục lạc khiến cho Sát-đế-lợi tranh chấp với Sát-đế-lợi, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ ”.
“ - Thưa Tôn giả, tại sao Sa môn tranh chấp với Sa môn ?”
“ - Thưa Bà-la-môn, vì chấp thủ kiến tham, bị dính mắc với kiến tham, bị trói buộc với kiến tham, mê đắm kiến tham, bị xâm chiếm bởi kiến tham, giữ chặc kiến tham khiến cho Sa môn tranh chấp với Sa môn”.
(Tăng Chi BK I, tr 126- 127 : ( Giản lược ) 6. Như vầy tôi nghe … )
(2) Vì Sao Con Người Sống Trong Thù Hận ?
2.1 . Sakka (Trời Đế Thích), là vị Thiên chủ của chư thiên (13) hỏi Thế Tôn :“ - Chúng sinh mong ước sống không oán ghét, không làm hại , không chống đối nhau hay hận thù nhau, họ mong ước sống trong an bình. Tuy vậy, họ lại sống trong oán ghét, làm hại nhau, chống đối nhau, và coi nhau như kẻ thù . Bạch Thế Tôn, do bị trói buộc bởi những kiết sử nào khiến họ sống như vậy ?”.
Thế Tôn trả lời : “ - Này Sakka thiên chủ, chính là do đố kỵ và keo kiệt đã trói buộc chúng sinh như vậy, mặc dù họ muốn sống không oán ghét, không chống đối hay thù hận nhau, và muốn sống trong hòa bình; tuy nhiên họ lại sống trong oán ghét, làm hại nhau, chống đối nhau và coi nhau như kẻ thù,”
Đây là câu trả lời của Thế Tôn, và Sakka Thiên chủ vui mừng thốt lên rằng: “ Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Đúng vậy, bạch đấng Thiện Thệ ! Qua câu trả lời của Thế Tôn, con đã hết nghi ngờ và giải tỏa hết sự hoang mang .”
2.2 . Sau khi bày tỏ lòng hoan hỷ Thiên chủ Sakka hỏi câu thứ hai : “ - Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì phát sinh đố kỵ và keo kiệt, nguồn gốc chúng từ đâu, chúng tập khởi như thế nào, làm thế nào chúng phát sinh ? Khi cái gì có mặt thì chúng sinh khởi, khi cái gì không có mặt thì chúng không sinh khởi ?”
“ - Này Thiên chủ, đố kỵ và keo kiệt phát sinh từ yêu ghét , đây là nguồn gốc, đây là cách chúng tập khởi, là cách chúng phát sinh. Khi yêu ghét có mặt thì chúng sinh khởi, khi yêu ghét không có mặt thì chúng không sinh khởi.”
“ - Bạch Thế Tôn, nhưng yêu ghét do nhân duyên gì phát sinh…?”
“ - Này Thiên chủ, chúng phát sinh từ tham dục”
“ - Và nhân duyên gì phát sinh tham dục…? “
“ - Này Thiên chủ, chúng phát sinh từ suy nghĩ . Khi tâm suy nghĩ về một đối tượng thì tham dục sinh khởi , khi tâm không suy nghĩ gì thì tham dục không sinh khởi.”
“ - Bạch Thế Tôn, nhưng do nhân duyên gì suy nghĩ sinh khởi ?’’.
“ -Này Thiên chủ, suy nghĩ sinh khởi từ những vọng tưởng và hý luận (14) . Khi những vọng tưởng và hý luận có mặt thì suy nghĩ có mặt. Khi những vọng tưởng và hý luận không có mặt thì suy nghĩ không có mặt.”
( Trường BK II, Kinh 21 : Đế Thích Sở Vấn, tr 276-77 )
(3) Chuổi Nhân Duyên Đen Tối
9. “ - Này Ānanda, do nhân duyên cảm thọ sinh ra khát ái, do nhân duyên khát ái sinh ra tìm cầu, do nhân duyên tìm cầu sinh ra thắng lợi, do nhân duyên thắng lợi sinh ra quyết định, do nhân duyên quyết định sinh ra tham dục, do nhân duyên tham dục sinh ra chấp thủ, do nhân duyên chấp thủ sinh ra chiếm hữu, do nhân duyên chiếm hữu sinh ra keo kiệt, do nhân duyên keo kiệt sinh ra phòng thủ, và do phòng thủ phát sinh nhiều bất thiện pháp – như cầm lấy cây trượng và vũ khí, xung đột, gây gỗ, tranh chấp, lăng mạ, vu khống và vọng ngữ ”.(15)
( Trường BK II, tr 516 -517, 14- Kinh Đại Duyên : 9)
(4) Gốc Rễ của Bạo Lực và Đàn Áp
“ Tham, sân, si thuộc bất cứ loại nào đều là bất thiện.” (16). Bất cứ một hành động nào mà một người tham lam, sân hận và si mê tạo nên – bằng thân, lời hay ý – cũng là bất thiện., Bất cứ khổ đau nào mà người này gây ra cho người khác do tham, sân, si thúc đẩy, ý nghĩ bị tham sân si điều khiển, dù viện bất cứ lý do sai trái nào – bằng cách sát hại, bỏ tù, tịch thu tài sản, cáo buộc sai lầm, hay trục xuất – do được tư tưởng này gợi ý :’’ Ta có quyền lực và ta muốn có quyền lực,” tất cả điều này cũng đều là bất thiện”.
(Tăng Chi BK I, tr 363- 69. Các Căn Bản Bất Thiện )