- Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
- Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
- Lời Giới Thiệu của Người Dịch
- Giới Thiệu Tổng Quát
- I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
- II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
- III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
- IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
- VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- VIII. TU TẬP TÂM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY
TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
VII
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
Trong chương này, chúng ta đi đến một nét đặc thù nổi bật của giáo pháp Đức Phật, đó là con đường ‘ siêu thế ’ hay ‘ vượt thoát thế gian’( lokuttara). Con đường này xây dựng trên nền tảng sự hiểu biết đã được chuyển hóa và tầm nhìn sâu sắc về bản chất của thế gian, phát sinh từ việc nhận thức được những hiểm họa của dục lạc giác quan, về cái chết không thể tránh được, và bản chất hung hiểm của cõi luân hồi, những đề tài chúng ta đã duyệt qua trong chương trước. Việc này nhắm mục đích đưa hành giả đến một tâm hành giải thoát vượt ra khỏi mọi cảnh giới tồn tại hữu vi, để đi đến niềm hỷ lạc không còn cấu uế và không còn khổ đau của cõi Niết-bàn mà chính Đức Phật đã đạt được vào đêm Ngài chứng đắc giác ngộ.
Chương này trình bày những kinh văn cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về con đường vượt thoát thế gian; hai chương tiếp theo sẽ tập hợp những kinh văn chú trọng kỹ hơn vào việc rèn luyện tâm và trau dồi trí tuệ, hai chi phần chính của con đường vượt thoát thế gian. Tuy nhiên, tôi sẽ bắt đầu bằng nhiều bài kinh có dụng ý làm sáng tỏ mục đích của con đường này, soi sáng nó từ nhiều góc độ khác nhau. Kinh Văn VII, 1 (1), Tiểu Kinh Mālunkyāputta (Trung BK 63) cho thấy rằng con đường của Phật giáo không phải được thiết kế để cung cấp lời giải đáp lý thuyết cho những vấn đề triết lý. Trong kinh này, Tỷ-kheo Mālunkyāputta đi đến Thế Tôn và và yêu cầu Ngài trả lời mười câu hỏi có tính cách suy đoán, đe dọa sẽ rời tăng đoàn nếu yêu cầu không được thỏa mãn. Các học giả đã từng tranh luận về việc có phải Đức Phật từ chối trả lời, bởi vì trên nguyên tắc đó là những câu hỏi không thể trả lời được, hay chỉ vì chúng không liên quan đến một giải pháp thực tiển cho vấn nạn khổ đau của kiếp người. Hai tập kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh ( Samyutta Nikaya) – (Tương Ưng 33:1-10 và Tương Ưng 44:7-8 )– đã chỉ rõ rằng sự ‘ im lặng’ của Đức Phật có một nền tảng sâu xa hơn là những quan tâm thực dụng đơn thuần. Những bài kinh này chứng tỏ rằng tất cả những câu hỏi đó đặt nền tảng trên một nhận định ngầm cho rằng sự hiện hữu phải được diễn giải theo quan điểm có một cái ngã và một thế giới trong đó cái ngã tồn tại. Vì những tiền đề này không có giá trị, nên không có câu trả lời nào được hình thành trên những tiền đề ấy có thể có giá trị, vì thế Đức Phật phải bác bỏ ngay chính những câu hỏi đó.
Tuy nhiên, trong lúc Đức Phật có những nền tảng triết lý để từ chối trả lời những câu hỏi đó, Ngài cũng bác bỏ chúng bởi vì Ngài cho rằng việc bận tâm tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi đó là không ích lợi gì cho việc tìm kiếm con đường giải thoát khổ đau. Lý do này là điểm rõ ràng trong kinh Mālunkyāputta, với ví dụ nổi tiếng về một người bị mũi tên độc bắn trúng. Cho dù bất cứ quan điểm nào trong số đó đúng hay không, Đức Phật dạy rằng, “ Có sinh, già, bệnh, chết, có buồn rầu, than van, đau đớn, thất vọng, và tuyệt vọng, và ta đã đề ra phương cách diệt trừ chúng ngay bây giờ và ở đây.” Dựa trên hình ảnh của bối cảnh cõi luân hồi được phác họa vào cuối chương trước, lời nhận định này giờ đây mang một ý nghĩa mở rộng: “sự đoạn diệt sinh, già, bệnh, chết ” không chỉ là chấm dứt khổ đau trong một kiếp người, nhưng đó là sự chấm dứt vô lượng khổ đau do lặp đi lặp lại vòng sinh, già, bệnh, chết mà chúng ta đã trải qua trong vô lượng kiếp trong vòng luân hồi.
Kinh Văn VII,1 (2), Đại Kinh Ví Dụ Lõi Cây ( Trung BK 26) làm sáng tỏ từ một góc độ khác về mục đích của Đức Phật trong việc thuyết giảng Giáo pháp vượt thoát thế gian của ngài. Bài kinh nói về một ‘người bộ tộc ’ đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình với mục đích đạt đến chấm dứt khổ đau. Mặc dù rất nhiệt tâm trong mục đích ban đầu lúc xuất gia, khi vị này đạt được một vài thành công, dù là thành quả ở mức độ thấp như được công nhận và vinh danh, hay ở mức độ cao hơn như đạt được định tâm và tuệ giác, vị này trở nên tự mãn và quên mất mục đích ban đầu khi đi theo con đường của Đức Phật. Đức Phật tuyên bố rằng không có trạm dừng chân nào trên con đường – không phải giới, định, hay ngay cả tuệ giác – là mục tiêu cuối cùng của con đường tâm linh. Mục tiêu, là lõi cây hay mục đích chính yếu, là “ tâm giải thoát bất động ”, và Ngài thúc dục những vị đã đi trên thánh đạo đừng bằng lòng với bất cứ những gì kém hơn thế.
Kinh văn VII,1,(3) là một tuyển chọn các bài kinh trong Tương Ưng Bộ kinh (Maggasamyutta). Những bài kinh này xác định rằng mục đích của việc thực hành đời sống tâm linh theo Đức Phật là “ làm lụi tàn mọi dục vọng…, tiến đến Niết-bàn tối hậu không còn chấp thủ,” Và Bát Thánh Đạo chính là con đường để đạt được những mục đích ấy.
Bát Thánh Đạo là công thức cổ điển về con đường giải thoát, như đã được nói rõ ràng trong bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, trong đó Ngài gọi Bát Thánh Đạo là con đường chấm dứt khổ đau. Kinh Văn VII,2 đưa ra các định nghĩa chính thức về từng chi phần trong thánh đạo nhưng không chỉ rõ cụ thể làm thế nào để việc tu tập chúng được thể nhập vào đời sống của người đệ tử. Việc áp dụng chi tiết sẽ được trình bày đầy đủ vào phần sau của chương này và trong chương VIII và chương IX.
Kinh Văn VII,3 chiếu ánh sáng vào một điểm quan trọng của con đường, khác với những gì chúng ta thường quen thuộc trong giáo pháp tiêu chuẩn của Đức Phật . Trong lúc chúng ta thường được dạy rằng việc tu tập Phật đạo tùy thuộc hoàn toàn vào nỗ lực cá nhân, bài kinh này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình huynh đệ đồng tu. Đức Phật tuyên bố rằng tình huynh đệ đồng tu không chỉ là ‘ một nửa của đời sống tâm linh’ mà là toàn bộ đời sống tâm linh, bởi vì nỗ lực đạt đến việc hoàn thiện đời sống tâm linh không chỉ đơn thuần là một công trình cá nhân mà là công việc lệ thuộc vào các mối quan hệ thân cận với các huynh đệ đồng tu. Tình huynh đệ đồng tu đem lại cho việc thực hành Giáo pháp một bình diện không thể tránh được của đời sống con người, và kết nối những hành giả Phật giáo thành một cộng đồng thống nhất cả về chiều dọc trong mối quan hệ giữa bậc đạo sư và đệ tử, lẫn chiều ngang trong tình đạo hữu giữa những người đồng phạm hạnh cùng đi chung một con đường.
Trái với nhận định thông thường, tám chi phần của Thánh đạo không phải là những bước phải đi theo thứ tự, bước này tiếp theo bước kia. Các chi phần này có thể được mô tả thích hợp hơn như là những thành phần hơn là những bước. Tốt nhất là tất cả tám chi phần nên được trình bày đồng loạt, mỗi chi phần có sự đóng góp đặc biệt của chính nó, giống như tám sợi dây cáp đan quyện vào nhau tạo cho sợi dây cáp có sức mạnh tối đa. Tuy nhiên, cho đến khi đạt được giai đoạn ấy, điều không thể tránh khỏi là những chi phần của thánh đạo biểu lộ một mức độ thứ tự nào đó trong quá trình phát triển của chúng. Tám chi phần thường được phân phối thành ba nhóm như sau :
1. Giới ( silakkhandha) : gồm có chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng
2. Định ( samādhikkhandha) : gồm có chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
3. Tuệ ( paññākkhandha): gồm có chánh tri kiến và chánh tư duy.
Tuy nhiên, trong các bộ kinh Nikaya, sự tương quan này chỉ xảy ra một lần ( Trung Bộ Kinh 44; I 301) , trong đó điều này được gán cho ni sư Dhammadinnā, chứ không phải chính Đức Phật. Có thể nói rằng hai chi phần thuộc về Tuệ được đặt lên hàng đầu bởi vì chánh tri kiến và chánh tư duy là điều kiện đầu tiên đòi hòi hành giả phải có vào lúc khởi đầu thánh đạo, chánh tri kiến cung cấp sự hiểu biết khái niệm về các nguyên lý của Phật đạo hướng dẫn sự phát triển những chi phần khác của thánh đạo, chánh tư duy là động cơ và phương hướng đúng đắn để phát triển thánh đạo.
Trong các bộ kinh Nikaya, đức Phật thường diễn giảng việc tu tập thánh đạo như là một sự rèn luyện từ từ ( anupuppasikkhā) mở ra theo các giai đoạn, từ bước đầu tiên đến mục tiêu cuối cùng. Việc tu tập từ từ này là một tiểu mục trong ba học phần của thánh đạo là Giới Định và Tuệ. Nhất quán trong các kinh văn, sự diễn giảng việc tu tập từ từ thường bắt đầu với hành động xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình và chấp nhận lối sống của một Tỷ-kheo, tức là một tăng sĩ Phật giáo. Điều này tức khắc kêu gọi sự chú ý đến tầm quan trọng của đời sống tu sĩ trong tầm nhìn thực tiển của Đức Phật. Trên nguyên tắc, toàn bộ việc tu tập Bát Thánh Đạo mở rộng cho mọi tầng lớp xã hội, tu sĩ hay cư sĩ, và Đức Phật xác nhận rằng có rất nhiều người trong số các đệ tử cư sĩ của Ngài đã thành tựu Giáo pháp và đã đạt được ba trong số bốn quả vị tu chứng, đến quả vị Bất Lai ( anāgāmi ), các nhà luận giải Nguyên Thủy nói rằng cư sĩ cũng có thể chứng quả thứ tư , tức là quả vị A-la-hán, nhưng họ chỉ đạt được như vậy lúc sắp chết hay phải xuất gia ngay lập tức sau khi chứng đắc . Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại sự kiện là đời sống gia đình không thể nào tránh khỏi làm phát triển rất nhiều mối quan tâm thế tục và những dính mắc cá nhân làm cản trở quyết tâm tìm cầu giải thoát. Vì thế, khi Đức Phật bắt đầu công cuộc thánh cầu, Ngài đã thực hành như vậy bằng cách từ bỏ gia đình sống không gia đình, và sau khi chứng đắc giác ngộ, để mở ra một con đường thực tiển giúp đỡ người khác, Ngài đã thiết lập Tăng đoàn, là đoàn thể tăng ni, để cho những ai muốn cống hiến trọn vẹn cho việc thực hành Giáo pháp không bị trở ngại vì vấn đề phải quan tâm chăm sóc gia đình.
Việc tu tập từ từ được trình bày trong hai tập kinh : tập kinh dài hơn trong Trường Bộ Kinh và tập kinh cở trung trong Trung Bộ Kinh. Những điểm khác nhau chính là : tập kinh dài trình bày cách thực hành chi tiết hơn về những qui tắc ứng xử của tu sĩ và việc tự chế ngự các căn của vị sa môn khổ hạnh; tập kinh dài bao gồm tám loại tri kiến cao thượng trong lúc tập kinh cở trung có ba loại. Tuy nhiên, vì ba loại này là những tri kiến được đề cập trong lời tường thuật của Đức Phật về sự giác ngộ của chính Ngài ( xem Kinh Văn II, 3(2)) , như vậy chúng được xem là quan trọng nhất. Khuôn mẫu chính trong tập kinh dài về sự tu tập từ từ được tìm thấy ở Trường Bộ Kinh- kinh số 2, và Trung Bộ Kinh- kinh số 27 và 51, với một vài thay đổi trong các bài kinh 38, 39, 53, 107, và 125. Ở đây, Kinh Văn VII,4 bao gồm toàn bộ bài kinh số 127-TrungBK, trong đó gắn liền việc tu tập trong ví dụ dấu chân voi mà cũng là nhan đề của bài kinh. Kinh Văn VII, 5 , một trích đoạn từ bài kinh 39-Trung BK, lặp lại các giai đoạn cao hơn của việc tu tập như đã mô tả trong kinh 27-Trung BK, nhưng bao gồm những ví dụ gây ấn tượng không có trong bài kinh số 27.
Thứ tự của thánh đạo mở đầu bằng sự xuất hiện của Như Lai trong thế gian và lời tuyên thuyết Chánh pháp của Ngài. Sau khi nghe lời thuyết giảng của Ngài, người đệ tử khởi tín tâm và theo bước chân Đạo sư để sống không gia đình. Rồi vị ấy chấp hành giới luật để phát triển việc thanh lọc thân tâm và chánh mạng của một sa môn khổ hạnh. Ba bước kế tiếp – hài lòng, tự chế ngự các căn, chánh niệm và hiểu biết rõ ràng – quá trình thanh lọc hướng vào nội tâm và từ đó kết nối sự chuyển tiếp từ giới sang định.
Phần nói về việc diệt trừ năm chướng ngại ( triền cái) đề cập việc rèn luyện ban đầu về chánh định. Năm chướng ngại – tham dục, sân hận, dật dờ buồn ngủ, bất an và hối hận, và nghi ngờ- là những chướng ngại chính cho việc phát triển thiền định, như vậy chúng phải được loại trừ để tâm trở nên vững chải và nhất tâm. Toàn bộ đoạn kinh về việc tu tập từ từ đề cập việc vượt qua năm chướng ngại một cách tổng quát, nhưng các bài kinh khác trong bộ kinh Nikaya cung cấp nhiều lời hướng dẫn thực tiển hơn, trong lúc các bài luận giải Pali cho thêm nhiều chi tiết hơn nữa. Các ví dụ trong bài kinh 39-Trung BK – xem Kinh Văn VII,5 – minh họa cảm giác giải thoát hoan hỷ mà hành giả đạt được sau khi vượt qua được năm chướng ngại.
Giai đoạn tiếp theo trong thứ tự này mô tả sự chứng đắc các tầng thiền ( jhanas), đó là những trạng thái nhập định thâm sâu trong đó hành giả hoàn toàn nhất tâm với đối tượng thiền quán. Đức Phật liệt kê bốn tầng thiền theo số thứ tự, đặt tên chúng đơn giản theo thứ tự vị trí của chúng, mỗi tầng thiền sau tinh tế hơn và cao thượng hơn tầng thiền trước . Các tầng thiền luôn luôn được mô tả theo cùng công thức, được tăng cường bằng nhiều ví dụ về vẻ đẹp tuyệt vời của chúng trong nhiều bài kinh; một lần nữa, xem Kinh văn VII,5. Mặc dù trí tuệ chứ không phải thiền định là yếu tố quan trọng nhất trong việc chứng đắc giác ngộ, Đức Phật đã nhất quán bao gồm các tầng thiền trong việc tu tập từ từ vì ít nhất là hai lý do: thứ nhất, bởi vì chúng đóng góp vào sự toàn thiện trong bản chất của thánh đạo; và thứ hai, bởi vì sự nhập định thâm sâu do các tầng thiền mang lại phục vụ như một nền tảng để khởi sinh tuệ giác. Đức Phật gọi các tầng thiền là “ bước chân của Như Lai ”( Trung BK 27, 19-20 ) và chứng tỏ cho thấy chúng là những dấu hiệu báo trước về niềm hỷ lạc của Niết-bàn nằm ở đoạn cuối của con đường tu tập.
Từ Tứ thiền, có ba đường lối khác có thể thực hiện để tiếp tục phát triển cao hơn. Trong một số kinh văn bên ngoài các đoạn kinh nói về việc tu tập từ từ, Đức Phật đề cập bốn trạng thái thiền định tiếp theo trạng thái nhất tâm đã được các tầng thiền thiết lập. Những trạng thái thiền định này, được mô tả như là “ sự giải thoát an lạc và vô sắc ”, là sự thanh lọc tinh tế hơn nữa của định. Được phân biệt khác với các tầng thiền bởi tính chất siêu việt của hình ảnh tâm thức vi tế vốn là đối tượng trong các tầng thiền, chúng được đặt tên là ‘ không vô biên xứ’, ‘ thức vô biên xứ’, ‘vô sở hữu xứ ’, và ‘ phi tưởng phi phi tưởng xứ’.
Đường lối phát triển thứ hai là việc chứng đắc các thần thông. Đức Phật thường đề cập một bộ gồm sáu loại, được gọi là lục thông ( chalabhiññā ). Thần thông cuối cùng, lậu tận thông, là ‘ xuất thế ’ hay siêu việt thế gian và như vậy đánh dấu đỉnh cao của đường lối phát triển thứ ba. Nhưng năm thần thông kia lại thuộc về thế gian, là sản phẩm của nhập định đầy uy lực phi thường, đạt được trong Tứ thiền : thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông, và thiên nhãn thông.
Các tầng thiền và tứ vô sắc định tự chúng không đem đến giác ngộ và giải thoát. Mặc dù cao thượng và an tịnh, các thiền chứng ấy chỉ làm lặng yên những phiền não cấu uế vốn vẫn là nguồn nuôi dưỡng vòng sinh tử luân hồi, nhưng không thể đoạn trừ chúng. Để nhổ tận gốc những phiền não cấu uế ở mức độ cơ bản nhất, và từ đó đạt được giác ngộ và giải thoát, tiến trình thiền định phải hướng đến đường lối phát triển thứ ba. Đó là ‘ quán chiếu vạn pháp đúng như thực, ” đưa đến kết quả là tăng cường những tuệ giác thâm sâu về bản thể của hiện hữu và đạt đến đỉnh cao ở mục tiêu cuối cùng, là việc chứng quả A-la-hán.
Đường lối phát triển này là con đường mà Đức Phật theo đuổi trong đoạn nói về tu tập từ từ. Ngài mở đầu bằng việc mô tả hai trong ba thần thông , túc mạng thông và thiên nhãn thông. Cả ba thần thông này được làm nổi bật trong sự giác ngộ của chính Đức Phật. – như chúng ta thấy trong Kinh Văn II, 3 (2) – và được gọi chung là tam minh (tevijjā). Mặc dù hai minh đầu tiên không cần thiết cho việc chứng đắc A-la-hán, Có lẽ Đức Phật đưa chúng vào đây bởi vì chúng hé lộ cho thấy tầm mức rộng lớn và sâu xa của khổ đau trong vòng luân hồi, từ đó chuẩn bị tâm thâm nhập vào Tứ Diệu Đế qua đó khổ đau được chẩn đoán và đoạn trừ.
Đoạn kinh nói về tu tập từ từ không diễn tả rõ ràng tiến trình quán chiếu qua đó hành giả phát triển tuệ giác. Toàn bộ tiến trình chỉ được ngụ ý bằng việc đề cập kết quả cuối cùng, được gọi là lậu tận thông ( āsavakkhayañāna). Từ āsava hay lậu hoặc là sự xếp loại những phiền não cấu uế được xem là đã đóng vai trò trong việc thúc đẩy vòng sinh tử luân hồi tiếp tục tiến tới. Các bài luận giải rút từ này từ ngữ căn su nghĩa là ‘ trôi chảy’. Các học giả phân biệt sự khác nhau ở chỗ là sự trôi chảy này do tiếp đầu ngữ ā ngụ ý hướng về nội tâm hay ngoại cảnh; từ đó một số học giả giải thích nó là ‘ xâm nhập’ hay ‘’ ảnh hưởng’, vài học giả khác lại cho rằng từ đó có nghĩa ‘ tuôn trào ra’ hay ‘ chảy ra’. Một số đoạn văn trong các kinh chứng tỏ rằng ý nghĩa thực sự của từ này độc lập về phương diện ngữ căn khi nó mô tả āsavas như là những trạng thái ‘ phiền não cấu uế, đưa đến tái sinh, tạo nên rắc rối, chín muồi trong khổ đau và dẫn đến tái sinh, già và chết ‘( TrungBK I, số 36.47; tr 250 ). Như vậy, các dịch giả khác, bỏ qua nghĩa đen của từ này, đã giải thích nó như là ‘ dịch bệnh ’, ‘ sự hủy hoại ’ hay ‘ lậu hoặc ’. Ba lậu hoặc đề cập trong các bộ kinh Nikaya đồng nghĩa với khao khát dục lạc, khao khát hiện hữu và vô minh. Khi tâm của người đệ tử được giải thoát khỏi các lậu hoặc bằng cách hoàn tất con đường thánh đạo của bậc A-la-hán, vị ấy duyệt xét lại sự giải thoát mới đạt được và rống lên tiếng rống của con sư tử : “ Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm; không còn trở lại đời sống trong bất cứ hình thái hiện hữu nào nữa.”