4. Những Cạm Bẫy của Dục Lạc

18 Tháng Mười 201712:07(Xem: 7408)

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

VI

TẦM NHÌN  THÂM SÂU VỀ THẾ  GIỚI


 

4. NHỮNG CẠM BẪY CỦA DỤC LẠC

          

          (1) Cắt Đứt Mọi Chuyện Thế Tục

            [ Gia chủ Potaliya bạch Thế Tôn ]:

            -  Bạch Thế Tôn, thế nào là cắt đứt mọi chuyện thế tục (3) trong giới luật của bậc Thánh một cách toàn bộtoàn diện ? Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn giảng cho con nghe thế nào là cắt đứt mọi chuyện thế tục trong giới luật của bậc Thánh một cách toàn bộtoàn diện ?.”

            -  Này gia chủ, vậy thì hãy chú tâm lắng nghe những gì ta sẽ giảng”

            - Thưa vâng, bạch Thế Tôn”

             Gia chủ Potaliya vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau :

            15. - Này gia chủ, giả sử một con chó đói lả, suy yếu đang chờ trước một tiệm bán thịt. Rồi một người bán thịt khéo tay hay thợ học việc của ông ta quăng cho con chó một khúc xương khéo lóc, lóc sạch không còn chút thịt nào, chỉ còn dính máu. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Con chó ấy có qua khỏi cơn đói lả và suy nhược bằng cách gặm khúc xương khéo lóc, lóc sạch không còn chút thịt nào, chỉ còn dính máu?

            - Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy ? Bởi vì đó là một khúc xương khéo lóc, lóc sạch không còn chút thịt nào, chỉ còn dính máu. Cuối cùng con chó sẽ chỉ  chuốc lấy sự mệt mỏithất vọng.

            -  Cũng vậy, này gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau : ‘ Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một khúc xương, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.’ Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí, vị ấy từ bỏ loại xả đa dạng, dựa trên sự đa dạng, và phát triển loại xả hợp nhất , dựa trên sự hợp nhất (4) ở đó mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

            16. - Này gia chủ, giả sử có một con chim kên kên, một con diều hâu, hay một con chim ưng chụp được một miếng thịt và bay bổng đi, và rồi những con chim kên kên, diều hâu, và chim ưng khác bay đuổi theo nó và chụp giựt và mổ nát miếng thịt. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào ? Nếu con chim kên kên, diều hâu, chim ưng ấy không nhanh chóng bỏ miếng thịt ra, thì nó có thể chết hoặc đau đớn gần như chết , phải không ? “

            - Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn.

            -  Cũng vậy, này gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau : ‘ Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một miếng thịt, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.’ Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí… mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

            17. - Này gia chủ, giả sử có một người cầm một bó đuốc cỏ đang rực cháy đi ngược chiều gió. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào ? Nếu người ấy không nhanh chóng vứt bỏ bó đuốc, thì bó đuốc cỏ đang rực cháy ấy sẽ đốt cháy bàn tay hay cánh tay hay vài phần khác của cơ thể anh ta, do đó anh ta có thể chết hay đau đớn gần như chết, phải không ?

            - Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn.”

            - Cũng vậy, này gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau : ‘ Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một bó đuốc đang rực cháy, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.’ Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí… mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

            18. - Này gia chủ, giả sử có một hố than sâu hơn thân người , đầy cả than đang hừng cháy, không có ngọn lửa hay khói. Rồi có một người đi đến, người này muốn sống, không muốn chết, muốn hưởng lạc thú và tránh né đau khổ, và có hai lực sĩ đến nắm  hai cánh tay của anh này và kéo anh ta về phía hố than đang hừng cháy. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào ? Người đàn ông ấy có vùng vẫy thân hình qua phía này phía kia để tránh né không ?

            - Thưa có, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy biết rằng nếu anh ta rơi vào hố than hừng cháy ấy, anh ta sẽ chết hay đau đớn gần như chết.

            -  Cũng vậy, này gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau : ‘ Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một hố than đang hừng cháy, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.’ Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí… mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

            19. -  Này gia chủ, giả sử có một người nằm mộng thấy những công viên xinh đẹp, khu rừng xinh đẹp, đồng cỏ xinh đẹp, hồ nước xinh đẹp, đến khi tỉnh dậy, người ấy không thấy gì cả. Cũng vậy, này gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau : ‘ Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một giấc mộng, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.’ Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí… mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

            20. - Này gia chủ, giả sử có một người vay mượn tài vật – một chiếc xe sang trọng và các bông tai trang sức đẹp đẽ - và  người này đi vào chợ, thân hình mang đầy những đồ vật vay mượn ấy. Rồi nhiều người thấy ông ta sẽ nói: ‘ Các ông bà hãy xem kìa, đó là một người giàu sang! Người giàu sang hưởng thụ như thế đấy!’ Rồi những người chủ nợ,  khi gặp anh ta, sẽ đòi lại của cải tài vật của họ. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Như vậy có đủ làm cho người đàn ông ấy cảm thấy bị đau buồn thất vọng không?

            - Thưa có, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy ? Bởi vì những chủ nợ đã đòi lại tài vật của họ.

            - Cũng vậy, này gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau : ‘ Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như tài vật vay mượn, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.’ Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí… mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

            21. - Này gia chủ, giả sử tại một khu rừng rậm cách thôn làng không xa có một cây nặng chĩu quả, không có quả nào rơi xuống đất. Rồi có một người cần trái cây, đang đi tìm trái cây, lang thang tìm kiếm trái cây, người ấy đi vào khu rừng và trông thấy cây nặng chĩu quả. Người ấy nghĩ : ‘Cây này nặng chĩu quả nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Ta biết leo, vậy ta hãy leo lên cây này, ăn thỏa thích rồi hái đầy túi mang về.’ Và người ấy làm đúng như vậy. Rồi có một người thứ hai cần trái cây, đang đi tìm trái cây, lang thang tìm kiếm trái cây, và đem theo một cái búa sắc bén, người này cũng đi vào khu rừng và trông thấy cây nặng chĩu quả. Người này nghĩ : ‘Cây này nặng chĩu quả nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Ta không biết leo, vậy thì ta hãy đốn ngã cây này tận gốc, hái ăn cho thỏa thích, và chất đầy túi mang về.’ Và người này làm đúng như vậy. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào ? Người thứ nhất đã leo lên cây, nếu không nhanh chóng leo xuống, thì khi cây bị đốn ngã, ông ta sẽ bị gãy tay hay chân hay những phần khác của cơ thể, do đó ông ta có thể chết hoặc đau đớn gần như chết, có phải không ?            

            - Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn.”

            -  Cũng vậy, này gia chủ, một vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau : ‘ Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như trái trên cây, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.’ Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí, vị ấy từ bỏ loại xả đa dạng, dựa trên sự đa dạng, và phát triển loại xả hợp nhất , dựa trên sự hợp nhất (4) ở đó mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.”

                   ( Trung BK II - Kinh 54: Kinh Potaliya - tr. 60-66 )

 

(2) Cơn  Sốt  Dục  Lạc

            10. - Này Magandiya, thuở xưa, khi ta còn sống đời tại gia, ta  được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục: với sắc do mắt nhận biết…với thanh do tai nhận biết…với hương do mũi nhận biết…với vị do lưỡi nhận biết…với các đối tượng xúc chạm do thân nhận biết, là đáng mong cầu, đáng ao ước, dễ chịu, đáng yêu, liên hệ đến dục lạc giác quan và khêu gợi sự thèm khát (5). Ta có ba lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, và một cho mùa hè. Ta sống trong lâu đài mùa mưa trong bốn tháng mùa mưa, vui thú thọ hưởng âm nhạc với các  nữ nhạc công, và ta không bước xuống lâu đài phía dưới .(6)

             Một thời gian sau, ta đã hiểu được  như thật nguồn gốc sinh khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt , sự nguy hiểm, và sự vượt thoát các dục lạc giác quan, ta từ bỏ lòng khao khát các dục lạc, ta đoạn trừ cơn sốt dục lạc, và ta an trú  với  nội tâm an tịnh không còn khao khát. Ta thấy những người khác chưa thoát khỏi thèm khát dục lạc, đang bị xâu xé bởi lòng thèm khát dục lạc, đang cháy bỏng với cơn sốt dục lạc, đang buông lung phóng dật trong dục lạc, và ta không ao ước được như họ, cũng như không còn ham thích dục lạc. Vì sao vậy ? Bởi vì, này Magandiya, có một niềm hỷ lạc xa lìa các dục lạc giác quan, xa lìa các pháp bất thiện, vượt qua cả những hỷ lạc siêu phàm.(7) Từ khi ta an trú trong niềm hỷ lạc ấy, ta không còn ao ước những gì thấp kém hơn và cũng không ham thích chúng.

            11. - Này Magandiya, giả sử có một gia chủ hay con của gia chủ giàu sang, sung  túc, nhiều tài sản, được cung cấp đầy đủ và sung mãn  để hưởng thọ năm dục, người ấy có thể thọ hưởng sắc do mắt nhận biết …với thanh do tai nhận biết…với hương do mũi nhận biết…với vị do lưỡi nhận biết…với các đối tượng xúc chạm do thân nhận biết là đáng mong cầu, đáng ao ước, dễ chịu, đáng yêu, liên hệ đến dục lạc giác quan và khêu gợi sự thèm khát. Người ấy sau khi đã hành động thiện lành với thân, khẩu, ý, vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy có thể tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp, vào thiên giới , cùng chung sống với chư thiêncõi trời Ba Mươi Ba. Ở đó , vị này được Thiên nữ vây quanh trong Rừng Nandana, vị ấy được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục siêu phàm của thiên giới. Giả sử vị này thấy một gia chủ hay con của gia chủ được cung cấp đầy đủ và sung mãn  để hưởng thọ năm dục của thế gian. Này Magandiya, ông nghĩ thế nào ? Vị thiên trẻ tuổi  ấy được các Thiên nữ vây quanh trong Rừng Nandana, được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục siêu phàm của thiên giới, vị thiên ấy có ao ước hay ham thích được thọ hưởng năm dục thế gian như người gia chủ  hay con trai người gia chủ kia không ?

            - Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy ? Vì các dục của cõi thiên là tuyệt vời và diệu kỳ hơn các dục của thế gian.

            12. - Cũng vậy, này Magandiya,  thuở xưa, khi ta còn sống đời tại gia, ta  được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục: với sắc do mắt nhận biết…với thanh do tai nhận biết…với hương do mũi nhận biết…với vị do lưỡi nhận biết…với các đối tượng xúc chạm do thân nhận biết, là đáng mong cầu, đáng ao ước, dễ chịu, đáng yêu, liên hệ đến dục lạc giác quan và khêu gợi sự thèm khát. Một thời gian sau, ta đã hiểu được  như thật nguồn gốc sinh khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt , sự nguy hiểm, và sự vượt thoát các dục lạc giác quan, ta từ bỏ lòng khao khát các dục lạc, ta đoạn trừ cơn sốt dục lạc, và ta an trú  với  nội tâm an tịnh không còn khao khát. Ta thấy những người khác chưa thoát khỏi thèm khát dục lạc, đang bị xâu xé bởi lòng thèm khát dục lạc, đang cháy bỏng với cơn sốt dục lạc, đang buông lung phóng dật trong dục lạc, và ta không ao ước được như họ, cũng như không còn ham thích dục lạc . Vì sao vậy ? Bởi vì, này Magandiya, có một niềm hỷ lạc xa lìa các dục lạc giác quan, xa lìa các pháp bất thiện, vượt qua cả những hỷ lạc siêu phàm. Từ khi ta an trú trong niềm hỷ lạc ấy, ta không còn ao ước những gì thấp kém hơn và cũng không ham thích chúng.

            13. - Này Magandiya, giả sử có một người cùi với những vết đau lở lói trên chân tay, bị sâu bọ đục khoét, dùng móng tay cào rách miệng các vết lở, hơ đốt thân mình trên hố than hừng cháy. Rồi bạn bè, bà con thân quyến đưa một y sĩ đến chữa bệnh cho anh ta. Vị y sĩ chế thuốc cho anh ta, và nhờ thuốc ấy, anh ta được chữa lành khỏi bệnh cùi, và anh ta được khỏe mạnh an vui, độc lập, tự làm chủ mình, có thể đi bất cứ nơi nào anh ta muốn. Rồi có hai người lực sĩ  đến nắm hai cánh tay của anh này và kéo anh ta về phía hố than đang hừng cháy. Này Magandiya, ông nghĩ thế nào ? Người đàn ông ấy có vùng vẫy thân hình qua phía này phía kia để tránh né không ?

            - Thưa có, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy ? Bởi vì  chạm phải ngọn lửa ấy quả thật đau đớn, nóng và cháy bỏng.

“ Này Magandiya, ông nghĩ thế nào ? Có phải chỉ  bây giờ chạm phải  ngọn lửa ấy quả thật đau đớn, nóng và cháy bỏng, hay trước kia chạm phải ngọn lửa ấy cũng  đau đớn, nóng và cháy bỏng ? ”

            -  Bạch Thế Tôn, bây giờ chạm phải ngọn lửa ấy quả thật đau đớn, nóng và cháy bỏng, và trước kia chạm phải ngọn lửa ấy cũng  đau đớn, nóng và cháy bỏng. Vì khi người cùi với những vết đau lở lói trên chân tay, bị sâu bọ đục khoét, dùng móng tay cào rách miệng các vết lở, các căn của anh ta bị khuyết tật; vì thế mặc dù chạm phải  ngọn lửa quả thật rất đau đớn, nóng  và cháy bỏng, anh ta có một nhận thức sai lầm rằng ngọn lửa ấy là dễ chịu.

            - Cũng vậy, này Magandiya, trong quá khứ, xúc chạm với các dục  là đau đớn, nóng và cháy bỏng; trong tương lai xúc chạm với các dục  là đau đớn, nóng và cháy bỏng; và bây giờ trong hiện tại,  xúc chạm với các dục  là đau đớn, nóng và cháy bỏng. Nhưng những người này chưa thoát khỏi thèm khát dục lạc, đang bị xâu xé bởi lòng thèm khát dục lạc, đang cháy bỏng với cơn sốt dục lạc, các căn của họ bị khuyết tật; vì thế mặc dù xúc chạm với các dục quả thật rất đau đớn, nóng  và cháy bỏng, họ có một nhận thức sai lầm rằng các dục là dễ chịu.(9)

            17.-  Này Magandiya, giả sử có một người cùi với những vết đau lở lói trên chân tay, bị sâu bọ đục khoét, dùng móng tay cào rách miệng các vết lở, hơ đốt thân mình trên hố than hừng cháy; anh ta càng cào rách các vết lở trên thân hình, các miệng vết lở ấy càng hôi hám, thối tha, và càng bị nhiễm trùng. Tuy vậy, anh ta vẫn cảm thấy một mức độ hài lòng thích thú khi cào rách miệng các vết lở. Cũng vậy, này Magandiya, những người  chưa thoát khỏi thèm khát dục lạc, đang bị xâu xé bởi lòng thèm khát dục lạc, đang cháy bỏng với cơn sốt dục lạc, đang buông lung phóng dật trong dục lạc, càng buông lung phóng dật trong các dục, lòng khao khát của họ lại càng gia tăng, và họ càng bị thiêu đốt bởi cơn sốt dục lạc, tuy vậy họ tìm thấy một mức độ thỏa mãn thích thú nào đó trong việc theo đuổi năm dục lạc giác quan.

                 ( Trung BK II, Kinh số 75: Kinh Magandiya, tr. 358-365 )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3529)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10332)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4600)