Giới Thiệu Tổng Quát

18 Tháng Mười 201710:58(Xem: 6685)

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

II

 NGƯỜI  MANG LẠI ÁNH SÁNG 

Giới Thiệu Tổng Quát

 

Bức tranh về thân phận con người xuất hiện từ các bộ kinh Nikaya, như đã được phác họa trong chương trước, là bối cảnh trong đó sự biểu hiện của đức Phật trong cuộc đời mang đậm một ý nghĩa sâu sắc và cao cả . Bất cứ sự diễn giải nào chúng ta có thể nói về vai trò của Ngài sẽ không đầy đủ trừ phi chúng ta nhìn Đức Phật trong bối cảnh đa phương này, trải dài từ những hệ lụytính cách cá nhân riêng tư nhất trong hiện tại cho đến những những thay đổi theo thời gian vũ trụ mênh mông vô tình. Dù không nắm giữ quan điểm của những nhà kết tập bộ kinh Nikāya, sự diễn giải của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng bởi những nhận định của chính chúng ta, cũng nhiều như nhận định của họ, có lẽ còn nhiều hơn nữa. Tùy thuộc vào thiên kiến và khuynh hướng của chúng ta, chúng ta có thể lựa chọn để xem Đức Phật như là một nhà cải cách đạo đức tự do của chủ nghĩa Bà-la-môn thoái hóa, như là một nhà nhân bản thế tục vĩ đại, như một nhà thực nghiệm cấp tiến, như là một nhà tâm lý học hiện sinh, như một người cổ xúy cho chủ  thuyết bất khả tri toàn diện, hay là một người tiên phong của một kiểu mẫu trí thức thời thượng nào đó thích hợp với trí tưởng tưởng tượng của chúng ta. Đức Phật trong các văn bản kinh điển như vậy sẽ phản chiếu hình ảnh của chính chúng ta, nhiều hơn là hình ảnh của một bậc Giác Ngộ.

            Có lẽ trong lúc diễn giải một số lượng văn học tôn giáo cổ đại chúng ta không bao giờ có thể tránh được việc để chính chúng ta và những giá trị chúng ta tin tưởng xen vào đề tài chúng ta diễn giải. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta không bao giờ đạt được tính trong sáng khách quan hoàn toàn, chúng ta có thể giới hạn tác động của thiên kiến cá nhân trên quá trình diễn giải bằng cách tôn trọng chữ nghĩa trong văn bản kinh. Khi chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với bộ kinh Nikaya, khi chúng ta nghiêm túc xem xét những ghi nhận của kinh văn về bối cảnh sự biểu hiện của Đức Phật trong thế gian này, chúng ta sẽ thấy rằng kinh đã gắn cho sứ mạng của Ngài  một tầm cở vũ trụ. Trong một bối cảnh của một  vũ trụ không có biên giới về thời gian, một vũ trụ trong đó chúng sinh bị bao trùm trong vô minh phải lang thang luân chuyển trong cảnh sinh già bệnh chết, Đức Phật xuất hiện như một “ người cầm đuốc soi đường cho nhân loại”, mang lại  ánh sáng trí tuệ.( ukkādhāro manussānaṃ ) (1). Trong ngôn ngữ của  Kinh Văn số II, 1, sự xuất hiện của Ngài trong thế gian là “sự biểu hiện của một pháp nhãn vĩ đại, của ánh sáng vi diệu, của đại quang minh”. Sau khi đã khám phá cho chính mình sự an bình tuyệt hảo của giải thoát, Ngài khơi dậy ánh sáng của tri kiến ấy cho chúng ta, trong đó hé lộ những chân lýchúng ta phải tự mình nhận thấycon đường tu tập đạt đến đỉnh cao trong tri kiến giải thoát này.

            Theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật Gotama không chỉ là một cá nhân độc đáo đã có sự xuất hiện vô tiền khoáng hậu trên sân khấu lịch sử nhân loại và sau đó rút lui vĩnh viễn. Mà đúng hơn là Ngài là sự viên mãn của một mẫu mực tiêu biểu thời cổ đại, là một thành viên cận đại nhất của một ‘vương triều ’ vũ trụ với nhiều vị Phật được tạo thành bởi vô số bậc Toàn Giác  trong quá khứ, và được duy trì bền vững bởi nhiều bậc Toàn Giác sẽ liên tục tiếp nốithời hạn trong tương lai. Phật giáo Nguyên Thủy, ngay cả trong những văn bản kinh gốc xưa cổ của bộ kinh Nikaya, đã công nhận nhiều vị Phật, tất cả những vị theo đúng  một số mẫu mực cố định về cách hành xử, mà những nét chính đã được mô tả trong các phần mở đầu của Kinh Đại Duyên (Mahāpadana Sutta ( Trường Bộ kinh 14, không được trình bày trong hợp tuyển này). Danh xưng ‘ Như Lai ’( Tathāgata ) , mà các bài kinh đã dùng như một bổ túc từ cho một vị Phật, đã chỉ đến sự viên mãn của một mẫu mực tiêu biểu thời cổ đại. Từ này có nghĩa là ‘người đã đến như vậy’( tathā āgata), nghĩa là, người đã đến giữa chúng ta trong cùng một cách thế mà các vị Phật thời quá khứ đã đến, và ‘ người đã đi như vậy ’  (tathā gata), nghĩa là, người đã đi đến chỗ bình an tối thượng, là Niết Bàn, cùng một cách thế như các vị Phật thời quá khứ đã đi.

            Mặc dù các bộ kinh Nikaya đã nói rõ rằng trong bất cứ một hệ thống thế giới đặc biệt nào, vào bất cứ thời gian đặc biệt nào, chỉ có một Bậc Toàn Giác xuất hiện, sự xuất hiện của các vị Phật trong bản chất thuộc về tiến trình của vũ trụ. Giống như một mẫu thiên thạch chói sáng trong nền đen tối của bầu trời đêm, thỉnh thoảng một vị Phật sẽ xuất hiện trong bối cảnh của không gianthời gian vô tận, thắp sáng bầu trời tâm linh của thế giới, ban ánh sáng trí tuệ cho những người có khả năng thấy những sự thật mà Ngài đã soi sáng. Một hành giả sắp sửa thành Phật được gọi theo tiếng Pāli là một vị Bồ-tát ( Bodhisatta), một từ thường được biết rõ hơn theo tiếng Sancrit là Bodhisattva. Theo truyền thống Phật giáo phổ thông, một vị Bồ-tát là người chấp nhậný thức một quá trình phát triển tâm linh lâu dài được thúc đẩy bởi nguyện vọng thành Phật trong tương lai (2). Được khơi nguồn cảm hứngduy trì bền vững bởi lòng từ bi vô lượng đối với chúng sinh đang trầm luân trong nỗi khổ của sanh tử luân hồi, vị Bồ-tát, phải trải qua nhiều kiếp của thời gian vũ trụ, hoàn thành một quá trình tu tập khó khăn cần thiết để hoàn thiện những yêu cầu cho sự giác ngộ tối thượng. Khi tất cả những yêu cầu đã được hoàn thành, vị ấy thành Phật để thiết lập Chánh Pháp cho thế gian. Một vị Phật khám phá con đường giải thoát đã thất truyền từ lâu, con đường’’ cổ đại’’mà các vị Phật thời quá khứ đã trải quađạt đến đỉnh cao là sự giải thoát tối thượng của Niết Bàn. Sau khi đã tìm ra con đường và đã đi đến tận cùng con đường đó, vị ấy sẽ giảng dạy lại trọn vẹn cho nhân loại để cho nhiều người khác có thể đi vào con đường đưa đến giải thoát cuối cùng.

            Tuy nhiên, chức năng của một vị Phật không phải chỉ có chừng đó. Một vị Phật hiểu và giảng dạy không những chỉ là con đường đưa đến trạng thái siêu việt của sự giải thoát tối thượng, niềm hỷ lạc tuyệt hảo của Niết bàn, mà còn là những con đường đưa đến nhiều kiểu hạnh phúc lành mạnh đời thường mà chúng sinh vẫn mong ước. Một vị Phật tuyên thuyết cả hai con đường, một con đường thăng hoa cuộc sống đời thường giúp cho chúng sinh gieo trồng thiện căn đưa đến hạnh phúc, bình yên và an toàn thuộc về các bình diện thế gian của đời sống; và một con đường vượt thoát thế gian để hướng dẫn chúng sinh đạt đến Niết Bàn. Như vậy, vị Phật có một vai trò rộng lớn hơn nhiều, chứ không phải chỉ chú trọng duy nhất vào những trạng thái siêu việt như người ta có thể hiểu qua lời giảng dạy của ngài. Ngài không chỉ là người hướng dẫn cho các Sa-môn và thiền giả, không chỉ là người thầy của các kỷ thuật hành thiền và những tuệ giác về triêt lý, mà là một người hướng dẫn Giáo Pháp với tất cả chiều rộng và chiều sâu: người đã tiết lộ, tuyên bốthiết lập tất cả các nguyên tắc cơ bản cho sự hiểu biết chơn chánh và cách ứng xử thiện lành, cho dù thuộc về thế gian hay siêu xuất thế gian. Kinh Văn II, I làm nổi bật chiều hướng vị tha trong một phạm vi rộng lớn của sự nghiệp Đức Phật khi kinh ca ngợi Đức Phật như là một vị xuất hiện trong đời “ vì sự an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng từ bi đối với thế gian, vì lợi lạc, an vui, hạnh phúc của chư thiênloài người ”.

            Các bộ kinh Nikāya trình bày hai cách nhìn về Đức Phật như một con người, và để giữ công bằng cho các bản kinh, điều quan trọng là cần phải giữ hai cách nhìn ấy ở mức quân bình, không để cho một cách nhìn này  hủy bỏ cách nhìn kia. Một quan điểm đúng đắn về Đức Phật chỉ có thể đạt được bằng cách hòa nhập hai cách nhìn ấy, cũng như một quan điểm đúng đắn về một đối tượng chỉ có thể đạt được khi những góc độ do đôi mắt chúng ta tiếp thu được  nhập lại thành một hình ảnh duy nhất trong não bộ. Một cách nhìn thường được nhấn mạnh trong những cuộc trình bày hiện đại về Phật giáo, chứng minh Đức Phật như một con người, giống như bao nhiêu người khác, cũng phải vật lộn với những nhược điểm thông thường của con người để đạt đến Giác Ngộ. Sau khi đạt được giác ngộ vào tuổi ba mươi lăm, Ngài đã du hành khắp nơi trong bốn mươi lăm năm như một vị thầy trí tuệtừ bi, chia sẻ sự giác ngộ của Ngài với người khác và bảo đảm rằng những lời dạy của Ngài sẽ vẫn còn tồn tại với thế gian sau khi Ngài nhập diệt. Đây là khía cạnh thuộc bản chất của Đức Phật đã xuất hiện nổi bật nhất trong các bộ kinh Nikaya. Vì điều này rất tương hợp với  thái độ bất khả tri đương đại đối với những lý tưởng của đức tin tôn giáo, nó lập tức có một sức thu hút đối với những người được nuôi dưỡng bằng  kiểu cách tư tưởng hiện đại đó.

            Một phương diện khác của con người Đức Phật có vẻ lạ lùng đối với chúng ta, nhưng nó xuất hiện sờ sờ trong truyền thống Phật giáophục vụ như một nền tảng cho lòng sùng bái Phật giáo của quần chúng. Dù đây là cách nhìn thứ yếu trong các bộ kinh Nikaya, thỉnh thoảng cách nhìn này xuất hiện rõ ràng đến nỗi không thể nào bỏ qua được, mặc dù những nỗ lực của các  Phật tử hiện đại muốn hạ thấp ý nghĩa của nó hoặc tìm lý lẽ để giải thích sự xâm nhập của quan điểm này. Với cách nhìn này, Đức Phật được xem như là người đã có những chuẩn bị để đắc quả giác ngộ tối thượng trải qua vô lượng kiếp trong quá khứ và được chỉ định từ lúc sơ sinh để hoàn thành sứ mạng một bậc thầy của thế giới. Kinh Văn II, I  là một ví dụ về cách Đức Phật được nhìn theo quan điểm này như thế nào. Bài kinh nói rằng, ở đây, Đức Phật tương lai hoàn toàný thức khi từ Cung Trời Đâu Suất bước xuống trần gian để đầu thai vào mẫu hậu; sự nhập thai và đản sinh của Ngài được kèm theo nhiều điều kỳ diệu; chư thiên tôn kính vị Thái tử sơ sinh; và ngay khi vừa sinh ra, Ngài bước đi bảy bước và tuyên bố số phận tương lai của mình. Rõ ràng là đối với những nhà kết tập một bài kinh như thế này, Đức Phật đã được định sẵn để đắc quả vị Phật thậm chí trước khi ngài nhập bào thai, và như vậy việc Ngài phấn đấu để đắc quả giác ngộ là một cuộc chiến mà kết quả đã được định trước. Tuy nhiên, điều đáng buồn cười là chương cuối của bài kinh lại quay trở về với hình ảnh hiện thực của Đức Phật. Những gì mà chính Đức Phật xem là thật sự kỳ diệu không phải là những phép lạ đi kèm theo việc nhập thai và đản sinh của Ngài, nhưng là sự tỉnh thứchiểu biết   sáng suốt trong lúc có những cảm thọ, tư duytri giác.

            Ba bài kinh trong phần 3 là những bài tường thuật về tiểu sử phù hợp với quan điểm tự nhiên này. Ba bài kinh cho ta một hình ảnh của Đức Phật nổi bật với tính cách hiện thực, đơn giản trong phẩm chất tự nhiên, sắc nét trong khả năng chuyển tải những tuệ giác tâm lý rất sâu sắc với kỷ thuật mô tả tối thiểu. Trong  Kinh  Văn II, 3 (1) chúng ta đọc về việc xuất gia của Ngài, việc rèn luyện dưới sự hướng dẫn của hai vị thiền sư danh tiếng, sự thất vọng của Ngài về những gì họ giảng dạy, sự phấn đấu đơn độc của Ngài, và sự chiến thắng của Ngài khi đạt được giác ngộ về con đường Bất Tử.    Kinh Văn  II, 3, (2) bổ sung cho sự thiếu sót của bài tường thuật trên bằng một bài mô tả chi tiết về việc Bồ tát tu tập pháp môn tự hành hạ thân xác, mà lạ thay là đã không được đề cập đến trong bài kinh trước. Bài kinh này cũng cho chúng ta một mô tả kinh điển về kinh nghiệm giác ngộ của Ngài liên hệ đến việc đạt đến bốn tầng thiền, những trạng thái nhập định thâm sâu, tiếp theo sau là đắc tam minh (vijjas): túc mạng minh, thiên nhãn minhlậu tận minh. Trong lúc bài kinh này có thể cho ta có cảm tưởng rằng lậu tận minh bùng vỡ trong tâm thức Đức Phật như một trực giác tự nhiên bất ngờ. Kinh Văn II, 3, (3)  điều chỉnh lại cảm tưởng này bằng một bài tường thuật lại về Bồ tát trong đêm trước khi đạt giác ngộ, Ngài đã suy nghĩ sâu xa về nỗi khổ đau của tuổi già và cái chết. Rồi từ đó, Ngài dùng phương pháp dò tìm  đến tận  những nhân duyên của nỗi khổ đau này bằng một tiến trình có liên quan đến sự chú tâm thận trọng, từng bước ( / như lý tác ý ) (yoniso manasikāra) dẫn đến “ bước đột phá  của trí tuệ( paññaya abhisamaya). Tiến trình nghiên cứu này đạt đến dỉnh cao là việc khám phá ra Lý Duyên Khởi, mà từ đó trở thành nền tảng triết lý của lời Ngài giảng dạy.

            Điều quan trọng cần nhấn mạnh là, như được trình bày ở đây và một vài nơi khác trong các bộ  kinh  Nikaya, Lý Duyên Khởi không có nghĩa là một lời ca ngợi vui vẻ về mối tương quan tương duyên giữa các sự vật, nhưng là một sự phát biểu chính xác về kiểu mẫu nhân duyên lệ thuộc vào nhau qua đó khổ đau khởi sinh hay chấm dứt. Trong cùng bài kinh này, Đức Phật tuyên bố rằng Ngài chỉ khám phá ra con đường giải thoát khi Ngài tìm ra con đường để chấm dứtDuyên Khởi. Như vậy, chính là sự  nhận thức được con đường chấm dứtDuyên Khởi đã đưa đến sự giác ngộ của Đức Phật, chứ không chỉ là sự khám phá ra phương diện nguồn gốc các nhân duyên. Ví dụ về một thành phố cổ, được giới thiệu vào phần sau của bài kinh, đã minh họa điểm này, rằng sự giác ngộ của Đức Phật không phải là một sự kiện độc đáo nhưng là sự khám phá lại ‘con đường cổ sơ ’ mà các Đức Phật thời quá khứ đã  đi qua.

            Kinh Văn II, 4  tóm tắt lời tường thuật của  Kinh Văn II, 3, (1), mà tôi đã chia ra bằng cách nối kết hai văn bản khác về cuộc tìm cầu con đường giải thoát của Bồ tát. Giờ đây chúng ta lại cùng trở về với Đức Phật ngay sau khi Ngài đắc quả giác ngộ, khi Ngài suy tư về vấn đề quan trọng là có nên chia sẻ sự giác ngộ của Ngài với thế gian không. Ngay tại điểm này, đang lúc bài kinh diễn tiến có vẻ rất tự nhiên và mang tính thuyết phục, thì có một vị trời tên là Phạm Thiên Sahampati từ cõi thiên bước xuống để cầu xin Đức Phật hãy ra đi và giảng dạy Giáo Pháplợi lạc của những chúng sinh ‘ vẫn còn chút bụi trong đôi mắt ’. Cảnh tượng này có nên được diễn giải theo nghĩa đen hay là như một sự phê chuẩn tượng trưng của một kịch bản nội tâm đang diễn ra trong tâm của Đức Phật ? Thật khó để có thể cho một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này; có lẽ cảnh tượng này có thể được hiểu như đang xảy ra ở cả hai cấp độ. Trong bất cứ sự kiện nào, sự xuất hiện của trời Phạm Thiên ở thời điểm này đánh dấu  sự chuyển đổi từ một  hiện thực đã tạo ảnh hưởng trong phần trước của bài kinh đến một kiểu mẫu tượng trưng mang tính huyền thoại. Sự chuyển tiếp một lần nữa nhấn mạnh đến ý nghĩa vũ trụ của sự thành đạo của Đức Phậtsứ mạng tương lai của Ngài như một vị thầy.

            Lời thỉnh cầu của vị trời Phạm Thiên cuối cùng đã thành côngĐức Phật đồng ý giảng dạy.  Ngài chọn năm vị du sĩ khổ hạnh như những ngươi đầu tiên tiếp nhận Giáo pháp của Ngài, năm người này đã từng theo Ngài trong những năm Ngài còn hành trì pháp tu khổ hạnh ép xác. Bài tường thuật đạt đến đỉnh cao bằng một lời xác nhận ngắn rằng Đức Phật đã giảng dạy các vị này theo một phương cách nào đó khiến cho tất cả năm vị chính họ đều chứng đắc Niết-bàn Bất tử. Tuy nhiên, bài  này không nói rõ về lời giảng dạy đặc biệt nào mà đức Phật đã truyền đạt cho năm vị này lúc Ngài gặp họ lần đầu tiên sau khi đắc quả giác ngộ. Bài giảng đó là chính là Bài  Thuyết Pháp Đầu Tiên, được biết như là “ Kinh Chuyển Pháp Luân”.

            Kinh này được đưa vào đây như là  Kinh Văn II, 5. Trong phần mở đầu của kinh, Đức Phật tuyên bố với năm vị du sĩ khổ hạnh rằng Ngài đã khám phá ra ‘ trung đạo’, mà Ngài nhận diện đó là Bát Thánh Đạo. Trong ánh sáng của bài tường thuật về tiểu sử trước đây, chúng ta có thể hiểu tại sao Đức Phật bắt đầu bài giảng dạy như thế này. Trước tiên năm vị du sĩ khổ hạnh từ chối không công nhận lời tuyên bố của Đức Phật là Ngài đã đắc quả giác ngộ và đã xa lánh Ngài, cho rằng Ngài đã phản bội lý tưởng khổ hạnh cao cả và quay trở về với cuộc sống xa hoa. Như vậy trước tiên Ngài phải bảo đảm với họ rằng, Ngài đã không hề  quay trở lại với cuộc sống phóng dật, mà đã khám phá ra một phương pháp mới cho việc tìm cầu  con đường giác ngộ vượt thời gian. Ngài nói với họ, phương pháp mới này vẫn trung thành với việc từ bỏ các dục lạc thuộc ngũ căn  tuy nhiên cũng tránh xa việc hành hạ thể xác vì điều đó vô nghĩa và không mang lại kết quả. Rồi Ngài giải thích cho họ con đường đích thực đưa đến giải thoát, là  Bát Thánh Đạo, con đường này tránh khỏi hai cực đoan và nhờ vậy phát sinh ánh sáng trí tuệ và đạt đến đỉnh cao là đoạn diệt được tất cả mọi ràng buột hệ lụy, đó là Niết Bàn.

            Sau khi Ngài đã giải tỏa mọi hiểu lầm, Ngài bèn tuyên bố những chân lý mà Ngài đã đạt được trong đêm Ngài đắc quả giác ngộ. Đó là Tứ Diệu Đế ( Bốn Chân Lý Cao Thượng ). Ngài không những tuyên bố rõ ràng và định nghĩa ngắn gọn mỗi chân lý, mà Ngài còn mô tả mỗi chân lý từ ba góc độ khác nhau. Những điều này tạo thành ‘ ba lần chuyển pháp luân ’ được đề cập trong phần sau của bài kinh. Đối với mỗi chân lý, lần chuyển pháp luân  thứ nhất là  trí tuệ  thắp sáng bản chất đặc thù của chân lý cao thượng đó. Lần chuyển thứ hai là sự hiểu biết rằng mỗi chân lý cao thượng đặt ra một nhiệm vụ đặc thù cần được hoàn thành. Như vậy, chân lý thứ nhất, chân lý về Khổ, là cần phải được hiểu trọn vẹn; chân lý thứ hai, chân lý về nguồn gốc của Khổ hay là ái dục, cần phải được từ bỏ; chân lý thứ ba, chân lý về sự chấm dứt Khổ, cần phải được thực hiện; và chân lý thứ tư, chân lý về con đường diệt Khổ; cần phải được tu tập và phát triển. Lần chuyển pháp luân thứ ba là sự hiểu biết rằng bốn chức năng liên quan đến Tứ Diệu Đế đã được hoàn thành: chân lý về Khổ đã được hoàn toàn thấu hiểu; ái dục đã được đoạn trừ; việc chấm dứt khổ đã được thực hiện; và con đường diệt Khổ đã được tu tập phát triển trọn vẹn. Ngài nói rằng, chỉ đến khi Ngài hiểu Tứ Diệu Đế trong cả ba lần chuyển pháp luân và mười hai dạng thức, lúc ấy Ngài mới có thể tuyên bố là Ngài đã đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

            Kinh Dhammacakkaappavattana một lần nữa minh họa sự pha trộn hai kiểu mẫu mà tôi đã đề cập trước đây. Bài kinh diễn tiến hầu như hoàn toàn theo kiểu hiện thực- tự nhiên cho đến khi chúng ta đến gần đoạn kết. Khi Đức Phật chấm dứt bài thuyết pháp, ý nghĩa vũ trụ của sự kiện này được thắp sáng bằng một đoạn văn mô tả chư thiên trong mỗi cung trời liên tiếp nhau đã hoan nghênh bài pháp và hô lớn tin mừng cho những vị thiên khác ở các cung trời kế tiếp. Cùng lúc đó, toàn bộ hệ thống địa cầu chấn động và rung chuyển, và một luồng ánh sáng lớn vượt qua ánh sáng của chư thiên xuất hiện trên thế gian. Rồi, trong đoạn cuối, từ cảnh tượng huy hoàng này chúng ta trở về với cảnh giới tẻ nhạt của cõi người, để nhìn thấy Đức Phật chúc mừng ngắn gọn vị du sĩ Koṇḍñña ( Kiều Trần Như) đã đạt đượcPháp nhãn trong sáng thanh tịnh ”. Trong một sát na, Pháp Đăng (/Ngọn Đèn Truyền Pháp) đã chuyển từ bậc đạo sư sang đệ tử, để bắt đầu cuộc hành trình xuyên khắp Ấn độthế giới.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3509)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10295)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4579)