02. Pháp Hội Vô Biên Trang Nghiêm

30 Tháng Tư 201000:00(Xem: 69985)
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

II
PHÁP HỘI
VÔ BIÊN TRANG NGHIÊM
THỨ HAI

(Hán bộ từ quyển thứ tư đến hết quyển thứ bẩy)

Phẩm Vô Thượng Đà La Ni
Thứ Nhất

(Hán bộ từ quyển thứ tư đến hết quyển thứ năm)
Hán dịch: Nhà Đường, Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

 Như vậy, tôi nghe : Một lúc Phật ở thành Vương Xá Ca Lan Đà Trúc Lâm, chúng đại Tỳ Kheo và vô lượng đại Bồ Tát câu hội. Chư đại Bồ Tát nầy đều là bực nhứt sanh bổ xứ từ Phật độ khác vân tập đến đây.

 Lúc bấy giờ đại chúng vây quanh cung kính cúng dường đức Thế Tôn.

 Vô Biên Trang Nghiêm Bồ Tát rời chỗ ngồi trịch y vai bên hữu, quỳ gối mặt, chắp tay hướng lên Phật mà bạch rằng : « Thế Tôn ! Tôi có chút ít nghi nay muốn thưa hỏi. Xin đức Như Lai thương xót cho phép ».

 Phật bảo Vô Biên Trang Nghiêm Bồ Tát : « Nầy thiện nam tử ! Như Lai cho phép ông hỏi. Như Lai sẽ giải thích chỗ nghi cho ông được vui mừng ».

 Vô Biên Trang Nghiêm Bồ Tát bạch rằng : « Thế Tôn ! Tôi vì chư Bồ Tát muốn trang nghiêm vô biên trí huệ mặc áo giáp tinh tấn, vì người cầu phương tiện thiện xảo, vì người cầu trí huệ thiện xảo, vì người sơ phát tâm quyết định đại trí, vì người đã an trụ đạo Bồ đề, nên nay tôi thưa hỏi đức Như Lai. Tôi cũng vì chư Bồ Tát muốn làm lợi ích chúng sanh, muốn chúng sanh đều phát đại tâm tu hành đại trí, dõng mãnh tinh tấn được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề, nên nay thưa hỏi đức Như Lai.

 Bạch Thế Tôn ! Có chư Bồ Tát vì loài hữu tình mà nguyện đến bờ kia. Lại có Bồ Tát quyết chí cầu vô ngại vô úy, phương tiện theo cơ khéo phân biệt diễn thuyết pháp nghĩa, và tuyên dương bổn tánh tự tánh của các pháp đúng như thật. Lại có Bồ Tát được tâm vô đẳng, tâm tối thắng, tâm vô thượng được tự tại. Tôi vì chư Bồ Tát trên đây mà thưa hỏi đức Như Lai.

 Bạch Thế Tôn ! Nếu có chúng sanh cầu tự nhiên trí, vô sư trí, phá vỏ vô minh, vượt hơn tất cả nhơn thiên, làm lợi lạc tất cả thế gian. Tôi cũng vì những Bồ Tát nầy mà thưa hỏi Như Lai.

 Bạch Thế Tôn ! Chư Bồ Tát đã an trụ nơi bực nầy mau được viên mãn Phật quả, có thể chứng những môn ba la mật bất khả tư nghì, dùng chút ít công dụng thành thục chúng sanh, khiến chúng sanh lìa ác thêm thiện, chỉ bày chủng tánh Phật, có thể an lập vô lượng chúng sanh chẳng thối chuyển đạo Vô thượng Bồ đề. Nay tôi vì hạng nầy mà thưa hỏi Như Lai.

 Bạch Thế Tôn ! Đại chúng đây đều đã vân tập, ngưỡng mong đức Như Lai diễn thuyết pháp môn vi diệu truyền dạy chư Bồ Tát khiến họ được viên mãn đại nguyện, và được trọn nên căn lành nhứt sanh bổ xứ.

 Bạch Thế Tôn ! Môn đà la ni vi diệu như vậy, đức Như Lai nên tùy thời truyền dạy khiến chư Bồ Tát có thể thọ trì vô lượng pháp môn, an trụ vô biên đại thần thông, thành thực vô lượng vô số chúng sanh đều được nhiếp thọ Phật trí. Xin đức Như Lai khai thị pháp môn như vậy, chúng sanh sẽ được chứng đạo Bồ đề.

 Bạch Thế Tôn ! Từ xưa, đức Phật đã từng trải qua thời gian lâu xa phát nguyện rộng lớn làm cho vô số chúng sanh được Phật trí và tự nhiên trí. Nay Phật nên diễn nói môn đà la ni nầy cho các Bồ Tát được trọn nên thiện căn của mình, và cũng nhờ sức oai thần của Phật gia hộ để giữ gìn đại nguyện bất tư nghì của chư Bồ Tát.

 Bạch Thế Tôn ! Đại chúng đây chiêm ngưỡng đức Như Lai không tạm rời. Tất cả đều một lòng mong cầu nhứt thiết trí và các pháp tạng, muốn được nghe diệu nghĩa quyết định của Như Lai. Đức Thế Tôn an trụ trong cảnh nhứt thiết trí, đã biết tâm nguyện của chư Bồ Tát nầy. Thế Tôn nên nói cú nghĩa viên mãn của môn đà la ni, làm cho chư Bồ Tát chưa thành thục đều được thành thục, người đã thành thục thời mau được thần thông và được giải thoát tri kiến.

 Bạch Thế Tôn ! Chư Bồ Tát trụ bực bất định nếu được dự nghe diệu pháp thời được thành tựu cảnh giới nhứt thiết trí.

 Bạch Thế Tôn ! Do những duyên cớ trên đây nên tôi dám thưa hỏi việc lớn. Xin đức Đại Từ giảng thuyết diệu pháp, dùng oai thần gia hộ nhiếp thọ chư Bồ Tát.

 Bạch Thế Tôn ! Đời mạt thế sau nầy, trong thời kỳ đấu tranh, chúng sanh nhiều chấp trước làm hại lẫn nhau, thêm lớn tham, sân, si, hoại loạn chánh pháp. Khiến chư Bồ Tát ở trong thời kỳ đó, dùng đức đại từ bi chịu đựng mọi sự khổ để lưu hành diệu pháp nầy, không tranh không đấu. Do không tranh đấu nên có thể nhiếp thọ đại từ đại bi, và sẽ chứa nhóm những căn lành.

 Bạch Thế Tôn ! Do nghĩa trên đây nên nay tôi dám thưa hỏi đức Như Lai về pháp môn vô ngại và diệu nghĩa quyết định.

 Bạch Thế Tôn ! Phương tiện gì để chư Bồ Tát phát khởi vô lượng pháp môn ? Lại xin đức Như Lai nói pháp môn tịch tịnh chẳng diệt hoại, gồm diễn nói pháp tạng vi mật, thành tựu chánh niệm để hàng phục ma oán và ngoại đạo, mà chẳng bị họ xô phá.

 Xin đức Như Lai diễn nói chánh pháp cho chúng sanh chứa nhóm căn lành cũng khiến họ chứa nhóm vô biên phương tiện thiện xảo, thẳng đến nhứt thiết trí, kết tập vô lượng pháp yếu, được biện tài vô ngại, cũng khiến họ chứng được vô lượng pháp môn và đà la ni, lại khiến họ phát tâm vô trụ. Cũng làm cho chư Bồ Tát rõ biết bổn sự của chư Phật, dùng thần thông vô úy khắp các thế giới truyền pháp nhãn thanh tịnh cho chúng sanh, cũng khai thị diệu pháp bất tư nghì trọn nên Phật trí.

 Do những nghĩa nầy tôi dám thưa hỏi, xin đức Thế Tôn nói diệu pháp rộng lớn rất sâu của Phật, làm cho chư Bồ Tát được viên mãn bổn nguyện. Chư Bồ Tát nầy dự nghe diệu pháp rồi đều sẽ được chứng trí huệ thiện xảo đại Bồ đề, và những hoằng thệ đều được viên mãn ».

 Phật bảo Vô Biên Trang Nghiêm Bồ Tát : « Lành thay ! Lành thay ! Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông vì chư Bồ Tát trụ nguyện thanh tịnh phương tiện thiện xảo, cũng vì thương xót chúng sanh, nên dùng trí huệ quyết định khéo thưa hỏi Như Lai. Công đức của ông không có hạn lượng.

 Ông lắng nghe và khéo suy nghĩ, Phật sẽ giải thuyết cho. Khiến chư Bồ Tát đối với cảnh giới trí huệ của Như Lai, được sanh vô lượng công đức.

 Nầy thiện nam tử ! Nếu các Bồ Tát vì cầu vô biên thiện xảo phương tiện, thời phải rõ biết ngữ ngôn bí mật của chư Phật, rồi thọ trì tư duy quan sát đúng lý.
 Quan sát như thế nào ?

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trí của Như Lai nhiếp các phương tiện, những điều diễn thuyết đều thanh tịnh cả. Chư Bồ Tát cần phải tiến tu pháp yếu nầy.

 Lời của chư Phật đều từ nơi đại bi, đều bình đẳng khắp với quần sanh. Quyết định thành thục các loài hữu tình.

 Hoặc có hạng trụ nơi hạ thừa cầu được giải thoát trong đạo Thanh Văn. Có hạng phát thệ rộng lớn viên mãn chơn thật Niết Bàn thành nhứt thiết chủng trí.

 Nay Phật an trụ giải thoát vô thượng, xa hẳn pháp hạ liệt của các thừa khác, đã khéo vào ngữ ngôn bí mật của chư Phật, nói câu lời vô tỉ rộng lớn thanh tịnh nhiếp thọ các pháp của Như Lai, khiến các hàng hữu tình theo căn tánh của họ mà được giải thoát thành thục. Dầu vậy, nhưng nơi pháp yếu nầy thảy đều bình đẳng, chẳng thêm chẳng bớt, không thiếu sót, nhẫn đến vô biên tế tự tánh thanh tịnh.

 Lời diễn thuyết của chư Phật đều thấu rõ như thật bổn tánh tự tánh, nhưng trọn không có pháp rõ thấu cùng chẳng rõ thấu. Vì tất cả pháp môn đều là Như Lai dùng giả danh mà tuyên thuyết.

 Nếu các pháp kia đã là giả danh, thời chẳng thể dùng pháp để thi thiết, cũng không hiện bày. Vì không hiện bày, nên những điều Phật nói đều là thắng nghĩa chơn thật. Tùy theo pháp mà đồng vào tất cả pháp. Với tất cả pháp chẳng trụ nơi phân biệt, cũng chẳng phải chẳng trụ. Do pháp phân biệt cùng chẳng phân biệt bình đẳng như thật mà chứng tất cả pháp vô sai biệt.

 Pháp vốn không có sanh, vì sanh pháp vô sở hữu. Pháp vốn không có pháp mà vì vọng phân biệt chấp trước. Pháp vốn không có khởi, vì không tự tại. Pháp không có quán đãi vì hoàn toàn xả. Pháp không có tác dụng vì không có khứ lai. Pháp không có tự tánh vì siêu quá tất cả tự tánh. Pháp vốn bình đẳng không sai khác vì không hí luận. Tùy thật hành pháp gì, phát nuyện thù thắng đều thành tựu cả, nhưng trong đây không có tác giả nhẫn đến không có chút pháp bị được, vì đều quy về nơi không.

 Do những nghĩa trên đây, nên Như Lai nói tất cả pháp như huyễn, như mộng, không có cao hạ.

 Chính đương lúc Phật dùng hoằng thệ để nhiếp hóa chúng sanh đây, cũng thiệt không có chút pháp gì có thể chấp lấy được cả.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây lá pháp môn quang minh của chư Bồ Tát. Do pháp môn nầy nên được tăng trưởng bổn nguyện thù thắng. Như mặt trời mọc lên thì tỏa ánh sáng khắp nơi. Người tin hiểu được pháp môn nầy thì làm pháp quang minh cho tất cả chúng sanh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát, trong có chánh tư duy, ngoài không tán loạn, dứt được các chướng ngại, niệm phổ quang tam muội và tin hiểu được pháp thậm thâm, thì cần nên quan sát các pháp môn nầy.

 Như Lai biết rõ tất cả pháp, dùng môn duyên khởi mà tuyên thuyết khai thị : Duyên khởi như vậy là hư vọng không thật, tự tánh bổn tánh thảy đều không tịch. Tánh duyên khởi nầy cũng chẳng chơn thật, dầu nó có thể làm cho chúng sanh hết tạp nhiễm được thanh tịnh, nhưng tìm khắp mười phương đều bất khả đắc vì là bất khả đắc nên không nhiếp thọ. Vì không nhiếp thọ nên với giáo thuyết của Phật còn nên xả ly huống là những phi pháp. Nói xả ly là vì nó chẳng phải có, là vô sở thủ, không có công dụng, bổn tánh vốn thanh tịnh. Tất cả pháp không sai khác, vì rõ biết phân biệt bổn tánh như thật. Tất cả pháp không có chỗ trụ, cũng không thể thấy, vì không có tánh riêng khác. Do đây nên tất cả pháp vốn không có chỗ trụ, không có chỗ y ỷ. Chỉ do danh tự giả lập ra. Tất cả pháp đều không tịch, chẳng có tự tánh, vô trụ mà trụ. Vì vậy nên các pháp không có trụ xứ. Vì không nơi chỗ nên là tận, là diệt, là biến dịch.

 Như Lai chỉ dùng giả danh tuyên thuyết, mật ý như vậy cần phải rõ biết, chẳng nên chấp trước là thiện cùng bất thiện. Nếu chấp thiện pháp thì cũng sẽ chấp pháp bất thiện. Vì chấp pháp bất thiện nên sanh những khổ não. Phật dùng giả danh ở nơi đây nói là khổ thánh đế.

 Do chẳng chấp trước pháp thiện và bất thiện nên những chấp thọ kia dứt diệt. Như Lai ở nơi bị thiện pháp dứt đây mà giả nói là tập thánh đế.

 Vì rõ biết được thánh đế thứ hai, vì diệt, vì tận, vì không ức tưởng, vì nhàm lìa, quan sát vô sở hữu, vì không tưởng, không thọ, không phân biệt, Như Lai nơi đây giả nói là khổ diệt thánh đế.

 Vì rõ biết thánh đế thứ ba, là đạo quả chỗ mong cầu, như thật ngộ nhập tất cả pháp, vượt khỏi tất cả cảnh ức tưởng phân biệt hí luận, tương ưng bát thánh đạo, tu tập chánh kiến nhẫn đến chánh định, rõ biết thánh đế là con đường diệt khổ. Phật dùng giả danh nói đây là đạo diệt khổ, thánh đế thứ tư.

 Chư Phật ở nơi đây lập ra : Biết khổ, dứt tập, chứng diệt và tu đạo. Đây là khổ, khổ tập, khổ diệt, và khổ diệt đạo. Khổ nầy vốn không có, vì theo thế tục giả danh lập ra.

 Những vô minh nầy tất cả đều là phan duyên phân biệt, trong đây vốn vô trí. Vì vô trí nên cũng không có một chút phan duyên có thể chấp lấy được. Không có chỗ chứng, không có quang minh, không thể rõ biết, cũng bất khả đắc. Như vậy thời trong đây sẽ có vật gì ? Tất cả đều là những pháp hư vọng bại hoại không thật không chắc. Trong đây nếu lập ra có vật chắc thật, thời có chấp thường. Nếu cho là không thời thành chấp đoạn. Do đây chẳng nên phân biệt đối với pháp khổ.

 Do trí huệ nên rõ biết tự tánh của vô trí là tự tánh của khổ, vì tương ưng với vô minh. Vô minh kia cũng chẳng cùng với vật tương ưng, đã chẳng tương ưng thì nó cũng không có. Vì chẳng tương ưng, nên vô minh chẳng phải là phân biệt cũng chẳng phải là chẳng phân biệt, chẳng tạo tác, chẳng hư hoại, cũng không tác giả, vì không thể tìm ra tác giả.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là chư Bồ Tát ngộ nhập tự tánh của vô minh mà thuận với minh pháp môn. Do pháp môn nầy có thể bỏ rời tất cả vô minh đen tối, hiện tiền chứng đặng tùy thuận minh pháp, có thể khéo tu tập Bồ đề phần, khéo rõ biết các thánh đế.

 Chư Bồ Tát đây có thể được thanh tịnh nơi pháp môn nầy, nghĩa là : Do vì bất sanh nên khổ được thanh tịnh. Vì chẳng phan duyên nên tập được thanh tịnh. Vì diệt tận nên diệt được thanh tịnh. Do tu tập nên đạo được thanh tịnh. Vì tín tâm bình đẳng nên đạo liền bình đẳng.

 Những pháp giả danh sai khác như vậy cần phải rõ biết. Đã rõ biết rồi thì phải dứt, phải chứng, phải tu.

 Đối với lời dạy của Như Lai, nếu hiểu rõ được, người đó liền biết khắp, liền dứt, liền chứng, liền tu tập.

 Do đây nên bực thánh rõ biết như vậy rồi, đối với tất cả pháp chẳng lấy chẳng bỏ, bèn được an trụ nơi pháp môn tứ đế.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả pháp không có phân biệt, không có tăng trưởng, cũng chẳng tích tập.

 Vì bực thánh khéo rõ biết đúng như thật, nên chẳng phân biệt, chẳng hí luận, chẳng bỏ, chẳng lấy, mà thấy được như thật. Do đạo đế đoạn trừ, nên đối với những thiện pháp còn chẳng phân biệt, không hí luận, huống là pháp bất thiện. Do tương ưng với vô phân biệt nên cũng chẳng trụ nơi dứt pháp và dứt phi pháp. Đã hoàn toàn dứt thời không còn chấp pháp và phi pháp. Bực nầy có thể rõ biết pháp chấp là hư vọng, pháp hư vọng đây trống rỗng vô sở hữu.

 Như trên đây là môn đế lý chứng nhập của những bực ấy. Do môn nầy, nên chẳng tham ái, chẳng sân hận. Chứng được viên mãn đức xả, dứt được những kiết sử, an trụ chánh đạo đến bờ kia, chứng pháp tánh nhưng không xuất không nhập.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông phải quan sát bổn tánh của tất cả pháp đều không, tự tánh tịch tịnh không có tác giả. Tất cả pháp đều chẳng thật, tương ưng với kiết sử. Trong pháp không tự tánh đó chẳng nên chấp trước, lại cũng chẳng nên rời ngoài tự tánh và chẳng phải tự tánh mà có niệm phân biệt. Đã rõ biết được nhơn duyên thanh tịnh, thì với tất cả pháp duyên sanh chẳng nên hí luận. Duyên sanh kia vốn không tự tánh rốt ráo thanh tịnh, nhơn duyên đó chẳng tương ưng lẫn nhau. Các pháp xoay vần, trong đó không có sở tác, không có sở hành, không có sự nghiệp. Vì tất cả pháp đối với nhau là không, nên không có tự tánh, không sở y, không sở trụ.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trong diệu pháp nầy ông cần phải ngộ nhập. Được như vậy thời có thể tăng trưởng không bị tổn hoại, được pháp môn thanh tịnh phổ biến quang minh. Do nhiếp thọ nên được thanh tịnh. Vì không hí luận nên thành quang minh. Vì lìa kiết sử không chỗ chấp trước nên được xuất ly.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả pháp chỉ có danh tướng để khai thị tuyên thuyết. Danh là tất cả uẩn chẳng phải sắc. Tướng là những sắc pháp do tứ đại tạo thành. Danh tướng như vậy, tất cả đều là hư vọng chẳng chơn thật. Vì chúng sanh điên đảo nên có chấp trước : Hoặc chấp sắc là ngã, sắc là ngã sở. Vì phân biệt nơi tướng mà có tên gọi, có chỉ bày, có tuyên thuyết. Hai thứ danh sắc như vậy đều chẳng thật. Tất cả đều là những pháp biến hoại hư vọng, như huyễn, như mộng. Thể của sắc chẳng bền chắc như cảnh chiêm bao, nhẫn đến bốn uẩn cũng đều chẳng thật. Tất cả chỉ là văn tự thi thiết của thế tục thôi.

 Quan sát như vậy, lúc đã biết rõ, thì chẳng thấy có khổ. Vì không phan duyên nên tâm vô sở hữu. Vì tương ưng với thật đế nên không phan duyên. Vì vô sở hữu nên đâu có gì tương ưng với phan duyên kia. Do đây nên đối với cảnh giới Niết Bàn được bặt tưởng và dứt sở tri.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tam giới do tưởng và tác ý sanh ra, nên gọi rằng tam giới hư vọng. Tưởng và tác ý cũng chẳng phải chơn thật. Tưởng đây tức là chấp trước sắc. Bao nhiêu tác ý đều tương ưng với thọ, tưởng, hành, thức. Bổn tánh của các pháp cũng chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, nhẫn đến phi tưởng cũng chẳng phải tác ý. Tưởng và tác ý bổn tánh đều không. Những ngôn thuyết cũng đều hư vọng, chỉ nhờ ngôn thuyết để làm cho tánh tịch tịnh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Bổn tánh của các pháp vì là giả danh, nên chỗ nói ra cũng đều bình đẳng.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Thật đế trong pháp nầy, chư Bồ Tát cần phải rõ biết. Nghĩa là chư Phật Như Lai vì đã dứt rời tất cả kiết sử, nên những điều diễn thuyết ra trọn chẳng luống hư. Nơi đây các ông phải khéo suy nghĩ, chớ có quan niệm chấp trước. Đối với tất cả pháp chớ phân biệt, chớ hí luận. Rõ tất cả pháp không có tự tánh, sanh lòng từ bi đối với chúng sanh, tư duy ngộ nhập pháp môn như vậy, khai thị diễn thuyết để lợi ích tất cả.

 Pháp môn nầy thế nào ? Nghĩa là thấu rõ vô minh các pháp hữu vi, tỏ ngộ trí, kiến v.v... các pháp vô vi. Phải chứng nhập trí thanh tịnh không hí luận với tất cả pháp hữu vi, pháp vô vi.

 Chẳng phải số lượng mà vào số lượng, mà trụ số lượng, vì tùy thuận pháp chẳng phải số như vậy nên chứng nhập pháp môn vô vi thanh tịnh, chứng đặng trí huệ quang minh chiếu khắp, nhiếp thọ các pháp làm cho chẳng mất chẳng hoại. Có thể dùng giác huệ phương tiện thiện xảo rộng vì chúng sanh diễn thuyết các pháp.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là chư Bồ Tát chứng nhập môn đà la ni. Do môn nầy, mà sanh ra giác huệ sai biệt rộng lớn, và có thể phát khởi chí thiện xảo diễn thuyết những pháp nghĩa.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trong đây gì là môn đà la ni ? Bực Bồ Tát nầy đối với các pháp có thể được tổng trì phương tiện thiện xảo. Bồ Tát nầy an trụ nơi chí thiện xảo thanh tịnh mà thật hành biện tài thuyết pháp. Do giác huệ nghĩa vô ngại mà quán sát bổn tánh tự tánh của các pháp. Nhưng tất cả pháp tự tánh vốn vô trụ, vô danh, vô tướng, không chỗ kiến lập, chẳng thể tuyên thị, chỉ dùng ngôn từ của thế tục để diễn thuyết. Tất cả pháp, bổn tánh tự tánh đều bất khả thuyết, không đến không đi, không có văn tự, văn tự vốn thanh tịnh không có công dụng. Vì bổn tánh của tất cả pháp đồng như hư không, không tạo tác, không sanh khởi, vô tướng thanh tịnh. Dùng hư không để khai thị diễn thuyết, thời các pháp môn nầy là không có pháp môn, vì pháp môn thanh tịnh, rốt ráo không nhiễm cũng chẳng theo nơi nhiễm. Vì các pháp rốt ráo chẳng sanh khởi, tự tánh của pháp cũng chẳng sanh khởi. Do đây nên biết rằng tất cả pháp nói ra trong ba đời, tự tánh là vô tánh, nhưng cũng chẳng nên chấp các pháp là vô tánh. Đây là môn đà la ni vô sở trước của chư Bồ Tát, vì pháp môn của chư Bồ Tát đều thanh tịnh.

 Khai thị diễn thuyết tất cả pháp có hình tướng như vậy, hình tướng đó chính là chẳng phải hình tướng, chẳng tạo tác, chẳng hư hoại, chẳng tham ái, chẳng sân hận. Do đây nên biết môn hình tướng nầy là chẳng phải môn. Vì môn thanh tịnh nên được vào nơi pháp môn thanh tịnh không hình tướng. Vì muốn rõ biết môn hình tướng nầy là vô sở hữu. Chẳng dùng nghĩa có mà tuyên thuyết như vậy, vì vô sở tác nên vào nơi pháp môn không hình tướng.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp môn không hình tướng đã nói như vậy là vì đà la ni thanh tịnh mà nói.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp môn đã nói đó dường như hư không, tất cả pháp nương nơi hư không mà có sanh diệt. Pháp sanh diệt kia tánh đều bình đẳng, không có sanh diệt, không chỗ nhiếp thọ. Với tất cả pháp phải biết như vậy. Tất cả pháp cũng chẳng phải nhiếp thọ, chẳng phải không nhiếp thọ, chẳng phải đồng, chẳng phải không đồng, nhẫn đến không có chút pháp gì mà có thể được. Do đây có thể rõ được môn hình tướng nầy, vì được môn vô tướng thanh tịnh mà khai thị diễn nói.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nói rằng vô tướng đó chính là không thân, không thân thi thiết, không danh, không cú, cũng không thị hiện. Nơi giáo nghĩa nầy phải nên rõ biết môn không hình tướng kia đồng với hư không.

 Nói rằng hư không, cũng chẳng có hư không và thị thuyết hư không. Đây là pháp môn vô minh tùy thuận minh trí lực.

 Bồ Tát có thể chứng nhập lý thú phương tiện của môn đà la ni. Do chứng nhập nên không có tránh luận cũng không quên mất. Liền chứng nhập môn đà la ni vô đoạn bí mật ngữ ngôn. Như rồng Vô Nhiệt Não làm trận mưa to không ngớt hột.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nói đà la ni trên đây là cú nghĩa gì ? ».

 Vô Biên Trang Nghiêm Bồ Tát nói : « Bạch Thế Tôn ! Đà la ni là giả danh phương tiện tùy thuận các pháp bí mật; là nghiệp dụng liền ghi nhớ khắp các pháp; là những câu ngữ ngôn thuyết pháp. Do trí lực được vào số đà la ni như vậy. Do thiện giác hưệ cần phải thọ trì công lực Bồ đề vô lượng vô biên.

 Bạch Thế Tôn, như chỗ tôi hiểu, phương tiện diễn thuyết trí vô biên nầy là vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sanh nên khai thị lưu bố làm cho chánh pháp chẳng đoạn tuyệt.

 Bạch Thế Tôn ! Đà la ni nầy là đại hư không, là đại phương quảng. Do nghĩa đây nên có thể tuyên thuyết rộng khắp. Do tuyên thuyết bình đẳng có thể nhiếp thọ nên gọi là tùy thuận giáo pháp thiện xảo khai thị lưu bố rộng lớn. Vì văn tự sai biệt viên mãn mà được thành tựu biện tài vô ngại. Do quan sát nghĩa thiện xảo ngôn thuyết nên được nghĩa vô ngại biện tài. Vì quyết định các pháp thiện xảo khai thị nên được viên mãn pháp vô ngại biện tài.

 Thương xót chúng sanh dùng tâm đại từ bi nên có thể nhiếp thọ. Do nhiếp thọ, nên tuần tự điều phục làm cho được thanh tịnh, không hí luận, có thể diễn thuyết pháp xả bình đẳng.

 Bạch Thế Tôn ! Lúc diễn nói pháp môn phương tiện bí mật đà la ni nầy, vô lượng vô biên nghĩa thiện xảo ra từ kim khẩu của Phật ».

 Phật bảo Vô Biên Trang Nghiêm Bồ Tát: « Nói pháp môn chính là từ ngữ nhứt thiết trí môn của Như Lai. Trong môn nầy, do ngữ ngôn mà diễn thuyết được tất cả pháp. Như Lai an trụ nơi tự nhiên trí vô biên thanh tịnh rốt ráo thanh tịnh, từ nơi vô sở trụ, vô sở lập mà diễn ra pháp môn rộng lớn rất sâu.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai từng nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Vì đối với các pháp có thể khéo rõ biết nên gọi là Phật pháp. Bổn tánh của các pháp đồng với Phật pháp nên các pháp đều là Phật pháp. Do có thể rõ biết các pháp và phi pháp nên nói rằng có thể rõ biết tất cả pháp. Người có thể rõ biết các pháp, thì có thể rõ biết môn đà la ni. Môn đà la ni này có thể vào khắp tất cả pháp, nghĩa là có thể nói năng diễn thuyết đàm luận. Tất cả những sự nói năng diễn thuyết đàm luận đều do nơi văn tự mà tuyên thị. Trong văn tự này, đầu là chữ « a », rốt sau là chữ « hà ». Dường như lúc nhập thai, thọ thai, trụ thai, thời lấy mẹ làm trước. Lại như chủng tử và nuôi lớn thời dùng cha làm trước. Tất cả văn tự hòa hiệp sai biệt dùng mẫu tự như vậy làm trước. Phát sanh văn tự thời trước là chữ a, rốt sau là chữ hà, những văn tự khác ở chặng giữa, tùy theo sự tương ưng, các văn tự hòa hiệp có ra. Đây chính là có thể vào môn ngữ ngôn đà la ni.

 Lại phải rõ biếttất cả những hành pháp thảy đều hoại diệt. Như văn tự kia, đã viết học thành rồi liền sẽ trừ diệt. Tất cả nghiệp dụng lập ra đều sẽ hoại diệt. Như những hành pháp kia vì hòa hiệp mà sanh, nó chẳng hòa hiệp thời hoại diệt. Hai thứ tương ưng hòa hiệp như vậy lập thành tất cả ái kiến trong ba cõi, cũng do hai thứ hòa hiệp như vậy lập thành tất cả pháp hữu vi.

 Quan sát như vậy, lần lần có thể thành tựu pháp môn vô tác, do đây có thể diễn thuyết môn đà la ni sanh diệt, làm cho chư Bồ Tát mau được viên mãn phương tiện thiện xảo. Như mẫu tự, trước là chữ a, sau là chữ hà. Được như vậy rồi, nên dùng lời nói diễn thuyết đàm luận, khéo vào tất cả ngôn từ bí mật, lại phải rõ biết pháp vô ngại để khai thị tuyên thuyết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như mẫu tự, chữ « a » làm đầu, bao nhiêu văn tự theo đó lập thành, do tác ý mà có biên chép. Sau chữ « hà », không còn văn tự nào có thể kiến lập được nữa. Do hai thứ tác ý nầy có thể sanh tất cả hành pháp hữu vi. Hai thứ phân biệt đó đều không chơn thật, vì nơi chơn thật không có bổn tánh tự tánh của văn tự, cũng không có phân biệt và chẳng phân biệt, mà trong đó cũng không có chút phần gì làm ra. 

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả các pháp do trí nhận biết. Trí nầy đều từ nơi văn tự mà được sanh khởi. Vì văn tự nầy chẳng thành tựu, nên trí kia cũng lại không hình tướng có thể được. Vì nơi chơn thật vốn không có hình tướng. Do vào nơi không hình tướng như vậy nên rời bỏ tất cả sự nghiệp tạo tác. Vì vô tác nên rời bỏ tất cả sự hữu vi.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là pháp môn thanh tịnh thiện xảo đà la ni. Nếu chư Bồ Tát lúc học pháp môn nầy, thời có thể phát khởi tất cả sự nghiệp vô ngại, vì chúng sanh tuyên thuyết chánh pháp không thiếu bớt, chẳng trụ nơi chấp trước, và có thể xa lìa những tưởng cùng tác ý, vì đã có thể vào nơi pháp vô ngại trí, chứng vô biên trí.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát khi đã khắp dùng tất cả danh tự, mà rõ biết tất cả pháp chỉ có ngôn thuyết mà không chơn thật. Biết như vậy rồi Bồ Tát cần phải vào phương tiện đà la ni môn.

 Thế nào là nên vào môn phương tiện đà la ni ? Rõ biết tất cả danh ngôn vốn không chỗ trụ, nên chẳng trụ nơi các pháp, chẳng trụ trong ngoài chặng giữa, tất cả chỗ đều là bất khả đắc. Chỉ nương ngôn thuyết mà lập ra danh tự. Với danh tự lập ra liền rõ biết như thật, là như thật. Do như thật nầy cần phải rõ biết tất cả pháp vốn không danh tự, không ngôn thuyết, đây là chỗ trí lực vô sở úy của chư Phật. Với tất cả pháp, Bồ Tát nên dùng pháp môn nầy để khai thị diễn thuyết.

 Như Lai nói tất cả pháp chẳng phải một tánh, chẳng phải khác tánh, vì các pháp không có tánh một tánh khác. Tất cả pháp nầy chẳng phải sanh chẳng phải có. Những pháp tuyên thị như vậy cũng không. Pháp đã không thời chính nó là vô tướng. Đã vô tướng thời không nguyện cầu. Nếu các pháp đã là không, là vô tướng, là vô nguyện, thời là bất khả tri, bất khả biến tri. Do đây chẳng nên nói các pháp là hữu là vô. Nói hữu nói vô chỉ là ngôn thuyết, trong đó chẳng nên chấp trước. Vì Phật thường nói nếu người chẳng chấp trước tất cả pháp thời là chơn thật thắng nghĩa. Nếu người có chấp trước, thì với pháp nào cũng đều sanh chấp trước. Chấp trước như vậy đều là pháp bại hoại, là không, chỉ có hư vọng, phân biệt, hí luận.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông cần phải quan sát diễn thuyết các pháp, nhưng những pháp đó thật ra không thị không thuyết, há lại ở trong đó mà có người năng thuyết vì người khác mà diễn thuyết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp thanh tịnh đây do Như Lai diễn bày ra. Người nào có thể rõ biết được thời đáng gọi là rất hi hữu.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay các ông ở trước ta được nghe pháp như vậy, dầu đa số có thể khéo rõ biết sanh thắng giải, trụ nơi tín tâm thanh tịnh, nhưng chúng sanh đời sau đối với pháp nầy ít người hiểu biết. Chỉ trừ những người hiện nay gần gũi bên Phật phát hoằng thệ : nguyện đời vị lai đem sự an lạc lợi ích cho chúng sanh, mà sẽ thọ trì giáo pháp của Như Lai. Những người hiện tiền thừa sự cúng dường Như Lai tin sâu hiểu chắc sẽ có thể chứng được môn đà la ni nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Do ngày trước cúng dường chư Phật, lại được tin hiểu giáo pháp thậm thâm, nên chư Bồ Tát nguyện cầu Đại thừa hướng đến công hạnh sâu rộng.

 Hàng Thanh Văn thừa nhàm lìa ba cõi nên siêng năng tu hành giáo pháp thậm thâm, những người nầy chưa từng được nghe giáo pháp thâm diệu nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đức Như Lai vì muốn lợi ích cho hạng hữu tình nầy, khiến họ chứng chủng trí rộng lớn vô lượng, nên lại nói giáo pháp thậm thâm. Giáo pháp nầy chẳng phải kẻ ngu phu nhiều chấp trước chẳng mong cầu diệu pháp mà có thể hiểu, có thể làm được. Diệu pháp nầy là chỗ nương dựa của những người tu hành đúng lý đầy đủ căn lành, biết sợ tội mà cầu giải thoát.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Phật vì các ông và tất cả đại chúng luôn thuyết pháp chẳng mỏi nhàm. Do xưa kia lúc Phật còn thật hành đạo Bồ Tát, trong vô lượng kiếp tinh tấn tu học diệu pháp thậm thâm này. Đã tu học rồi bèn hồi hướng tất cả chúng sanh : Làm thế nào sẽ vì các loài hữu tình mà chuyển được pháp luân vô thượng và vì các hữu tình thị hiện được trí huệ vô thượng khiến cho Phật chủng chẳng dứt ?

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là do nguyện lực thuở xưa của đức Như Lai vì muốn Phật trủng trẳng dứt và dùng oai lực gia hộ môn đà la ni nầy, khai thị diễn thuyết pháp thậm thâm đây cho được lưu bố rộng khắp, khiến chúng sanh sẽ được ngộ nhập trong Phật pháp.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay các ông nếu muốn học theo Phật, thời có chúng sanh nào mong cầu chánh pháp, các ông phải khai thị diễn thuyết chớ sanh lòng nhàm mỏi.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Bồ Tát ở trong đại chúng, đem pháp của mình đã được nghe mà diễn thuyết khai thị. Do đây sẽ được gần Phật trí, mau chứng được môn đà la ni. Vì chứng đà la ni nên dùng công lực ít mà có thể thọ trì pháp môn thanh tịnh sáng suốt.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả pháp bổn tánh thanh tịnh. Bổn tánh của các pháp nếu đã là chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng, chẳng phải hòa hiệp, chẳng phải không hòa hiệp, thời trong các pháp vẫn không có pháp. Nếu pháp đã không có thì không chỗ nào có thể thị thuyết được, chỉ trừ khi để dứt tập nhơn, vì dứt tập nhơn nên được xa lìa, vì được xa lìa nên được tịch diệt.

 Như Lai vì muốn chúng sanh hiểu rõ nên tuyên thuyết. Tất cả pháp bổn tánh tự tánh vốn là vô nhơn, thì là vô nhơn dứt. Vì vô nhơn dứt nên không lìa không diệt.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông xem chỗ thuyết pháp của Phật thanh tịnh như vậy. Nếu người dùng pháp để quan sát Như Lai, người đó nơi Như Lai thấy chẳng thanh tịnh. Vì Như Lai chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp. Như Lai còn chẳng an trụ chút pháp gì huống là phi pháp. Như Lai vượt khỏi các pháp biểu thị, không thể tuyên thuyết, vì tất cả ngữ ngôn đều thanh tịnh. Do đây nên Như Lai rất là rộng sâu vô lượng. Như Lai chẳng phải sắc biểu thị, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức biểu thị, cũng chẳng phải sắc diệt tận giải thoát, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức diệt tận giải thoát. Do đây nên Như Lai tuyệt những pháp biểu thị cùng sắc, thọ v.v... với các pháp chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng, nhưng ở nơi tất cả pháp hữu vi vô vi đều có thể khắp giải thoát, chẳng phân biệt, không hí luận. Như Lai chẳng tương ưng với sự chấp trước nơi sắc, cũng chẳng tương ưng với sự chấp trước nơi thọ, tưởng, hành, thức, đã dứt hẳn tất cả cội gốc chấp trước, và cũng xa lìa cội gốc của các pháp. Nghĩa là Như Lai không hí luận, chẳng nhập chẳng xuất, vượt khỏi các dòng, chẳng trụ cảnh giới Phật vô thượng, cũng chẳng phải không trụ. Nên nói rằng Như Lai chẳng trụ nơi chút pháp gì, chẳng lấy chẳng bỏ.

 Lúc thuyết pháp cũng phải diễn thuyết như đã nói về vấn đề Như Lai. Vì Như Lai chẳng tương ưng nên pháp của Như Lai cũng chẳng tương ưng. Như pháp của Như Lai, tất cả pháp cũng vậy. Cứ nơi lý như thật thời các pháp đều như. Do đây nên Phật nói tất cả pháp đều là chơn như. Tất cả pháp chơn như cùng Phật chơn như không sai không khác, chẳng phải nhứt chẳng phải dị. Vì Như Lai an trụ nơi pháp vô phân biệt chẳng phải là biến kế chấp.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai thuyết pháp trọn chẳng siêu quá tất cả pháp, vì không có chút pháp nào có thể siêu quá.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Lúc đức Như Lai chứng được Vô thượng Bồ đề, nhưng thật ra lúc đó không có pháp gì được, vì tất cả pháp đều bất khả đắc, chẳng phân biệt, chẳng thấy có pháp cùng phi pháp, cũng không tác ý, nơi pháp tánh thanh tịnh chẳng an trụ, chẳng kiến lập. Lúc giản trạch rõ biết các pháp như vậy, cũng không có người rõ biết và giản trạch.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Văn cú đệ nhứt nghĩa đã diễn thuyết đây là văn cú chẳng phải văn cú của Như Lai, vì văn cú vốn thanh tịnh. Do nghĩa nầy nên chư Bồ Tát chứng được trí tất cả văn cú thanh tịnh. Do đây có thể nhập môn đà la ni lý nghĩa vô biên, nhưng cũng không chút pháp gì có thể chứng nhập, vì không có khứ lai.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Văn cú đã nói đó, vốn không văn cú có thể được, vì văn cú vốn chẳng phải văn cú. Đối với tất cả văn cú cần phải rõ biết như vậy. Những văn cú như vậy là nhàm lìa văn cú, đã nhàm lìa văn cú thì là văn cú hư vọng. Nếu văn cú hư vọng thời là nhàm lìa văn cú. Tất cả văn cú đó là văn cú diệt tận, nếu văn cú diệt tận thời là văn cú chơn như. Nếu văn cú chơn như thời là văn cú rốt ráo. Nếu văn cú rốt ráo thời là văn cú tận diệt. Nếu văn cú tận diệt thời là văn cú Niết Bàn. Nếu văn cú Niết Bàn thời chẳng phải thế tục, không văn cú đặt ra cũng không thị thuyết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nói một câu được bình đẳng vào trong tất cả pháp. Thế nào là một câu ? Chính là câu yểm ly. Trong yểm ly vốn không có câu. Tất cả câu đây còn là yểm ly, thời câu cũng chẳng phải câu vì câu thanh tịnh. Nếu câu thanh tịnh, thời Niết Bàn thanh tịnh. Nếu Niết Bàn thanh tịnh thời câu thanh tịnh. Những văn cú như vậy đều bất knả thuyết. Dầu dùng lời nói để tuyên thị văn cú, nhưng lời nói đó tìm khắp mười phương vẫn không tìm được ai vì ai mà nói. Nên tất cả ngôn thuyết đều không. Ngôn thuyết đã không thời không có nghĩa. Chẳng nên ở trong đó phân biệt hí luận đặt ra những cú nghĩa như vậy. Tất cả đều là cú nghĩa vô phân biệt, là cú nghĩa không hí luận. Do đây nên người tu quán hạnh, lúc tìm cầu quan sát tất cả cú nghĩa, phải biết đều là tịch diệt Niết Bàn. Những văn cú như vậy chẳng khác với Niết Bàn, cũng là bất khả thuyết. Nhưng chẳng phải là không khác vì ngôn thuyết và văn cú đều là hư vọng. Vì văn cú thanh tịnh nên phương tiện tuyên thuyết để biểu thị các cú nghĩa, chẳng phải biểu thị chơn thật. Nếu là chẳng phải biểu thị cũng chẳng phải không biểu thị, thì là ở trung đạo. Nếu ở trung đạo thì là vô phân biệt, vì trong đây đã dứt phân biệt. Lúc chứng nhập pháp tánh bình đẳng đây, không còn có chỗ nào thật hành chút ít ác hạnh, vì là vô sở đắc.

 Chư Phật nói người tu Bồ Tát thừa, lúc không có chút pháp gì để có thể thật hành, đây chính là thật hành Bồ Tát hạnh, vì an trụ môn đà la ni thanh tịnh vô thượng.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Phật sẽ nói câu đà la ni. Do câu này mà chư Bồ Tát được đà la ni có thể khai thị vô biên pháp tạng. Chư Bồ Tát nầy trụ bực vô tránh, vì có thể phá trừ những ngoại luận, vì rất tịch tịnh, vì thuyết pháp rộng. Đây là câu đà la ni của pháp môn đó :

 Đát điệt tha nhã duệ - vi nhã duệ - ô kế - ô ca phiệt để - a lộ kế -a lộ ca phiệt để - bát ra bệ - bát ra bà phiệt để - na rị thiết nãnh - nễ na rị thiết đàm phiệt để - yết thế - yết tha phiệt để - thú thát nãnh - bệ thú thát nãnh - bát rị thú thát nãnh - cật rị gia - cật rị gia phiệt để - ôn đát ra ni - san đát ra ni - ma ha tỳ xã duệ - ma ha tỳ xã gia phiệt để - a nộ san địa - a bát ra để - san địa - du già ma nại đà - tất địa - tất đà yết thê - tất đà yết tha phiệt để - ma để - ma để bát ra bệ - ôn đát rị - ôn đát ra phiệt để - nhĩ ma rị - di ma ra nộ tán địa – tát lê - tát ra phiệt để - tát ra nộ già để - ta mĩnh - ta ma lam bà nhĩ già để - yết để - a nễå già để - a bát ra để nễ phiệt để – di thế sái - di thế sái phiệt để - a ma hê nễ - nễ ma hê nễ - bát ra ma hê nễ - ô hà ô đát ra nãnh - ma ra bát na duệ - a thế sát - a nộ ba thế sát - a nộ già mê - a bát ra để già mê - a già đế -a na già đế - già để nhĩ thú đà nễ - bát rị thú đệ - cương kiệt sai chế na nễ dạ đế - ma để bát ra tị đế - ma để tỳ thú đà nễ - tam mạn đa nộ yết đế - mạn đa bát rị phược lê - tam mạn đa tỳ thú đà - nễ a nộ ba ngật ra hứ - a nễ ngật ra hứ đế - hứ ra na thê - a ra tha tỳ thú địa bát ra mĩnh - hê đô nễ địa san ninh bát ra tị để - bát ra tị đa phiệt để - tỳ nễ thiết giả duệ - tị nễ thuyết giả gia nộ yết đế -a nan đa ra thê - a nan đa bí ngật ra hế - ma xã tỳ thú địa a nộ kiệt ra hế - bát ra kiệt ra hà tỳ thú đả nễ - a địa da đa ma tỳ kiệt đế - ma hứ ra đà tỳ thú đà nễ - bí địa da nộ kiệt để - bí địa da nộ tán địa - bát rị thú đà nễ. 

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là câu đà la ni. Chư Bồ Tát do câu này có thể nhớ rõ các pháp tạng của vô lượng Như Lai, cũng có thể khai thị diễn thuyết làm cho chúng sanh trụ bực vô tránh, lại có thể được phương tiện vào tất cả nghĩa lý, có thể rõ biết trí sai biệt rộng lớn vô lượng, tất cả hạnh nguyện đều được viên mãn.

 Cũng làm cho chư Bồ Tát được phương tiện thiện xảo đà la ni. Do được đà la ni nầy sẽ có thể rõ biết nghĩa lý bí mật của các pháp : nơi nhãn căn thấy sắc đà la ni, nhẫn đến ý căn biết pháp đà la ni.

 Môn đà la ni sáu căn thấy biết sáu trần như thế nào ?

 Chư Bồ Tát do nhãn căn thấy sắc trần rồi, vì trí lực và niệm lực biết rõ sắc là vô thường sanh diệt chẳng dừng, do đây chẳng chấp ngã và chẳng phải ngã, chẳng phan duyên nơi sắc nên nhãn căn thanh tịnh, không hí luận, không vọng niệm, không huân tập, không hệ phược nơi nhãn căn và nhãn thức, không phân biệt đối với các pháp. Vì thấy biết thanh tịnh như thật nên rõ biết các pháp như huyễn, được trí rộng lớn không đồng với thế gian !

 Nói lược như vậy, nhẫn đến chư Bồ Tát dùng ý căn rõ biết pháp trần rồi, do trí lực và niệm lực biết rõ các pháp là vô thường sanh diệt chẳng dừng, chẳng chấp ngã và chẳng phải ngã, ý căn thanh tịnh chẳng chấp lấy pháp trần, chẳng phân biệt, chẳng hí luận, chẳng vọng niệm,chẳng huân tập, chẳng hệ phược nơi ý thức và pháp trần, vì ý căn thanh tịnh như thật rõ biết nên rõ biết các pháp như huyễn được phước huệ thù thắng chẳng đồng với thế gian. Bồ Tát nầy lại có thể đối với tất cả pháp không có kiến chấp là vô nhơn, cũng chẳng ở nơi nhơn thấy có duyên, chẳng ở nơi duyên thấy có nhơn, rõ biết tất cả pháp đều chẳng tương ưng nhau mà chứng nhập bổn tánh thanh tịnh tịch diệt, chẳng sanh chẳng khởi, chẳng lưu chuyển, cũng chẳng phải dùng ngôn thuyết mà nói đến được. Tất cả pháp nghĩa chẳng phải đồng phận, chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Vì tất cả pháp không có tác giả. Vì không tác giả nên không thọ giả, không chúng sanh, không ngã.

 Những pháp cú đã nói đây chẳng phải như thật, chẳng phải không như thật. Vì với tất cả pháp chẳng thọ, chẳng chấp, đồng với Niết Bàn lìa hẳn sự chấp trước.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là chư Bồ Tát diễn nói môn đà la ni phương tiện sai khác. Với tất cả pháp cần phải rõ biết. Lúc diễn thuyết như vậy, chư Bồ Tát xa lìa nơi trong, cũng chẳng duyên lấy nơi ngoài, lại có thể quan sát không có thỉ chung. Nương theo xe sanh tử vào trong thế gian ở nhà vô minh mà trôi lăn cùng khắp. Dầu luân chuyển sanh tử như vậy, nhưng vẫn không sanh tử có thể được, cũng không có thiệt xe sanh tử.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát có thể hiểu rõ pháp nầy thời mau được trí huệ sáng suốt thuyết pháp thanh tịnh, tu tập nhẫn nhục, có thể tinh tấn, sanh lòng đại từ bi, chí nguyện vững chắc, có thể thành tựu phương tiện diễn thuyết, làm cho chúng sanh trụ bực vô tránh, có thể phá hoại tất cả tà luận của ngoại đạo, để trừ sự tối tăm cho chúng sanh.

 Lúc Bồ Tát nầy thuyết pháp, được vô lượng chư Phật ở mười phương khen ngợi. Bồ Tát này phóng ánh sáng pháp chẳng thể nghĩ bàn, là pháp thí chủ, có thể khai thị không mê lầm pháp tạng của chư Phật, có thể trọn nên hạnh nguyện thù thắng, có phương tiện thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn, làm cho chúng sanh được mở mang tâm ý.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trong pháp nầy chư Bồ Tát phải siêng tu tập phát khởi môn tam ba địa. Tu tập rồi thời chứng nhập được môn đà la ni. Được tự tại nơi môn đà la ni rồi thời có thể diễn thuyết những danh từ sai khác rộng lớn bí mật, có thể chứng nhập trí từ ngữ vô ngại, có thể thuận nhập nghĩa lý thậm thâm, khéo rõ biết được ý nghĩa của ngôn thuyết không mảy may nghi hoặc. Tự mình có thể trụ bực nhẫn địa, không phải nhờ người chỉ dạy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát có thể phát nguyện dũng mãnh tinh tấn vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, mà cầu được các pháp trí, thông đạt tất cả thừa, được Phật trí rốt ráo thanh tịnh thời chẳng khó khăn lắm.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nơi đây diễn thuyết các pháp môn đà la ni phương tiện thậm thâm, chính là Phật vì muốn nhiếp thủ chư Bồ Tát mà khai thị.

 Nay Phật sẽ tuyên nói cho chư Bồ Tát đều được khai ngộ, khéo nhiếp thủ được ngôn giáo bí mật. Phàm có chỗ làm đều có thể rõ biết nghĩa của tất cả ngữ ngôn âm thinh. Lại có thể chứng nhập trí sai biệt thiện xảo.

 Đó là những pháp môn gì ?

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Bồ Tát đủ giới đức thanh tịnh, an trụ nơi sức gia trì thật đế, thời có thể thêm lớn được phương tiện bố thí, không ngã sở, không nhiếp thọ, tu tập phương tiện chứng lý nghĩa chơn thật của tất cả pháp, được pháp bất thối và khéo trụ bực bất thối, mau được trí huệ biện tài vô ngã rộng lớn như biển cả.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đời sau đây ít người có thể cung kính thọ trì pháp nầy, chỉ trừ chư Bồ Tát mong cầu pháp như thật thậm thâm, vào pháp tạng của Như Lai. Chư Bồ Tát nầy tinh tấn tu học pháp thậm thâm nầy ngộ nhập lý nghĩa thời có thể được trí vô ngại, cũng có thể rõ biết tự tánh bổn tánh của tất cả pháp.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Giả sử Như Lai dùng các thứ danh từ để diễn thuyết các pháp, nhưng đối với bổn tánh tự tánh của các pháp cũng chẳng trái. Chỗ diễn thuyết của Như Lai không có sở thuyết, không có năng thuyết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai đã được viên mãn phương tiện diễn thuyết ba la mật. Như Lai cũng không có chút pháp gì là được. Như Lai chẳng vì được pháp cùng không được mà thuyết pháp. Như Lai chẳng hành động cũng chẳng phải hành động, chỗ hành động của Như Lai là vô sở đắc. Chẳng nên cho rằng chư Phật làm công hạnh như thật, vì không có chút pháp nào gọi là Như Lai. Chính đây là Như Lai an trụ chỗ trụ như vậy, thật hành chỗ làm như vậy. Nếu dùng danh tự để gọi hiệu Như Lai, thì Như Lai cùng danh tự chẳng phải khác chẳng phải không khác. Vì chẳng khác chẳng phải không khác nên chẳng được cho Như Lai là có lai có khứ. Như Lai chẳng phải hí luận, đã siêu quá hí luận, cũng không có siêu quá. Như Lai cùng Như Lai tánh chẳng phải tức chẳng phải ly, là tánh chẳng hư vọng, là tánh chẳng biến dị, không có chút pháp gì để khai thị diễn thuyết, cũng không có thị hiện.

 Như Lai chứng được bổn tánh như thật của tất cả pháp. Nhưng bổn tánh của tất cả pháp chẳng thể tuyên thuyết, vì tất cả pháp là vô sở hữu.

 Do đây Như Lai nói tất cả pháp là vô sở tác, cũng không biến dị, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng xuất chẳng ly, vì tất cả pháp rốt ráo thanh tịnh. Với tất cả pháp không có chỗ được, vì không chỗ được nên không có chỗ chứng , như vậy là không có chút pháp gì có thể được. Nếu pháp là có thể được thời trong các pháp lẽ ra có thọ giả. Đã không thọ giả nên biết rằng tất cả pháp do chẳng sanh khởi mà không có chỗ được.

 Danh hiệu của Như Lai cũng do Thánh giáo dùng giả danh đặt ra, ngôn thuyết như vậy, bổn tánh vốn thanh tịnh. Bực Thánh ở trong đó không có chút pháp gì là được, cũng không có pháp và phi pháp. Cũng không có pháp gì gọi là thánh và chẳng phải thánh, không có pháp gì tương ưng với thánh hay chẳng tương ưng.

 Với chỗ diễn thuyết của Như Lai đây, đều phải rõ biết như vậy, lại cũng chẳng nên phân biệt theo thế tục.

 Như Lai có thể diễn nói các pháp và phi pháp, cũng chẳng kiến lập có pháp và phi pháp.

 Như Lai có thể diễn thuyết pháp lành và pháp chẳng lành, cũng chẳng kiến lập có pháp lành và pháp chẳng lành.

 Như Lai có thể diễn thuyết pháp tất cả pháp, nhưng cũng chẳng kiến lập có tất cả pháp.

 Như Lai có thể diễn thuyết không biểu thị, nhưng cũng chẳng kiến lập không biểu thị.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp thậm thâm của Như Lai nói đây, người không có nghiệp thanh tịnh thì không thể rõ biết.

 Nếu người nào mong cầu Vô thượng Bồ đề, cầu giải thoát sanh tử, cần phải hiểu rõ những pháp của Như Lai diễn thuyết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát hiểu rõ được pháp nầy, cần phải không dụ dự, chẳng lấy chẳng bỏ, cũng chẳng thấy có chút pháp sanh diệt, không có hí luận chẳng phải không hí luận. Được vậy thời chư Bồ Tát có thể diễn thuyết pháp chơn thật nầy, cũng chẳng chấp trước pháp chơn thật nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như núi Tu Di là chỗ y chỉ cho những cung điện của các chúng sanh có thiện căn phước đức, nơi đó chúng sanh hưởng thọ sự vui sướng.

 Cũng vậy, chư Bồ Tát vun trồng căn lành thời được nghe và thọ trì pháp bảo thậm thâm nầy, do đây Bồ Tát được nhứt thiết chủng trí.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Kinh pháp nầy có thể tùy thuận chứng nhập pháp trí vô thượng, vì muốn khai thị pháp tạng đà la ni của Như Lai, nên lưu bố như vậy. Đà la ni nầy có thể nhiếp tất cả pháp chơn thật rộng lớn, như pháp của chư Phật Như Lai diễn thuyết đều từ môn vô biên đà la ni nầy. Vì muốn thanh tịnh tất cả pháp môn nên Như Lai khai thị diễn thuyết môn đà la ni nầy. Môn nầy có thể nhiếp tất cả pháp trong khế kinh làm cho không thành không hoại, không trước sau chặng giữa. Như Lai hộ niệm môn đà la ni nầy, có thể làm vô lượng vô biên Phật sự khắp mười phương thế giới..

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Bồ Tát nếu muốn hiểu rõ giáo pháp nầy, muốn lưu bố chánh pháp, muốn nhập pháp ấn vô trụ, muốn hiểu rõ môn bí mật vô ngại, muốn phát khởi gia hạnh đại tinh tấn, muốn hiểu rõ tánh tướng của các pháp để diễn thuyết, thời phải thọ trì giáo pháp của Như Lai diễn thuyết. Đã thọ trì rồi sẽ rõ biết tất cả ngôn từ bí mật, được trí diễn thuyết văn tự và hiểu rõ lý nghĩa sai khác của các pháp. Vì muốn lợi ích an vui tất cả chúng sanh nên chư Bồ Tát nầy lập ra thắng nghĩa khéo tùy theo căn cơ mà truyền dạy cho chúng sanh được lợi ích. Hoặc tán dương giáo pháp, hoặc lưu truyền giáp pháp, hoặc diễn thuyết giáo pháp, vì thương xót muốn làm lợi ích chúng sanh mà cầu Phật trí, chẳng chấp trước, vì không chấp trước nên không chỗ lấy, cũng chẳng thị hiện nội trí ngoại trí, chẳng sanh lòng nhàm đủ nơi chút ít pháp, chẳng dùng sức tinh tấn hạ liệt mà mong cầu trí vô thượng, phải siêng tu tất cả pháp thậm thâm. Có ai gạn hỏi thời tùy nghĩa mà giải thuyết. Trụ nơi hạnh tự lợi và lợi tha, khéo quan sát tự tha tất cả pháp đều vô ngã. Ngã đã thanh tịnh, liền chứng nhập tất cả pháp thanh tịnh, thích diễn thuyết giáo pháp để khai thị, chẳng bỏn sẻn nơi chánh pháp.

 Chư Bồ Tát nên thật hành bốn tâm vô lượng như vầy : Tôi vì lợi ích tất cả chúng sanh, ban cho họ pháp bửu vô thượng thù thắng. Nay tôi sẽ làm cho tất cả chúng sanh tương ưng với pháp bửu vô thượng. Dầu chúng sanh tạo nghiệp ác nặng, tôi cũng chẳng có quan niệm bỏn sẻn chánh pháp đối với họ. Nay tôi sẽ làm pháp sự của Như Lai, làm pháp sự nhứt thiết trí, làm cho chúng sanh thoát khỏi sự khổ, tôi sẽ dùng pháp thuyền đưa chúng sanh qua khỏi dòng sanh tử, cho chúng sanh được tất cả sự an vui. Chư Bồ Tát phải phát tâm đại bi như vậy. Do đây mau chứng được pháp thù thắng, sẽ được thành tựu môn đà la ni thuyết pháp vô ngại của kinh nầy, thoát hẳn sanh tử, không bị ngoại luận chiết phục, mà có thể chiết phục tất cả luận điệu của ngoại đạo và hàng phục quân ma. Chư Bồ Tát vì muốn trừ diệt pháp tránh luận mà phải an trụ như vậy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả Như Lai đều nhiếp thọ và khéo ghi nhớ môn đà la ni nầy.

 Như hậu thân Bồ Tát trụ cung trời Đâu Suất, chư Thiên đều cúng dường, chúng sanh đều mến kính. Thiện căn và phước đức của Bồ Tát nầy đã thành thục thù thắng. Chỉ còn một đời thời tất cả công đức bố thí, trì giới, trí huệ đều viên mãn đầy đủ. Là bực chí tôn trong cõi Đại Thiên. Là bực phước đức thiện căn vô thượng, được tất cả loài hữu tình cung kính ca ngợi.

 Khi Bồ Tát nầy rời cung trời Đâu Suất xuống Diêm Phù Đề, thời sanh trong cung điện của dòng tôn quý nhứt ở đô thành của đại quốc, được mọi người, mọi loài mến kính cúng dường.

 Cũng vậy, môn đà la ni nầy an trụ trong tất cả pháp. Chính từ nơi môn nầy mà các pháp sanh và diệt.

 Chư Bồ Tát đã an trụ nơi môn nầy thời thành thục tăng trưởng tất cả pháp, tự tại đối với tất cả pháp, làm chủ tất cả pháp.

 Hậu thân Bồ Tát giáng sanh trong loài người dùng sức chánh định vô quán thị mà quan sát tất cả chúng sanh và quan sát toàn cõi Đại Thiên. Vì đã được môn đà la ni vô thượng, dùng tâm rộng lớn trụ cảnh trí quảng đại, nên trọn chẳng tham luyến tất cả cảnh dục, cũng chẳng mong cầu những pháp xinh đẹp nhiễm ái. Vì trụ nơi trí không tam ma địa, khéo quan sát được phương tiện vô tướng của tất cả pháp, nên đối với tất cả đều không chấp trước, rõ biết các pháp hữu vi trong ba cõi đều là lỗi là họa, đâu nên tham, đâu nên lấy, phải mau xuất ly cầu cảnh giới tịch tịnh giải thoát thù thắng. 

 Dầu Bồ Tát quan sát như vậy, nhưng không trụ trước nơi quan niệm ấy. Phát sanh lòng đại bi đại từ đối với loài hữu tình, vì thành thục họ mà muốn xuất ly dùng phương tiện thuận nhập trí huệ thù thắng, được tự tại đối với các hữu tình, được môn phương tiện đà la ni vô ngại đối với các pháp. Dùng trí phương tiện khéo quan sát tất cả hữu tình và khéo quan sát nghĩa lý quyết định bất tư nghì.

 Dầu đương tuổi thanh xuân tươi đẹp mà trọn không ưa thích các cảnh dục lạc, chỉ mong cầu tịch tịnh. Rồi xa lìa quyến thuộc thân thích mà xuất gia, trọn nên phương tiện thậm thâm bất tư nghì. Đem tất cả phước huệ đã từng chứa nhóm mà thẳng đến đạo tràng Vô thượng Bồ đề, chứng được môn đà la ni vô thượng thậm thâm, thành tựu tự nhiên trí, vô ngại trí, an trụ nhứt thiết chủng trí, chuyển pháp luân thanh tịnh vô thượng, phạm âm thâm diệu khai thị tri kiến cho tất cả trời, người, tất cả chúng sanh. Như mặt trời giữa trưa tỏa ánh sáng khắp nơi.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Bồ Tát trụ nơi đá la ni nhứt thiết chủng trí chứng vô thượng Bồ đề. Cú nghĩa sai biệt của môn đà la ni đó, chư Bồ Tát khác không thể biết được.

 Nếu là bực Bồ Tát nhứt sanh bổ xứ ngồi nơi đạo tràng, do trí thanh tịnh, không thầy mà tự được giác ngộ, thời chứng được môn đà la ni trên đây.

 Cũng như bực Bồ Tát vì đạo Bồ đề, nên trong vô lượng kiếp vun trồng căn lành, tu tập phạm hạnh được pháp nhẫn thậm thâm, vì thương xót tất cả chúng sanh nên do tâm đại từ bi mà được chứng môn đà la ni này.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Bồ Tát do môn đà la ni nầy ngồi nơi đạo tràng sẽ chứng Vô thượng Bồ đề. Nay Phật không thể thị thuyết cho ông được. Tự ông sẽ chứng được pháp môn đó khi mà ông đã đủ trí huệ phải có của bực Bồ Tát. Pháp môn đó không thể chỉ bày, cũng không thể tuyên thuyết. Đây là pháp môn mà Bồ Tát tự mình phải hiểu rõ, là pháp môn vô biên, vô lượng, vô thí dụ. Pháp môn nầy siêu quá tất cả thế gian, không cùng chung với Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn v.v... thẳng đến pháp thanh tịnh vô thượng nhứt thiết chủng trí và tự nhiên trí.

 Do trí thanh tịnh tự nhiên vô thượng này mà Bồ Tát có thể chuyển pháp luân thanh tịnh vô thượng, lần lượt nhiếp thủ chúng sanh đến trí vô thượng nhứt thiết chủng.

 Vì nơi các pháp môn và Niết Bàn đều được thanh tịnh, nên Bồ Tát khai thị diễn thuyết vô lượng pháp nghĩa : những uẩn, xứ, giới, duyên khởi v. v... Đồng thời cũng thị hiện trí thanh tịnh thiện xảo đối với uẩn, xứ v.v...

 Bồ Tát lại làm cho chúng sanh phát khởi tâm hướng vào môn thánh đế, đồng thời cũng thị hiện trí thanh tịnh thiện xảo nơi thánh đế. Phát sanh ba mươi bảy phẩm Bồ đề phần và thị hiện trí thanh tịnh thiện xảo Bồ đề phần. Phát khởi chỉ quán thiền thanh tịnh thiện xảo và thị hiện trí nhiếp trì chỉ quán thiền thanh tịnh thiện xảo. Phát khởi và thị hiện trí vô sanh thanh tịnh, trí minh giải thoát thiện xảo, mà có thể diễn thuyết đại Niết Bàn. Nơi các pháp hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, thế gian, xuất thế gian, dùng vô lượng danh nghĩa để khai thị tuyên thuyết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai nói phương tiện nhiếp trì khắp tất cả pháp của môn đà la ni nầy. Đây là chỗ an trụ của tất cả công lực thiện xảo của nhứt thiết trí đà la ni. Tùy theo bổn nguyện của tất cả chúng sanh mà rưới pháp vũ, cho tất cả hữu tình khô khan đều được thấm nhuần đầy đủ diệu pháp.

 Các ông, hàng Bồ Tát, phải theo Như Lai học pháp môn thậm thâm nầy, không được trái nghịch.

 Nơi đà la ni nhứt thiết chủng trí này, không bao lâu các ông sẽ được nhiếp trì tự tại, làm cho chúng sanh được vô lượng lợi ích như Phật hôm nay.

 Các ông nên dùng vô lượng danh từ sai khác để khai thị tuyên thuyết môn đà la ni trí huệ thậm thâm này.

 Các ông phải mong cầu thắng giải nơi pháp này, chẳng được xa lìa tư lương Bồ đề.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Thế nào là mong cầu thắng giải ?

 Chư Bồ Tát phải hiểu rõ tất cả các pháp vốn chẳng sanh chẳng diệt, không động không dừng, chẳng đến chẳng đi, tự tánh rỗng rang vắng lặng. Nơi tánh không đây cũng không chấp trước, huống là nơi tướng mà lại chấp trước ! Trong tánh không đó, không có tướng tưởng.

 Nếu ở nơi tánh không đó mà được không có tướng tưởng, thời có thể vào được pháp hữu vi không, chẳng có ngã, ngã sở, chẳng có tất cả ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.

 Không tánh như vậy : Chẳng phải nhiễm trước, chẳng phải không nhiễm trước, chẳng phải ô cấu, chẳng phải không ô cấu, chẳng phải mê hoặc, chẳng phải không mê hoặc, chẳng phải tham ái, chẳng phải không tham ái, chẳng trụ nơi không cũng chẳnh trụ chỗ nào, cũng chẳng kiến lập. Với không nếu yểm ly thời không liền tịch diệt, không có phân biệt, không khắp phân biệt, không thắng phân biệt, không có công dụng. Nhẫn đến không có chút pháp gì có thể lấy. Tự tánh vốn thanh tịnh. Không tánh đó chính là bổn tánh tự tánh của các pháp. Tất cả pháp hữu vi bổn tánh đều không, cho đến pháp lành, pháp ác, hữu vi, vô vi, pháp thế gian, xuất thế gian, bổn tánh cũng đều không như vậy cả.

 Chư Bồ Tát nhiếp thọ được thắng giải như vậy, thời được vào nơi giải thoát và tri kiến giải thoát, cũng có thể nhiếp thọ vô cấu giải thoát và tư lương Bồ đề.

 Thế nào là tư lương Bồ đề ?

 Chính là giới thanh tịnh, định thanh tịnh, huệ thanh tịnh, giải thoát thanh tịnh, giải thoát tri kiến thanh tịnh,sáu môn ba la mật thanh tịnh. Nếu các pháp trên đều thanh tịnh thời là khắp thanh tịnh. Nếu khắp thanh tịnh thời là vô cấu pháp môn : tâm tánh thanh tịnh chiếu sáng không có phiền não. Tâm đó thường trụ, bổn tánh không tịch. Cũng không bị tri kiến, khách trần, phiền não ba thứ nầy làm nhiễm ô. Ba thứ đều chẳng thật, rỗng không vô sở hữu. Tâm tánh đây chẳng tương ưng với phiền não thanh tịnh. Vì tâm nầy bổn tánh tự thanh tịnh không hai, cũng không hai phần.

 Nếu có thể rõ biết tâm tánh như vậy, chẳng phải phiền não nhiễm ô mà làm ô nhiễm được, chẳng phải trong ngoài chặng giữa, tất cả đều bất khả đắc. Chỉ trừ ra vọng tưởng nhơn duyên hòa hiệp thời có tâm niệm sanh khởi, dầu có tâm sanh nhưng cũng chẳng thể thấy, tìm cầu khắp mười phương cũng trọn bất khả đắc. Cũng không có tâm thấy được nơi tâm, phan duyên như vậy chẳng phải hòa hiệp với tâm, tâm cũng chẳng hòa hiệp với phan duyên, nhơn duyên cũng chẳng phải tương ưng với tâm, tâm cũng chẳng tương ưng với nhơn duyên, chỉ do nơi tâm mà tất cả pháp kia tương ưng với tâm. Bao nhiêu pháp tương ưng với tâm, chẳng biết lẫn nhau cũng chẳng thấy được, huống là những pháp chẳng tương ưng với tâm.

 Dùng đệ nhứt nghĩa tư duy quan sát không có vật gì có thể tương ưng và chẳng tương ưng. Vì không có chút pháp nào tương ưng và chẳng tương ưng với chút pháp nào.

 Tất cả pháp tự tánh tịch tịnh. Tự tánh này cũng chẳng tương ưng với chút vật nào. Tự tánh của tất cả pháp tức là bổn tánh. Nếu là bổn tánh thời tất cả pháp kia đều không có tự tánh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên biết rằng nếu dùng ngôn thuyết mà nói lên được bổn tánh tự tánh của tất cả pháp, thời quyết không đúng lý. Trong các pháp không có chút pháp nào gọi là bổn tánh tự tánh. Tất cả pháp bổn tánh đều không. Tất cả pháp tự tánh vốn vô tánh. Nếu đã là không, là vô tánh thời kia là một tướng. Một tướng đây chính là không có tướng. Vì không có tướng nên bổn tánh tự tánh được thanh tịnh. Nếu đã là không, là vô tánh, thời bổn tánh tự tánh kia chẳng thể dùng tướng để biểu thị, nhẫn đến tất cả pháp cũng như vậy.

 Không vô tánh đây chẳng phải nhiễm, chẳng phải tịnh, nhưng là bổn tánh của tất cả pháp. Nếu là bổn tánh của tất cả pháp, thời chẳng phải do nhiễm tịnh kiến lập lên, mà là không trụ không khởi.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông nên quan sát tất cả pháp không trụ không khởi, không bị kiến lập, đã là bổn tánh thanh tịnh, tại sao chúng sanh lại ở trong đó mà mê lầm ? Đây là do chúng sanh trong thế gian ngồi trên xe hư vọng nên bị xe hư vọng làm mê lầm. Nói là ngồi xe, thật ra không có ngồi cũng chẳng phải không ngồi. Mà thế gian ngồi trên xe hư không rồi bị xe hư không ràng buộc. Nhưng thật ra xe hư không cũng là vô sở hữu. Những chúng sanh đây vì quá ngu si mà mê lầm. Nhưng thật ra không có ngu si cũng không có mê lầm.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông quan sát chúng sanh vì do ngu si nên ở trong pháp nầy chẳng rõ biết được mà ở mãi nơi tránh luận. Ở nơi tránh luận chính là chẳng phải ở. Nhưng thế gian vì mê lầm chẳng rõ biết được kia chính là thanh tịnh. Nếu chẳng ở thời đó gọi là ở, chính đây là căn lành thanh tịnh chẳng ở.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp môn bí mật của Như Lai đây khó hiểu khó vào. Chỉ trừ các ông từ lâu đã tu hành pháp lành nên được rõ biết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai từng nói ở nơi tránh luận thời chẳng phải là ở, vì là bất thiện. Nhưng bất thiện vẫn là vô sở hữu. Nếu ở trong vô sở hữu nầy chẳng rõ biết được ở cùng chẳng ở không sai khác, đây thời gọi là ở nơi tránh luận.

 Nếu được ở nơi căn lành thanh tịnh thời chẳng gọi là ở. Nếu ở thời không lỗi lầm. Vì không lỗi lầm có thể rõ biết pháp môn như vậy. Đã rõ biết, nếu chẳng thanh tịnh, thời không đúng lý.

 Những chúng sanh không có trí huệ bị nhiều phiền não che đậy, giả sử nói chút ít pháp thuận rõ ràng, họ còn chẳng hiểu được, huống là pháp bí mật chẳng phải tùy thuận.

 Nếu không ở, thời là thanh tịnh nghĩa là chẳng ở nơi pháp lành và cảnh giới xuất ly. Vì không có cảnh giới xuất ly và cảnh giới thi thiết. Nơi cảnh giới Niết Bàn, nếu chẳng trụ thời gọi là được Niết Bàn. Danh từ Niết Bàn đây cũng chỉ là giả thiết. Niết Bàn đây, không chỗ chứng được, cũng không có người chứng được. Nếu có chứng được, thời lẽ ra sau khi diệt độ lại có Như Lai. Nếu không được, lẽ ra sau khi diệt độ có Như Lai. Sau khi diệt độ, đều không thể nói rằng có Như Lai hay không Như Lai. Câu không thể nói đây cũng là câu giả thiết của Như Lai thôi.

 Có những chúng sanh đối với pháp thậm thâm, chẳng chuyên cần tu hành mà lại sanh nghi lầm, hoặc cho rằng Như Lai có sắc, sau khi diệt độ có Như Lai. Hoặc cho rằng Như Lai không sắc, sau khi diệt độ không Như Lai. Nhẫn đến hoặc cho rằng sau khi diệt độ chẳng phải có Như Lai chẳng phải không Như Lai.

 Nếu pháp đã là chẳng sanh chẳng diệt, sau khi pháp đó diệt, chẳng nên nói có nói không.

 Như Lai đây chẳng sanh chẳng diệt, sau khi diệt độ cũng chẳng nên nói có nói không nhẫn đến cũng chẳng nên nói hữu biên vô biên v.v... tất cả đều chẳng thể nói. Nếu nói hữu biên thời không có chính giữa, nếu nói có chính giữa, thời không hữu biên. Chínhgiữa trên đây là phi hữu, phi vô. Nếu ở trong đây cho rằng thiệt có thiệt không, thời trái với duyên khởi.

 Nếu có pháp nào chẳng phải từ nơi duyên khởi và chẳng phải duyên khởi, thời pháp đó chẳng diệt, chẳng trái với hữu với vô. Tất cả pháp từ nơi duyên khởi và pháp duyên khởi đều không có biên, không có chặng giữa, chẳng phải có chẳng phải không. Nếu đã chẳng phải có chẳng phải không, thời đâu có thể nói được.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai dùng đại phương tiện an trụ trong đó, vì phá vỏ vô minh cho chúng sanh mà khai thị diễn thuyết chẳng trái với duyên khởi. Tất cả các pháp đều vào duyên khởi. Nếu đã vào duyên khởi thời không có thuyết trung hay biên. Nếu lìa ngôn thuyết thời không có chút pháp gì có thể được.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên quan sát pháp vô sở hữu, pháp không hữu biên gọi đó là trung đạo. Do nơi phương tiệân mà nói có giác huệ có thể nhiếp trì các pháp. Nhưng pháp nhiếp trì cũng bất khả đắc, vì bất khả đắc nên không có ngôn thuyết.

 Các ông là bực trí giả nên biết tướng chơn thật của tất cả pháp như vậy : chẳng đến chẳng đi, không có phần không có đoạn, chẳng một tánh chẳng khác tánh, đến bờ rốt ráo kia, không có chút pháp nào chẳng đến bờ kia. Đến bờ kia chính là Niết Bàn. Tất cả pháp đều là tướng Niết Bàn. Do đây nên biết rằng chẳng thể tuyên thuyết được, chỉ tùy theo thế tục nói là trung đạo. Trung đạo đây chính là thẳng đến đường đại Niết Bàn, nhưng cũng có Niết Bàn là chỗ để đến. Nếu có Niết Bàn là chỗ để đến thời nơi các pháp lẽ ra có đi có đến. Nhưng tất cả pháp bổn tánh đều bình đẳng, nên Niết Bàn gọi là không chỗ đến.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây gọi là trung đạo, nhưng trung đạo đây bèn chẳng phải là trung đạo, vì không tăng không giảm, vì không có biên không có lấy. Nếu pháp đã vô biên thời đâu phải là hữu biên. Chính không có chỗ nơi là pháp vô biên.

 Hàng phàm phu đối với không chỗ nơi chấp là có biên có chỗ. Vì chấp có biên có chỗ nên chẳng được giải thoát. Tại sao không được giải thoát ? vì nơi chơn thật vốn là không chỗ nơi.

 Ông xem Như Lai dùng giác huệ quyết định thiện xảo mới có thể diễn thuyết trung đạo như vậy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đối với tất cả pháp, chư Phật Như Lai không có nghi lầm, cũng không quên sót. Chư Phật Thế Tôn thường ở trong chánh định vô ngại tự tại, thường khéo quan sát trụ nơi chánh định tối thắng, dùng vô lượng tri kiến mà diễn thuyết. chẳng ở nơi phi xứ để nói pháp thanh tịnh, nói pháp rốt ráo, nói pháp tịch tịnh. Chỗ nói của Như Lai không dư không sót.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như có bửu châu tên là chủng chủng sắc ở trong đại hải, dầu có vô lượng dòng nước chảy vào đại hải, do hỏa lực của bửu châu làm cho nước biển chẳng đầy tràn.

 Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác dùng hỏa lực trí huệ có thể làm tiêu diệt phiền não của chúng sanh cũng như vậy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu có người trong mỗi ngày xưng niệm danh hiệu công đức của Như Lai , người nầy có thể lìa khỏi sự tối tăm, lần lần sẽ đốt tiêu nhữngphiền não. Người xưng hiệu Nam Mô Phật thời ngữ nghiệp chẳng luống không. Ngữ nghiệp nầy gọi là cầm đuốc lửa có thể đốt tiêu phiền não.

 Nếu có người nào được nghe danh hiệu của chư Phật Như Lai, thời lìa khỏi các sự tối tăm, cùng với người xưng niệm kia đồng là nhơn của Niết Bàn.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Phật vì những chúng sanh kính tin nơi Như Lai mà diệt trừ phiền não cho họ, nên rưới pháp vũ.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là pháp chơn thật của Như Lai nói. Vì chơn thật nên không có chút pháp gì để khai thị diễn thuyết, mà nơi pháp nầy không thật không hư.

 Như Lai là đấng chơn thật ngữ trụ nơi pháp chơn thật, có thể diễn thuyết môn đà la ni nầy.

 Pháp chơn thật đây, ai sẽ có thể hiểu rõ được ? Chính là chư Bồ Tát, những bực đã thấy biết như thật, thấy biết đầy đủ, thật hành những điều lành. Ngoài những bực nầy, người khác không hiểu rõ được.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Phải nên tùy thuận nơi nghĩa nầy, tự phải chuyên niệm nơi pháp nầy , chẳng tin ưa nơi trí huệ phát sanh do người khác. Vì muốn đem sự lợi ích an vui cho chúng sanh, nên cần tùy thuận nơi pháp nầy. Nếu có trí nhẫn tùy thuận pháp nầy, thời là an trụ trong chẳng tùy thuận.

 Nhửng chúng sanh không học rộng, không có trí nhẫn tùy thuận thời chẳng rõ biết được giáo pháp nầy. Những người thật hành theo kiến chấp của ngoại đạo, đi trên con đường khác thẳng đến ác đạo, chẳng làm điều lành, gần gũi với những người thật hành hạnh nghiệp tà ngoại, thời không thể vào được pháp môn nầy.
 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên quan sát : nếu lúc có người diễn thuyết pháp tạng quang minh vô ngại này, tất cả chúng sanh không học rộng chưa điều phục tâm phàm phu, thời cách xa giáo pháp này. Còn những chúng sanh có thể tu tập lấy tự thân dầu chưa có chí nhẫn tùy thuận, nhưng chẳng cách xa giáo pháp nầy. Huống là những người có chí nhẫn vô lậu, không chấp trước, có thể chuyển pháp luân vô ngại. Vì những người nầy đều trụ bực vô ngại.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Phật vì thành tựu những chúng sanh có thiện căn, vì gia trì cho chúng sanh được tri kiến thanh tịnh đối vói pháp vô ngại, cũng vì muốn đem sự lợi ích an vui cho tất cả, nên Phật diễn nói môn đà la ni nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu người nào ngộ nhập được pháp môn nầy, nên biết người đó đã trụ bực Bồ Tát, có thể mau chứng được vô sanh pháp nhẫn, sẽ được thọ ký Vô thượng Bồ đề.

 Các ông phải có thắng giải đối với pháp môn thậm thâm nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên biết pháp môn nầy là chỗ ở của người không chấp trước, của trí vô sở đắc.

 Những người này trước đã từng cúng dường chư Phật, chuyên cần tu tập thân, khẩu, ý, có trí huệ bình đẳng không trụ trước, khéo thọ trì pháp nầy chẳng tiếc thân mạng, thời có thể lưu truyền kinh điển nầy.

 Đời sau, nếu có chúng sanh vì muốn được nghe pháp nầy nên chuyên cần tu tập, những người đây còn là khó có được, huống là những người có thể biên chép thọ trì, đọc tụng thông thuộc, khai thị tuyên thuyết. Những người đây chẳng bao lâu sẽ được môn thanh tịnh đà la ni, sớm được trí huệ thanh tịnh, sẽ được chứng nhập nhứt thiết chủng trí.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông xem đức Như Lai vì Chư Bồ Tát cầu được nhứt thiết chủng trí mà khai thị diễn thuyết pháp tạng này, nhưng trong đó không có chút pháp gì là chẳng diễn thuyết. Thuyết pháp như vậy là không thuyết mà thuyết, có thể sanh và có thể khai thị pháp môn thanh tịnh.

 Tất cả pháp đồng như tướng hư không. Thế nào là đồng ? Bởi tất cả pháp đồng với hư không, nhưng hư không này chẳng phải đồng chẳng phải không đồng. Tất cả pháp cũng chẳng phải đồng chẳng phải không đồng. Như hư không vô biên, các pháp cũng vô biên. Biên bờ của tất cả pháp là bất khả đắc. Vì bất khả đắc nên là vô biên. Nếu ở trong pháp đây trụ được như vậy thời gọi là trụ. Như Lai pháp. Trụ Như Lai pháp thời là vô sở thuyết. Nếu đã là vô sở thuyết, thời đối với tất cả pháp dùng danh tướng giả theo đó để rõ biết, chẳng nên sanh lòng chấp trước. Nếu chẳng chấp trước thời chẳng đọa nơi biên. Nếu chẳng đọa nơi biên thời chẳng đọa nơi trung. Nếu đọa nơi biên thời tất đọa nơi trung. Do đây cần phải xa lìa nơi trung và biên. Nếu đã xa lìa được trung và biên, thời là xa lìa tất cả. Nếu xa lìa tất cả thời là vô sở thuyết. Do đây được trí huệ thanh tịnh, không thủ trước tất cả pháp, không sở thủ, không năng thủ. Vì các pháp là vô ngã, vì ngã vốn vô sở đắc, vì ngã tánh vốn không có tự tánh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Phật từng nói các hành pháp vô thường. Diễn thuyết như vậy là nghĩa không biến dị, là nghĩa chẳng tương ưng.

 Như Phật đã nói nghĩa khổ của các cỏi. Diễn thuyết như vậy là nghĩa yểm ly, là nghĩa Niết Bàn.

 Như Phật đã nói Niết Bàn tịch tịnh. Diễn thuyết như vậy là nghĩa bỏ lìa tất cả pháp hữu vi.

 Hoặc vô thường, hoặc các khổ, hoặc vô ngã, hoặc Niết Bàn, đây là những pháp môn của Như Lai diễn thuyết. Đây cũng là Như Lai khai thị bổn tánh tự tánh của tất cả pháp.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai dùng các thứ danh từ, các thứ ngữ ngôn, các thứ phương tiện mà tuyên thuyết các pháp. Như Lai cũng chẳng lập ra khác với bổn tánh của các pháp. Tánh chẳng phải một, tánh chẳng phải khác, tất cả pháp cũng chẳng phải một chẳng phải khác, vì chẳng thể thấy, nên mau chứng vào tự tánh hư không thẳng đến tất cả pháp vô tướng.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai vì Chư Bồ Tát bổn tánh thanh tịnh, tự tánh điều phục, nên phát khởi môn đà la ni nầy. Trên đây nói điều phục là nói điều phục tham, sân, si, điều phục vô minh, để được vào thẳng pháp tánh bình đẳng. Tham, sân, si cùng người điều phục đều bất khả đắc. Nếu là bất khả đắc chính đó là điều phục.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tham, sân, si đúng như lý tìm cầu cũng là bất khả đắc. Bởi tham, sân, si rỗng không hư vọng chẳng thật, nó phỉnh lầm hàng ngu phu, chính nó không chỗ an trụ, cũng là bất khả đắc, nó từ hư vọng sanh,từ hư vọng diệt, bổn tánh không tịch, cần phải biết như vậy.

 Phải biết thế nào ? Như nó chẳng sanh, thời là chẳng thật, cũng chẳng điên đảo. Tham, sân, si đây đều do vô minh hắc ám làm nguyên thủ, theo nơi đó mà sanh. Do theo nơi đó sanh nên tất cả đều là hư vọng chẳng thật. Tham, sân, si đây bổn tánh thanh tịnh. Người thấy biết như vậy thì có thể được môn thanh tịnh bất tư nghì và được môn đà la ni.

 Người nào có thể ở trong pháp này khéo tư duy quán sát, thời gọi là được công hạnh đà la ni và được công hạnh trí huệ. Đây gọi là trí rõ biết bình đẳng, gọi là tư lương Bồ đề thanh tịnh, gọi là bực tinh tấn chẳng phóng dật, gọi là bậc điều phục kiêu mạn phóng dật, gọi là chẳng hư hoại giới hạnh oai nghi, gọi là thân ngữ ý thanh tịnh, gọi là tùy thuận trí vô ngã, gọi là hay dứt hay lìa tưởng, gọi là xuất sanh vô lượng vô biên phương tiện thiện xảo.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên quan sát trong pháp tin hiểu xuất ly này có thể khai thị diễn thuyết bổn tánh tự tướng của tất cả pháp, có thể khai thị các pháp môn đây, có thể diễn thuyết tất cả pháp đồng tánh hư không. Người năng thuyết cũng là bất khả thuyết, người được vì thuyết pháp cũng là bất khả đắc.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Phật nói pháp môn ngộ nhập của chư Bồ Tát đây. Nếu chư Bồ Tát đã học pháp môn nầy rồi, thì có thể được trí huệ rất sâu như biển, tất cả ngoại luận không đè bẹp được, liền được công hạnh hướng đến nhứt thiết chủng trí, khéo diễn thuyết pháp yếu, đặng trí huệ bình đẳng bất tư nghì không do người khác. Do trí huệ nên không chấp trước, có thể diễn nói tất cả pháp môn không danh không tướng nầy. Có thể được gần gũi Phật trí và tự nhiên trí. Chỗ có danh hiệu đều được tất cả danh tướng thanh tịnh, mau chứng được âm thinh phổ biến, âm thinh duy y, âm thinh thắng diệu, âm thinh thanh tịnh. Được các chúng sinh kính tin gần gũi thưa hỏi. Bồ Tát này dùng trí huệ quyết định khéo giải đáp, lời nói phải thời, lời nói đúng lý, lời nói lợi ích, lời nói dịu dàng, lời nói nghĩa quyết định, dùng một nghĩa để diễn thuyết, có thể làm cho chúng sanh rõ biết nhiều nghĩa.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông nay nên quan sát chư Bồ Tát tu hành pháp nầy, có thể hiểu rõ Phật trí, được vô lượng công đức như vậy, dứt những tham ái sân não ngu si, có thể được trí sai biệt, làm xong những công hạnh nên làm,với tất cả chỗ đã khéo tu học, được chí nhẫn đầy đủ, chẳng thối thất ý chí thanh tịnh, đứng vững nơi đại nguyện, đối với chúng sanh dùng lời lành thăm hỏi.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát ở trong pháp này đã chẳng siêng tu, nay chẳng siêng tu, ngày mau cũng chẳng siêng tu, thời không dự được phần ít nào nơi công đức thù thắng của Như Lai.

 Nếu chư Bồ Tát ở trong pháp này có thể siêng năng tu tập, có chí cầu tất cả thời đúng như chỗ nguyện cầu, đúng như chỗ thật hành, đúng như chỗ hướng đến, đúng như chỗ ưa thích, sẽ được đầy đủ.
 Nếu có Bồ Tát ở trong pháp thậm thâm này có thể an trụ, có thể nhẫn thọ, khéo quan sát giản trạch, thời sẽ chứng được thần thông vô tận và trí đại thần thông, siêu quá tất cả trí thế gian, được tự nhiên trí, vô biên trí, vô lượng trí.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp môn xuất ly đà la ni nầy, nếu có người nào siêng tu học, thời sẽ được gần đạo tràng Bồ đề vì tất cả chúng sanh mà phát khởi tâm đại từ đại bi thật hành những Phật sự ».

Phẩm Xuất Ly Đà La Ni
Thứ Hai

(Hán bộ từ quyển thứ sáu đến giữa quyển thứ sáu)
Hán dịch: Nhà Đường, Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

 Lúc bấy giờ, Vô Biên Trang Nghiêm bạch rằng : ‘‘Thếù Tôn ! Thế nào gọi là pháp môn xuất ly đà la ni ?’’.

 Phật nói : ‘‘ NầyVô Biên Trang Nghiêm ! Đây là pháp ấn xuất ly tất cả văn tự. Tất cả pháp đều nhiếp vào trong đây.

 Thế nào gọi là nhiếp vào ?

 Vì là bình đẳng. Tất cả đều vào nơi bình đẳng, cũng chẳng thấy pháp nào vào nơi bình đẳng, chẳng thể rõ biết, vì là bất khả đắc.

 Nơi tự tánh như thật của tất cả pháp, lúc chẳng phân biệt, thời tất cả pháp đều nhiếâp vào trong đó, vì rời hữu tác và vô tác.

 Do các văn tự và ngữ nghiệp nên diễn thuyết các pháp. Hai thứ trên đây vì chẳng như thật, vì tánh bình đẳêng nên tất cả văn tự và ngữ nghiệp thảy đều bình đẳng.

 Ở trong các pháp, bao nhiêu ngôn thuyết đều chẳng phải như thật. Đây là cú nghĩa như thật của các pháp : bao nhiêu văn từ và ngữ nghiệp đều là không có. Vì không có, nên không có chơn thật khai thị diễn thuyết.

 Văn tự và ngữ nghiệp không chơn thật đã nói đó, chính là câu vô sai biệt của các pháp, câu vô tăng thắng, câu vô kiến lập của các pháp.

 Nơi pháp thậm thâm này, không thể tuyên thuyết. Tất cả pháp đều chẳng phải chơn thật, chẳng phải không chơn thật. Vì bổn tánh của tất cả pháp, chẳng phải dùng văn tự ngữ nghiệp tuyên thuyết mà có thể thấy, có thể được.

 Tất cả pháp đều không bổn tánh. Các pháp như vậy, chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, chẳng phải đồng, chẳng phải không đồng, chẳng phải tịch tịnh, chẳng phải không tịch tịnh. Dầu vậy, nhưng các pháp cũng trụ nơi tịch tịnh và không tịch tịnh. Trong đây nói là trụ, cũng vẫn không chỗ trụ, cũng chẳng biến dị. Lại cũng chẳng trụ nơi pháp chẳng biến dị.

 Vì sao vậy ? Vì pháp vốn vô trụ chẳng vào nơi toán số. Chẳng phải do toán số kiến lập ngôn giáo mà có thể làm cho các pháp vào nơi toán số.

 Tất cả văn tự ngữ nghiệp diễn thuyết đều bất khả đắc, chẳng trụ nơi chỗ nào và tất cả chỗ nào. Văn tự và ngữ nghiệp như vậy, không từ đâu lại, đi không chỗ đến, chẳng trụ ở giữa, chẳng trụ một bên. Vì tất cả văn tự và ngữ nghiệp là nghiệp mà chẳng phải nghiệp, vì chẳng phải công dụng. Vì nơi tất cả văn tự ngữ nghiệp, tự tánh là không, nên văn tự ngữ nghiệp cũng đều là không. Tự tánh đã không, nên tha tánh cùng tự tha tánh cũng đều không. Vì tự tha không nên nó tịch tịnh. Vì tịch tịnh nên nó tịch diệt. Nếu là tịch diệt, thời tất cả pháp chính là môn tịch diệt. Do đây nên được nói danh từ các pháp, hoặc nói văn tự, hoặc nói ngữ nghiệp. Tất cả môn đó cũng bất khả đắc, vì môn thanh tịnh, vì vô sở hữu.

 Do các môn đó mà diễn thuyết các pháp, mà trong môn nầy rốt ráo thanh tịnh, có thể bình đẳng vào tất cả pháp. Đây là yểm ly.

 Thế nào là yểm ly ? Chính là tham bổn tánh. Tham bổn tánh thì là thanh tịnh. Đã thanh tịnh thời là cứu cánh. Đã cứu cánh thời đâu được có tham, đâu được có ngôn thuyết !

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trên đây là lược nói môn thanh tịnh đà la ni, là pháp môn vô phân biệt, không hí luận.

 Vào môn nầy rồi, có thể phá chướng nặng vô minh hắc ám, có thể tùy thuận giác minh. Nơi tất cả pháp, được vào môn quang minh thanh tịnh pháp nhãn đà la ni. Và có thể chứng được pháp môn văn tự sai biệt diễn thuyết. Do môn nầy bèn được vào nhứt thiết chủng trí và được gần chư Phật. Ở trong các pháp, là bực dũng kiện có thể phá dẹp ngoại đạo, hàng phục quân ma, có thể làm cho chúng sanh thêm lớn căn lành vào nơi pháp tạng bí mật của Như Lai, liền được các pháp môn, đà la ni môn. Do pháp môn nầy, ở trong mười trí lực, được pháp quang lớn, mau thành tựu trí lực của Như Lai.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Phật dùng mười trí lực làm sức mạnh, làm sức vô thượng siêu quá tất cả sức thế gian, có thể làm sư tử rống giữa đại chúng.

 Những gì gọi là mười trí lực ?

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai dùng trí vô thượng nhứt thiết chủng nơi thị xứ phi xứ, rõ biết như thật thị xứ phi xứ . Đây là trí lực thứ nhứt của Như Lai.

 Do trí vô thượng nầy, Như Lai ở bực đại tiên vì chúng sanh diễn thuyết chánh pháp, và vì họ chuyển pháp luân vô thượng. Như Lai lại dùng trí vô phân biẹât rõ biết như thật các nghiệp và thủ nhơn của các nghiệp quá khứ, hiện tại, vị lai, là thiện, bất thiện, vô lượng hành tướng, không trụ trước, không chướng ngại. Đây là trí lực thứ hai của Như Lai.

 Đức Như Lai dùng trí vô phân biẹât nhứt thiết chủng vô trước vô ngại, có thể khéo rõ biết vô lượng hành nghiệp của các loài hữu tình. Đây là trí lực thứ ba của Như Lai.

 Đức Như Lai dùng trí vô thượng nhứt thiết chủng biết rõ như thật tất cả vô lượng thắng giải phân biẹât và vọng phân biẹât. Đây là trí lực thứ tư của Như Lai.

 Đức Như Lai rõ biết như thật tất cả vô lượng nhơn, tất cả vô lượng duyên chỗ y trụ của thế gian. Đây là trí lực thứ năm của Như Lai.

 Đức Như Lai rõ biết như thật, hoặc nhơn, hoặc duyên, tri kiến thẳng đến đạo. Đây là trí lực thứ sáu của Như Lai.

 Đức Như Lai dùng thiên nhãn vô ngại rõ biết như thật sự sanh tử của hữu tình . Đây là trí lực thứ bảy của Như Lai.

 Đức Như Lai rõ biết như thật tất cả tịnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, ly nhiễm thanh tịnh, hoặc xuất hoặc nhập. Đây là trí lực thứ tám của Như Lai.

 Đức Như Lai rõ biết như thật tất cả đời trước. Đây là trí lực thứ chín của Như Lai.

 Đức Như Lai rõ biết như thật lậu tận. Đây là trí lực thứ mười của Như Lai.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trí lực nhứt thiết chủng vô lượng vô thượng như vậy, Như Lai đều thành tựu. Vì muốn cho chư Bồ Tát và tất cả chúng sanh được nhiếp thọ nơi Phật trí và chứng pháp trí thanh tịnh, nên Như Lai tuyên thị vô biên pháp tạng.

 Nầy thiện nam tử ! Nay ông nên quan sát Như Lai nói trí lực thậm thâm thanh tịnh khó hiểu như vậy. Tất cả các pháp gọi là Như Lai và trí lực của Như Lai. Nhưng nơi các pháp đó cũng là bất khả kiến và bất khả thuyết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trí lực đã nói trên đây là pháp môn vô thượng cứu cánh kiên cố của Như Lai. An trụ nơi đó mà Như Lai tuyên thị lý thú của pháp nầy. Do lý thú đây mà kiến lập trí lực, có thể diễn thuyết tánh không kiến lập của tất cả pháp đây, dùng đó làm trí lực.

 Những trí lực như vậy không tánh sanh khởi, không tự tánh, lìa tự tánh. Mười trí lực của Như Lai viên mãn như vâïy, có thể khai thị vô lượng vô biên nghĩa lý rất sâu.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là pháp môn vô thượng của chư Phật. Trụ pháp môn nầy thì có thể diễn thuyết mười trí lực của Như Lai, va øcó thể diễn thuyết môn thanh tịnh, môn khắp thanh tịnh của trí lực nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Phật lại vì chư Bồ Tát nói đà la ni, cho họ được thanh tịnh nơi pháp môn nầy. Ông nên lắng nghe và lãnh thọ”.

 Đức Phật liền nói đà la ni rằng:

 ‘‘Đát điệt tha bát ra mâu chiết ninh - nễ mâu chiết ninh - mâu chiết ninh - tùy bát ra muộn chiết nễ - a chiết lê - a tỳ gia trạch nễ - bát ra bà nộ yết đế - đế thệ - ma ha đế thệ - a bát ra để gia - mạt ra ni - a na mạt ra ni - a mạt ra noa tỳ thú đạt nễ - nễ đà na bát ra phệ thiết nễ - đột ra a nễ khất túng bát nễ - mạt ngu - mạt ngu tát phược lê - tát phược ra vĩ thú đàn nễ - mẫu đạt ra - mẫu đạt ra vĩ thú đàn nễ - tát bát rị phược lê - tam mạn đa bát lê phược lê - a yết ra nỗ ma để - yết tha ta đàn nễ - tăng yết ra ni ma chế đàn nễ - thú lê - thú ra mị rị duệ - a cát ra ni - ô ba na mạt để - nễ na lê thiết nễ - tam mạn đa ba lê phổ lý dã yết đế - đà la nỗ yết đế - a nễ mê thiết nễ - a tán nễ mê thiết nễ - đà la ni yết đế - nễ đà na bát rị thú đàn nễ - a nỗ đạt ra tỳ bà tỉ nễ - bạt trí lệ - bạt đạt ra phiệt đế - mạc di - mạc xí phiệt để - san đà ra ni - ô phiệt đà rị ni - a nan đa bát ra bá phệ - bát ra bộ da bát rị phược lê - thiết nễ - bát rị ta thiết nễ - ma ha phược ca thế - a ca xả ta mâu tát ra ni - nhĩ để di ra ca ra ni - tát bà nhã bát thả tỳ thâu đạt nễ - niết bàn na bát thả san na rị thiết nễ - ta bà ha.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là pháp ấn đà la ni, tất cả pháp đều vào trong đó. Chư Bồ Tát tu hành đúng theo đây thì được trí huệ biện tài vô ngại, có thể khéo biết rõ câu xuất ly đà la ni tối thắng.

 Thế nào gọi là câu xuất ly đà la ni tối thắng ?”

 Đức Phật liền nói đà la ni rằng:

 “Tá yết ra á bát diễn đa - tô mế rô ra đát na ta yết ra san nễ chiết gia - a tỳ đát nễ - a tam tỳ đát nễ - a tỳ mạt lê - bạt chiết ra san nễ - niết bệ thiết nễ - a khất sô tỳ nễ - a tăng khất sô tỳ nễ - a khất sa gia - a tị dạ dĩ - khất sa gia a bát diễn đế - a khất sử na khất sa diễn đa tát điệt lý thế - a bát rị khất sa duệ - a tỳ khất sớ tị nễ - a tỳ yết lê - a tỳ yết la nhã na yết ra ni - ta bà ha.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là câu xuất ly đà la ni tối thắng. Chư Bồ Tát tinh tấn tu tập pháp nầy, thì có thể thêm lớn trí huệ như biển, có thể dùng tâm đại từ an ủi chúng sanh rằng : Ta truyền thọ pháp được rộng lớn cho các người, phá trừ vô minh hắc ám của các người, dứt trừ phiền não sanh tử vô thỉ vô chung của các người, cũng làm cho các người thoát khỏi tham ái, qua khỏi tất cả dòng sanh tử. Bồ Tát làm pháp quang rộng lớn, làm cho căn lành của chúng sanh được sanh trưởng có thể rốt ráo giải thoát. Bồ Tát nầy làm bực đạo thủ lành có thể vào nơi nhứt thiết chủng trí, cũng chẳng để có một chúng sanh nào thối thất nơi trí vô thượng nầy.

 Bồ Tát đây có thể dùng tâm đại từ làm cho tất cả chúng sanh được tương ưng với pháp nghĩa mà từ trước chưa từng nghe và lãnh thọ, làm cho họ được trí vô sanh tịch diệt, được biện tài vô ngại.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát lúc muốn thuyết pháp, thì nên nhiếp niệm nơi câu đà la ni nầy làm cho pháp nghĩa chẳng gián đoạn. Nghĩa là chư Bồ Tát ngồi tòa sư tử, dùng biện tài vô ngại suy gẫm vô lượng công đức của Như Lai, do đây trí huệ được rộng lớn thanh tịnh.

 Lúc chúng sanh vân tập đến pháp hội để nghe pháp, Bồ Tát đối với họ nên có lòng đại bi, dùng trí huệ rộng lớn khai thị nghĩa lý quyết định đúng như thật chẳng thêm chẳng bớt. Bồ Tát biết rõ căn tánh của thính giả, dùng ngữ nghiệp rõ ràng quyết định lành tốt và câu văn từ ngữ vì họ mà diễn thuyết rộng rãi. Do sự diễn thuyết nầy có thể làm cho thiện căn của Bồ Tát được tăng trưởng.

 Như Lai có thể dùng vô lượng thí dụ tuyên thị môn đà la ni như vậy. Các ông nếu có thể tuyên thuyết chánh pháp vô thượng như vậy, thì là an trụ nơi việc làm của Phật, các ông sẽ mau viên mãn bốn pháp vô úy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Bồ Tát nầy dùng trí huệ phương tiện thanh tịnh rộng lớn có thể khéo tu tập những công hạnh phát khởi thần thông, có thể nhiếp thọ trí huệ rộng lớn.

 Những gì là công hạnh phát khởi thần thông ?

 Chư Bồ Tát an trụ trong thần thông không có tưởng niệm nương gá dường như hư không, khéo phân tích các đại chủng, biết rõ đức Như Lai thành tựu trí huệ vô ngại vô biên. Do sức trí huệ nầy, nơi tất cả pháp, đức Như Lai quyết định biết rõ không có chút pháp nào là có thể rõ biết, trụ nơi vô sở đắc, trụ nơi vô đẳng đẳng, cũng chẳng thấy có vô sở đắc vô đẳng đẳng, trụ a lan nhã, trụ không chấp trước, trụ trí huệ thanh tịnh, không có chút pháp nào mà chẳng biết rõ chẳng thấy rõ, xa lìa vô minh hắc ám, không bị chướng ngại, khéo an trụ nơi trí huệ vô lượng vô biên. Do đây đức Như Lai bình đẳng thấy biết tất cả pháp như huyễn, như mộng, và có thể khai thị pháp tưởng quán vô minh ? Vì thế nên Bồ Tát chúng ta cần phải theo học trí huệ vô ngại của Như Lai. Trí tuệ nầy có thể khéo rõ biết căn tánh thượng trung hạ của tất cả chúng sanh, làm cho chư Bồ Tát an trụ công hạnh bình đẳng phát khởi thần thông. Do đây được thành tựu thần thông. Do sức thần thông nầy gia trì nên khéo an trụ được nơi giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến cùng sáu môn ba la mật. Do được chơn thật gia trì nhiếp thọ nên có thể được vô lượng thần biến sai khác, được tự tại nơi thế gian, ngồi tòa sư tử đánh trống pháp lớn, làm cho đại chúng trong các pháp hội thảy đều hoan hỷ, và làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sanh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ví như vòng núi Đại Thiết Vi do nghiệp lực tăng thượng của chúng sanh, nên bao quanh thế giới nầy. Nhờ vòng núi nầy che, nên chúng sanh không ngửi mùi địa ngục, không nghe tiếng địa ngục, không thấy địa ngục.

 Cũng vậy, chư Bồ Tát khéo tu tập nơi pháp nầy rồi, vì chúng sanh mà trừ diệt tất cả pháp chướng ngại, trao cho tất cả pháp vô ngại. Chư Bồ Tát đây dùng trí kim cương khéo nhiếp thọ, ngộ nhập rất sâu nơi pháp nầy, trụ nơi vô sở đắc được cam lồ rưới nhuần.

 Thế nào gọi là cam lồ rưới nhuần ?

 Chư Bồ Tát nầy không bị ma phiền não, ma ngũ uẩn và Thiên ma làm tổn hại. Dầu lúc chết có tử ma, nhưng cũng được tự tại chẳng có quan niệm là chết? Do Bồ Tát nầy an trụ nơi không, vô tướng, vô nguyện, vô phân biệt, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng trụ chẳng khởi, chẳng nhiễm chẳng tịnh, cũng chẳng khiếp nhược, vô ngại vô đắc, bỏ kiêu mạn, tâm thường khiêm hạ, trong lìa mê lầm, ngoài khéo rõ biết, không nhiếp thuộc nơi kiến văn giác tri, biết rõ các pháp đều bình đẳng, chứng nhập như thật trong pháp của Như Lai, an trụ nơi chơn như chẳng hư vọng không biến dị. Chính đây gọi là chư Bồ Tát chứng nhập Bát nhã ba la mật. Bồ Tát an trụ nơi đây thì thành tựu được vô biên trí huệ. Do sức trí huệ nầy có thể chứng nhập trí bất tư nghì và ngôn thuyết bí mật của Như Lai. Do đây có thể khéo rõ biết tất cả pháp, chỗ thấy biết chẳng thể nghĩ bàn, không phân biệt, không sở đắc, đồng như Bồ đề chẳng thể nghĩ bàn vô phân biệt vô sở đắc. Bồ Tát nầy cũng chẳng phân biệt, chẳng tưởng niệm đồng với Bồ đề. Trong nghĩa Bồ đề thường trụ, chẳng thành chẳng hoại, chẳng nhóm chẳng tan, mà có thể làm ra tất cả Phật sự. Nơi pháp môn tịch tịnh đã nói đây, Bồ Tát chẳng chấp trước, cũng chẳng phân biệt những nghiệp quả báo, khéo rõ biết được nghiệp quả bình đẳng, vì bình đẳng nên chẳng thấy nghiệp quả, cũng chẳng phân biệt chấp trước. Vì chư Bồ Tát nầy đã được nhẹ nhàng nơi phiền não và nghiệp chướng, đã xa lìa kiết sử, đã rõ thấu các pháp môn và thấy biết đà la ni nầy. Vì đã an trụ pháp môn thanh tịnh, nên chư Bồ Tát nầy có thể đi giáo hóa mười phương thế giới, đủ hạnh thanh tịnh không trụ trước, chẳng bị thế pháp làm nhiễm ô, đáng là phước điền cho trời, người, các thế gian gần gũi cúng dường.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai nói cúng dường bực Bát địa Bồ Tát được vô lượng công đức, huống là Bồ Tát tu hành chứng nhập nơi pháp nầy.

 Nếu chư Bồ Tát đối với Bồ đề, với chúng sanh, với pháp chúng sanh, với pháp thế gian mà không chỗ được, không phân biệt, không hí luận, thì có thể rõ biết pháp nầy và tu hành đúng thật, có thể tiêu được sự cúng dường rộng lớn của thế gian. Tất cả chúng sanh nên đem sự cúng dường Phật mà cúng dường chư Bồ Tát nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát tu học pháp nầy thì được đầy đủ tất cả sự cúng dường, lìa khỏi những sự bố úy nhẫn đến có thể rời bỏ tất cả thân mạng. Chư Bồ Tát nầy nơi các pháp không chỗ nhiếp thọ mà có thể nhiếp thọ pháp rộng lớn, ngồi tòa vô úy, như sư tử rống, hàng phục ngoại đạo và pháp của ngoại đạo, trừ dẹp ma vương Ba tuần và đoàn quân ma, có thể diệt trừ tất cả sự che ngăn cho chúng sanh, sẽ dùng pháp thuyền độ chúng sanh, sẽ chỉ bày con đường nhứt thiết chủng trí cho chúng sanh, sẽ có thể đặt tất cả chúng sanh trên con đường tùy thuận thánh đế, sẽ khai thị tất cả pháp Bồ đề phần cho chúng sanh, sẽ dùng pháp thí dạy bảo chúng sanh, sẽ làm cho chúng sanh được pháp hỷ.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát có thể tín thọ môn đà la ni nầy, thì không khác gì những bực đã được thọ ký Vô thượng Bồ đề. Chư Bồ Tát sẽ tự thọ ký cho mình :

 “Như Lai là đấng Pháp Vương khai thị pháp tạng nầy, có thể an lành ấn đà la ni nầy, có thể kiến lập những pháp môn nầy. Đức Như Lai nhiếp thọ chúng tôi, là cha của chúng tôi, là người thương xót chúng tôi”.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát có thể ở nơi Như Lai có tâm quyết định tưởng là cha lành, thì sẽ được vào số chư Phật, như Phật không khác.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trong pháp phẩm đà la ni môn, đây là môn xuất ly đà la ni thứ hai, diễn thuyết pháp tạng của Như Lai”.

Phẩm Thanh Tịnh Đà La Ni
Thứ Ba

(Hán bộ từ giữ quyển thứ sáu đến hết quyển thứ bẩy)
Hán dịch: Nhà Đường, Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

 
 Lúc bấy giờ đức Thế Tôn quan sát bốn phương hiện các thứ thần thông, dùng sức thần thông làm cho chư Bồ Tát trong pháp hội được thấy vô lượng chư Phật ở mười phương và nghe chư Phật thuyết pháp.

 Phật bảo Vô Biên Trang Nghiêm Bồ Tát : « Ông xem nơi tất cả pháp, Như Lai vô tác vô vi tịch tịnh, mà làm được tự tại thần thông như vậy, trí lực vô úy như vậy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai tánh chẳng một chẳng khác, chẳng phải chẳng một chẳng khác, vì là vô sở hữu nên chẳng phải có chẳng phải không, không tự tánh chẳng phải không tự tánh, nên biết rằng Như Lai tánh nhẫn đến không có chút pháp gì là có thể được. Thấy biết như vậy lại cũng không có chút pháp gì là có thể thấy biết. Đã chẳng thể thấy thời là không chỗ có cũng không chỗ lấy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai tánh không chơn thật không chẳng chơn thật. Nếu là chơn thật và chẳng chơn thật thời là có Như Lai tánh, không Như Lai tánh. Như Lai tánh lìa có lìa không, nhưng cũng chẳng từng lìa.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả pháp tự tánh bổn tánh như hư không. Chư Phật Như Lai lúc chưa xuất thế, chưa từng có nói pháp môn như vậy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nơi pháp nầy, nếu chư Bồ Tát hiểu rõ như vậy, thời có thể phát sanh vô lượng biện tài, có thể diễn thuyết các pháp, thấu rõ đức vô úy của Phật.

 Đức vô úy nói trên đây, nghĩa là được đức vô úy tối thượng của Như Lai, vì có thể đối với các pháp chẳng nhiếp thọ, chẳng tăng trưởng, chẳng thể được, chẳng khắp được, chẳng theo được.

 Dầu đức Như Lai ra đời hay chẳng ra đời, pháp vẫn chẳng tăng giảm, chẳng khắp tăng giảm. Tự tánh bổn tánh của các pháp vẫn thường trụ, là trụ tánh định tánh của pháp giới.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả pháp trụ nơi định tánh của các pháp, vì bất khả đắc như vậy, nên tất cả pháp đều là hư vọng phân biệt, chẳng phải do nghiệp báo mà được thành, do đây nên có thể vào nơi môn tất cả pháp không nghiệp báo. Vì các pháp không tự tánh như vậy, chẳng thật như vậy, nên các nghiệp đối với quả chẳng phải là nhơn sanh diệt, nơi sự dứt trừ các thú các đạo cũng chẳng phải là nhơn.

 Đức Như Lai chỉ tùy theo thế tục, nói tất cả pháp có nhơn có chẳng phải nhơn, vì nhơn tự tại, vì không có nhơn, đây là đức vô úy của Như Lai. Vì Như Lai đầy đủ vô lượng biện tài nên được vào bực đại vô úy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Thế nào là vô úy ? Chính là bốn pháp vô sở úy của Như Lai. Bốn pháp vô sở úy nầy, hàng Duyên Giác còn không có được, huống là hàng Thanh Văn cùng các thế gian.

 Những gì là bốn ?

 Một là, đức Như Lai xướng rằng : Ta là Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, là bực biết tất cả, thấy tất cả. Hoặc trời hoặc người, tất cả thế gian không ai có thể lập luận nói rằng Như Lai chẳng rõ biết được các pháp. Do đây nên Như Lai được tối thượng vô úy, ở giữa đại chúng như sư tử rống, Như Lai có thể diễn thuyết giáo pháp vô thượng rộng lớn rất sâu.

 Hai là, Như Lai xướng rằng ta là bực dứt sạch tất cả lậu phiền não. Hoặc trời hoặc người, tất cả thế gian không ai có thể lập luận được rằng Như Lai chưa sạch hết các lậu. Vì sạch hết các lậu, nên Như Lai có thể trụ nơi rốt ráo an lạc, khai thị pháp tạng vô thượng đã chứa nhóm từ vô lượng ức kiếp.

 Ba là, Như Lai diễn thuyết đạo xuất ly, tu tập nơi đó, dứt hẳn tất cả khổ. Hoặc trời hoặc người, tất cả thế gian không ai có thể lập luận được rằng nơi đạo diệt khổ của Như Lai nói, tu tập theo đó chẳng được xuất ly. Như Lai chẳng thấy tướng xuất ly nên được rốt ráo an lạc, rồi vì chúng sanh thị hiện pháp nầy, nên ở giữa chúng hội như sư tử rống.

 Bốn là, Như Lai tuyên nói những pháp chướng đạo. Hoặc trời hoặc người, tất cả thế gian không ai có thể lập luận được rằng pháp chướng đạo của Như Lai nói là không chướng. Vì chẳng thấy có pháp chướng đạo nên Như Lai trụ nơi an lạc tăng thượng, Như Lai ở giữa đại chúng như sư tử rống. Như Lai có thể chuyển pháp luân vô thượng nầy, tất cả thế gian, hoặc trời hoặc người đều không chuyển được.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là bốn pháp vô sở úy của Như Lai. Chư Bồ Tát tinh tấn tu học pháp nầy thời mau chứng được bực vô úy, là bực tối thắng trong người, trong trời.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Bồ Tát vì khéo tu tập pháp không, nên có thể phát sanh môn biến thanh tịnh bất tư nghì. Do môn nầy, nơi tất cả pháp, chư Bồ Tát tối sơ thấy rõ tất cả pháp đồng với tướng hư không, không hai không khác, tất cả pháp đều như vậy cả ; nhưng với hư không, chẳng phân biệt cũng chẳng hí luận. Chư Bồ Tát nầy được nghĩa thiện xảo : không có chút pháp nào bị đem từ đâu lại, cũng chẳng đem đi đâu, cũng chẳng chứa nhóm. Do đây, Bồ Tát bèn có thể quan sát tất cả pháp không chứa nhóm, không đến không đi; nơi tất cả pháp, làm mà không chỗ làm, thắp đuốc đại pháp, làm trí pháp cho các chúng sanh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông xem pháp nầy đem lại bao nhiêu là lợi ích, bao nhiêu là sự nghiệp cho chư Bồ Tát ! Chính là mười trí lực và bốn vô sở úy của Phật. Lại cũng không có chút pháp gì có thể được, cũng chẳng phải không được.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả pháp đồng với tướng hư không. Vì để được lợi ích nên Như Lai khai thị diễn thuyết những quả báo cùng nghiệp nhơn. Trong đó cũng không có được lợi ích.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp thậm thâm nầy rất là khó tin đối với tất cả thế gian. Vì thế gian là diệt hoại, là hư vọng kiến lập, nên không thể tín thọ được pháp nầy, và cũng chẳng biết được.

 Thế gian đều là phi pháp, do chấp trước nên nói có thế gian và chỗ an trụ. Giả sử nhẫn đến có quan niệm chấp nơi pháp, cũng không có pháp để có thể chấp được.

 Do chấp trước nơi phi pháp, nên sanh ra sự tranh luận với Như Lai và pháp của Như Lai đã nói. Lại họ chẳng thể rõ tự tánh bổn tánh của tất cả pháp, lại trái với vô sanh pháp nhẫn. Vì thế nên họ không hiểu được giáo pháp thậm thâm nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai vì tất cả trời, người, những hàng tin lời như thật, lời không hí luận mà khai thị diễn thuyết giáo pháp như vậy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trong đây đều không pháp thiện pháp bất thiện. Những pháp thiện bất thiện thảy đều tịch tịnh. Pháp thiện pháp bất thiện đều chẳng biết nhau. Pháp thiện pháp bất thiện chẳng chói che nhau. Vì nhơn duyên chấp trước pháp thiện pháp bất thiện, nên Như Lai nói tất cả pháp thảy đều vô ký, vì không thể được pháp thiện pháp bất thiện chơn thật vậy. Nếu đã bất khả đắc thời là vô ký, vì trong đó không có nhơn, không thấy được nhơn.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay ông nên quan sát tất cả pháp thảy đều vô ký.

 Nếu có chư Bồ Tát giác ngộ như vậy rồi thì đối với tất cả pháp, ngôn thuyết vô ký cũng là bất khả đắc.

 Pháp môn như vậy là vì chư Bồ Tát như thật thấy pháp bất thiện, được xả viên mãn, chẳng trụ nơi pháp, do môn vô ký mà chứng nhập các pháp. Môn vô ký nầy vẫn là chẳng phải môn. Nếu là phi môn thời là bất khả đắc. Nếu đã bất khả đắc thời đó là thanh tịnh.

 Đây là chỗ chư Bồ Tát vào pháp môn thanh tịnh đà la ni. Do môn nầy, chư Bồ Tát được trí huệ chiếu suốt tất cả pháp, không còn ngu ám mê hoặc dụ dự đối với tất cả pháp, và có thể được pháp trí vô ngại, huệ nhãn thanh tịnh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nơi trong pháp nầy phải nên cầu thích.

 Thế nào là cầu thích ? Nghĩa là với tất cả pháp, không lấy, không chấp, rốt ráo lìa bỏ, siêu quá nhiếp tàng, không mong cầu. Chẳng quán đãi tất cả pháp hữu vi thế gian, thiện, bất thiện. Đây là bực bất phóng dật vô thương, bực lìa phan duyên. Trong tất cả pháp, không đến không đi, không trụ, không kiến lập. Đây gọi là huệ nhãn thanh tịnh, vì rốt ráo bỏ lìa không chỗ chấp lấy. Khéo có thể quan sát bỏ lìa tất cả bổn tánh tự tánh thời gọi là huệ nhãn. Huệ nhãn trên đây là trí tánh yểm ly diệt tận. Trí tánh nầy vốn vô sanh, vô tác, bổn tánh tịch tịnh, lại cũng chẳng tương ưng với tịch tịnh, vì đã dứt tương ưng, lại cũng chẳng phải đoạn dứt, chẳng phải không đoạn dứt, không thiếu không giảm. Đây gọi là huệ nhãn thanh tịnh, là đạo không hí luận. Do thành tựu huệ nhãn nầy, dùng từ bi nhiếp thọ chúng sanh, khiến họ phát tâm. Duyên nơi chúng sanh mà phát khởi vô lượng diệu hạnh, và có thể hiểu rõ tất cả pháp không có ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Bồ Tát nầy lúc chứng được Vô thượng Bồ đề, quyết định có thể khai thị diễn thuyết pháp tạng vô thượng, và có thể thanh tịnh môn đà la ni, vì làm cho giáo pháp theo chủng tánh của chúng sanh không đoạn dứt nên thiết lập pháp ấn.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp môn thanh tịnh đà la ni nầy, chư Phật luôn nhiếp thọ khai thị diễn thuyết. Thập phương tam thế chư Phật cũng đều tuyên nói pháp môn nầy, vì chư Bồ Tát mà khai thị pháp tánh tam thế bình đẳng. Do đây đối với các pháp trong ba đời có thể ngộ nhập pháp môn nầy. Vì thành tựu huệ tổng trì tam thế thanh tịnh.

 Chư Bồ Tát nầy không có quan niệm thế gian, nơi pháp lành cùng pháp chẳng lành biết rõ không hai, không khác, các thiện căn được sanh trưởng, thân ngữ ý ba nghiệp thảy đều thanh tịnh, có thể khắp thanh tịnh vô lượng pháp môn, vì để được huệ thanh tịnh tổng trì, cũng có thể khai diễn giáo pháp thanh tịnh vô khởi vô tác, lại có thể khai thị tất cả pháp rốt ráo không tịch như hư không, lai có thể thị hiện trí huệ rộng lớn mà vì người khai thị trí thanh tịnh, cũng có thể khai thị tất cả pháp và Bồ đề như tánh hư không, mà vì người thị hiện đạo nhứt thiết chủng trí thanh tịnh, lại có thể khai thị đạo pháp thanh tịnh, tức là tùy sở nguyện được viên mãn Bồ đề, có thể rõ biết chơn chánh, diễn thuyết thật đế phương tiện thiện xảo, mà có thể tuyên thuyết đế lý vô phân biệt, có thể khai thị trí huệ của chư Phật, vì tùy thuận giác ngộ tất cả nghĩa.

 Nếu chư Bồ Tát khéo tu học pháp nầy thời có thể mau thanh tịnh tư lương Bồ đề, được trụ nơi Bồ đề không có xa gần, chẳng trái với chút pháp gì, với các pháp hiện nói đây, cũng chẳng thấy xa gần, chẳng dùng pháp và phi pháp để thấy Bồ đề, đã thông đạt Bồ đề dứt tuyệt các sự hiển thị, có thể dùng nghĩa bình đẳng không hiển thị để biết rõ Bồ đề, đến lúc quán nghĩa tịch tịnh của các pháp thời với Bồ đề chẳng phân biệt, cũng chẳng thấy nghĩa tịch tịnh, nghĩa chẳng tịch tịnh, chẳng phải ngoài tịch tịnh mà thấy chẳng tịch tịnh, không có chút tưởng niệm là có năng quán năng kiến, có thể thấy thanh tịnh với tất cả chỗ, cũng không có chút gì có thể thanh tịnh. Đây là trí môn thanh tịnh của chư Bồ Tát.

 Do trí môn nầy, mà chư Bồ Tát có thể tùy niệm môn đà la ni vô biên pháp tạng của chư Phật Như Lai, khắp biết được bổn tánh tự tánh của các loài hữu tình, khai thị diễn thuyết các pháp tạng cho hữu tình, có thể khắp thanh tịnh các nghiệp trí huệ, các nguyện cầu nơi Vô thượng Bồ đề, hiện bực đẳng giác không thối chuyển, mau được tự tại đối với tất cả pháp, có thể tu tập đức đạt từ đại bi của chư Phật, Pháp tạng thiện xảo của tất cả Như Lai đều hiện ra trước, và có thể thị hiện vô lượng vô biên pháp quang rộng lớn, thân thường an trụ nơi trí cảnh của chư Phật.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Pháp môn vô lượng vô biên nầy chỉ cho những pháp nào ?

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Tất cả pháp : địa, thủy, hỏa, phong, hư không, thức giới đều vô lượng. Các hữu tình cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc đều vô lượng. Nhưng không có một chút hữu tình nào là khả đắc, khả tri, vì hữu tình là không. Thật vậy, hữu tình giới nầy là bất khả đắc, bất khả tri, vì giới là không. Vì thế nên các pháp đồng Niết Bàn giới, thu nhập Niết Bàn. Tất cả các pháp đồng hướng vào chỗ bất khả thuyết, vì nơi Niết Bàn giới, không có chút phần nào là khả thuyết. Trong Niết Bàn giới không chướng ngại, không che đậy, vì đã vĩnh viễn thanh tịnh chướng che vậy. Nên Niết Bàn giới là thanh tịnh, là rất thanh tịnh. Niết Bàn giới nầy, cũng chẳng phải giới, vì xa lìa giới, vì không có giới, vì siêu quá giới, nhưng dùng tương tợ mà phương tiện nói là giới.

 Giới đã nói đó là an tru phi giới và chẳng phải phi giới. Trong ngôn thuyết cũng không có giới, chỉ dùng ngữ ngôn để nói bày các pháp. Ngôn thuyết cùng người nói đều bất khả đắc, bất khả tri. Tất cả ngôn thuyết đều là chẳng phải ngôn thuyết. Tất cả ngôn thuyết như vậy, như tánh hư không, đồng vào hư không. Do đây nên địa giới, thủy giới nhẫn đến hư không giới đều không thể ngôn thuyết, không lực dụng năng thuyết.

 Thức giới đã nói đó, chỉ là dùng ngữ ngôn để thuyết bày các pháp, nhưng thức giới đó, giới cũng chẳng phải giới, chẳng vào các giới, chẳng tương ưng với giới cũng chẳng phải chẳng tương ưng, từ hư không sanh, vào nơi hư không. Thức giới như vậy chẳng ở trong, ngoài, chặng giữa. Tùy nhiếp thọ nơi phần hư không của nó mà hướng vào hư không, chẳng thể thi thiết, chẳng thể xem thấy. Nếu nó đã là chẳng thể thi thiết thời nó không chỗ làm, trừ có duyên tương ưng nói là có thức giới.

 Đây là pháp môn của Bồ Tát chứng nhập. Tất cả pháp bổn tánh tự tánh như hư không. Bởi y nơi pháp giới mà khai thị diễn thuyết, nhưng cũng không có giới của các pháp, vì giới mà chẳng phải giới, nên tất cả pháp như hư không. Do đây Như Lai nói tất cả pháp đều là hư không, vì khó được số lượng. Hiển bày tất cả pháp đều hư không tánh, vì bổn tánh của các pháp như hư không, chỉ là dùng ngữ ngôn khai thị diễn thuyết thôi !

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông xem chỗ diễn thuyết từ nơi trí Như Lai thanh tịnh dường ấy. Giáo pháp thanh tịnh như vậy, không pháp có thể sanh, cũng không pháp truyền thọ.

 Đây là trí không điên đảo của chư Bồ Tát.

 Vì thế nên các ông cần phải cầu thích trí huệ không do người khác làm duyên, được vô phân biệt, chẳng thêm phân biệt, và có thể thanh tịnh được pháp môn lý nghĩa bất khả thuyết, vì do pháp trí thanh tịnh vậy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Các loài phi điểu đi nơi đâu ?

 - Bạch Thế Tôn ! Loài phi điểu bay đi nơi hư không.
 -
 - Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Hư không đi nơi đâu ?
 - Bạch Thế Tôn ! Hư không chẳng đi đâu cả.
 - Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Phải lắm ! Tất cả pháp như hư không, không có chỗ đi. Pháp đi không chỗ đi đều bất khả đắc. Vì thế nên các pháp không có chỗ đi, lại cũng chẳng đi. Bổn tánh của các pháp không có đi không có nói.
 -
 Vì muốn chư Bồ Tát được trí hư không thanh tịnh, nên Như Lai chuyển pháp môn nầy. Đây là pháp môn vô biên quang minh, soi sáng cùng khắp vô lượng vô biên dường như hư không. Quang minh chiếu khắp đó cũng bất khả kiến. Chư Bồ Tát được pháp môn nầy rồi thời có thể quan sát khắp mười phương thế giới, và có thể liền thấy tất cả thế gian.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là cảnh giới sở tri của trí huệ Bồ Tát, cảnh giới thông đạt của trí Bồ Tát, chẳng phải cảnh giới của ngoại luận khác, vì họ không thể nói đến được.

 Lý nghĩa của pháp nầy là bất khả thuyết, vì pháp ấn ngữ ngôn không thể hiển thị được. Vì thế nên tất cả pháp không ấn, cũng chẳng tăng ấn, vì rõ biết chẳng ấn mà khéo léo tu tập. Dùng ấn hư không mà ấn tất cả pháp. Dùng ấn vô tướng có thể thị hiện hư không vô tướng kia không tướng hữu vi, không tướng ngữ ngôn. Do vì không vô nên nói hư không nầy. Vì hư không đã nói đó không có thật thể nên nói là không. Cứ nơi chơn thắng nghĩa, nên biết các pháp rốt ráo là vô ngôn thuyết.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay đây Như Lai sẽ nói đà la ni ấn : những câu hay thanh tịnh, là những câu hư không. Vì trí thanh tịnh, nên như hư không không có câu, không có câu nên thanh tịnh. Nên phải rõ không có các câu như vậy ».

 Đức Phật liền nói chú rằng :

 « Tỳ phiệt lê - tỳ phiệt ra nỗ ta hê đế - bát ra nỗ nễ - nễ san nã vĩ phiệt ra ni - a tỳ dạ phiệt ca san nại thiết nễ - bát ra bá lê - bát ra bá ra nhĩ thâu đạt nễ - niết tỳ yết bệ - a cá xa tam ma phiệt bà ra ni- nễ tỉnh nghê- tỉnh giả ba yết để - tỉnh giá tỳ mâu chiết nễ - a nã đà nễ - a đá nẵng tỳ yết đế - cương khất sa xiết na bát rị yết ma - át chế nê - a nỗ bát xiết nê - a tam minh - a ta ma ta mê - địa tỳ da nhã nẵng a ha la ninh - bát ra nhương chước sô tỳ thâu đà nễ - thiết lê da bá na da nễ - địa dựng kỳ ô đát ra ni - a dụ kê - a tỳ dụ kê - a tam bát ra dụ kê - a tỳ bát ra dụ kê - a hột ra bát đà niết hạ lê - niết đề xa bát đà tỳ thâu đạt nễ - a để đa na yết đa bát ra để du bát na tỳ thâu đạt nễ - ngật rị đa bát rị yết ma tỳ nễ đế - nẵng đa ra tha nỗ yết đế - a tăng yết ra ninh - a ngật ra bát đà tỳ thâu đạt nễ - bát đà bát ra bệ đà nhương na tỳ thâu đạt nễ - niết bá tư - á bá ta tỳ thâu đạt nễ- tam mạn đa nại xa địa xa tỳ da phiệt lư yết ninh - nhĩ ra ngược bát đà niết ha lê - bát ra nhã nhĩ thâu địa - ô bá ta a bát ra minh ca ra ni - a cự la ba đạt ma nại rị thiết na nhĩ thâu đạt nễ - bộ đá át ra tha san nại rị thiết nễ - a nộ mạo đà át tha nhĩ thâu đản nễ - ta kiệt ra chất đa nỗ bát ra phệ thế - mế rô bát rị tăng tát tha ninh - ra thấp nhĩ bát ra đa bát nễ - tát bà lộ ca địa bát đế da nhương nang vĩ thâu đản nễ - a bát ra để cát đa - a tăng già nhương na nại rị thiết ninh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là ấn đà la ni, những câu hay thanh tịnh diễn thuyết hư không. Những câu phần đoạn đều không có phần đoạn. Vì không phần đoạn, nên trong đó không có câu, không có câu thanh tịnh, vì tất cả pháp vẫn là thanh tịnh. Vì người phát tâm Đại thừa mong cầu pháp thanh tịnh thậm thâm, do vì thần lực Như Lai gia trì, nên những câu chú nầy được lưu bố.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu người phát tâm muốn hiện tiền chứng đại Bồ đề, muốn làm lợi ích cho chúng sanh, thời nơi những câu thần chú nầy, dầu chưa từng nghe nhưng cũng hiểu rõ được, hoặc có trời Tịnh Cư, hoặc chư Thiên thần thọ trì thần chú nầy, sẽ đem truyền thọ cho người đó. Nếu có người phát tâm Vô thượng Bồ đề, chư Thiên thọ trì thần chú nầy cũng đem truyền dạy lại người đó ».

 Đức Như Lai liền nói thần chú rằng :

 « Ô ba tăng hà lê - ta hà lê - hột rị - thất rị địa rị để nhĩ thâu đản nễ - yết lượng nẵng át tha niết đệ siểm bát ra để bá để - chất đa mạt nỗ nhĩ nhương na nhĩ thâu đản nễ - a địa da đát ma ma tứ át đà bát rị thâu đản nễ - yết để tỉ mật lý để mạt để - a cát ra nễ cấp đa - cấp đa bát để - tát lê - tát ra phiệt để.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Các vị Thiên Thần ở trong núi Tuyết, nếu được thần lực của Như Lai gia trì, họ có thể truyền thọ pháp quang cho những người thuyết pháp ».

 Đức Như Lai liền nói thần chú rằng :

 « Mạt để nhĩ thâu đản nễ- tô dục đa mị rị duệ- a kiệt ra tứ đa bát đà niết hà rị- a chỉ lã tỉ nễ- a nhĩ lã tỉ nễ- uất tha nẵng tam bán ninh- nhĩ nễ đa tam ma na bát nễ- mạt để a yết la nộ nghiệt đế.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Chư Thiên thần ở núi Kê La Ta, có thể làm cho người thuyết pháp được sáu căn thanh tịnh, giúp ngữ nghiệp người thuyết pháp được tương tục không gián đoạn ».

 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 « Bát ra đa bát đát để- phệ rô chiết na phiệt để- một đà mạt để- phược tô mạt để- đạt ma mạt để- át tam bát ra mưu sa phiệt để- việt bá san nại rị thiết nẵng phiệt để- ô ba tăng hà ra niết đệ xa phiệt để.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Các vị Thiên thần ở rừng Ta La, có thể làm cho thân ngữ ý nghiệp của những người thuyết pháp đều thanh tịnh, làm cho tiếng tăm trong suốt, thanh tao, khả ái, và có thể truyền cho lời ái ngữ, lời hòa thuận ».

 Đức Như Lai liền nói thần chú rằng :

 « Niết ra lam ba a nghiệt ra yết lê - khất sái ma tỳ chế duệ - niết bá ta phiệt để - niết hà ra phiệt để- ô xà phiệt để- ô ba nẳng danh để - ô ba tăng hà ra yết ra ni - a vĩ xả tha - y hà đà ra ni mục khê - đạt ma mục khê - đạt ma ba tra lê.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Có các vị Thiên thần ở phía Nam núi Tuyết trợ thêm sức lực cho những người thuyết pháp, những người siêng tu hành pháp nầy, những người mong cầu pháp nầy, những người ưa thích pháp nầy ».

 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 « Yết rị da nẵng át tha vi tác nhã nễ - kiêu xa rị da nộ nghiệt đế - ô bá da tăng ngật rị tứ đế - vi ninh mục đế - phiến đa bát na vi tác ra nễ - ô bá ta da xa phiệt để.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Có các vị Thiên thần ở bờ đại hải, vì nghe pháp nên làm cho các pháp sư được an lạc. Đức Như Lai vì muốn lợi ích cho họ nên nói câu thần chú nầy. Thiên Đế Thích cũng có thể truyền cho họ những câu thần chú nầy. Thần chú đây là những câu có thể nhiếp Đế Thích v.v... ».

 Đức Như Lai liền nói thần chú rằng :

 « Ma khí bát để - ma tô mãng để - nê bã a ra nhã - xá chí bát để - tát bà a tô ra nẵng - niết ra già đa nể - mạt nhi sái dã - tố bát ra để sắc sĩ đa - bát ra mãng a ra na nỗ tỉ - a tố ra nẳm - nê phược nẳm a địa bát thầm - tát nã - bố ra tắt ngật rị đổ tứ niết - nê vi tứ thử bả tế - phược ta phược tát na - bố lãng nại ra đô - đa bế tứ - a tố ra tát na - đọa nặc a khất lâm - đa phược bát thi chủy - vi đồ dựng tứ đa - ma ha tố ra - a tố lệ na ra bát ra diễn để - tị đa đa ra tất ra - na la địa thâu địa xa - na mãng bột đà tứ dã - dĩ át để sử duệ - nẵng ma ngúc đa ra - ma ha dã xá - nê phược a tố ra tứ danh - tăng nghiệt ra danh - bột đà nhiếp đà - a nậu đa la - thất ra mạt tư - nê phược vi thệ da - na ma bột đà để nẵng mãng tư - tấn yết ra ma xiển na tư mạt nẳm - bột đà nang danh nẳng phược tứ đa - vi thệ duệ tố - đa đa nê phược - a tố ra thất giả - vi ninh đa phạm - ngật lý đa đế - ra khất sa nê phược nẳm - ma nỗ sa nẳm - ra khất sa vĩ na - dục ế ha- đạt ma nễ nê thế - ô đa lang để - tô bát ra để sắc sĩ đa - ninh ngật lý tứ đa - đa phược dạ a tố ra - a ra khứ sái ta dược xoa khẩn na ra - nẵng già cưu bàn tra bộ đa đa nễ - tỳ xá giá na nẵng ra đa tha - a giả la tất thả nẵng - bát ra bát đô tứ - ấn na ra ấn na ra - bố ra tắt ngật lý đa - a để nghiêm tỳ ra - phiến thẻ giả - a nghiệt ra bố lộ sa - tế vĩ nang - bát ra nhương mạn đô tứ - nê mạt na ra - bột địa ma ta tha vi thứ lộ đa - a mạt xả ế ha - tố đa ra tứ thị - a ra khất sa mạt na tứ đa - ta ha tát ra nê đa ra - tố mục khê am bá ta lệ - bát rị phược lý đa - ô ba muộn nhương tát phược cam yết nang - bố ra mê tứ đổ tứ danh - giả ngật rị đảm - a để bát thỉ giá - a nỗ bát ra một đa - a giả ra tố bát rị để sắc sỉ đa - ngật lý chiêm tứ - cứ xá lam bố ra mê - ma nộ thế số - mang tứ bát để - bố ra phược hư mâu tứ - nê phược nẫm - bố thệ ấn để - đáp phược mang nộ sá - bột đà tứ dã ngật rị đắc phược - tát đắc ca lam - bố xà bệ sát để - đế mạc hô - ma ha phược mãng ninh - vi giả lam bá phược nan giả - tố thứ bá để - nê phược lai dã tứ - mãng địa dã tứ thị - dã khứ sớ tứ bá lý phược lý đỗ - bát ra lạm ma - ha rị ma hồng giả - đa phược tứ ca - vi xá na a ngật ra phược tứ - ta đa để ma để - tố ra đa bát ra để - ta ra đa ta đa tha - bát ra bộ tát kiến đà - a nễ ra giả mãng ra giả - ma ha ma nghê - ma ha tát kiến đà - ma ha kế đô- tố bát ra địa giả - ma ha ma ra - ế đế dược xoa - ma ha đế nặc - a ra khất sằn để bá phược nam đa phược - ma hộ dược xoa bát rị phược lộ - duệ na thâu bá tứ phược ta phược - ma tố tát phược phược tố để nặc - ma ha đế nặc ma ha ngưỡng nể - ma ha bát ra ha ra nộ chế phược - a vĩ tứ ta na gia đa thế phược giả - tố danh rô mộ ra đà nễ - đa phược phược ta phược - tát phược nê phược - bố ra tắt ngật rị đỗ - thứ bà để - bà phược nẳng ô bà ta - bát ra ma muộn giả tứ - để nặc ta.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Thần chú nầy là những câu có thể nhiếp Thiên Đế v.v...

 Nếu chư Bồ Tát hướng đến Bồ đề, sau đó vì nhiếp thọ chúng sanh mà an trụ trong nhiếp pháp, do thần chú trên đây nên sẽ được Thiên Đế Thích v.v... truyền thọ các câu thần chú.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Gì là những câu có thể nhiếp lấy Tứ Thiên Vương và các quyến thuôïc ? ».

 Đức Phật liền nói kệ rằng :
 « Dạ Xoa không giận não
 Người tu tập pháp nầy
 Đa Văn Vương Thái Tử
 Cha con đều cung kính.
 San Xà Gia, Dạ Xoa
 Các đoàn quân lữ mạnh
 Thường ủng hộ những người
 Nơi pháp nầy ưa thích.
 Trì Quốc đại thần vương
 Hằng đem quyến thuộc theo
 Thường ủng hộ những người
 Khéo diễn thuyết pháp nầy.
 Quyến thuộc thần Xứ Mục
 Tự mình và quân chúng
 Tất cả sẽ ủng hộ
 Người tu tập kinh nầy.
 Tăng Trưởng đại Thiên Vương
 Quyến thuộc và quân lữ
 Đều thường theo vệ hộ
 Người ưa thích pháp nầy.
 Thần La Sát Tràng Phan
 La Sát Đại Tràng Lực
 Đều ở tại phương Đông
 Nhiếp vào câu chú nầy
 Tự mình và quyến thuộc
 Thường gần gũi thủ hộ
 Người đọc tụng thọ trì
 Pháp môn thậm thâm nầy.
 Thần Hề Ly Mạt Để
 Lam Bà, Tỳ Yết Giá
 Và thần Tát Đà Đa
 Đồng ở tại phương Nam
 Hầu hạ Thiên Đế Thích
 Đều nhiếp trong chú nầy
 Thường giúp thêm tinh lực
 Cho người trí thuyết pháp.
 Và các thần La Sát
 Kiếm Ly Tam Mật Đa
 Cùng Già La Hệ Sí
 Với thần Mật Thất Đa
 Đồng ở tại phương Tây
 Thần chú nầy nhiếp đến
 Tất cả thường ủng hộ
 Người thuyết pháp rõ nghĩa.
 Và các thần La Sát
 Thật Đế, Hữu Thật Đế
 Tin sâu nơi pháp nầy
 Đồng ở tại Bắc phương,
 Vì muốn họ ủng hộ
 Phật nhiếp họ vào đây,
 Do oai lực Như Lai
 Đều chắp tay mà đứng.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là những câu có thể nhiếp Tứ Thiên Vương, các quyến thuôïc và hàng thị tùng ».

 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 « Tán ninh vi xá nễ - ma ha tát lê - ma ha yết nễ - ma ha yết nhã nễ - bát ra bộ đa vi thệ duệ - đà phược xả a nghiệt ra - ô bá phược tác nễ - a nể lã tế nẳng đô ta ha - nẳng nẳng phiệt nang nại xa nễ xá - chiết đỏa rị lộ ca bá ra nễ - đổ tứ minh ra nhã nẵng ô chiết tha - a phệ thiết na - y ha tát mạn phược ha ra thá - vật ra thệ ninh tiết ra ha - tát mê chiết đột địa xá.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Những câu gì có thể hàng phục ma Ba Tuần ? Ông nên lóng nghe nghĩ kỹ ».

 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 « Mật để lệ - mật đa ra phược để - ca lộ ninh - ca lộ nẳng phược để - vi bộ để - vi bộ đa phược để - bát ra mâu chiết nễ - bát ra mâu chiết nẳng phược để - ngật rị đa ngật rị đa phược để - a nộ nghinh danh - a nộ nghinh mãng phược để - ô bá đa xiết na nễ - già ma vi phược nhương nễ - đế rị sắc nẵng ta mâu, châu sát nễ - nễ tiết rị tứ đa mang ra phược lam - ôn đa ra nang phược để - bát ra để dữ đa ra phược để - ô bế khứ sa nộ ta tứ đế a lam ma nang vi thâu đà nễ - ninh na ra xá nẵng - a tam mộ ha nễ – nễ sắc tra bát ra bán giả ninh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là những câu chú hàng phục ma Ba Tuần. Do những câu chú nầy, Thiên ma và ma quân không được dịp đễ.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Gì là những câu có thể nhiếp Đại Phạm Thiên ? Ông lắng nghe và nghĩ kỹ ».
 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 A địa bát để - ma ha tất thá nẵng phiệt để - ta phược viêm ngật rị đa - tất tha nẵng danh để - nẵng nẵng ma hộ vi vĩ đà - bát ra để dữ bá tát tha nẵng già la nẵng - a địa già tát tha nẵng bát để - thứ đà tát tha nẵng tiết đỗ - ta hàm bát để - a địa yết lãng đa - vi thứ đà nẵng - thứ bà bát rị - bát ra thứ bá địa mục đa - bát ra bột đa thất rị đa - nễphược ta nang - bát ra bộ đa - bát ra bá - nể tiết ra khê đa giá ma - ta phược tất để già ma - bát ra để dữ bá tát tha nẵng.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là những câu có thể nhiếp Đại Phạm Thiên. Do thần chú nầy, Đại Phạm Thiên có thể truyền thọ cho những người thuyết pháp cả văn cú phạm hạnh thanh tịnh viên mãn.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Gì là những câu pháp quan của Tịnh Cư Thiên ? Ông lắng nghe và nghĩ nhớ kỹ ».

 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 « Vi thâu đà nẵng phược để - án để ma già rô nễ - già ma ma phược - ô ta đả nễ- bát ra niết danh đa nễ - bát rị diễn đa - bát ra để dữ ba tất tha nẵng bát gia - phược ta nẵng - a lại da vi thâu đà nễ - a nhương bát diễn đa già ra nễ - án để ma nể xá - bát ra để dữ bá tất tha ninh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Do thần chú nầy, chư Thiên cõi trời Tịnh Cư có thể truyền thọ những pháp tạng của Như Lai cho chư Bồ Tát.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Với các vị Thiên Vương, Nhơn Vương, A Tu La Vương, Ca Lâu La Vương, Long Vương, hoặc những hàng quỷ thần oai đức lớn, hoặc oai đức nhỏ, không luận tin hay chẳng tin, Như Lai đều truyền thọ câu đà la ni, làm cho những người đã tin được thêm lớn lòng tin đối với pháp nầy, những kẻ không tin thời mặc nhiên bỏ đó, chẳng cho họ nói năng cãi cọ. Lúc diễn thuyết pháp nầy, nếu có ai đến làm chướng nạn, do thần chú nầy thời đều hàng phục.

 Trong đây gì là những câu thần chú có thể nhiếp thủ người có lòng tin ? ».

 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 « Ngu rô nã lê - a giả bát lệ - ta phược tỳ niết ha ra - cú mạt nê - niết nhương nẵng bát ra để vi rô dị ninh - chỉ đa san giả nẵng nễ - chỉ đa bát rị yết danh - chỉ đa tam bát ra ta nã nễ - ma nẵng tứ dã- ha rị sái già ra nễ - vi nhương nẵng tứ dã - a nộ ta phược để – a nộ đạt ma nộ bế khứ sái ninh - tứ đô san na rị xá nễ- đa tha a khứ sát ra bát na - niết nê xá - thâu địa đa phược để - dã tha tiết đa - dã tha nỗ cú lộ bá ma - ô bá mãng niết nê hiệp - vi thứ địa đa - đát đa ra già lẹâ - nẵng giả yết đáp vi diêm - tam bát ra ta na át tha đổ ta ma - dã tha nộ cú lại giả mục khê - ô ba tăng hạ ra dụ nễ xá - a xá da tứ dã - vi thứ địa gia - dã tha thứ địa để - la khứ sái nẵng la khứ sái nễ - la khứ sái nẵng phược để - la khứ sái nang vi thâu đà nễ - bát ra để phệ đà át tha - san na rị xá nễ - cú xá ra mạo tha tác mê ha - bát ra vi giả duệ - ta ma ta ra nễ - ngật rị đa nộ a ra khứ sử - tát để dã át thế - tát để dã nẳm - tố vi thâu địa đế.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Trên đây là những câu nhiếp thủ người có lòng tin thanh tịnh, và cũng có thể truyền trao nghĩa lành cho pháp sư diễn thuyết pháp nầy.

 Như Lai lại nói những câu nhiếp phục người chẳng tin ».

 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 « Khứ sái mê - khứ sái ma phược để - mê đa ra bát rị yết ma - bát ra để giữ ba ta tha ninh - già lộ nang bát ra để lã ta - tứ đa nỗ kiếm ba - tán nặc nẵng nễ - tăng yết ra ha phược tát đỗ - tứ đa phược tát đỗ - tán na ra xá nễ - bát rị phược nặc nễ gia - phược nặc nễ - ky ba dương đa ra - tế phược nễ - nẵng đát đa ra nê thế tát tha đáp vi gia - dã đa ra vĩ yết ra ha phược để nộ - tát ma tiết lãng đà - bát ra na lã nễ - ô ba giá ra san na rị xá nễ - nễ xá ra dạ vi thứ đà nễ - a đa ma nộ già danh - bát ra ô ba tăng ha la nễ - niết danh đa nễ - a nộ ra khứ sa - bát ra để giữ ba ta tha ninh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là những câu điều phục người bất tín, chẳng cho họ tạo những lỗi ác, bằng không họ còn ganh ghét pháp lành, huống là đối với pháp vô thượng nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai thấy chúng sanh, những kẻ không có lòng tin thanh tịnh, hoặc muốn tranh đấu, hoặc muốn tổn hại, hoặc muốn não loạn, mà họ đế gần Như Lai. Như Lai liền biết tâm niệm của họ, theo cơ của mỗi người, Như Lai dùng các pháp môn làm cho họ được giác ngộ, cho họ hết những ý nghĩ chẳng lành mà pháp khởi các căn lành.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai an trụ trong mười tám pháp bất cộng, có thể khéo rõ biết tâm hạnh của chúng sanh, và rõ biết những phương pháp để nhiếp độ.

 Những gì là mười tám pháp bất cộng của Phật ?

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Từ lúc thị hiện chứng vô thượng Bồ đề nhẫn đến nhập vô dư Niết Bàn, trong thời gian đó đức Như Lai trọn không lầm lỗi, không lời sốt bạo, không quên mất, không có chẳng trạch xả, không các thứ tưởng, không tâm chẳng định, tinh tấn bất thối, niệm bất thối, chí nguyện bất thối, đẳng trì bất thối, huệ bất thối, giải thoát bất thối, giải thoát tri kiến bất thối, tất cả thân nghiệp hành động theo trí huệ, tất cả ngữ nghiệp nói năng theo trí huệ, tất cả ý nghiệp là trí huệ, tri kiến về quá khứ, hiện tại và vị lai đều không trụ trước, không chướng ngại.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Vì Như Lai thành tựu mười tám pháp bất cộng nầy nên vô lượng tri kiến thảy đều thành tựu, có thể khai thị diễn thuyết pháp môn thanh tịnh đà la ni nầy. Làm cho những hữu tình bất tín sanh lòng tin thanh tịnh. Làm cho người đã tin được trí thanh tịnh nơi pháp môn nầy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nay Như Lai dùng vô lượng danh ngôn vì các ông mà khai thị diễn thuyết pháp môn nầy, muốn cho các ông rõ biết khắp vô lượng pháp môn, được đà la ni ».

 Đức Phật liền nói thần chú rằng :

 « Đát điệt tha a rị duệ - a rị gia phược để - a rị gia nỗ yết đế - nễ đà ninh - nễ đà nẵng phược để - phược đỗ bát đa danh - phược ra đỗ ky xiết nã già la nễ - a già xá vi thâu đà nễ - a nộ khứ sát ky nễ - a ninh khứ sát ky nễ - a vi tiết đa bát ra danh - a nộ bá tiết để nễ - niết bạn nẳng bát tha vi thâu đà nễ - vi gia ba nễ khứ sử bát để - a nộ bá na - ninh lộ đà bá ra danh - tát phược nhương niết bạn nẵng - ninh ba ra xá ninh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là ấn đà la ni, câu có thể thanh tịnh, câu danh thuyết đặc dị.

 Do thọ trì pháp môn đà la ni nầy, dùng công dụng ít mà có thể chứng Bồ Tát vị, được sai biệt diệu trí và gần đại bi. Do rõ biết nghĩa nên chứng ngộ được nhứt thiết pháp trí.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Câu đà la ni nầy là đại lương dược vì có thể phá trừ được các trọng bịnh. Lại có thểù trừ diệt vô minh vô trí, những chướng rất tối tăm. Thuận với minh pháp mà chuyển viên mãn.

 Thuận minh pháp gì mà chuyển viên mãn ? Nghĩa là vì thuận với minh pháp nên trí viên mãn, mà có thể hiện tiền chứng được trí túc mạng minh. Vì thuận với minh pháp nên trí thiện xảo, mà được trí thiên nhãn minh. Vì tùy thuận minh pháp nên xa lìa các phiền não, mà hiện tiền chứng được trí lậu tận minh. Do đây lại có thể thành tựu tất cả môn ba la mật nhẫn đến nhứt thiết chủng trí.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Ông xem Như Lai có thể khéo thuyết pháp rộng lớn như vậy, khéo viên mãn những phương tiện thiện xảo như vậy.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Như Lai thành tựu đại trí như vậy có thể khéo trụ nơi nhứt thiết chủng trí, thập lực, tứ vô úy, mười tám pháp bất cộng. Đây là bảo tạng vô thượng kết tinh của những căn lành đã tu từ vô lượng vô số ức kiếp. Do đó nên khéo an trụ được nơi những pháp môn nầy. Nay Như Lai vì các ông khai thị diễn thuyết pháp môn thanh tịnh đà la ni nầy, để được thành thực Phật Pháp.

 Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn những người phát tâm cầu đến đại Bồ đề, mà muốn tu học theo Phật, muốn ủng hộ Phật Pháp, muốn thọ trì vô lượng pháp tạng của Phật, đối với pháp nầy phải siêng tu tập chẳng phóng dật, chẳng tham trước nơi ba cõi, phải khéo gia trì nhứt thiết trí, khéo tu tập những phương tiện thanh tịnh nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, với thật đế, siêng tu tập thanh tịnh, trong các pháp, phải thích cầu trí huệ thanh tịnh.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Vì nội tâm thanh tịnh nên tất cả pháp thanh tịnh, vì nội tâm thanh tịnh nên tất cả pháp tịch tịnh, vì nội tâm tịch diệt nên tất cả pháp tịch diệt, vì nội tâm vô sở thủ nên tất cả pháp vô sở thủ, vì nội tâm bất trụ nên các pháp bất trụ, vì nội tâm diệt nên tất cả pháp diệt, vì nội tâm vô sở tác nên tất cả pháp vô sở tác, vì nội tâm không đến không đi nên tất cả pháp cũng không đến không đi.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Những pháp môn nầy làm cho chư Bồ Tát nội tâm được thanh tịnh. Vì bổn tánh tất cả pháp là vô phân biệt nên nội tâm cũng chẳng khởi phân biệt. Nhưng có thể thọ trì môn thanh tịnh đà la ni, rời bỏ tham lam, sân khuể, cống cao. Được chư Phật khen ngợi. Làm pháp chủ vô thượng tối thắng của chúng sanh. Sẽ có thể chứng đặng trí thanh tịnh vô ngại biện tài, và có thể chứng được vô sanh pháp nhẫn, có thể thanh tịnh các nguyện hạnh, có thể khắp thọ trì tất cả pháp bất cộng, lời nói ra đại chúng đều tín thọ, sẽ có thể chuyển đại pháp luân.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Do được đà la ni nên chư Bồ Tát quyết định sẽ chứng vô sanh pháp nhẫn, được pháp trí thanh tịnh, nghĩa là tất cả pháp bất sanh bất diệt. Tất cả pháp đây đều ở trong môn diệt hoại, môn diệt hoại nầy đồng là tướng vô sanh, đã là vô sanh thời là vô diệt. Quán sát như thật vậy rồi, Bồ Tát đối với tất cả pháp xa lìa tất cả tướng. Đã lìa tướng thời chẳng chấp trước, chẳng hí luận.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là chư Bồ Tát dùng trí vô sanh khéo quan sát mà có thể chứng nhập các môn đà la ni nầy, do đây mau chứng được vô sanh pháp nhẫn biện tài vô ngại ».

 Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa nầy mà nói kệ rằng :

 « Nếu pháp hư vọng sanh
 Sanh xong tất diệt hoại
 Các pháp chẳng phải có
 Nắm lấy được cái gì ?
 Các pháp chẳng phải có
 Không có không thể lấy
 Pháp đã bất khả đắc
 Thời nắm lấy nơi đâu ?
 Nếu chẳng rõ các pháp
 Tự tánh bất khả đắc
 Người nầy duyên theo tướng
 Chẳng được đà la ni.
 Các pháp như hư không
 Nên diễn thuyết khai thị
 Hư không và khai thị
 Cả hai vô sở hữu.
 Hai thứ nầy là không
 Các pháp cũng là không
 Hiểu pháp được như vậy
 Người nầy được tổng trì.
 Rõ biết không sơ thỉ
 Chẳng phân biệt trung hậu
 Các pháp rời phân biệt
 Tất cả đều là không
 Nếu đã không cứng thật
 Chẳng thật chẳng phải có
 Cứ chơn lý các pháp
 Nắm lấy đâu thể được !
 Rõ các pháp như vậy
 Tự tánh vô sở hữu
 Nay Phật lược nói họ
 Được tổng trì thanh tịnh
 Các pháp như hư không
 Cũng rỗng đồng hư không
 Dùng huệ tường quan sát
 Người nầy được tổng trì
 Các pháp vô sở hữu
 Chẳng sanh cũng chẳng khởi
 Không có không thể lấy
 Thế nào nắm lấy được
 Tất cả pháp vô tướng
 Tự tánh không hí luận
 Tất cả đều ly tướng
 Thuyết pháp vô sở hữu
 Nếu hiểu được như vậy
 Đúng thật lý các pháp
 Người nầy vô phân biệt
 Mà là nắm lấy được
 Tự tánh của các pháp
 Vì không nên bất đắc
 Rõ nghĩa vô sở hữu
 Người nầy được tổng trì
 Nếu quán sát như vậy
 Không nhiễm tất cả pháp
 Trí không vô phân biệt
 Người nầy nắm được pháp
 Nghĩa không, nghĩa vô thường
 Nghĩa yểm ly, nghĩa khổ
 Nếu dùng huệ hiểu rõ
 Người nầy trí thêm lớn
 Thị thuyết vô sở thủ
 Nghĩa Niết Bàn như lý
 Gìn tâm vô phân biệt
 Cũng chẳng phân biệt pháp
 Do đây nhận rõ được
 Các pháp chẳng bền chắc
 Là không vô sở thủ
 Tịch tịnh, không, khó thấy
 Hiểu pháp xong diễn thuyết
 Diễn thuyết vô phân biệt
 Vô trước vô phân biệt
 Trì được pháp môn nầy
 Nếu hiểu pháp tướng rồi
 Rõ được là vô tướng
 Người nầy nơi các pháp
 Chẳng có tưởng xả ly
 Người nầy rõ được nghĩa
 Pháp của Phật đã nói
 Nghĩa lý rất bí mật
 Người nầy hiểu theo Phật
 Nếu quán sát đúng lý
 Tất cả pháp vô lượng
 Xa lìa các số lượng
 Hiểu được nghĩa lý nầy
 Nếu quán sát các pháp
 Không danh và không tướng
 Rõ thấu được nghĩa nầy
 Trí người này thêm lớn
 Rõ nghĩa pháp môn này
 Quán sát được đúng lý
 Trong nghĩa lý các pháp
 Người nầy không nghi hoặc
 Nếu dùng huệ quán sát
 Tướng của tất cả pháp
 Quyết định hiểu rõ đó
 Người nầy chứng vô tướng.
 Đối với nghĩa lý nầy
 Hiểu rõ khéo an trụ
 Được vô úy như vậy
 Mau chứng được Phật Pháp
 Chẳng hí luận nơi pháp
 Bình đẳng vô phân biệt
 Tương ưng hiểu pháp rồi
 Không lầm nghĩa yểm ly
 Tịch diệt vô phân biệt
 Tịch tịnh dứt các uẩn
 Bình đẳng với các pháp
 Được biện tài đúng lý
 Tu tập được từ bi
 Lợi ích các chúng sanh
 Khéo tương ưng an trụ
 Hiểu được đạo vô thượng
 Nếu rời tướng chúng sanh
 Hiểu được pháp vô ngã
 Cùng nghĩa không hí luận
 Thật lý chẳng hí luận
 Nếu nghe pháp nầy rồi
 Được lòng tin thanh tịnh
 Người nầy sẽ gặp Phật
 Di Lặc Lưỡng Túc Tôn.
 Họ làm ta vui mừng
 Ở trong chúng hội nầy
 Nghe hiểu được pháp đây
 Làm được bực hiền thiện
 Người kính mến Như Lai
 Thì tất không phá hoại
 Do nghe được pháp nầy
 Được bực hiền thiện mến.
 Nếu ở trong hiền kiếp
 Muốn được thấy chư Phật
 Tu học pháp môn nầy
 Chư Phật đều hoan hỷ
 Muốn thấy Vô Lượng Thọ
 Cùng Phật A Súc Bệ
 Oai quang đại danh xưng
 Phải học pháp môn nầy.
 Nếu muốn thành Bồ đề
 Pháp tịch tịnh tối thắng
 Hoặc cầu ngôi Chuyển Luân
 Phải học pháp môn nầy.
 Nếu muốn cầu vô thượng
 Môn thiện xảo tổng trì
 Phải học pháp môn nầy
 Tinh tấn chớ phóng dật.
 Nếu muốn thành nguyện lớn
 Rộng tối thượng thù thắng
 Cầu chứng được Bồ đề
 Pháp môn nầy phải học.
 Pháp môn đà la ni
 Phật nói trong kinh nầy
 Là ấn pháp vô thượng
 Khai thị được các pháp.
 Thật nghĩa trong các pháp
 Dùng tổng trì khai thị
 Pháp môn hư không nầy
 Giải quyết nghĩa vô biên.
 Pháp nầy khai thị được
 Những thiện pháp đã nói
 Nghĩa tổng trì thiẹân xảo
 Do sức đà la ni.
 Tổng trì là trí huệ
 Trì được tất cả pháp
 Nghĩa tổng trì thiện xảo
 Dùng huệ rõ biết được.
 Nơi đây giải thích nhiều
 Đã nói rõ Phật Pháp
 Dùng nghĩa để khai thị
 Đạo Bồ đề Vô thượng.
 Trí sai biệt thiện xảo
 Chánh khai thị pháp nầy
 Nếu học tập pháp nầy
 Chứng Bồ đề Vô thượng.
 Khai thị văn pháp nầy
 Pháp môn lành vô thượng
 Được trí phương tiện rồi
 Nên diễn thuyết pháp nầy.
 Chưa từng nói chủng tánh
 Vô thượng của các pháp
 Nơi nghĩa nầy phải học
 Khai thị pháp cam lồ.
 Người trí nếu muốn cầu
 Trí vô ngại của Phật
 Nếu học tập nghĩa nầy
 Sẽ được trí vô thượng.
 Thuở quá khứ xa xưa
 Vô lượng vô số kiếp
 Nếu chẳng học pháp nầy
 Ta chẳng chứng tịch diệt.
 Do ta từng cúng dường
 Vô lượng trăm ngàn Phật
 Do đây rõ biết được
 Diễn thuyết pháp vô thượng.
 Ta vì các chúng sanh
 Làm vô biên lợi ích
 Các ông cũng nên làm
 Sẽ được tổng trì nầy.
 Nếu có thể rõ biết
 Pháp ấn đà la ni
 Người trí do một câu
 Vào được pháp môn nầy.
 Phật trí huệ vô thượng
 Cũng không có số lượng
 Do Phật đủ trí huệ
 Khai thị được pháp nầy.
 Người trí cầu nơi đây
 Liền rõ nghĩa Bồ đề
 Nghĩa của pháp môn nầy
 Nên học pháp vô úy.
 Người trí nếu muốn cầu
 Tánh trí huệ rộng lớn
 Tôn trọng cung kính Phật
 Phải học pháp môn nầy.
 Nếu muốn chuyển pháp luân
 Và thổi pháp loa lớn
 Người trí đúng chơn lý
 Cần học pháp môn nầy.
 Nếu muốn phóng quang minh
 Soi khắp vô biên tế
 Lúc mong cầu Phật Pháp
 Phải học đúng pháp nầy.
 Với trời, người, thế gian
 Nếu muốn làm thiện thủ
 Phải cần học kinh nầy
 Quyết định tất cả pháp.
 Muốn cầu trí rộng lớn
 Phát khởi các công đức
 Thích cầu trí huệ Phật
 Phải học theo pháp nầy
 Muốn học theo pháp môn
 Thích cầu trí huệ Phật
 Vô thượng không hí luận
 Phải học nghĩa lý nầy.
 Nếu muốn thích khai thị
 Vô ngại trí thuyết pháp
 Tu học pháp nầy rồi
 Sẽ nói pháp cam lộ.
 Nếu muốn soi muôn ức
 Vô lượng vô biên cõi
 Người nầy phải khéo tu
 Giáo pháp của kinh nầy.
 Pháp môn vô thượng đây
 Sạch trừ được các pháp
 Trong kinh nầy đã nói
 Tất cả pháp thanh tịnh.
 Đấng chủng trí Thế Tôn
 Diễn thuyết pháp rộng lớn
 Vì Bồ Tát mà nói
 Kinh nầy là vô thượng.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Do đây nên Bồ Tát sau khi ưa thích giáo pháp nầy rồi, vì nhiếp thọ pháp nầy cho được còn lâu, lại vì thương xót chúng sanh, thời nên biên chép, thọ trì, đọc tụng.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu có người được nghe pháp nầy, thường có quan niệm kính mến Như Lai, những người nầy sẽ đượcvô biên pháp tạng của Như Lai, sẽ được các môn đà la ni và đầy đủ biện tài, mau được tự tại đối với tất cả pháp, sẽ nhiếp thọ đầy đủ Phật độ trang nghiêm bất tư nghì, chúng Bồ Tát và chúng Thanh Văn cũng bất tư nghì.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Nếu chư Bồ Tát an trụ nơi tất cả pháp không hí luận do môn thanh tịnh đà la ni, nên các pháp môn thường được hiện tiền, nhiếp thọ được công đức thù thắng bất tư nghì.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Đây là môn thanh tịnh đà la ni thứ ba.

 Thời kỳ sau đây, nếu chư Bồ Tát muốn theo Phật để học pháp môn đà la ni nầy, thời phải gần gũi thiện hữu, xa lìa ác hữu, ủng hộ các pháp môn nầy, trọn đời thọ trì pháp ấn thanh tịnh đà la ni, dầu phải bỏ thân mạng.

 Ví như trăng tròn đêm rằm tháng tám chiếu sáng rực rỡ hơn tất cả tinh tú. Ba pháp ấn đà la ni nầy, quang minh rất sáng suốt trong tất cả khế kinh cũng như vậy. Chư Bồ Tát do tôn trọng pháp môn nầy nên được vô lượng biện tài. Vô lượng biện tài đây chính là bực bất phóng dật. Những gì là bực bất phóng dật ? Nghĩa là nơi những pháp nầy tư duy quán sát đúng như lý, chẳng sanh vọng niệm do đây có thể làm cho chí nhẫn được thanh tịnh. Chư Bồ Tát tinh tấn cầu bực bất phóng dật thời phải khéo tu tập pháp môn nầy. Vì muốn cho pháp nầy được còn lâu, nên tâm thường khiêm hạ tôn trọng chánh pháp, biên chép quyển kinh chẳng rời nơi tay. Thấy người có chí mong cầu pháp nầy, phát tâm hướng đến đại Bồ đề, thời phải vì họ khai thị diễn thuyết bảo họ đọc tụng biên chép, đúng theo nghĩa mà giải thích cho họ, chẳng nên ẩn giấu pháp môn cưa mình đã thọ trì. Phải nguyện cho chúng sanh được Phật Pháp Vô thượng nầy, phải làm cho tất cả chúng sanh thường chẳng khuyết giảm các Phật Pháp. Chư Bồ Tát nầy chẳng lẩn pháp, thường thích đem ban bố cho người, nơi nghĩa lý chẳng giấu giếm, đều vì người diễn giải, không có chút pháp gì mà chẳng khai thị.

 Nầy Vô Biên Trang Nghiêm ! Vì an lạc lợi ích các chúng sanh, các ông phải thọ trì pháp môn thanh tịnh đà la ni nầy ».

 Lúc bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo Tôn giả A Nan Đà rằng : « Ông nên thọ trì pháp môn nầy. Hàng đệ tử kính thờ ta, cũng phải thọ trì kinh điển nầy ».

 A Nan bạch Phật rằng : “ Thế Tôn ! Do thần lực của Phật, tôi đã thọ trì. Do tôi thành tựu pháp môn nầy nên vô lượng pháp môn đều được hiện tiền ».

 Phật nói : “Đúng như lời ông. Nầy A Nan ! Do oai lực của Phật và vì pháp môn nầy khắp thanh tịnh, nên những người thọ trì pháp môn nầy, những người gần gũi ta thọ trì được pháp nầy, thời vô lượng pháp môn đều được hiện tiền.

 Do đây ông phải thọ trì vô lượng pháp tạng của Như Lai ».

 Lúc Phật nói pháp nầy rồi, trong pháp hội, vô lượng Bồ Tát chứng được đại pháp quang minh. Do được pháp quang nên vô lượng pháp môn của chư Phật nói đều được hiện tiền, được gần nhứt thiết chủng trí, được thành tựu những nguyện cầu thù thắng trang nghiêm.

 Phật bảo A Nan : “ Ông xem bổn tánh của các pháp rất sâu như vậy. Như Lai có thể ở nơi pháp không danh tướng mà diễn thuyết danh tướng, lại có thể khai thị bổn tánh của các pháp, lại cũng trừ sạch làm cho được thấy thanh tịnh. Dầu rằng nói các pháp nhưng không pháp gì là có thể nói và cũng không người hay nói.

 Nầy A Nan ! Nếu có thể quan sát pháp tánh như vậy thì có thể phát sanh được vô lượng trí huệ ».

 Lúc Phật nói pháp nầy, vô sốâ Bồ Tát chứng vô sanh pháp nhẫn. Vô lượng chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề.

 Lúc bấy giờ đức Thế Tôn gia trì môn đà la ni nầy, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới của chư Phật. Do ánh sáng nầy, chư Bồ Tát ở các thế giới kia đều được nghe môn đà la ni nầy, được thành thục pháp phần Bồ đề. Trong những thế giới đó lại có vô lượng chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề. Lúc đó tất cả chúng sanh đều được an lạc.

 Chư Thiên rưới hoa trời, ở giữa đại hội xướng lên rằng : Nguyện tất cả chúng sanh đồng được Phật huệ.

 Chư Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Pháp môn nầy tên gọi là gì ? Chúng tôi phải phụng trì thế nào ? ».

 Phật nói : « Pháp môn nầy hiệu là Đà La Ni Vương, gọi là Đà La Ni Aán, cũng gọi là Tam Phẩm Nhiếp Trì Thiện Xảo. Các ông phải phụng trì. Đây là pháp môn thiện xảo vô biên biện tài nhiếp tất cả nghĩa. Do pháp môn nầy mà chiếu rõ được tất cả pháp, dứt tất cả nghi. Do đây nên chư Bồ Tát phải phụng trì pháp môn nầy ».

 Lúc bấy giờ vì cúng dường pháp nên tất cả đại chúng dùng hoa ngũ sắc rải lên Phật.

 Phật nói kinh nầy rồi, chư đại Bồ Tát, toàn thể chúng hội và Trời, Người, Bát bộ, nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

 PHÁP HỘI VÔ BIÊN TRANG NGHIÊM -
 THỨ HAI
 HẾT
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1466)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84000)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 5951)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 7742)