Giới Thiệu Tổng Quát

18 Tháng Mười 201710:52(Xem: 7448)

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

I

THÂN  PHẬN  CON  NGƯỜI

 

GIỚI  THIỆU TỔNG QUÁT

 

          Như giáo lý của các tôn giáo khác, giáo lý của Đức Phật khởi đầu là một đáp ứng trước những mối lo âu căng thẳng ngay trong cốt lõi của thân phận con người. Những gì giúp chúng ta phân biệt giáo lý của Đức Phật với các tôn giáo khác trong cách tiếp cận đối với thân phận con người chính là cái nhìn  trực tiếp, thấu suốt, và thực tiển không khoan nhượng  của Ngài trước các mối lo âu căng thẳng đó. Đức Phật không trao truyền chúng ta những biện pháp làm giảm nhẹ cơn đau tạm thời bên ngoài và để yên những căn bệnh vẫn tiềm ẩn bên dưới, mà Ngài đã truy đến tận những nguyên nhân sâu xa nhất của những căn bệnh liên hệ đến sự  hiện hữu của chúng ta, rất dai dẳngtai hại, và chỉ dẫn cho chúng ta làm thế nào để hoàn toàn nhổ bật chúng tận gốc rễ. Tuy nhiên, trong lúc chánh pháp cuối cùng sẽ đưa đến trí tuệ để xóa bỏ mọi nguyên nhân khổ đau, chánh pháp không bắt đầu từ đó, mà  bắt đầu bằng những quan sát về thực tại hiển nhiên của kinh nghiệm sống hằng ngày. Ở đây cũng vậy, tính cách trực tiếp, thấu suốt, và thực tiển là rất rõ ràng. Lời giảng dạy bắt đầu bằng cách kêu gọi chúng ta phát triển một khả năng gọi là như lý tác ý (sự chú tâm cẩn  thận )( yoniso manasikāra). Đức Phật yêu cầu chúng ta chấm dứt thái độ tiếp tục thờ ơ vô tâm trong cuộc sống, thay vào đó cần phải chú tâm cẩn thận đến những sự thật đơn giản đang có mặt khắp nơi, và đang đòi hỏi sự quan tâm bền vững mà chúng xứng đáng được hưởng.

          Một trong những sự thật rõ ràng không thể trốn tránh được, và cũng là một trong số những sự thật khó nhất để chúng ta công nhận một cách trọn vẹn, đó là, chúng ta bị trói  buộc bởi tuổi già, bệnh, rồi chết. Người ta thường cho rằng Đức Phật kêu gọi chúng ta công nhận  thực tại của tuổi già và cái chết là để động viên chúng ta đi vào con đường  xuất gia đưa  đến Niết Bàn, giải thoát hoàn toàn khỏi vòng luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, trong lúc đây có thể là ý định tối hậu của Ngài, nó không phải là đáp ứng đầu tiên Ngài dùng để gợi ý cho chúng ta khi chúng ta tìm đến Ngài để xin hướng dẫn. Đáp ứng ban đầu Đức Phật dự định gợi ý cho chúng ta là một đáp ứng đạo đức. Bằng cách kêu gọi sự chú ý của chúng ta về hệ lụy của tuổi già và cái chết, Ngài muốn khơi nguồn cảm hứng để chúng taquyết tâm vững chắc là tránh xa những lối sống bất thiện và thay vào đó là mở lòng đón nhận một lối sống thiện lành.

          Một lần nữa, lời kêu gọi đạo đức ban đầu của Đức Phật không những chỉ đặt nền tảng trên một tình cảm từ bi đối với người khác, mà còn là mối quan tâm sâu xa đối với  an vui hạnh phúc của chính chúng ta. Ngài cố gắng làm cho chúng ta thấy rằng hành động theo đường lối đạo đức sẽ giúp chúng ta bảo đảm được sự an vui của chính chúng ta ngay trong hiện tại và cả trong tương lai dài hạn nữa. Lập luận của Ngài dựa vào nhận định quan trọng là hành động mang lại hậu quả. Nếu chúng ta cần phải thay đổi những cách hành xử quen thuộc của mình, giá trị của nguyên lý này phải thuyết phục được chúng ta. Nói rõ hơn, để thay đổi một lối sống trống rỗng buồn chán do mình tạo ra thành một lối sống thật sự hửu ích và mãn nguyện trong tâm, chúng ta phải ý thức được rằng hành động của chúng ta đem lại hậu quả cho chính chúng ta, những hậu quả có thể tác động lại chúng ta trong đời này và những đời sau.

          Ba bài kinh tạo nên phần đầu của chương này xác nhận điểm này một cách hùng hồn, mỗi bài theo cách riêng của nó. Kinh Văn  I,1,(1) đã diễn đạt thật rõ ràng qui luật không thể tránh được là tất cả mọi chúng sanh đã sinh ra thì phải trải qua giai đoạn già và chết. Mặc dù thoạt nhìn bài kinh có vẻ như chỉ nói lên một sự kiện của thiên nhiên, bằng cách đưa ví dụ về những thành phần thuộc giai cấp thượng lưu của xã hội ( như những lãnh chúa giàu có, những người thuộc giai cấp Bà-la-môn và các gia chủ) và những vị A-la-hán đã đắc quả giải thoát, bài kinh  ám chỉ  một thông điệp đạo đức tế nhị trong lời kinh. Kinh Văn I,1,(2) đưa ra thông điệp này rõ ràng hơn với ví dụ ngọn núi rất ấn tượng, để đưa đến điểm chính là  khi ‘’tuổi già và cái chết đang đến với chúng ta”, nhiệm vụ của chúng ta trong đời  là sống chơn chánh và làm những hành động thiện lành và phước đức. Bài kinh về ‘’ những thiên sứ ” – Kinh Văn  I,1,(3) – xác nhận hậu quả của việc này: khi chúng ta không nhận ra ‘ những thiên sứ ” này trong chúng ta, khi chúng ta bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo về tuổi già, bệnh tật và cái chết, chúng ta trở nên xao lãng và hành động vô ý thức, tạo nên những ác nghiệp với tiềm năng đem lại những hậu quả đáng sợ.

          Việc nhận thức được rằng chúng ta bị trói buộc bởi tuổi già và cái chết sẽ phá vỡ niềm đam mê say đắm dục lạc, tài sản, quyền lực vẫn ám ảnh chúng ta. Điều này đánh tan lớp sương mù của nỗi hoang mang và là động lực thúc đẩy chúng ta đặt lại những mục đích của mình trong cuộc sống. Chúng ta có thể sẽ không sẵn sàng từ bỏ gia đìnhtài sản để sống cuộc đời lang thang không gia đìnhđộc cư thiền định, đây không phải là một sự lựa chọnĐức Phật thường mong đợi ở các đệ tử tại gia. Như đã nói ở trên, bài học đầu tiên Ngài rút ra từ  thực tếcuộc đời chúng ta sẽ chấm dứt bằng tuổi già và cái chết, là một bài học về đạo đức xen lẫn với hai nguyên lý đi đôi với nhau là Nghiệp và Tái sinh. Luật nghiệp quả xác định rằng những hành động thiện và bất thiện của chúng ta mang lại những hậu quả trải dài đến tận kiếp sau: những hành động bất thiện đưa đến việc tái sinh vào các cõi đọa đày và đem đến khổ đau bất hạnh trong tương lai; và những hành động thiện đưa đến tái sinh vào cõi an lành và đưa đến  tương lai hạnh phúc an vui. Vì chúng ta rồi sẽ phải già và chết, chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng bất cứ sự hưng thịnh nào chúng ta hưởng trong hiện tại cũng chỉ tạm thời. Chúng ta chỉ có thể vui hưởng chúng khi chúng ta còn trẻ và khỏe mạnh; và khi chúng ta chết, những nghiệp chúng ta mới tạo sẽ có cơ hội chin muồi và cho ra những hậu quả của chúng. Lúc đó chúng ta phải gặt hái những quả do hành động chúng ta đã tạo ra.  Với tầm mắt hướng về nguồn an vui lâu dài trong tương lai, chúng ta phải hết sức thận trọng tránh những hành động bất thiện đưa đến kết quả khổ đau và tinh tấn dấn thân vào các hành động thiện đem lại hạnh phúc cho đời sống hiện tại và tương lai.

          Trong phần hai, chúng ta sẽ khám phá ba phương diện của kiếp người mà tôi đã tập hợp lại dưới chủ đề “Những Khổ Đau của Lối Sống Phóng Dật”. Những kiểu khổ đau này khác với những khổ đau liên hệ đến tuổi già và cái chết trên một phương diện quan trọng. Tuổi già và cái chết  ràng buộc với sự hiện hữu của thân và như vậy là không thể tránh được,  là đặc điểm chung cho cả người thường và các bậc A-la-hán đã được giải thoát – một điểm được chỉ rõ trong bài kinh đầu tiên của chương này. Trái lại, ba bài được đưa vào chương này đã phân biệt giữa người thường, gọi là “ kẻ vô văn phàm phu”( assutavā  puthujjana), đệ tửtrí tuệ của Đức Phật gọi là “bậc thánh đệ tử”( sutavā ariyasāvaka).

          Điểm đầu tiên trong những khác biệt đó, được rút ra từ Kinh Văn 1, 2 (1), xoay quanh việc phản ứng đối với những cảm thọ khổ đau. Kẻ vô văn phàm phu và bậc thánh đệ tử đều có những cảm thọ đau khổ về thân, nhưng họ có phản ứng khác nhau đối với các cảm thọ đó. Kẻ vô văn phàm phu phản ứng bằng sự chán ghét tức giận và như vậy, thêm vào sự đau đớn về thân, họ còn trải nghiệm cảm giác đau khổ trong tâm như : buồn rầu,  tức giận, hay tuyệt vọng. Đối với bậc thánh đệ tử, khi phải chịu những đau đớn về thân, các vị ấy kiên nhẫn chịu đựng, không buồn rầu, tức giận hay tuyệt vọng. Người ta thường cho rằng đau đớn về thân và tâm  liên hệ với nhau không thể tách rời được, nhưng Đức Phật đã phận biệt rõ ràng ranh giới của hai trạng thái này. Ngài khẳng định rằng trong lúc sự hiện hữu của thân bị ràng buộc với nỗi đau thể xác không thể tránh được, nỗi đau ấy không nhất thiết phải châm ngòi cho những phản ứng về mặt cảm xúc trong tâm như đau đớn, sợ hãi, tức giận hay tuyệt vọngchúng ta thường có thói quen phản ứng. Qua việc rèn luyện tâm thức chúng ta có thể phát triển chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng cần thiết để có thể chịu đựng được những đau đớn thể xác một cách can đảm, với lòng nhẫn nhục và tâm xả. Qua sự hiểu biết sâu sắc, chúng ta có thể phát triển tuệ giác đủ để vượt thắng được nỗi sợ hãi về những cảm thọ đau đớn và nhu cầu đi tìm giải khuây trong những trò phóng dật quá độ của dục lạc giác quan.

          Một phương diện khác của đời người làm cho sự khác biệt giữa kẻ vô văn phàm phu và bậc thánh đệ tử trở nên rõ ràng là sự thăng trầm luôn thay đổi của vận mệnh con người. Các bài kinh Phật đã rút gọn trong bốn cặp đối nghịch nhau, được biết như là ‘tám hoàn cảnh của cuộc đời ( attha lokadhamma ); đó là được- thua, danh thơm-tiếng xấu, khen-chê, sướng-khổ. Kinh Văn I, 2 (2) chứng tỏ cho ta thấy kẻ vô văn phàm phu và bậc thánh đệ tử khác nhau như thế nào trong phản ứng của họ trước những đổi thay ấy. Trong lúc kẻ vô văn phàm phu  vui sướng khi thành công trong việc đạt được thắng lợi, danh vọng, lời khen và khoái lạc, và khổ sở khi đối diện với những hoàn cảnh ngược lại, thì bậc thánh đệ tử vẫn không bị dao động. Bằng cách áp dụng hiểu biết về vô thường cho hoàn cảnh thuận lợi và không thuận lợi, bậc thánh đệ tử có thể an trú với tâm xả, không tham đắm trước hoàn cảnh thuận lợi, và không ghê sợ trước hoàn cảnh không thuận lợi. Các bậc thánh đệ tử ấy từ bỏ thích và không thích, buồn rầutuyệt vọng, và cuối cùng đạt được ân phước tối thượng: hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau.

          Kinh Văn I, 2 (3) quan sát số phận của kẻ vô văn phàm phu ở một tầm mức sâu xa hơn nữa. Bởi vì kẻ vô văn phàm phu có những tri giác sai lầm về sự vật, họ bị dao động trước những đổi thay, nhất là khi những đổi thay ấy có ảnh hưởng đến thân và tâm của họ. Đức Phật sắp xếp những thành phần của thân và tâm thành năm loại được biết như là ‘năm uẩn đối tượng của chấp thủ ’: sắc, thọ, tưởng, hành, thức . Năm uẩn này là những khối vật liệu điển hình mà chúng ta dùng để xây dựng cảm giác về bản sắc cá nhân của chúng ta, chúng là những cái mà chúng ta bám chặt vào và xem như là ‘của ta’, là ‘ta’, là ‘tự ngã của ta’. Bất cứ cái gì chúng ta nhận diện là mình, bất cứ cái gì chúng ta cho là cái ngã hay những sở hữu của cái ngã, tất cả đều có thể xếp vào năm uẩn đó. Như vậy năm uẩnnền móng tối hậu của “sự nhận diện’’ và ‘’sự sở hữu’’, hai hoạt động căn bản theo đó chúng ta thiết lập cảm giác về bản ngã. Vì chúng ta bỏ rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng  khái niệm về bản ngã và bản sắc cá nhân với mối quan tâm cảm xúc rất lớn, nên khi những đối tượng mà chúng gắn bó - là năm uẩntrải qua những thay đổi, tự nhiên chúng ta cảm thấy lo âusầu khổ. Trong tri giác của chúng ta, đó không chỉ là những hiện tượng khách quan đang thay đổi, mà chính bản sắc của chúng ta, cái bản ngã yêu quý của chúng ta cũng thay đổi, và đó là điều chúng ta sợ hãi nhất. Tuy nhiên, như bài kinh này đã chứng tỏ, bậc thánh đệ tử với trí tuệ đã thấy rõ bản chất hư vọng của tất cả khái niệm về một cái ngã thường hằng nên không còn nhận diện nó với năm uẩn. Vì thế, bậc thánh đệ tử có thể đối đầu với đổi thay mà không quan ngại lo âu, không bị dao động khi đối diện với đổi thay, suy tàn  và hoại diệt.

          Lo âu dao động và hoang mang sợ hãi làm con người đau khổ không những ở mức độ cá nhân riêng tư, mà còn ảnh hưởng đến những giao tiếp của chúng ta về mặt xã hội. Từ thời đại cổ sơ nhất, thế giới của chúng ta vẫn luôn luôn là một môi trường xung độtđối đầu dữ dội. Tên gọi, nơi chốn, và dụng cụ hủy diệt có thể thay đổi, nhưng những lực đẩy đằng sau, những động cơ, những biểu hiện của tham, sân, si vẫn hầu như bất biến. Các bộ kinh  Nikaya chứng thực rằng Đức Phật đã nhận thức rất rõ về chiều hướng này của thân phận con người. Mặc dù những lời dạy của Ngài, trước tiên nhằm mục đích đạt được giác ngộ giải thoát cá nhân, với sự nhấn mạnh đến kỷ luật tự giác về đạo đức và tự rèn luyện tâm thức, Đức Phật cũng tìm cách trao truyền cho mọi người một nơi trú ẩn để tránh khỏi bạo động và bất công, đã gây nên nhiều đau khổ cho đời sống con người bằng nhiều cách thức rất tàn bạo. Điều này rõ ràng trong sự nhấn mạnh của Ngài về lòng từ bi, thương xót chúng sanh và không gây tổn hại trong hành động, từ ái trong lời nóiôn hòa giải quyết mọi  tranh chấp .

          Phần ba của chương này gồm có bốn bài kinh nói về những cội rễ tiềm ẩn bên dưới xung đột bạo động và bất công. Chúng ta có thể thấy trong những bài kinh ấy Đức Phật không đòi hỏi thay đổi những cấu trúc xã hội bề ngoài. Ngài chứng minh rằng những hiện tượng đen tối đó chỉ là phóng ảnh bên ngoài của những khuynh hướng bất thiện trong tâm thức con ngườivì vậy Ngài chỉ rõ nhu cầu cần thay đổi nội tâm con người như là điều kiện song song để thiết lập hòa bình và công bằng xã hội. Mổi bài trong số bốn bài kinh được đưa vào trong phần này đã truy ra nguyên nhân của những xung đột, bạo động, áp bức chính trị, và bất công kinh tế, mỗi bài có cách thức riêng để xác định vị trí của những nguyên nhân đó trong tâm con người.

          Kinh Văn I, 3 (1) giải thích xung đột giữa những người tại gia xuất phát từ những bám víu vào dục lạc giác quan, xung đột giữa các vị khổ hạnh xuất phát từ dính mắc về kiến chấp. Kinh Văn I, 3 (2) là một cuộc đàm thoại giữa Đức Phật và Sakka, một vị trời cai trị chư thiên thời tiền Phật giáo Ấn độ, bài kinh vạch ra căn nguyên của sân si và thù hận là từ lòng đố kỵkeo kiệt ; rồi từ đó Đức Phật truy ra nguồn gốc của chúng từ những lệch lạc cơ bản đã ảnh hưởng đến cách thức tri giác và các họat động tinh thần tiếp nhận thông tin từ các giác quan. Kinh Văn I, 3 (3) cho chúng ta một phiên bản khác của chuổi nhân duyên nổi tiếng, bắt  đầu từ thọ, đến ái, và từ ái qua các nhân duyên khác để đi đến việc “  sử dụng gậy gộc và vũ khí ” và những kiểu hành xử bạo động khác. Kinh Văn I, 3 (4) mô tả bằng cách nào mà tam độc -  tham, sân, si – đem lại những hậu quả kinh khủng cho toàn xã hội, phát sinh thành bạo động, khao khát quyền lực và những tổn thương đau khổ do bất công gây ra. Tất cả bốn bài kinh đều ngụ ý rằng bất cứ sự chuyển hóa xã hội lâu dài và có ý nghĩa nào cũng đòi hỏi những thay đổi đáng kể về đạo đức nội tâm  của cá nhân con người; vì bao lâu mà tham sân si vẫn  lan tràn như những yếu tố quyết định cách hành xử, thì  hậu quả nhất định sẽ đưa đến tai hại triền miên .

          Lời dạy của Đức Phật nói đến một phương diện thứ tư của thân phận con người, không giống ba phương diệnchúng ta vừa khảo sát, không được chúng ta trực tiếp nhận biết ngay. Đây là sự ràng buộc của chúng ta với vòng sinh tử luân hồi. Từ những bài kinh được chọn lọc để đưa vào trong phần cuối của chương này, chúng ta thấy Đức Phật dạy rằng quảng đời của mỗi cá nhân chúng ta chỉ là một giai đoạn trong chuổi tái sinh đã tiếp diễn từ vô thủy. Chuổi tái sinh này gọi là vòng luân hồi (samsara), một từ Pali gợi ý về một sự lang thang vô định. Dù chúng tatìm kiếm một điểm bắt đầu của vũ trụ xa tận đâu đi nữa, chúng ta vẫn không bao giờ tìm ra thời điểm đầu tiên vũ trụ hình thành. Dù chúng ta có truy tìm chuổi đời sống liên tục của một cá nhân xa tận đâu đi nữa, chúng ta cũng không bao giờ tìm thấy điểm đầu tiên. Theo Kinh Văn I, 4 (1) và I, 4 (2), thậm chí nếu chúng ta truy tìm chuổi đời sống liên tục của cha mẹ chúng ta xuyên qua các hệ thống thế giới, chúng ta chỉ có thể bắt gặp thêm nhiều cha mẹ nữa trải dài đến tận những chân trời xa xăm.

          Hơn nữa, tiến trình này không những không có điểm bắt đầu, mà cũng có tiềm năng không có điểm kết thúc. Bao lâu vô minhái dục vẫn còn nguyên vẹn, thì tiến trình này vẫn tiếp tụcthời hạn trong tương lai mà không thấy có điểm kết thúc. Đối với Đức PhậtPhật giáo Nguyên Thủy, trên tất cả mọi thứ, đây là điểm xác định sự khủng hoảng trong cốt lõi của thân phận con người: chúng ta bị trói buộc vào một chuổi tái sinh, và sự trói buộc này không gì khác hơn là do vô minh và lòng ái dục của chính chúng ta. Sự lang thang vô định trong cõi luân hồi xảy ra trong một bối cảnh thuộc những chiều hướng mênh mông không thể nghĩ bàn của vũ trụ. Thời gian để một hệ thống thế giới hình thành, đạt đến mức phát triển tối đa, rồi đi đến suy tànhoại diệt được gọi là một kiếp (kappa). Kinh Văn I, 4 (3) cho chúng ta một ví dụ sống động về chiều dài của một kiếp; Kinh Văn I, 4 (4) là một ví dụ sống động khác để minh họa số kiếp không thể nào đếm được mà chúng ta đã lang thang trong đó.

          Vì con người lang thang phiêu bạt từ đời này sang đời khác, bị bao phủ trong sự tối tăm, nên họ mãi quanh đi quẩn lại trong vòng vô tận của sinh, già, bệnh chết. Nhưng vì  dục vọng cứ thúc đẩy họ đi tới trong cuộc săn đuổi không ngừng để được thỏa mãn, họ hiếm khi dừng lại đủ lâu và bước lui để quan tâm một cách thận trọng đến số phận hiện hữu của họ. Như trong Kinh Văn I, 4 (5) nói rõ, thay vào đó, họ cứ mãi xoay quanh “ ngũ uẩn” theo kiểu con chó với cái vòng dây buộc cổ cứ chạy loanh quanh cái trục hay cây cột. Vì vô minh đã ngăn cản không cho họ nhận ra được bản chất quái ác của thân phận họ, nên họ không thể thấy được những dấu chỉ của con đường giải thoát. Phần lớn con người sống đắm chìm trong việc hưởng thụ dục lạc giác quan. Một số khác bị thúc đẩy bởi nhu cầu có được quyền lực, địa vị, và danh vọng, nên cuộc đời cứ mãi chạy theo những nỗ lực vô vọng nhằm lấp đầy nỗi khát khao không bao giờ được thỏa mãn. Nhiều người khác, sợ hãi trở về với hư vô vào lúc chết, đã xây dựng những hệ thống tín điều chủ yếu giữ cho cá nhân họ, linh hồn họ một triển vọng về một đời sống vĩnh cữu. Một vài người mong muốn một con đường giải thoát nhưng không biết tìm ở đâu. Đức Phật đã xuất hiện giữa đời này chính xác là để trao truyền cho chúng ta con đường giải thoát đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3450)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10160)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4381)