5. Thiền Định

18 Tháng Mười 201712:03(Xem: 6266)

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

V

CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SANH TỐT ĐẸP

( The Way to a Fortunate Rebirth )

 

5.  THIỀN ĐỊNH

          (1) Phát Triển Tâm Từ

            - Này các Tỷ-kheo, cho dù dựa trên những lập luận  nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát   bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất cả công đức ấy và chiếu sáng,  tỏa sáng và rực sáng.

             Giống như ánh sáng của tất cả vì sao không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trăng vượt qua tất cả và tỏa sáng, chói sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận  nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm  từ vượt qua tất cả nền tảng ấy và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng.

             Giống như tháng cuối cùng của mùa mưa, vào mùa thu, bầu trời trong sáng và không có mây, mặt trời mọc xóa tan không gian tối tăm và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất cả công đức ấy và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng.

             Và giống như vào ban đêm, lúc trời bình minh, sao mai chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận nào nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức  ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất công đức ấy và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng.

                                                                        ( Kinh Itivuttaka 27; 19-21 )

 

(2)  Tứ Vô Lượng Tâm

            22. Thanh niên Bà-la-môn Subha, con của Todeyya, thưa với Thế Tôn:

            -  Thưa Tôn giả Gotama, con có nghe rằng Tôn giả biết con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.

            -  Này thanh niên, ngươi nghĩ thế nào ? Làng Nalakāra có gần đây không ?

            -  Thưa Tôn giả, làng Nalakāra ở gần đây, không xa nơi đây.

            - Này thanh niên, ngươi nghĩ thế nào ? Giả sử có một người sinh trưởng ở làng Nalakāra, ngay khi ông ta rời khỏi làng Nalakāra, có người hỏi ông ta về con đường đi đến làng Nalakāra. Người đàn ông ấy sẽ ngập ngừng hay do dự khi trả lời ?

            -  Thưa không, Tôn giả Gotama, Vì sao vậy ? Vì người ấy đã sinh trưởng ở làng Nalakāra, và đã quen thuộc với tất cả con đường đi đến làng đó.”

            -  Tuy vậy, một người sinh trưởng ở làng Nalakāra khi được hỏi về con đường đi đến làng Nalakāra, có thể sẽ còn ngập ngừng hay do dự lúc  trả lời, nhưng với Như Lai, khi được hỏi về thế giới Phạm thiên hay con đường đưa đến thế giới Phạm thiên, Như Lai sẽ không bao giờ ngập ngừng hay do dự lúc trả lời. Ta hiểu rõ Phạm thiên, hiểu rõ thế giới Phạm thiên, và hiểu rõ con đường đưa đến thế giới Phạm thiên, và ta hiểu rõ phải tu tập như thế nào để được tái sanh vào thế giới Phạm thiên.

            -  Thưa Tôn giả Gotama, con nghe nói rằng Sa môn Gotanma giảng dạy con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên. Sẽ tốt lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng cho con về con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.

            - Vậy thì, này thanh niên, hãy chú ý lắng nghe thật kỹ, ta sẽ nói.

            - Dạ vâng, thưa Tôn giả.

             Subha vâng đáp Thế Tôn. Và Thế Tôn giảng như sau:

            24. - Này thanh niên, thế nào là con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên ? Ở đây, một Tỷ kheo an trú với tâm từ tràn ngập chan hòa một phương, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư, trên, dưới, chung quanh , khắp nơi, đối với tất cả chúng sanh cũng như với chính mình, vị ấy an trú với tâm từ tràn ngập chan hòa khắp thế giới, sung mãn, hoan hỷ, vô lượng, không hận, không sân. Khi giải thoát bằng tâm từ được tu tập như vậy, thì không hành động có giới hạn nào còn  lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Giống như một người thổi tù và hăng say có thể làm cho mọi người khắp bốn phương  nghe đươc dễ dàng, cũng vậy, khi giải thoát bằng tâm từ được tu tập như vậy, thì không hành động có giới hạn nào còn lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây.(21) Đây là con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.

            25-27. - Lại nữa, này thanh niên Bà-la-môn, một Tỷ kheo an trú với tâm bi tràn ngập chan hòa …với tâm hỷ  tràn ngập chan hòa …với tâm xả tràn ngập chan hòa một phương, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư, trên, dưới, chung quanh , khắp nơi, đối với tất cả chúng sanh cũng như với chính mình, vị ấy an trú với tâm xả tràn ngập chan hòa khắp thế giới, sung mãn, hoan hỷ, vô lượng, không hận, không sân. Khi giải thoát bằng tâm xả được tu tập như vậy, thì không hành động có  giới hạn nào còn  lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Giống như một người thổi tù và hăng say có thể làm cho mọi người khắp bốn phương  nghe đươc dễ dàng, cũng vậy, khi giải thoát bằng tâm xả được tu tập như vậy, thì không hành động có giới hạn nào còn lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Đây là con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.

                                    ( Trung BK II, Kinh số 99: Kinh Subha, tr. 810-814 )

 

          (3) Tuệ quán thù thắng

            [ Đức Phật nói với ông Cấp-Cô-Độc ]:

            - Này gia chủ, thuở xưa, có một người Bà-la-môn tên là Velāma. Vị ấy bố thí rộng lớn như sau: 84,000 chén vàng chứa đầy bạc; 84,000 chén bạc chứa đầy vàng; 84,000 chén đồng chứa đầy thỏi quý  kim; 84,000 voi; cỗ xe, bò sữa, thiếu nữ, giường nằm, nhiều triệu thước vải mịn, và vô số thức ăn, nước uống, dầu thoa và tấm vải trải giường.

            Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, nhưng nếu có người bố thí cho một vị có chánh kiến, thì quả vị bố thí này còn rộng lớn hơn .(22) Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị có chánh kiến,  nếu người ấy bố thí cho một vị chứng quả Nhất Lai, thì quả vị bố thí  này còn rộng lớn hơn. Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị chứng quả Nhất Lai, nếu người ấy bố thí cho một vị chứng quả Bất Lai, thì quả vị  bố thí này còn rộng lớn hơn. Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị chứng quả Bất Lai, nếu người ấy bố thí cho một vị chứng quả A-la-hán, thì quả vị  bố thí này còn rộng lớn hơn. Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị chứng quả A-la-hán, thì quả vị  bố thí này còn rộng lớn hơn nếu người ấy bố thí cho một vị Độc Giác Phật. (23) Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị Độc Giác Phật., nếu người ấy bố thí cho Đức Phật, bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, thì quả vị  bố thí này còn rộng lớn hơn. … quả vị  này còn rộng lớn hơn nếu người ấy bố thí cho Tăng Đoàn do Đức Phật lãnh đạoxây dựng tinh xá cho Tăng Đoàn khắp bốn phương  … quả vị  này còn rộng lớn hơn nếu người ấy có lòng tịnh tínquy y Tam Bảo - Phật Pháp Tăng, và giữ gìn năm giới: từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu và các chất gây nghiện. Tất cả công đức này quả thật rộng lớn, và quả vị còn rộng lớn hơn nếu có người tu tập tâm từ chỉ trong khoảnh khắc bằng thời gian vắt sữa một con bò. Tất cả công đức  này quả  thật rộng lớn, và quả vị còn rộng lớn hơn nếu có người tu tập phát triển nhận thức vô thường chỉ bằng thời gian búng ngón tay.”

                                    ( Tăng Chi BK 9 :20, tóm lược; IV 393-96 )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3468)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10194)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4414)